Mới đây, Tòa án Brazil đã ra phán quyết trục xuất hàng ngàn người không phải dân bản địa ở khu vực rừng Amazon vì đe dọa sự toàn vẹn của người dân bản địa và gây ra những thiệt hại khác, như phá rừng. Quyết định này gây ra nhiều phản ứng khác nhau, và không phải không có những hệ lụy bên cạnh các cân nhắc tích cực đối với môi sinh [1]. Trong một cuộc chiến khác, vừa tư pháp vừa hành pháp, chính quyền tiểu bang Arizona quyết định dừng cho thuê đất đối với một công ty Ả Rập Xê Út hoạt động tại đây do công ty này đã khai thác tới cạn kiệt nguồn nước ngầm [2].

Để đạt được các mục tiêu giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và môi sinh, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững, cũng như là công lý cho cả con người và thiên nhiên, chính quyền và hệ thống tư pháp cần hiểu rõ bản chất của các mâu thuẫn dẫn đến cuộc chiến pháp lý về môi trường. Bài viết này có mục đích tìm hiểu bối cảnh phức tạp của các cuộc chiến pháp lý về môi trường, làm sáng tỏ tầm quan trọng và kết quả tiềm tàng của chúng, từ đó chỉ ra một số lỗ hổng pháp lý và khiếu kiện môi trường tại Việt Nam.

Bối cảnh chung của các xung đột pháp lý

Thế kỷ 21 đã chứng kiến nhận thức ngày càng tăng về các vấn đề môi trường, các nhà hoạt động và tổ chức làm việc không mệt mỏi để giải quyết những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đặt ra. Đồng thời, chính phủ các nước, các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ, nhưng họ cũng bị xã hội giám sát chặt chẽ về các hoạt động bảo vệ môi trường [3].

Xung đột lợi ích này đã dẫn đến nhiều tranh chấp pháp lý, trong đó các nhà hoạt động môi trường và các nhóm vận động ngày càng sử dụng kiện tụng như một biện pháp để buộc các tập đoàn phải chịu trách nhiệm về hành động của mình [4].

Ở chiều ngược lại, khi các nhà hoạt động môi trường sử dụng đến các biện pháp cực đoan [5], tấn công trực diện vào lợi ích kinh tế của các công ty và tập đoàn, nhằm gây sức ép buộc các công ty phải có biện pháp bảo vệ môi trường. Các hành động này đôi khi buộc các công ty sử dụng các vụ kiện chiến lược như là công cụ pháp lý nhằm ngăn cản các nhà hoạt động, cũng như để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình [6].

Các thách thức liên quan tới xung đột pháp lý xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường

Cơ chế pháp lý. Nguồn: luatduonggia.vn

Các lĩnh vực xung đột chính

Theo Reuters, các nhà hoạt động môi trường đã đệ trình 2.341 vụ kiện lớn về khí hậu trên toàn thế giới, một nửa trong số đó là kể từ năm 2015 [7]. Các vụ việc này rất đa dạng từ các mục tiêu và chiến lược giảm lượng carbon của chính phủ cho đến việc doanh nghiệp không hành động và thông tin sai lệch, cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến khí hậu.

Tranh tụng về biến đổi khí hậu: Có lẽ lĩnh vực xung đột nổi bật nhất là kiện tụng về biến đổi khí hậu. Các nhà hoạt động và chính quyền địa phương đã khởi kiện nhiều công ty nhiên liệu hóa thạch, cáo buộc họ gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu và các hậu quả như: mực nước biển tăng, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, và sự suy thoái môi trường sống. Những vụ kiện này thường yêu cầu bồi thường cho việc giảm thiểu và ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu [8].

Thậm chí, một số vụ kiện còn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu. Một vụ kiện tiêu biểu tại bang Montana, Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý quốc tế. 16 thanh niên (trong độ tuổi từ 5 đến 22) tại bang Montana, Hoa Kỳ đã kiện chính quyền bang với lý do chính quyền đã góp phần vào hoạt động có tác động xấu đến môi trường bằng cách ưu tiên việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá - nguồn năng lượng có lượng khí thải nhà kính cao hơn nhiều so với khí đốt tự nhiên. Vụ kiện này đã kéo dài từ năm 2020 và gây chấn động toàn cầu.

Một vụ việc điển hình khác ở quy mô quốc tế là việc 6 thanh niên chuẩn bị xuất hiện tại tòa án nhân quyền châu Âu để cố gắng buộc 32 quốc gia phải nhanh chóng tăng cường giảm phát thải. Đây là hành động pháp lý về khí hậu có quy mô lớn nhất thế giới cho đến nay [3].

Ô nhiễm và rác thải: Các nhà môi trường cũng nhắm mục tiêu vào các công ty tư nhân để buộc họ chịu trách nhiệm với các hoạt động gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Các vụ kiện được đệ trình để buộc các tập đoàn phải dọn dẹp các địa điểm bị ô nhiễm, bồi thường thiệt hại cho các cộng đồng bị ảnh hưởng hoặc thay đổi phương pháp sản xuất để giảm ô nhiễm. Vụ công ty dầu mỏ Hoa Kỳ Chevron-Texaco bị kiện do lén xả 18,5 tỷ gallon chất thải ra môi trường gây ảnh hưởng đến 30.000 người dân ở Ecuador là một trong các vụ án môi trường được cho là lớn nhất lịch sử thế giới. Tòa án Ecuador đã đưa ra phán quyết Tập đoàn năng lượng Hoa Kỳ Chevron phải bồi thường lên đến 18 tỷ USD vì hành vi này [9].

Những vụ kiện này không chỉ tập trung vào việc ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường, mà còn nhắm đến những thông tin sai lệch và chiến dịch "tẩy xanh" của các công ty trong việc xử lý rác thải và chống biến đổi khí hậu [10]. Ví dụ, vào năm 2020, tổ chức môi trường Earth Island Institute của Hoa Kỳ đã khởi kiện các gã khổng lồ như Coca-Cola, Pepsi, và Nestlé, cùng một số doanh nghiệp tiêu dùng toàn cầu khác liên quan đến ô nhiễm từ rác thải nhựa [11]. Hay như vụ Công ty Tlou Energy cũng bị kiện vì hành vi “tẩy xanh” khi đưa ra các tuyên bố về môi trường mà không phản ánh chính xác sự thật [12].

Khai thác tài nguyên: Khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khai thác mỏ và phá rừng, thường xuyên dẫn đến xung đột giữa các tập đoàn và các nhà hoạt động môi trường. Các vụ kiện có thể tập trung vào việc khai thác gỗ bất hợp pháp, hủy hoại môi trường sống hoặc vi phạm quyền đất đai của người bản địa.

Năm 2017, EU đã đệ đơn lên Tòa án Công lý châu Âu kiện Ba Lan khai thác gỗ tại rừng nguyên sinh Bialowieza, di sản thế giới được UNESCO công nhận [13].

Bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng: Khi các tập đoàn hoạt động ở những khu vực sinh sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, sẽ nảy sinh tranh chấp về việc liệu hoạt động của họ có đe dọa đến sự tồn tại của các loài này hay không. Các nhà hoạt động thường xuyên đệ đơn kiện để bảo vệ môi trường sống của những loài động vật này.

Năm 1999, một nhóm nhà bảo tồn đã đệ đơn kiện Cục Khai hoang, Hoa Kỳ về việc thực hiện các hành động có tiềm năng gây nguy hiểm cho cá Silvery Minnow, một loài được liệt kê trong danh sách bảo tồn. Loài cá này vẫn tiếp tục là đối tượng của các vụ kiện bảo tồn mới đây [14].

Những thách thức trong các xung đột pháp lý về môi trường

Mặc dù các vụ kiện môi trường có thể dẫn đến kết quả tích cực, nhưng chúng cũng đặt ra những thách thức đặc biệt cho các nhà hoạt động môi trường, thường phải làm việc với nguồn lực hạn chế. Họ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro như:

Tính phức tạp: Các vụ kiện tụng về môi trường thường phức tạp, liên quan đến bằng chứng khoa học, quy trình pháp lý kéo dài và những nỗ lực tiêu tốn nhiều nguồn lực. Cùng lúc, những người điều tra vấn đề môi trường thường gặp trở ngại trong việc tiếp cận và thu thập dữ liệu liên quan từ các công ty.

Nguồn tài chính: Các công ty có nguồn tài chính đáng kể, cho phép họ tham gia vào các cuộc chiến pháp lý kéo dài và tuyển dụng các đội ngũ pháp lý hàng đầu. Ngược lại, nhiều nhóm hoạt động vì môi trường thường có tài chính hạn chế hơn. Dù một số tổ chức môi trường có quỹ ứng phó khẩn cấp, nhưng mức kinh phí này dễ bị cạn kiệt nhanh chóng khi đối phó với các vụ kiện kéo dài.

Sự không chắc chắn về quy định: Các quy định về môi trường có thể rất khác nhau giữa các khu vực pháp lý, khiến việc xác định các tiêu chuẩn pháp lý áp dụng cho một trường hợp cụ thể trở nên khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn đã tích lũy được quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn. Họ được trang bị với các công ty luật, kiểm toán viên, chuyên gia bảo mật và điều tra viên có nhiều kinh nghiệm để bảo vệ lợi ích của họ.

Ảnh hưởng chính trị: Các tập đoàn lớn có thể có ảnh hưởng chính trị đáng kể, nhờ vậy họ cũng có khả năng ảnh hưởng đến kết quả của các vụ kiện và quyết định pháp lý.

Khiếu kiện môi trường và những lỗ hổng pháp lý tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, các vấn đề như ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng đang gia tăng nhanh, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện và tranh chấp về môi trường. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, cho biết số lượng khiếu nại và tố cáo trong lĩnh vực môi trường đã tăng cao, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu và xả khí, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần các khu vực dân cư [15].

Năm 2008, Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải gây ô nhiễm, thiệt hại lớn cho các hộ dân tại 3 tỉnh, thành gồm: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Năm 2011, vụ xả thải không qua xử lý của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Sonadezi Long Thành tại Đồng Nai dẫn tới việc người dân kéo tới hồ chứa nước thải tập trung của nhà máy, dùng búa đập vỡ nắp cống, dùng đất đá lấp mương xả thải.

Từ những sự vụ khiếu kiện, xung đột môi trường nêu trên, có thể nhận thấy, hệ thống pháp luật về cơ chế giải quyết xung đột, tranh chấp môi trường ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng cần khắc phục. Việc khiếu kiện môi trường ở Việt Nam đa phần tự phát từ các hộ dân bị thiệt hại do ô nhiễm hơn là các tổ chức hoạt động về môi trường. Có thể nhận thấy, quy trình nhận đơn khiếu kiện chưa được hướng dẫn chi tiết. Do không nắm rõ được các cấp thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đơn, nên người dân khiếu kiện thường gửi đơn nhiều nơi từ Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, đến các hội, tổ chức đoàn thể…, thậm chí bản thân doanh nghiệp gây ô nhiễm. Và khi không nhận được giải quyết thỏa đáng từ các đơn vị này, thường dẫn đến việc người dân chọn cách phản đối cực đoan khác như tụ tập, biểu tình nhằm gây sức ép [16].

Thời gian xử lý khiếu kiện môi trường tại Việt Nam cũng thường kéo dài, trong khi thời hiệu khởi kiện về môi trường tại Việt Nam chỉ kéo dài 2 năm. Một số hành vi ô nhiễm thường khó phát hiện và người dân phải mất một thời gian khá dài để thực hiện khiếu kiện tại các cấp chính quyền trước khi khởi kiện ra tòa án. Điều này tiềm ẩn nguy cơ quyền khởi kiện ra tòa của người dân sẽ không thể thực hiện do hết thời hiệu khởi kiện. Các nước châu Âu, như Pháp, quy định thời hiệu khởi kiện về môi trường là 30 năm.

Các chế tài xử phạt về hoạt động phá hoại môi trường tại Việt Nam còn nhẹ, các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận bị kiện và tiếp tục lặp lại hoạt động phá hoại môi trường như cũ để đạt lợi ích kinh tế lớn hơn [17].

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp nhằm cải thiện quy trình pháp lý về môi trường tại Việt Nam như: xử lý ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng [18], tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm, xả thải trộm ra môi trường… [19]

Các cuộc chiến pháp lý về môi trường là minh chứng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của việc bảo vệ môi trường. Những cuộc chiến pháp lý thể hiện sức mạnh của luật pháp trong việc buộc các tập đoàn và chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hành động và chính sách gây tổn hại đến môi trường của họ. Khi thế giới phải vật lộn với những thách thức môi trường ngày càng phức tạp, vai trò của các vụ kiện môi trường có thể sẽ tiếp tục phát triển, góp phần định hình tương lai của lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nếu được sử dụng thích đáng, đây có thể là công cụ pháp lý giúp thay đổi hành vi và hệ giá trị của các cá nhân và tổ chức theo hướng tích cực, có lợi với môi trường hơn.

Đặc biệt, các cuộc chiến pháp lý có thể khiến cho doanh nghiệp nhận thức được những chi phí và rủi ro pháp lý, kết hợp với các cơ chế giá trị hóa thặng dư sinh thái được tạo ra (như thị trường giao dịch carbon), sẽ giúp tạo động lực hình thành hệ văn hóa thặng dư sinh thái (eco-surplus) thay thế cho hệ văn hóa thâm hụt sinh thái (eco-deficit culture) như hiện tại [20,21]. Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực xây dựng thị trường carbon để chống biến đổi khí hậu, việc sớm hoàn thiện cơ chế pháp lý liên quan đến thặng dư và thâm hụt sinh thái sẽ cực kỳ quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội [22].

Nguyễn Thị Thùy Dung - Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI

Lã Việt Phương - Trung tâm ISR, Trường Đại học Phenikaa

References

[1] Savarese, M. (2023, Oct. 3). Brazil’s government starts expelling non-Indigenous people from two native territories in the Amazon. https://apnews.com/article/brazil-indigenous-territories-expulsion-lands-amazon-removal-8f4ee1bd8c1b87a90303182c6547500a

[2] Barchenger, S. (2023, Oct. 2). Arizona moves to end Saudi farm's controversial groundwater deals to grow, export alfalfa. https://www.azcentral.com/story/news/local/arizona-investigations/2023/10/02/arizona-to-end-saudi-firm-fondomonte-groundwater-deal/71038768007/

[3] Laville, S. (2023, Sep. 14). Young people to take 32 European countries to court over climate policies. https://www.theguardian.com/environment/2023/sep/14/young-people-to-take-32-european-countries-to-court-over-climate-policies

[4] Kaminski, I. (2023, Jul. 27). Lawsuits are key tool in delivering climate justice, says UN body. https://www.theguardian.com/environment/2023/jul/27/lawsuits-are-key-tool-in-delivering-climate-justice-says-un-body

[5] Phương, L. V., Hoàng, N. M., & Hoàng, V. Q. (2023, Sep. 15). Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại. https://kinhtevadubao.vn/hanh-dong-cuc-doan-cua-cac-to-chuc-hoat-dong-moi-truong-co-the-gay-phan-tac-dung-voi-nghi-su-lon-cua-nhan-loai-27049.html

[6] Saki, O. (2017, Jun. 13). How companies are using law suits to silence environmental activists—and how philanthropy can help. https://www.fordfoundation.org/news-and-stories/stories/how-companies-are-using-law-suits-to-silence-environmental-activists-and-how-philanthropy-can-help/

[7] Wilkes, T. (2023, Jun. 29). 'Climate washing' lawsuits jump as more activists challenge corporate claims, report shows. https://www.reuters.com/sustainability/climate-washing-lawsuits-jump-more-activists-challenge-corporate-claims-report-2023-06-28/

[8] Paddison, L. (2023, Jul. 26). Exxon, Shell and other carbon producers sued for sea level rises in California. https://www.theguardian.com/sustainable-business/2017/jul/26/california-communities-lawsuit-exxon-shell-climate-change-carbon-majors-sea-level-rises

[9] Forero, J. (2023, Oct. 23). Texaco goes on trial in Ecuador pollution case. https://www.nytimes.com/2003/10/23/business/texaco-goes-on-trial-in-ecuador-pollution-case.html

[10] Phương, L. V. (2023, Sep. 18). Hiện tượng tẩy xanh trong ngành đồ uống và thời trang nhanh. https://kinhtevadubao.vn/hien-tuong-tay-xanh-trong-nganh-do-uong-va-thoi-trang-nhanh-27071.html

[11] Euronews Green. (2023, Jan. 7). Oatly, Shell and Coca-Cola: Why are climate activists taking companies to court?. https://www.euronews.com/green/2023/01/07/oatly-shell-and-coca-cola-why-are-climate-activists-taking-companies-to-court

[12] Elton, C. (2022, Oct. 27). Australia’s corporate watchdog has issued its first ever fine for greenwashing. https://www.euronews.com/green/2022/10/27/australias-corporate-watchdog-has-issued-its-first-ever-fine-for-greenwashing

[13] Neslen, A. (2018, Apr. 17). Poland violated EU laws by logging in Białowieża forest, court rules. https://www.theguardian.com/world/2018/apr/17/poland-violated-eu-laws-by-logging-in-biaowieza-forest-says-ecj

[14] Hedden, A. (2022, Dec. 1). Lawsuit to protect minnow imperiled in Pecos River, Rio Grande of southern New Mexico. https://www.currentargus.com/story/news/2022/12/01/lawsuit-to-protect-minnow-in-pecos-river-rio-grande-in-new-mexico/69689095007/

[15] Liên, B. (2022, Sep. 13). Khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực môi trường tiếp tục tăng. https://dangcongsan.vn/phap-luat/khieu-nai-to-cao-lien-quan-linh-vuc-moi-truong-tiep-tuc-tang-619414.html

[16] Phúc, N. T. (2013, Mar. 07). Dân lấp cống Sonadezi Long Thành để phản đối ô nhiễm. https://tuoitre.vn/dan-lap-cong-sonadezi-long-thanh-de-phan-doi-o-nhiem-536937.htm

[17] Phan, L. (2021, Nov. 13). Vì sao không thể đình chỉ hoạt động cơ sở gây ô nhiễm?. https://tuoitre.vn/vi-sao-khong-the-dinh-chi-hoat-dong-co-so-gay-o-nhiem-20211113083921102.htm

[18] Hữu, O. (2018, May. 4). Xử lý ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng. https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/Xu-ly-o-nhiem-moi-truong-qua-duong-day-nong-133526.html

[19] Nam, H. (2022, Sep. 4). Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nang-cao-tinh-ran-de-phong-ngua-vi-pham-gay-o-nhiem-moi-truong-20220904091224207.htm

[20] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[21] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[22] Chính, P. M., & Hoàng, V. Q. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị Quốc gia.