Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách về ẩm thực đường phố tại TP. Huế
ThS. Nguyễn Minh Hiền
Đinh Thị Thanh Bình
Dư Anh Thơ
Khoa Kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Huế
Tóm tắt
Bài nghiên cứu nhằm phân tích và làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch về ẩm thực đường phố tại TP. Huế. Mô hình nghiên cứu phân tích các nhân tố được xây dựng dựa trên phương pháp phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và ước lượng sự ảnh hưởng dựa trên mô hình hồi quy bội (OLS). Tác giả thu thập số liệu điều tra từ 153 khách du lịch đến Huế trong năm 2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hài lòng của khách du lịch lần lượt là: Giá cả; Món ăn; Chất lượng dịch vụ; An toàn thực phẩm; Truyền thông và Cơ sở vật chất. Kết quả ước lượng của mô hình hồi quy đa biến cho thấy tất cả các nhân tố này đều có tác động thuận chiều, làm tăng mức độ hài lòng của du khách đối với du lịch ẩm thực đường phố Huế.
Từ khóa: TP. Huế; sự hài lòng của du khách; ẩm thực đường phố
This research aims to clarify determinants of tourist satisfaction with street food in Hue city. The research employs Cronbach's Alpha reliability analysis method, exploratory factor analysis (EFA) and multiple regression model (OLS) to estimate the influence of factors. Data was collected from 153 tourists visiting Hue in 2022. Research results find out 6 factors that directly affect tourist satisfaction, including Price; Cuisines; Service quality; Food safety; Communications and Facilities. The estimated results of the multivariate regression model show that all above factors have a positive impact on tourist satisfaction with Hue street food.
Keywords: Hue city; tourist satisfaction; streets food
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ẩm thực của điểm đến là một trong những điểm thu hút khách du lịch. Du lịch ẩm thực được coi là sản phẩm chính của ngành du lịch không những ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo báo cáo vào năm 2023 của Hiệp hội du lịch và lữ hành thế giới, quy mô thị trường du lịch ẩm thực toàn cầu trị giá 1,31 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ có giá trị 3,46 tỷ USD vào năm 2028 (WTTC, 2023).
Qua quá trình đổi mới của ngành du lịch qua các năm, ẩm thực đường phố ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch ẩm thực. Du lịch ẩm thực cho phép du khách phát triển mối quan hệ với ẩm thực địa phương, tìm hiểu về văn hóa, di sản và con người địa phương và quốc tế thông qua đồ ăn, đồ uống và dịch vụ trải nghiệm. Do sự giao thoa văn hóa được phổ biến rộng rãi khiến ẩm thực đường phố dần trở thành một yếu tố quan trọng trong trải nghiệm du lịch. Văn hóa ẩm thực đường phố giúp điểm đến có được danh tiếng và được xem như một tài nguyên du lịch văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách du lịch (Dương Kim Chuyển, 2021). Sự mở rộng của ngành du lịch, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng khách du lịch trên khắp thế giới, cũng như xuất hiện càng nhiều lễ hội ẩm thực đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa du lịch ẩm thực đường phố, dự kiến mảng du lịch này sẽ tăng trưởng nhanh chóng.
Đối với khách du lịch đến Huế, yếu tố ẩm thực là một trong những điểm hấp dẫn khiến du khách mong đợi được trải nghiệm. Trong số 3.000 món ăn của Việt Nam, món ăn Huế rất đa dạng, chiếm hơn 65%, bao gồm: ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian (Hữu Phúc, 2024). Cố đô Huế còn được biết đến với ẩm thực đường phố mang đậm nét địa phương, với các món ăn nổi tiếng, như: Bún bò Huế; Bánh canh Nam Phổ; Bánh lọc và Chè bột lọc bọc heo quay. Hơn nữa, nét đặc trưng của ẩm thực đường phố ở Huế là sự giao thoa với những món ăn Việt đến từ các vùng miền khác nhau, như: Phở đến từ Hà Nội hay Cao Lầu và Mỳ Quảng ở Hội An. Đẩy mạnh nền du lịch ẩm thực đường phố không chỉ phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra nguồn thu nhập lớn cho toàn xã hội. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư triệt để và hợp lí, ngành du lịch ẩm thực đường phố ở Huế vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả và còn nhiều thiếu sót trong việc làm thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, cho đến nay, chưa có nghiên cứu thực nghiệm đi sâu phân tích lĩnh vực ẩm thực đường phố nói chung, cũng như đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách khi đến Huế trên khía cạnh trải nghiệm ẩm thực đường phố nói riêng. Vì vậy, việc nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách về du lịch ẩm thực đường phố tại điểm đến là TP. Huế là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển của ngành du lịch ẩm thực tại TP. Huế.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Khái niệm ẩm thực đường phố
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) định nghĩa ẩm thực đường phố là “thực phẩm và đồ uống ăn liền được chế biến và/hoặc bán bởi những người bán hàng rong, đặc biệt là trên đường phố và những nơi tương tự khác”. Du lịch ẩm thực đường phố là một hình thức du lịch tập trung vào việc thưởng thức và khám phá ẩm thực địa phương, đặc biệt là các món ăn được chế biến và bán tại các khu vực đường phố. Đây là một trải nghiệm chân thực, gần gũi với lối sống và văn hóa địa phương, giúp du khách tìm hiểu và trải nghiệm ngay tại nơi đó (FAO 2017). Còn theo Lê Thị Diệu Hiền và Lê Thị Diệu My (2019), ẩm thực đường phố hay còn gọi là thức ăn đường phố, thường được bày bán ở các vỉa hè hoặc lề đường, đã được chế biến sẵn phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng.
Sự hài lòng của khách hàng
Hansemark và Albinsson (2004) định nghĩa “Sự hài lòng của khách hàng là một thái độ tổng thể của khách hàng đối với một nhà cung cấp dịch vụ hoặc một cảm xúc phản ứng với sự khác biệt giữa những gì khách hàng dự đoán trước và những gì họ tiếp nhận, đối với sự đáp ứng một số nhu cầu, mục tiêu hay mong muốn”. Như vậy, có thể hiểu được sự hài lòng của khách hàng là việc khách hàng căn cứ vào những hiểu biết của mình đối với một sản phẩm hay dịch vụ, mà hình thành nên những đánh giá hoặc phán đoán chủ quan. Đó là một dạng cảm giác về tâm lý sau khi nhu cầu của khách hàng được thỏa mãn. Sự hài lòng của khách hàng hình thành trên cơ sở những kinh nghiệm, đặc biệt được tích lũy khi mua sắm và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ.
Chất lượng dịch vụ
Theo Asubonteng và cộng sự (1996), chất lượng dịch vụ là sự khác biệt giữa kỳ vọng của khách hàng đối với dịch vụ trước khi trải nghiệm dịch vụ và nhận thức của họ về dịch vụ sau khi đã trải nghiệm. Eshghi và các cộng sự (2008) lại cho rằng, chất lượng dịch vụ là việc đánh giá tổng thể về một dịch vụ của khách hàng. Còn theo quan điểm của Philip Kotler và cộng sự (2005), chất lượng dịch vụ là khả năng của một dịch vụ bao gồm: độ bền tổng thể, độ tin cậy, độ chính xác, sự dễ vận hành, dễ sửa chữa và các thuộc tính có giá trị khác để thực hiện các chức năng của nó. Thực hiện nghiên cứu thực nghiệm về đo lường chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng bằng thang đo Likert 5 điểm, nghiên cứu của Hà Nam Khánh Giao (2021) chỉ ra có 5 thành phần ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng, đó là: (1) Phương tiện hữu hình; (2) Sự đồng cảm; (3) Sự đáp ứng; (4) Độ tin cậy và (5) Sự đảm bảo.
Tổng quan nghiên cứu
Về lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP. Huế, hiện có một số ít nghiên cứu được thực hiện, như: nghiên cứu về thực nghiệm về cạnh tranh điểm đến (Nguyễn Thị Lệ Hương và Phan Thanh Hoàn, 2015), khả năng thu hút khách du lịch (Bùi Thị Tám và Mai Lệ Quyên, 2012) và trải nghiệm ẩm thực Huế (Hoàng Thị Diệu Thúy và Phạm Thị Thanh Thủy, 2023).
Trên khía cạnh ẩm thực, tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước về các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách về chất lượng dịch vụ ẩm thực đường phố cho thấy, có 5 nhóm nhân tố tác động đến sự hài lòng của du khách, bao gồm: (i) Món ăn; (ii) Giá cả; (iii) Sự phục vụ; (iv) Điều kiện vật chất và (v) Vệ sinh an toàn thực phẩm (Lê Thị Cả Nha và Phạm Thị Mai Yến, 2020; Ngô Thị Ngọc Thảo, 2019; Nguyễn Thị Mai Trâm, 2018; Han và Ryu, 2009). Kết quả nghiên cứu của Lê Thị Cả Nha và Phạm Thị Mai Yến (2020) đã xác định được mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự hài lòng của du khách với ẩm thực đường phố tại TP. Cần Thơ theo mức độ giảm dần là: Món ăn, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sự phục vụ, Giá cả và Điều kiện cơ sở vật chất. Ngoài 5 nhân tố kể trên, Ngô Thị Ngọc Thảo (2019) còn khai thác thêm nhân tố “Không gian quán” khi đánh giá sự hài lòng của khách du lịch đối với ẩm thực đường phố Đà Lạt. Bên cạnh đó, mô hình nghiên cứu của Phan Thị Thúy Phượng và Trần Lê Thanh Thiện (2022) đưa ra 5 nhân tố quyết định chính tới sự hài lòng của du khác là: (1) Nền văn hóa ẩm thực địa phương độc đáo; (2) Nguồn nhân lực chế biến và phục vụ, (3) Sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, (4) Cơ chế chính sách và (5) Giá cả hợp lý.
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên khung phân tích nhân tố ảnh hưởng đến Sự hài lòng của du khách về ẩm thực của Lê Thị Cả Nha và Phạm Thị Mai Yến (2020), nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến Sự hài lòng của khách du lịch về ẩm thực đường phố tại TP. Huế, bao gồm: Giá cả; Món ăn; Chất lượng dịch vụ; An toàn thực phẩm; Truyền thông và Cơ sở vật chất (Hình).
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Dựa trên mô hình nghiên cứu trên, 6 giả thuyết nghiên cứu được đưa như sau:
H1: CSVC có tác động thuận chiều với Sự hài lòng của du khách.
H2: MA có tác động thuận chiều với Sự hài lòng của du khách.
H3: GC có tác động ngược chiều với Sự hài lòng của du khách.
H4: ATTP có tác động thuận chiều với Sự hài lòng của du khách.
H5: TT có tác động thuận chiều với Sự hài lòng của du khách.
H6: CLDV có tác động thuận chiều với Sự hài lòng của du khách.
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phương pháp khảo sát điều tra mẫu. Đối tượng phỏng vấn là khách du lịch ở TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người trả lời được lựa chọn theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Nhóm tác giả đã tiến hành điều tra phỏng vấn 153 khách du lịch đến TP. Huế ở các địa điểm khu ẩm thực đường phố nổi tiếng như: khu ẩm thực chợ Đông Ba, chợ An Cựu, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; phố Hai Bà Trưng và Cồn Hến. Thời gian khảo sát từ tháng 4 đến tháng 7/2022. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp thống kê mô tả, phân tích độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích tương quan và phân tích hồi quy để xác định mức độ ảnh hưởng của 6 nhân tố trên đối với Sự hài lòng của du khách và kiểm định các giả thuyết đưa ra.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Mô tả mẫu nghiên cứu
Về giới tính, trong 153 khách hàng khảo sát, có 69 nam, chiếm tỷ lệ 45,1% và 84 nữ, chiếm 54,9% tổng mẫu điều tra. Cơ cấu này đảm bảo tính khách quan trong khi nghiên cứu.
Về độ tuổi, nhóm tuổi từ 18 đến 25 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 51%, tiếp đến lần lượt là nhóm tuổi từ 26 đến 35 tuổi chiếm 17%, trên 50 tuổi chiếm 16,3% và chiếm tỷ lệ thấp nhất là nhóm tuổi từ 36 đến 50 tuổi (15,7%).
Về học vấn, đa số đối tượng có học vấn đại học (35,3%), tiếp đến lần lượt là đối tượng khác (17%), tốt nghiệp cấp 3 (16,3%), sau đại học (12,4%), dưới cấp 3 (9,8%) và chiếm tỷ lệ thấp nhất là không đi học (9,2%).
Về loại hình du lịch, có 70,6% đối tượng chọn đi tour là loại hình du lịch và có 29,4% đối tượng chọn tự túc.
Về đối tượng đi du lịch cùng, loại hình du khách đi cùng bạn bè được nhiều người chọn nhất, chiếm 39,9%, tiếp đó là đi cùng gia đình chiếm 27,5%, đi một mình chiếm 19% và cuối cùng là đi cùng người đồng hành khác chiếm 13,7%.
Kênh biết đến nhiều nhất là Tiktok (54,9%), tiếp theo lần lượt là Facebook (52,9%), Youtube (48,4%), Instagram (38,6%) và cuối cùng là các phương tiện truyền thông khác (35,9%).
Kiểm định độ tin cậy của thang đo
Kết quả kiểm định thang đo (Bảng 1) cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố độc lập đều > 0,6, nên rút ra kết luận thang đo này phù hợp và được giữ nguyên cho phân tích EFA.
Bảng 1: Kết quả Cronbach’s Alpha các biến quan sát của thang đo
Nhân tố | Cronbach’s Alpha |
CSVC | 0,796 |
MA | 0,770 |
GC | 0,855 |
CLDV | 0,804 |
ATTP | 0,755 |
TT | 0,803 |
Phân tích EFA
Phân tích EFA lần 1 cho ra chỉ số KMO là 0,770 > 0,5, điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Ngoài ra, kết quả phân tích cũng chỉ ra rằng, các quan sát đã thỏa mãn điều kiện hệ số tải > 0,5, nhưng biến MA4 có hệ số tải ở 2 nhân tố và có hiệu hệ số tải < 0,3, nên loại biến MA4 và tiến hành phân tích EFA lần 2.
Bảng 2: Kết quả phân tích EFA của các biến độc lập
Biến | Nhân tố | |||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | |
GC3 | 0,837 |
|
|
|
|
|
GC4 | 0,813 |
|
|
|
|
|
GC1 | 0,787 |
|
|
|
|
|
GC2 | 0,776 |
|
|
|
|
|
CSVC2 |
| 0,793 |
|
|
|
|
CSVC4 |
| 0,758 |
|
|
|
|
CSVC1 |
| 0,754 |
|
|
|
|
CSVC3 |
| 0,732 |
|
|
|
|
ATTP4 |
|
| 0,772 |
|
|
|
ATTP5 |
|
| 0,721 |
|
|
|
ATTP2 |
|
| 0,721 |
|
|
|
ATTP3 |
|
| 0,685 |
|
|
|
ATTP1 |
|
| 0,614 |
|
|
|
CLDV1 |
|
|
| 0,817 |
|
|
CLDV2 |
|
|
| 0,775 |
|
|
CLDV3 |
|
|
| 0,756 |
|
|
CLDV4 |
|
|
| 0,736 |
|
|
TT3 |
|
|
|
| 0,827 |
|
TT2 |
|
|
|
| 0,774 |
|
TT1 |
|
|
|
| 0,759 |
|
MA3 |
|
|
|
|
| 0,808 |
MA2 |
|
|
|
|
| 0,755 |
MA1 |
|
|
|
|
| 0,729 |
Eigenvalues = 1,250 | ||||||
Tổng phương sai trích = 64,724% |
Nguồn: Kết quả phân tích trên phần mềm SPSS
Kết quả phân tích EFA lần 2 cho thấy, các hệ số tải nhân tố đều > 0,5, đảm bảo ý nghĩa, cho nên không có biến nào bị loại. Hệ số Eigenvalue = 1,250 > 1 đại diện cho phần biến thiên được giải thích bởi mỗi nhân tố, thì nhân tố rút ra có ý nghĩa tóm tắt thông tin tốt nhất. Tổng phương sai trích = 64,724% > 50%. Điều này chứng tỏ 6 nhân tố độc lập giải thích được 64,724% mô hình nghiên cứu (Bảng 2).
Phân tích tương quan
Kết quả phân tích tương quan chỉ ra rằng giá trị Sig. ở tất cả các biến đều < mức ý nghĩa α = 0,05. Do vậy, có thể khẳng định có mối tương quan giữa biến phụ thuộc (hài lòng) với từng biến độc lập. Các biến độc lập này có thể đưa vào mô hình để phân tích giải thích cho biến phụ thuộc HL.
Ngoài ra, các giá trị giữa một số cặp biến độc lập đều có Sig. < 0,05, nên giữa các biến độc lập đó có tương quan tuyến tính, do đó có thể xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Phân tích hồi quy
Tiến hành phân tích hồi quy để xác định cụ thể trọng số của từng biến tác động đến Sự hài lòng của du khách về du lịch ẩm thực đường phố tại TP. Huế, nhóm tác giả xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính bội, trong đó, biến độc lập là những nhân tố thành phần tác động đến Sự hài lòng. Mô hình hồi quy có dạng:
HL = β0 + β1*CSVC + β2*MA + β3*GC+ β4*CLDV + β5*ATTP+ β6*TT (1)
Trong đó: HL là biến phụ thuộc thể hiện Sự hài lòng của du khách về du lịch ẩm thực; β0, β1, β2, β3, β4, β5, β6 là các hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa; CSVC, MA, GC, CLDV, ATTP, TT là các nhân tố tác động được xác định sau khi phân tích EFA của mô hình.
Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy đa biến
Mô hình | Hệ số phi chuẩn hóa | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | Thống kê đa cộng tuyến | |||
B | Sai số chuẩn hóa | Beta | Hệ số Tolerance | VIF | ||||
1 | Hằng số | -1,329 | 0,383 |
| -3,467 | 0,001 |
|
|
CSVC | 0,169 | 0,065 | 0,150 | 2,590 | 0,011 | 0,847 | 1,180 | |
MA | 0,231 | 0,063 | 0,219 | 3,665 | 0,000 | 0,800 | 1,250 | |
GC | 0,266 | 0,059 | 0,273 | 4,495 | 0,000 | 0,772 | 1,295 | |
CLDV | 0,202 | 0,062 | 0,191 | 3,279 | 0,001 | 0,842 | 1,187 | |
ATTP | 0,259 | 0,067 | 0,215 | 3,875 | 0,000 | 0,923 | 1,083 | |
TT | 0,222 | 0,065 | 0,214 | 3,442 | 0,001 | 0,739 | 1,352 |
Nguồn: Số liệu xử lý trên phần mềm SPSS
Dựa vào kết quả phân tích hồi quy ở Bảng 3, mô hình hồi quy (1) được xác định như sau:
HL = -1,329 + 0,169*CSVC + 0,231*MA + 0,266*GC+ 0,202*CLDV + 0,259*ATTP+ 0,222*TT
Bảng 3 cho thấy, có 6 biến độc lập đạt mức ý nghĩa Sig. < 0,05 lần lượt là CSVC (0,011), MA (0,000), GC (0,000), CLDV (0,001), ATTP (0,000), TT (0,001). Tất cả các hệ số Beta đều > 0, nên các biến độc lập và biến phụ thuộc đều tác động thuận chiều với nhau. Nghĩa là khi một nhân tố bất kỳ tăng lên, thì Sự hài lòng tăng lên và ngược lại. Ngoài ra kết quả hệ số phóng đại phương sai VIF từ 1,083 – 1,352 < 2 đạt yêu cầu. Từ đó rút ra kết luận, mô hình hồi quy không có hiện tượng đa cộng tuyến, mô hình có ý nghĩa thống kê, nên các nhân tố trong mô hình được chấp nhận.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến Sự hài lòng của khách du lịch về ẩm thực đường phố tại TP. Huế là: Giá cả; Món ăn; Chất lượng dịch vụ; An toàn thực phẩm; Truyền thông và Cơ sở vật chất. Cả 6 nhân tố này đều tác động thuận chiều tới Sự hài lòng của du khách. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhân tố Giá cả có hệ số beta hiệu chỉnh lớn nhất (0,273), nên có tác động lớn nhất, tiếp đến lần lượt là biến Món ăn (0,219), An toàn thực phẩm (0,215), Truyền thông (0,214), Chất lượng dịch vụ (0,191) và Cơ sở vật chất có hệ số beta hiệu chỉnh (0,150) nhỏ nhất, nên có tác động ít nhất. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, một số hàm ý quản trị được rút ra như sau:
Giá cả được xác định là nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến sự hài lòng của du khách. Do đó, để nâng cao sự hài lòng của khách hàng, các doanh nghiệp và cửa hàng quán ăn có thể cân nhắc áp dụng các chiến lược giá cả linh hoạt, bao gồm việc điều chỉnh giá thành để phản ánh chất lượng dịch vụ và giá trị được cung cấp. Đồng thời, cần có sự can thiệp từ các cơ quan quản lý địa phương để đảm bảo rằng, giá cả không bị đẩy quá cao, gây mất lòng tin từ phía khách hàng.
Tiếp theo, nhân tố Món ăn có tác động mạnh thứ hai đến Sự hài lòng của du khách. Để tận dụng điều này, các doanh nghiệp nên tập trung vào cải thiện chất lượng và sự đa dạng của thực đơn các món ăn. Đồng thời, đào tạo nhân viên và đầu bếp để chuẩn bị và phục vụ món ăn chất lượng và hấp dẫn là biện pháp quan trọng.
Nhân tố chất lượng dịch vụ được xếp ở vị trí thứ ba với mức độ ảnh hưởng cao. Để cải thiện chất lượng dịch vụ, việc đào tạo nhân viên về kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách hàng là cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp chú trọng xây dựng một môi trường làm việc tích cực và đội ngũ nhân viên hạnh phúc có thể cải thiện chất lượng dịch vụ một cách tích cực.
Nhân tố An toàn thực phẩm được đánh giá ở mức trung bình về mức độ ảnh hưởng. Để cải thiện nhân tố này, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh. Đồng thời, đào tạo nhân viên về an toàn thực phẩm và duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh là các biện pháp quan trọng.
Công tác truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong quản lý và quảng bá du lịch ẩm thực đường phố. Do vậy, để đẩy mạnh và tối ưu hóa các hoạt động quảng bá, cần tạo ra các ứng dụng di động và trang web cung cấp thông tin chi tiết, đánh giá và hướng dẫn du khách, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực đường phố.
Cuối cùng, nhân tố Cơ sở vật chất mặc dù được xác định có ảnh hưởng thấp nhất đến Sự hài lòng của khách hàng, song cũng cần được chú trọng cải thiện nâng cấp và duy trì để đảm bảo rằng, mọi khía cạnh của trải nghiệm của khách hàng về ẩm thực đường phố đều đáp ứng được tiêu chuẩn và mong đợi. Đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở vật chất có thể tạo ra một môi trường thoải mái hơn và tăng cường Sự hài lòng của khách hàng để tạo sự hấp dẫn thu hút khách tiếp tục quay trở lại trải nghiệm./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Asubongteng, Patrick, McCleary, Karl J., and Swan, John E (1996), SERVQUAL revisited: a critical review of service quality, Journal of Services marketing, 10(6), 62-81.
2. Bùi Thị Tám và Mai Lệ Quyên (2012), Đánh giá khả năng thu hút du khách của điểm đến Huế, Tạp chí khoa học Đại học Huế , 72(3), 295-305.
3. Dương Kim Chuyển (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch ẩm thực đường phố tại TP.HCM, Tạp chí du lịch TP. Hồ Chí Minh, 21(3), 45-59.
4. Eshghi, Abdolvahab, ROy, Subir K., and Ganguli, S. (1996), Service Quality and Customer Satisfaction: An Empirical Investigation in a Service Industry, Journal of Services Marketing, 10 (3), 4-20.
5. Food and Agriculture Organization of the United Nation (FAO) (2017), Street food/Food for the cities, retrieved from https://www.fao.org/fcit/food-processing/street-foods/en/.
5. Hà Nam Khánh Giao (2021), Tác động của chất lượng dịch vụ, giá cả hợp lý và môi trường nhà hàng đến lòng trung thành khách hàng trong ngành ẩm thực tại TP. Hồ Chí Minh sau đại dịch Covid-19, Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, 18 (5).
7. Hoàng Thị Diệu Thúy và Phạm Thị Thanh Thủy (2023), Khám phá các khía cạnh của trải nghiệm ẩm thực huế của khách du lịch nội địa, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 132(5C), 157-181.
8. Hansemark, O.C. and Albinsson, M. (2004), Customer satisfaction and retention: the experiences of individual employees, Managing Service Quality: An International Journal, 14 (1), 40-57.
9. Han, Heesup and Ryu, Kisang (2009), The roles of the physical environment, price perception, and customer satisfaction in determining customer loyalty in the restaurant industry, Sage Journal, 33(4), 487-510.
10. Hữu Phúc (2024), Để ẩm thực thành lợi thế thu hút khách đến Huế, truy cập từ https://baothuathienhue.vn/du-lich/de-am-thuc-thanh-loi-the-thu-hut-khach-den-hue-138986.html.
11. Lê Thị Diệu Hiền and Lê Thị Diệu My (2019), Street food in tourism development in Hoi An city, Quang Nam province, UED Journal of Social Sciences, Humanities and Education, 9(3), 33-40.
12. Lê Thị Cả Nha và Phạm Thị Mai Yến (2020), Sự hài lòng của du khách với ấm thực đường phố tại Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Công Thương, 13, 390-395.
13. Ngô Thị Ngọc Thảo (2019), Đánh giá sự hài lòng của khách du lịch đối với ẩm thực đường phố Đà Lạt, Tạp chí nghiên cứu khoa học và Phát triển, 6, 81-92.
14. Nguyễn Thị Lệ Hương và Phan Thanh Hoàn (2015), Phân tích năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch thành phố Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, số đặc biệt.
15. Nguyễn Thị Mai Trâm (2018), Phát triển du lịch ẩm thực tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, 126(5).
16. Ofolaranmi, Samuel A., Gbenro, Ayotunde M., and Adewale, Bamidele A (2017), Street Food and Tourism: A Southeast Asian Perspective, Journal of Tourism and Regional Development, 9(2), 12-29.
17. Phan Thị Thuý Phượng và Trần Lê Thanh Thiện (2022), Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch ẩm thực đường phố tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 22(1), 45-59.
18. Philip Kotler (2005), Principles of Marketing (4th European edition), Prentice Hall.
19. World Travel & Tourism Council (WTTC) (2023), Global Travel & Tourism Catapults Into 2023 Says WTTC, retrieved from https://wttc.org/news-article/global-travel-and-tourism-catapults-into-2023-says-wttc.
Ngày nhận bài: 20/5/2024; Ngày phản biện: 24/5/2024; Ngày duyệt đăng: 31/5/2024 |
Bình luận