Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét một số tình huống gần đây, trong đó các nhà hoạt động môi trường đã vượt quá giới hạn, thực hiện những hành động không thích hợp, phản cảm, thậm chí vi phạm luật để thu hút sự chú ý. Những hành động này có thể gây ra tác động ngược và có thể làm thay đổi quan điểm của những người ủng hộ môi trường. Các ví dụ về những hành động gần đây có thể bao gồm việc tấn công các tác phẩm nghệ thuật, gây ách tắc giao thông và cản trở các sự kiện công cộng hoặc gián đoạn các sự kiện thể thao lớn.

Tấn công các tác phẩm nghệ thuật

Vào tháng 10/2022, hai nhà hoạt động trẻ tuổi thuộc nhóm Just Stop Oil, một tổ chức hoạt động môi trường tại Anh, đã hắt súp cà chua lên bức tranh nổi tiếng Hoa Hướng Dương của Vincent Van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London [1]. Trong sự kiện này, Anna Holland, một trong hai nhà hoạt động, đã hô to một thông điệp bảo vệ môi trường, “Cái gì quan trọng hơn, nghệ thuật hay sự sống? Nó có giá trị hơn thậm chí cả thức ăn? Hơn cả công lý? Bạn quan tâm hơn đến việc bảo vệ bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và con người của chúng ta?” May mắn là tác phẩm nghệ thuật này đã được bảo vệ bởi kính và chỉ bị hư hại nhẹ ở phần khung. Hành động của những nhà hoạt động môi trường này đã bị công chúng lên án mạnh mẽ. Một người chứng kiến đã nói với The Guardian: “Họ có thể đang cố gắng làm cho mọi người suy nghĩ về các vấn đề, nhưng cuối cùng, họ chỉ khiến mọi người cảm thấy phiền lòng và tức giận thay vì thấu hiểu” [2].

Hành động này của nhóm Just Stop Oil, chỉ là một phần trong loạt các hoạt động mà các tổ chức hoạt động môi trường đã thực hiện gần đây đối với các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Vào năm 2022, các thành viên của nhóm Just Stop Oil đã thường xuyên tiến hành các hành động tương tự trên các tác phẩm nghệ thuật vô giá của các danh họa hàng đầu thế giới như: Horatio McCulloch, John Constable, Leonardo da Vinci, Vincent Van Gogh, Joseph Mallord William Turner, và nhiều người khác, tại nhiều bảo tàng và phòng tranh trên khắp nước Anh [3]. Hiện tượng này không chỉ giới hạn trong nhóm Just Stop Oil, mà còn lan rộng sang nhiều tổ chức hoạt động môi trường khác ở nhiều quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Các nhà hoạt động môi trường liên tục tấn công các bức tranh và tượng điêu khắc bằng cách ném thức ăn, sơn màu lên chúng và thậm chí tự dính vào các tác phẩm bằng keo siêu dính [4,5].

Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại

Bức tranh “Tod und Leben” của Gustav Klimt sau khi bị các nhà hoạt động của nhóm Last Generation Áo (Letzte Generation Oesterreich) hắt lên trong Bảo tàng Leopold ở Vienna, Áo, ngày 15/11/2022.

Mặc dù các nhà hoạt động đã thực hiện các hành động nhắm vào các tác phẩm nghệ thuật, nhằm đưa ra thông điệp về biến đổi khí hậu hoặc các vấn đề môi trường khác, các hành động này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn hủy hoại những thứ mà họ đang cố gắng bảo vệ. Những hành động này đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trên các mạng xã hội [6].

Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại

Các nhà hoạt động khí hậu đổ than thực vật vào nước của Đài phun nước Trevi, trong một cuộc biểu tình chống lại nhiên liệu hóa thạch, ở Rome, Ý ngày 21/5/2023 (hình ảnh từ mạng xã hội)

Gây ách tắc giao thông và chặn các tuyến đường cao tốc

Bên cạnh việc phá hoại, các nhà hoạt động môi trường cũng đã thực hiện các hoạt động gây ách tắc giao thông trong các khu đô thị và trên các tuyến đường cao tốc. Họ tạo ra sự rối loạn, gây ra sự cản trở lớn đối với giao thông, thậm chí nguy hiểm sức khỏe cho người tham gia giao thông. Các hành động này không còn giới hạn ở mức biểu tình ôn hòa, mà trong một số trường hợp, chúng thậm chí đã gây ra các cuộc xung đột và xô xát do tài xế hoặc đã dẫn đến việc bắt giữ các cá nhân, tức là làm leo thang lên mức độ bạo lực [7].

Ngày 21/4/2023, một người lái xe máy phẫn nộ đã đánh một thành viên của Just Stop Oil sau khi cuộc biểu tình “đi bộ chậm” cản trở giao thông tại London khiến một phụ nữ mang thai bị đâm xe [8].

Ngày 25/4/2023, tổ chức Last Generation thực hiện chặn đường trên hơn 30 tuyến giao thông ở Berlin, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều con đường chính trong thành phố Berlin, cũng như tại một số khu vực lân cận của thủ đô nước Đức. Truyền thông Đức đưa tin, có tới 500 cảnh sát có mặt trên các đường phố trong thành phố để ngăn chặn và chấm dứt các cuộc phong tỏa giao thông bất hợp pháp [9,10]. Một số nhà hoạt động còn tự dán mình xuống mặt đường bằng keo siêu dính buộc cảnh sát phải dùng tới máy khoan để tháo gỡ [10]. Hàng trăm người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình này.

Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại

Tay của một nhà hoạt động môi trường dính với một phần mặt đường [11]

Ngày 30/82023, nhóm hoạt động môi trường Seven Circles Alliance đã phong tỏa đường cao tốc ở bang Nevada, Mỹ dẫn vào Black Rock City, để ngăn hàng nghìn người vào khu vực lễ hội như một cách phản đối chủ nghĩa tiêu dùng của lễ hội [12].

Các hoạt động ở trên chỉ là một phần nhỏ trong loạt hoạt động gần đây của các tổ chức hoạt động môi trường trong việc làm tắc nghẽn giao thông, nhằm gây sự chú ý của dư luận. Những hành động này đều bị chính quyền coi là trái luật và đã dẫn đến việc bắt giữ và kết án hàng trăm nhà hoạt động môi trường.

Đặt doanh nghiệp về bên kia chiến tuyến, chủ trương đối đầu

Thường xuyên bị đánh giá là nhân tố tạo ra nguy cơ đối với môi trường, giới doanh nhân giàu có, chủ doanh nghiệp và các tập đoàn lớn thường là đối tượng của sự “chăm sóc” từ các tổ chức hoạt động môi trường. Trong tuyên bố của mình, tổ chức Last Generation đã đánh giá tình trạng biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách. Họ tự đặt ra yêu cầu phải để cho công dân tự quyết định về tương lai của mình thông qua các tổ chức dân sự, nhưng mà chi phí giải quyết khủng hoảng khí hậu thì phải do người giàu gánh chịu! [13]

Ngoài các yêu cầu khó chấp nhận được, các nhóm hoạt động môi trường cũng thường xuyên có các hành vi phá hoại tài sản và bạo lực đối với giới doanh nhân giàu có. Trong một hành động gần đây, tổ chức Last Generation đã sử dụng sơn màu cam để phủ lên một máy bay phản lực tư nhân trên đảo Sylt. Trên cánh máy bay, họ đã treo các biểu ngữ với các thông điệp như “Sự sang trọng của bạn = Hạn hán của chúng tôi” và “Sự sang trọng của bạn = Mùa màng thất bát của chúng tôi” [14]. Nhóm này cũng đã cố ý sơn bẩn lên chiếc du thuyền của một doanh nhân Đức [15].

Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại

Chiếc máy bay tư nhân của doanh nhân Đức bị sơn màu cam do nhóm Last Generation thực hiện

Các doanh nghiệp cũng bị xem xét như là “tội đồ” trong việc phá hoại môi trường và trở thành mục tiêu của các tổ chức hoạt động môi trường, thường được coi như một phe đối đầu, đặc biệt là với các công ty hoạt động trong các ngành dầu mỏ hoặc ngành vận tải. Vụ việc các nhà hoạt động của nhóm Just Stop Oil đã phun sơn lên một phòng trưng bày ô tô sang trọng ở London, hay hơn 100 nhà hoạt động môi trường phá hoại đại hội cổ đông của tập đoàn khổng lồ dầu mỏ AGM (khi các cổ đông kêu gọi không hành động vì khí hậu) là một ví dụ điển hình [16].

Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại

Just Stop Oil phá hoại một đại lý xe Aston Martin, ngày 16/10/2022 [17]

Vào ngày 1/4, tổ chức có ý định làm tắc nghẽn 10 cơ sở sản xuất và lưu thông dầu mỏ trên toàn nước Anh. Suốt trong tháng 4 đó, các thành viên của Just Stop Oil đã chặn các đoàn xe chở xăng dầu ở Anh, gây tắc nghẽn giao thông nhiều lần.

Mới đây, một nhà hoạt động đã đập một chiếc bánh kem vào mặt ông Michael O’Leary, CEO Hãng hàng không Ryanair, trong lúc một nhà hoạt động khác gào to “ngăn chặn ô nhiễm từ máy bay”. Sau sự kiện này, Giám đốc điều hành hãng hài hước thông báo rằng, sự kiện ồn ào đã giúp cho lượng đặt chỗ đi của hãng tăng vọt [18].

Phản ứng của dư luận

Các hoạt động gây phản cảm từ các nhóm hoạt động môi trường thường gây ra phản ứng tiêu cực từ cộng đồng. Sau sự kiện 2 nhà hoạt động tấn công tác phẩm điêu khắc Horse and Rider tại quảng trường ở Paris, Bộ trưởng văn hóa Pháp, Rima Abdul Malak, đã đến thăm địa điểm này và viết trên Twitter: “Nạn phá hoại môi trường ngày càng gia tăng: một tác phẩm điêu khắc không được bảo vệ của Charles Ray đã bị phun sơn ở Paris. Cảm ơn những người phục chế đã can thiệp nhanh chóng. Nghệ thuật và sinh thái không loại trừ lẫn nhau. Ngược lại, chúng là những nguyên nhân chung!”

Một số hành động của những người hoạt động đôi khi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một ví dụ tiêu biểu là tình huống xảy ra tại Berlin, khi những người biểu tình thuộc Last Generation đã tự dán mình bằng keo mình dưới lòng đường, việc này cản trở xe cấp cứu, gây khó khăn trong việc tiếp cận và cứu chữa một người đi xe đạp bị tai nạn, dẫn đến nạn nhân tử vong [19]. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số nhóm hoạt động vì biến đổi khí hậu bị phản ứng mạnh mẽ, khi hình thức phản kháng mà họ lựa chọn có thể gây ra thiệt hại lớn, cả trong thực tế và ở dạng tiềm năng. Những hành động không hiệu quả và gây rối như vậy thường không thu hút sự quan tâm theo cách mà các tổ chức hoạt động môi trường mong muốn, thay vào đó, chúng thường tạo ra sự thù địch và chỉ trích.

Trevor Neilson đồng sáng lập Quỹ khẩn cấp khí hậu (CEF), một nhóm tài trợ cho Extinction Rebellion và Just Stop Oil, nhưng sau đó đã từ chức và mô tả các phương pháp của họ là “không hiệu quả” [20]. Thậm chí, đã xuất hiện những nhóm tự phát chống lại các nhóm hoạt động môi trường, như trường hợp Just Stop Oil đã bị bao vây bởi một nhóm người ở London dưới sự dẫn dắt của Josh Pieters và Archie Manners, những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Họ đã ngăn chặn cuộc biểu tình “đi bộ chậm” của nhóm Just Stop Oil tại thành phố. Điều này là một minh chứng rõ ràng cho việc các hoạt động cực đoan của các nhà hoạt động môi trường không được sự ủng hộ của công chúng [7].

Đâu là những mục tiêu thực sự của các nhóm hoạt động môi trường cực đoan?

Tại sao các tổ chức hoạt động môi trường thực hiện hàng loạt hành động cực đoan và phản cảm gây bức xúc trong dư luận? Điều này không phải là hành động tự phát mà thường được lên kế hoạch, suy tính và thực hiện theo một chiến lược dài hạn. Những hành động như vậy cũng không bị giới hạn chỉ trong một số nhóm hoạt động ở một vài quốc gia. Để hiểu rõ hơn lý do đằng sau các hành động này, chúng ta cần xem xét các tuyên ngôn của các tổ chức này tại các sự kiện mà họ tạo ra.

Một số lý do có thể giải thích hành động cực đoan của các tổ chức môi trường bao gồm:

Thu hút sự chú ý: Các hành động đặc biệt thường được thực hiện để thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ công chúng và truyền thông. Nhóm hoạt động môi trường muốn đặt môi trường vào tâm điểm của cuộc trò chuyện công cộng và gây bức xúc trong dư luận, để tạo động lực cho mọi người quan tâm hơn đến vấn đề này. Cách làm này thể hiện rõ qua việc tấn công các tác phẩm nghệ thuật quý báu trong các bảo tàng hoặc ngăn cản các sự kiện quan trọng. Điều này thu hút sự chú ý của nhiều người.

Alex De Koning, một trong người phát ngôn của nhóm Just Stop Oil, đã đưa ra phát biểu về triết lý hoạt động của họ sau khi tấn công bức họa Hoa Hướng Dương tại Bảo tàng Quốc gia Anh:

“Đây không phải là gameshow The X Factor. Chúng tôi không cố gắng kết bạn ở đây. Chúng tôi đang cố gắng tạo ra sự thay đổi, và rất tiếc đây là cách mà sự thay đổi xảy ra.”

Thật vậy, Just Stop Oil chủ yếu sử dụng một phong cách hoạt động gây ra cảm xúc tiêu cực từ công chúng, và đó là lý do tại sao thông tin về họ và hoạt động của họ được lan truyền nhanh chóng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hoàn toàn được chấp nhận hoặc đồng tình, bởi tất cả những người bảo vệ môi trường. Mọi người thấy rằng Just Stop Oil đang cố gắng biến vấn đề môi trường thành hiện tượng "lan truyền trên truyền thông" hơn là đưa ra lý lẽ thuyết phục cho nó.

Áp lực chính phủ và doanh nghiệp: Bằng cách tạo ra áp lực và tạo ra sự bức xúc, các tổ chức môi trường có thể thúc đẩy chính phủ và các doanh nghiệp thay đổi chính sách và hành vi của họ đối với môi trường. Họ thấy rằng hành động cực đoan có thể làm nổi bật sự cần thiết của các biện pháp khẩn cấp. Hành động phong tỏa các khu vực trọng yếu hay làm tê liệt các tuyến giao thông sẽ bắt buộc các chính phủ sở tại phải chú ý và can thiệp.

Tình trạng khẩn cấp của vấn đề môi trường: Một số nhóm hoạt động môi trường coi tình trạng môi trường hiện tại là rất nghiêm trọng và cần có biện pháp mạnh mẽ ngay lập tức. Họ có thể tin rằng, chỉ có hành động cực đoan mới có thể cảnh báo đủ mạnh về tình hình.

Tuyên bố của thành viên Last Generation khi tấn công bức họa Đụn Rơm của Monet có đoạn “Tôi lo sợ vì khoa học cho chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ không thể nuôi sống gia đình mình vào năm 2050. Có cần phải nghiền nát một bức tranh để khiến bạn lắng nghe không? Bức tranh này sẽ chẳng có giá trị gì nếu chúng ta phải tranh giành thức ăn. Cuối cùng khi nào bạn sẽ bắt đầu lắng nghe? Cuối cùng thì khi nào bạn mới bắt đầu lắng nghe và ngừng kinh doanh như thường lệ?“

Tính nhận thức hạn chế: Đôi khi, tổ chức môi trường có thể cảm thấy rằng, các biện pháp tiêu biểu không đủ để thay đổi tình trạng môi trường hiện tại. Vì vậy, họ quyết định thực hiện những hành động quyết liệt hơn để gây ra sự chấn động và thay đổi tư duy của mọi người về vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình thể hiện quan điểm của họ qua các luận điểm và tuyên bố, họ thường phản ánh những hạn chế trong nhận thức của các nhà hoạt động môi trường. Mục tiêu có thể không rõ ràng, lời giải thích có thể không đủ thuyết phục, và thiếu sự logic trong lập luận. Điều này có thể khiến thông điệp môi trường của họ không được công chúng chấp nhận.

Việc ô nhiễm môi trường chỉ là một biểu hiện đáng lo ngại của hoạt động con người. Các biện pháp như treo băng rôn "bảo vệ môi trường", “dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch” hoặc "giảm sử dụng túi nilon" thường chỉ tạo áp lực đối với người tiêu dùng, mà không thay đổi gì về nguyên nhân chính của ô nhiễm. Trong khi đó, ngành sản xuất, nguyên nhân chính của vấn đề này, thường không thay đổi dù có những biện pháp như vậy.

Rất nhiều nhà hoạt động môi trường đều rất trẻ tuổi. Greta Thunberg, một trong những nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, đã bắt đầu hoạt động của mình từ khi mới 16 tuổi. Những nhà hoạt động khác trong nhóm Just Stop Oil thường nằm trong độ tuổi từ 20 đến 30. Hầu hết họ là học sinh hoặc sinh viên, chưa có kinh nghiệm trong việc làm và quản lý doanh nghiệp. Họ cũng thường chưa có cơ hội tiến hành nghiên cứu khoa học sâu rộng về các vấn đề môi trường. Điều này đã tạo ra một số lo ngại trong cộng đồng về sự hạn chế trong nhận thức của họ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stephen Mnuchin từng hỏi kháy về Thunberg: “Cô ấy có phải là nhà kinh tế trưởng không? Sau khi cô ấy đi học kinh tế ở trường đại học, cô ấy có thể quay lại và giải thích điều đó với chúng tôi.”

Mặc dù có vẻ như những phát ngôn này có tính chất thành kiến, thế nhưng những người hoạt động môi trường cực đoan thường bị hạn chế trong việc thể hiện một tầm nhìn toàn diện. Thường thì họ tập trung vào việc chỉ trích việc khai thác dầu mỏ, mà không đưa ra các giải pháp thay thế cụ thể. Họ cũng thường không xem xét các nguồn nguyên liệu thay thế, thường được khai thác ở các nước nghèo, gây ra bất ổn chính trị, tham nhũng và nhiều vấn đề tiêu cực khác.

Patrick Moore, Chủ tịch hội đồng quản trị của Liên minh CO2, tổ chức thúc đẩy lợi ích của carbon dioxide, đã viết trên Twitter rằng “Greta = Ác ma”. Ông cho rằng, các bài phát biểu trước công chúng của Thunberg được viết cho cô ấy, rằng cô ấy là một “con rối” và cô ấy không thể trả lời các câu hỏi trong các cuộc phỏng vấn vì ý tưởng của cô ấy không phải của riêng cô ấy.

“Đó không phải là ý tưởng của cô ấy. Có lý do tại sao 16 tuổi không được bầu cử, không uống rượu, không lái xe, không làm bất cứ việc gì. Ở tuổi đó, cô ấy chưa phải là người lớn, nên không có quyền gây ảnh hưởng đến mọi người, một tiến trình chính trị” [7].

Có thực sự là vì môi trường?

Mặc dù một số nhóm môi trường như Extinction Rebellion, Just Stop Oil cam kết theo sứ mệnh phản đối việc sản xuất dầu mỏ và nguyên liệu hóa thạch, tổ chức này lại không thể tách biệt nguồn tài trợ của mình khỏi gia đình nổi tiếng trong ngành sản xuất dầu.

Nguồn tài trợ chính cho tổ chức là từ Quỹ khẩn cấp khí hậu (CEF) có trụ sở tại Mỹ. Aileen Getty, một trong những sáng lập viên chính của CEF và là cháu nội của J. Paul Getty – người sáng lập tập đoàn xăng dầu Getty Oil, đã đóng góp khoảng 1 triệu USD cho CEF. Điều này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, đặc biệt khi gia đình Getty từng là một trong những gia đình giàu nhất thế giới nhờ ngành xăng dầu [21].

Điều quan trọng là các nhà hoạt động môi trường phải sử dụng các phương pháp phù hợp và hiệu quả để nâng cao nhận thức về mục tiêu của mình. Những hành động không phù hợp, chẳng hạn như phá hoại và gây gián đoạn, có thể gây tác dụng ngược và khiến mọi người ít ủng hộ phong trào môi trường hơn. Thay vào đó, các nhà hoạt động nên tập trung vào việc giáo dục công chúng về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác, xây dựng văn hóa tôn tạo môi trường, đồng thời hợp tác với chính phủ và doanh nghiệp để phát triển các giải pháp [22,23]. Điều này càng phù hợp hơn ở những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và có xuất phát điểm thấp như Việt Nam. Những quốc gia này không chỉ đối mặt với áp lực của các mục tiêu bảo vệ và tôn tạo môi trường, mà còn phải đảm bảo khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, và xóa đói giảm nghèo [24,25].

Bằng cách sử dụng các phương pháp phù hợp và hiệu quả, các nhà hoạt động môi trường có thể xây dựng một liên minh rộng rãi ủng hộ cho mục tiêu của họ. Đây là điều cần thiết cho sự thành công của phong trào môi trường trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường khác. Đây đồng thời cũng là điều kiện giúp hạn chế rủi ro và phản tác dụng do sự quá khích, cực đoan có thể gây ra cho chính nghị sự lớn của nhân loại vào đúng lúc mà Trái đất cần tới trí tuệ và sự đoàn kết của nhân loại hơn bao giờ hết [26].

Ngụy biện không thể làm nên lý lẽ đáng tin

Các trường hợp ở trên chỉ tạm liệt kê để cung cấp bối cảnh, và là phần rất nhỏ dữ liệu mà AISDL đang tiến hành khảo sát trên các hệ thống quốc tế. Ngay cả súp và khoai tây nghiền, thức ăn vốn của người nghèo ở chính châu Âu cũng bị mang ra làm vũ khí tấn công nghệ thuật, với cùng lập luận “đồ ăn quan trọng hơn nghệ thuật”, và lấy nó làm bùa hộ mệnh, sự biện minh cho các hành động kém văn minh. Bây giờ, ta sẽ cùng bác bỏ lập luận này. Giả sử, tới một thời điểm, sẽ có nhóm nào đó, dùng khoai tây nghiền làm vũ khí để tấn công bức tranh Người ăn khoai tây của Van Gogh chẳng hạn (xin nhắc lại là giả sử). Ta sẽ thấy ngay sự vô lý và ngụy biện lộ nguyên hình ở mức độ cực đại. Về tầm quan trọng của bức tranh thì có thể mượn lời của Charles C. Mann viết trên tạp chí Smithsonian Magazine và được giới thiệu lại trong cuốn sách [27,28]:

“Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, sự xuất hiện của khoai tây ở Bắc Âu đã chấm dứt nạn đói. Hơn thế nữa, như sử gia William H. McNeill lập luận, khoai tây dẫn đến đế quốc: “Bằng việc cung cấp đủ lương thực cho dân số tăng nhanh, nó đã cho phép vài nước châu Âu áp đặt sức mạnh lên phần lớn thế giới trong khoảng năm 1750 và năm 1950”. Khoai tây, nói cách khác, đã thúc đẩy sự trỗi dậy của phương Tây.”

Quả thật, khi xem bức tranh Những người ăn khoai tây của Van Gogh, không khó để nhận thấy những người ăn khoai tây, đại diện bởi khuôn mặt khắc khổ, bên bàn ăn nghèo nàn, là người lao động nghèo khó ở cuối thế kỷ XIX.

Hành động cực đoan của các tổ chức hoạt động môi trường có thể gây phản tác dụng với nghị sự lớn của nhân loại
Tranh Những người ăn khoai tây, https://en.wikipedia.org/wiki/The_Potato_Eaters

Đặc biệt, phần thú vị của lịch sử khoai tây cũng lại là chỗ mà ta sẽ thấy sự ngụy biện của lối nghĩ “Thực phẩm quan trọng hơn nghệ thuật”. Từ phương diện khoai tây và xã hội, thuở bình minh khoai tây, cây ra hoa, các bông hoa năm cánh như trải gần kín các cánh đồng bằng những ngôi sao tím. Nữ hoàng Marie Antoinette rất yêu thích, và thường gài hoa khoai tây lên tóc. Chồng bà, Vua Louis XVI, cắm một bông hoa ở khuyết áo. Ai đó cho rằng, đây là những hành vi “nghệ thuật thời trang phù phiếm” thì đã sai lầm lớn. Những hành động này– được thực hiện hoàn toàn có chủ đích – đã biến hoa khoai tây trở thành một thứ thời trang rất thịnh hành. Giới quý tộc Pháp phản ánh sự ám ảnh với khoai tây trong trang phục đời sống. Hoa khoai tây nhờ thế đã trở thành công cụ đắc lực của Louis XVI động viên nông dân Pháp trồng và sử dụng khoai tây (khi đó, cuối thế kỷ XVIII vẫn là loại cây lạ lẫm) như thực phẩm. Sức mạnh của quân đội Pháp, sức khỏe nhân dân Pháp, và sản lượng 7,5 triệu tấn khoai tây với tư cách nguồn an ninh lương thực của nước Pháp văn minh ngày hôm nay mang nặng dấu ấn của cái mà các nhà hoạt động môi trường sẽ gọi là “phù phiếm” và “vô bổ”!

*Ghi chú: Nhóm nghiên cứu AISDL đang tiến hành thu thập, lọc và phân loại từ hơn 10.000 ý kiến xã hội khắp thế giới về một số hành vi phá hoại tác phẩm nghệ thuật, dựa trên công nghệ dữ liệu hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (A.I.). Việc phân tích khuynh hướng hình thành thái độ của cộng đồng hoàn cầu với các hành vi phản văn hóa sẽ được thực hiện bằng mô phỏng MCMC và BMF analytics. Chúng tôi mong muốn sớm được giới thiệu các kết quả phân tích, để làm rõ hơn tác động của các hành vi nêu trong bài tới cách mà công chúng thế giới hiểu về sứ mệnh bảo vệ môi sinh, khi các kết quả hoàn thành và xuất bản sau phản biện.

References

[1] Evans, M. (2022, Oct. 15). Two women charged with criminal damage after tipping soup on Van Gogh’s Sunflowers painting. https://www.telegraph.co.uk/news/2022/10/15/two-women-charged-criminal-damage-tipping-soup-van-goghs-sunflowers/

[2] Gayle, D. (2022, Oct. 14). Just Stop Oil activists throw soup at Van Gogh’s Sunflowers. https://www.theguardian.com/environment/2022/oct/14/just-stop-oil-activists-throw-soup-at-van-goghs-sunflowers

[3] Alao, L. C. (2022, Nov. 09). A list of all artworks Just Stop Oil have attacked. https://www.standard.co.uk/news/uk/all-artworks-just-stop-oil-attacked-b1038844.html

[4] Reuters. (2022, Nov. 4). Last Generation climate change protesters throw soup at Vincent Van Gogh painting ‘The Sower’ in Rome. https://nypost.com/2022/11/04/last-generation-climate-change-protestors-throw-soup-at-vincent-van-gogh-painting/

[5] RFI. (2022, Nov. 19). French climate activists pour paint on Charles Ray sculpture in Paris. https://www.rfi.fr/en/france/20221119-french-climate-activists-derniere-renovation-pour-paint-on-charles-ray-sculpture-in-paris

[6] Davis, C. (2022, Oct. 26). Are Just Stop Oil’s dramatic art museum protests hurting their own cause? https://edition.cnn.com/style/article/just-stop-oil-protests-the-conversation/index.html

[7] Godfrey, T. (2023, July. 21). Just Stop Oil protesters get taste of their own medicine in bizarre London clash. https://www.news.com.au/technology/environment/climate-change/just-stop-oil-protesters-get-taste-of-their-own-medicine-in-bizarre-london-clash/news-story/475279a824fb6941be9ee7f118f46f7d

[8] Chung, F. (2023, July. 21). Just Stop Oil protester bashed by enraged motorist in London. https://www.news.com.au/technology/environment/climate-change/just-stop-oil-protester-bashed-by-enraged-motorist-in-london/news-story/b6454b2fd34e8b15ca3a8b086a1b369b

[9] Grieshaber, K. (2023, Apr. 25). Climate protesters try to bring Berlin traffic to a halt. https://apnews.com/article/germany-climate-protests-berlin-road-blocks-a922cb5e0f317dc0c470f4a579da43d6

[10] Armstrong, M. (2023, Apr. 24). Police use drill to free activist's hand during climate protest in Germany. https://www.euronews.com/2023/04/24/police-use-drill-to-free-activists-hand-during-climate-protest-in-germany

[11] The Straits Times. (2023, Apr. 25). Tempers fray as climate activists glue themselves to roads in Berlin. https://www.straitstimes.com/world/europe/tempers-fray-as-climate-activists-glue-themselves-to-roads-in-berlin

[12] Mann, S. (2023, Aug. 30). Nevada tribal cop who pulled gun on climate activists blocking road into Burning Man is 'under review'. https://www.dailymail.co.uk/news/article-12462413/Nevada-tribal-cop-activists-truck-hit-review.html

[13] Letzte Generation. (2023, Sep. 12). Gesellschaftsrat + Fragen & Antworten. https://letztegeneration.org/en/gesellschaftsrat/

[14] NTV. (2023, June. 6). Last generation sprays private jet on Sylt. https://www.n-tv.de/politik/Letzte-Generation-besprueht-Privatjet-auf-Sylt-article24172044.html

[15] Binde, N. (2023, June. 23). Anschlag auf yacht: Pinneberger Unternehmerin (85) geschockt. https://www.abendblatt.de/region/pinneberg/article238766605/Anschlag-auf-Yacht-Pinneberger-Unternehmerin-85-geschockt.html

[16] Limb, L. (2023, May. 23). 'Go to hell, Shell': Activists crash oil giant's AGM as shareholders call out climate inaction. https://www.euronews.com/green/2023/05/23/go-to-hell-shell-activists-crash-oil-giants-agm-as-shareholders-call-out-climate-inaction

[17] Speare-Cole, R. (2022, Oct. 16). Just Stop Oil supporters spray paint over Aston Martin showroom in London. https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-10-16/just-stop-oil-supporters-spray-paint-over-aston-martin-showroom-in-london?embedded-checkout=true

[18] Healy, C. (2023, Sep. 8). Activist shoves cream pie in airline CEO’s face in Europe. https://www.news.com.au/travel/travel-updates/incidents/activist-shoves-cream-pie-in-airline-ceos-face-in-europe/news-story/c0d73b7f7a90df67ecb100e97717d67d

[19] Connolly, K. (2022, Nov. 10). Death of cyclist in Berlin provokes debate over road protests. https://www.theguardian.com/world/2022/nov/10/death-of-cyclist-in-berlin-provokes-debate-over-road-protests

[20] Salvoni, E. (2023, June. 25). Wealthy US entrepreneur bankrolling Just Stop Oil sensationally turns on 'unproductive' climate mob and says 'pink-haired, tattooed and pierced' protesters stopping kids getting to school are not 'accomplishing anything'. https://www.dailymail.co.uk/news/article-12230763/Wealthy-entrepreneur-bankrolling-Just-Stop-Oil-turns-unproductive-climate-mob.html

[21] Angeleti, G. (2022, Oct. 22). Getty oil fortune heiress helped fund climate activists who have targeted artworks and museums. https://www.theartnewspaper.com/2022/10/21/getty-oil-heiress-funds-climate-crisis-activism-just-stop-oil

[22] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[23] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872

[24] Nguyen, M. H., & Vuong, Q. H. (2022). Evaluation of the Aichi Biodiversity Targets: The international collaboration trilemma in interdisciplinary research. Pacific Conservation Biology, 28(6), 517-531. https://www.publish.csiro.au/PC/PC21026

[25] Chính, P. M, & Hoàng, V. Q. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và đột phá. Nxb Chính trị Quốc gia.

[26] Phương, L. V., & Hoàng, N. M. (2023). Hậu quả của hành động bảo vệ môi trường sai lầm. https://kinhtevadubao.vn/hau-qua-cua-hanh-dong-bao-ve-moi-truong-sai-lam-26990.html

[27] Mann, C. C. (2011). How the potato changed the world. Smithsonian Magazine. http://www.smithsonianmag.com/history/how-the-potato-changed-the-world-108470605/

[28] Chiến, B. N., & Hoàng, V. Q. (2015). Bằng chứng cuộc sống: Suy ngẫm về phát triển bền vững Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia. https://books.google.com/books/?id=VwI5CwAAQBAJ