TS. Nguyễn Thanh Hằng, TS. Nguyễn Thị Mai Hương

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt

Nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lối sống xanh của sinh viên Hà Nội thông qua bảng câu hỏi khảo sát dưới hình thức online các cá nhân là sinh viên đang sinh sống và học tập trên địa bàn Thành phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Hành vi lối sống xanh của sinh viên tại Hà Nội chịu tác động từ nhiều yếu tố, như: Nhận thức cá nhân, Môi trường xã hội và pháp luật, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Sở thích cá nhân. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm thúc đẩy lối sống xanh ở thế hệ trẻ.

Từ khóa: lối sống xanh, sinh viên, tiêu dùng bền vững, Hà Nội

Summary

The study analyzes the factors affecting the green lifestyle of Hanoi students through an online survey questionnaire of individuals who are students living and studying in the city. The research results show that the green lifestyle behavior of students in Hanoi is influenced by many factors, such as Personal awareness, Social and legal environment, Technology and innovation, and Personal preferences. From there, the study proposes management implications for promoting a green lifestyle in the younger generation.

Keywords: green lifestyle, students, sustainable consumption, Hanoi

ĐẶT VẤN ĐỀ

Lối sống xanh là chủ đề nóng đang được quan tâm ở các quốc gia trên thế giới. Ở phạm vi hẹp, lối sống xanh thường đề cập đến các hành vi bảo vệ môi trường trong cuộc sống hàng ngày, như: giảm lãng phí thực phẩm, mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường, ủng hộ, quyên góp cho các hoạt động phong trào bảo vệ môi trường (Capstick, Whitmarsh và cộng sự, 2019). Xét ở phạm vi rộng hơn, lối sống xanh đề cập đến một lối sống cùng tồn tại hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ tối đa môi trường tự nhiên, nhưng vẫn đáp ứng các hoạt động của con người (Lange và Dewitte, 2022). Lối sống xanh không chỉ bao gồm các hành vi thân thiện với môi trường của cá nhân nhằm bảo tồn tài nguyên, mà còn đại diện cho một lối sống theo đuổi mục tiêu bảo vệ môi trường nói chung (Ha, Jeon và cộng sự, 2023).

Tại Việt Nam, nhiệm vụ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững đã được xác định là một trọng tâm quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Hàng loạt chương trình hành động đã được triển khai, đặc biệt tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng hướng tới lối sống thân thiện với môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, khái niệm “lối sống xanh” vẫn còn khá mới mẻ và chưa thật sự rõ ràng đối với nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ. Đáng chú ý, ngay cả trong nhóm học sinh, sinh viên - những người có tri thức, chiếm số lượng lớn và sẽ là lực lượng nòng cốt trong quản lý, khai thác, sản xuất và tiêu dùng tương lai - ý thức về lối sống xanh vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra thách thức lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội để đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục và định hướng lối sống xanh cho thế hệ trẻ, từ đó, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước (Vuong và Nguyen, 2024).

TP. Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và du lịch hàng đầu của cả nước, đồng thời là nơi có mật độ dân cư cao nhất. Với số lượng lớn các trường đại học, cao đẳng và trung cấp cũng hàng trăm nghìn sinh viên đến học tập và sinh sống trên địa bàn Thành phố đã tạo áp lực lớn đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường sống. Hiện nay, tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường tại Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng: nguồn nước mặt bị suy giảm và ô nhiễm ở nhiều nơi, chất lượng không khí thường xuyên ở mức báo động, đặc biệt vào mùa đông; tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải rắn không được thu gom, xử lý hiệu quả gây ô nhiễm môi trường đô thị. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng các hoạt động du lịch tuy mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, nhưng cũng dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Các khu vực du lịch, phố cổ, hay các điểm tham quan thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tình trạng rác thải, nước thải không được quản lý chặt chẽ, làm suy giảm hình ảnh của Thủ đô và ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như hệ sinh thái đô thị. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng lối sống xanh và tiêu dùng bền vững, đặc biệt trong đối tượng sinh viên trên địa bàn TP. Hà Nội mang ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Từ đó, đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động sống xanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững không chỉ cho Hà Nội nói riêng, mà còn cho khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm lối sống xanh

Lối sống là một khái niệm đa chiều với nhiều góc nhìn tiếp cận khác nhau, trong đó văn hóa và xã hội là 2 hướng tiếp cận được nhiều nhà nghiên cứu khai thác. Dưới lăng kính văn hóa, lối sống của con người được xem như quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua các hoạt động sống trong một bối cảnh nhất định. Còn trong xã hội học, lối sống được hiểu là tập hợp các hành vi xã hội được chuẩn hóa, mang tính khuôn mẫu và thường xuyên lặp lại trong đời sống hàng ngày (Cohen và Felson, 1979).

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) năm 2016, lối sống xanh (green living) là đưa ra những lựa chọn bền vững về những gì chúng ta ăn, cách chúng ta đi lại, những gì chúng ta mua, cũng như cách chúng ta sử dụng và thải bỏ đồ vật. Những lựa chọn hàng ngày của chúng ta có thể tạo ra một lối sống bền vững.

Dưới góc độ văn hóa, lối sống xanh được xem như một biểu hiện của ý thức bảo vệ môi trường, trong đó, con người chủ động cam kết sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính (Ha, Jeon và cộng sự, 2023). Khái niệm này không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm tài nguyên, mà còn mở rộng thành một lối sống tổng thể, hài hòa với thiên nhiên, gắn kết giữa con người và môi trường tự nhiên trong sự phát triển bền vững (Myeong, 2012).

Từ quan điểm xã hội học, lối sống xanh được định nghĩa là sự kết hợp giữa thái độ, hành vi và các thực hành hướng tới việc bảo vệ môi trường, thể hiện qua những hành động cụ thể, đều đặn trong đời sống hàng ngày. Điều này bao gồm việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tham gia các hoạt động xanh và áp dụng những thói quen tiêu dùng bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên hành tinh (Chuah, Mohd và cộng sự, Zheng, Wan và cộng sự, 2023).

Đặc điểm của lối sống xanh

Lối sống xanh được định hình bởi các giá trị cốt lõi, như: sự gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (Zheng, Wan và cộng sự, 2023). Lối sống này được thể hiện thông qua các hành vi công dân xanh, bao gồm việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng như tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên. Những hành vi này, khi được duy trì một cách thường xuyên và lâu dài, không chỉ tạo ra sự thay đổi tích cực trong lối sống, sản xuất và tiêu dùng, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu và sự suy giảm đa dạng sinh học, lối sống xanh trở thành giải pháp thiết yếu. Các hoạt động của con người được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên quá mức và ô nhiễm môi trường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi cách sống và cách sản xuất (Hidalgo-Crespo và Amaya-Rivas, 2024). Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần thúc đẩy một lối sống dựa trên trách nhiệm bảo vệ môi trường, kết hợp với các phương thức sản xuất và tiêu dùng bền vững (Cheng, Long và cộng sự, 2019).

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định lối sống xanh

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi lối sống xanh của con người trong xã hội. Trước hết, các giá trị sống gắn liền với môi trường, nhận thức cá nhân và những hành vi công dân xanh đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường (Zheng, Wan và cộng sự, 2023). Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa, như: tôn giáo và chuẩn mực xã hội, cùng với các quy định pháp luật chính thức và phi chính thức, cũng tạo động lực lớn cho hành vi bảo vệ môi trường (Cheng, Wu và cộng sự, 2021).

Công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số, góp phần đáng kể vào việc khuyến khích lối sống xanh. Những tiến bộ này không chỉ mang lại sự tiện lợi, mà còn nâng cao nhận thức và thúc đẩy thái độ thân thiện với môi trường của người dân (Li, Li và cộng sự, 2024). Ngoài ra, các yếu tố cá nhân, như: sở thích, mức thu nhập và cường độ tương tác xã hội cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định áp dụng lối sống bền vững. Người có thu nhập cao hơn thường dễ tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ xanh, trong khi giao tiếp xã hội tích cực có thể lan tỏa và củng cố các hành vi xanh trong cộng đồng (Cheng, Long và cộng sự, 2019; Han và Lee, 2022).

Những yếu tố trên, dù riêng lẻ hay kết hợp, đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một lối sống bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở lý thuyết về lối sống xanh, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng ảnh hưởng đến lối sống xanh của sinh viên Hà Nội như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các yếu tố ảnh hưởng đến lối sống xanh của sinh viên Hà Nội

Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua bảng câu hỏi khảo sát dưới hình thức online các cá nhân là sinh viên đang sinh sống và học tập trên địa bàn TP. Hà Nội.

Công thức chọn mẫu được sử dụng: N = 5 * n (trong đó: n là số biến quan sát). Theo Hair, Hult và cộng sự (2014), kích thước mẫu tối thiểu để sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA) là 50, tốt hơn là từ 100 trở lên. Tỷ lệ số quan sát trên một biến phân tích là 5:1 hoặc 10:1. Đối với nghiên cứu này, có 29 biến quan sát, sử dụng tỷ lệ 5:1, thì cỡ mẫu tối thiểu là là 29 × 5 = 145.

Dữ liệu được thu thập ở TP. Hà Nội với 200 bảng hỏi, được khảo sát thông qua đường link trên Google Docs trong thời gian từ tháng 8-11/2024. Nghiên cứu thu về 183 phiếu khảo sát chất lượng được đưa vào phân tích.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Với quy mô mẫu là 183 đơn vị, các thang đo hoàn chỉnh có hệ số Cronbach’s Alpha ≥ 0,6, cùng với các biến quan sát có Cronbach’s Alpha nếu loại biến nhỏ hơn hệ số Cronbach’s Alpha và hệ số tương quan tổng biến ≥ 0,3 sẽ được giữ lại làm thang đo chính thức cho bước tiếp theo.

Theo kết quả chạy mô hình, các thang đo: Giá trị sống và nhận thức cá nhân; Môi trường xã hội và pháp luật; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Sở thích cá nhân; Thu nhập, đều thỏa mãn yêu cầu và tất cả các biến quan sát của các thang đo này đều đạt được độ tin cậy. Thang đo Tương tác xã hội có biến quan sát TTXH 4 với Cronbach’s Alpha < 0,3, nên biến TTXH4 bị loại khỏi thang đo này. Thang đo Hành vi lối sống xanh có biến quan sát HVSX4; HVSX5; HVSX6 với Cronbach’s Alpha < 0,3, nên các biến quan sát HVSX4; HVSX5; HVSX6 bị loại ra khỏi thang đo này (Bảng 1).

Bảng 1: Kết quả đánh giá chất lượng thang đo bằng hệ số CA

Biến

Nội dung

Trung bình thang đo

Phương sai thang đo

Hệ số tương quan

Cronbach’ Alpha

NTCN

Giá trị sống và nhận thức cá nhân: 0,887

NTCN1

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi sinh viên.

9,93

10,666

0,775

0,846

NTCN2

Lối sống xanh có tác động tích cực đến tương lai.

9,94

10,551

0,774

0,846

NTCN3

Việc thực hành lối sống xanh giúp bản thân sống có ý nghĩa hơn.

10,10

10,902

0,761

0,851

NTCN4

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

10,09

11,524

0,700

0,874

XHPL

Môi trường xã hội và pháp luật: 0,824

XHPL1

Tôi được khuyến khích sống xanh thông qua các hoạt động môi trường do trường tổ chức.

9,93

7,853

0,547

0,822

XHPL2

Tôi thấy bạn bè xung quanh có xu hướng thực hành lối sống thân thiện với môi trường.

9,90

6,940

0,679

0,763

XHPL3

Các quy định pháp luật hiện hành khiến tôi cân nhắc nhiều hơn về việc bảo vệ môi trường.

10,09

7,564

0,633

0,785

XHPL4

Gia đình, bạn bè của tôi khuyến khích tôi duy trì lối sống thân thiện với môi trường.

9,97

6,625

0,738

0,733

CNDM

Công nghệ và đổi mới sáng tạo: 0,845

CNDM1

Tôi thường sử dụng các ứng dụng để tìm kiếm thông tin về sản phẩm xanh hoặc tái chế.

5,95

4,634

0,679

0,820

CNDM2

Tôi quan tâm đến các sản phẩm công nghệ tiết kiệm năng lượng.

5,90

4,621

0,761

0,737

CNDM3

Tôi cảm thấy công nghệ giúp việc sống xanh trở nên dễ dàng và thú vị hơn.

6,05

0,5025

0,701

0,796

STCN

Sở thích cá nhân: 0,917

STCN1

Tôi thích sử dụng sản phẩm tái chế hoặc thân thiện với môi trường.

11,46

5,052

0,814

0,891

STCN2

Tôi ưu tiên lựa chọn thực phẩm hữu cơ hoặc ít gây tác động tiêu cực đến môi trường.

11,45

4,557

0,869

0,871

STCN3

Tôi thích tìm hiểu và áp dụng các cách mới để bảo vệ môi trường trong cuộc sống hàng ngày.

11,45

5,062

0,847

0,882

STCN4

Tôi cảm thấy hài lòng khi sống và làm việc theo lối sống xanh.

11,45

4,974

0,723

0,914

YTTN

Yếu tố thu nhập: 0,905

YTTN1

Mức chi tiêu của tôi đủ để mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường.

10,79

6,330

0,727

0,898

YTTN2

Tôi sẵn sàng chi trả cao hơn để sử dụng các sản phẩm xanh.

10,92

6,060

0,835

0,859

YTTN3

Thu nhập của tôi không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hành lối sống xanh.

10,89

6,120

0,845

0,857

YTTN4

Tôi cân nhắc chi phí trước khi mua các sản phẩm thân thiện với môi trường

10,79

6,279

0,742

0,893

TTXH

Tương tác xã hội: 0,853

TTXH1

Tôi thường xuyên chia sẻ kiến thức hoặc thông tin về bảo vệ môi trường với người khác.

7,34

1,983

0,752

0,771

TTXH2

Tôi thích tham gia các cộng đồng hoặc nhóm có cùng mục tiêu bảo vệ môi trường.

7,16

2,464

0,765

0,774

TTXH3

Những người xung quanh tôi (bạn bè, đồng nghiệp) ảnh hưởng đến hành vi sống xanh của tôi.

7,27

2,211

0,680

0,838

HVSX

Hành vi lối sống xanh: 0,932

HVSX1

Hành vi tiết kiệm tài nguyên và năng lượng (tắt đèn, máy tính, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng).

6,86

3,481

0,904

0,869

HVSX2

Hành vi tiêu dùng bền vững (mua sản phẩm tái chế, sử dụng túi vải thay vì túi nhựa).

6,74

3,302

0,868

0,899

HVSX3

Hành vi phân loại và tái chế rác thải.

6,94

3,716

0,817

0,926

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả

Kết quả thu được sau khi đánh giá hệ số tin cậy có 7 thang đo và 25 biến quan sát của mô hình thỏa mãn điều kiện sử dụng trong phân tích EFA.

Phân tích EFA

Bảng 2: Hệ số KMO và kiểm định Bartlett

Hệ số KMO

0,830

Kiểm định Bartlett

Chi2 xấp xỉ

2590,118

df

231

Sig.

0,000

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả

Kết quả Bảng 2 với KMO = 0,830; thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1, cho thấy phân tích EFA là thích hợp để phân tích yếu tố ảnh hưởng hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội. Kiểm định tương quan của các biến quan sát trong thước đo đại diện. Kiểm định Bartlett có Sig. < 0,01, các biến đặc trưng có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Kết quả kiểm định mức độ giải thích của các biến quan sát trong mô hình cho thấy trị số phương sai trích là 76,323%, có nghĩa là 76,323% sự thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến đặc trưng trong mô hình.

Bảng 3: Kết quả phân tích EFA

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Nhóm 4

Nhóm 5

Nhóm 6

YTTN2

0,902

STCN3

0,864

NTCN1

0,867

XHPL4

0,862

CNDM2

0,861

TTXH1

0,886

YTTN3

0,887

STCN2

0,830

NTCN2

0,866

XHPL2

0,804

CNDM3

0,842

TTXH2

0,842

YTTN4

0,766

STCN1

0,816

NTCN3

0,836

XHPL3

0,791

CNDM1

0,839

TTXH3

0,759

YTTN1

0,761

STCN4

0,754

NTCN4

0,782

XHPL1

0,696

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả

Kết quả đánh giá chất lượng thang đo ở Bảng 3 cho thấy, có 6 nhóm định lượng (gồm 22 biến) được tổng hợp đưa vào chạy phân tích EFA. Các biến quan sát đều có trọng số > 0,5. Kết quả cuối cùng, tất cả 22 biến quan sát được trích thành 6 nhóm yếu tố đại diện thỏa mãn đưa vào phân tích hồi quy.

Phân tích hồi quy

Mô hình hồi quy hồi quy tổng quát được hiệu chỉnh sau khi phân tích EFA như sau:

HVSX = f (YTTN, STCN, CNDM, TTXH, XHPL, NTCN)

Việc xem xét các yếu tố: Thu nhập; Sở thích cá nhân; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tương tác xã hội; Môi trường xã hội và pháp luật; Giá trị sống và nhận thức cá nhân yếu tố nào thực sự tác động đến Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội một cách trực tiếp được thực hiện bằng phương trình hồi quy tuyến tính sau:

HVSX = b0 + b1YTTN + b2STCN + b3CNDM + b4TTXH + b5XHPL + b6NTCN + ei

Trong đó, các biến đưa vào phân tích hồi quy được xác định bằng cách tính điểm của các nhân tố. Các tham số được ước lượng bằng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) trên phần mềm SPSS.

Bảng 4: Kết quả hồi quy

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Tolerance

VIF

Constant

-1,247

0,288

-4,323

0,000

YTTN

0,116

0,067

0,103

1,740

0,084

0,625

1,600

STCN

0,321

0,079

0,254

4,072

0,000

0,562

1,779

CNDM

0,184

0,044

0,210

4,206

0,000

0,879

1,138

TTXH

0,367

0,070

0,286

5,262

0,000

0,741

1,135

XHPL

0,218

0,054

0,207

4,050

0,000

0,844

1,185

NTCN

0,126

0,044

0,149

2,848

0,005

0,806

1,240

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả

Từ kết quả ở Bảng 4, phương trình hồi quy chuẩn hóa phản ánh mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến hành vi lối sống xanh của sinh viên ở Hà Nội như sau:

HVSX = 0,103YTTN + 0,254STCN + 0,210CNDM + 0,286TTXH +

0,207XHPL + 0,149NTCN + ei

Kết quả Bảng 4 cho thấy, tất cả các biến đều có Sig. < 0,1. Như vậy, các yếu tố Thu nhập; Sở thích cá nhân; Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tương tác xã hội; Môi trường xã hội và pháp luật; Giá trị sống và Nhận thức cá nhân có ảnh hưởng đến Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội với độ tin cậy 90%. Hệ số phóng đại phương sai (VIF) của các biến độc lập đều < 10, do vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.

Mức độ giải thích của mô hình hồi quy

Bảng 5: Tóm tắt mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Sai số chuẩn ước tính

Thống kê thay đổi

Durbin-Watson

R2

thay đổi

F

thay đổi

df1

df2

Sig. F thay đổi

0,783a

0,614

0,601

0,58139

0,548

46,620

6

176

0,000

2,231

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả

Bảng 5 cho thấy, giá trị Durbin-Waston = 2,231 nằm trong khoảng 1-3, như vậy, mô hình không có tự tương quan bậc một giữa các sai số. Giá trị Sig. của kiểm định F = 0,000 < 0,05 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được. R2 hiệu chỉnh = 0,601. Như vậy, 60,1% thay đổi về hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội được giải thích bởi các biến độc lập của mô hình.

Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy

Bảng 6: Phân tích phương sai

Mô hình

Tổng bình phương

df

Mean Square

F

Sig.

Hồi quy

94,548

6

15,758

46,620

0,000b

Phần dư

59,490

176

0,338

Tổng

154,038

182

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả điều tra và tính toán của nhóm tác giả

Kết quả Bảng 6 với Sig. < 0,00, có thể kết luận, mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế. Nói cách khác, các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc với mức độ tin cậy 99%.

Kết quả phân tích hồi quy thông qua hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa ở Bảng 4 cho thấy:

(1) Đối tượng khảo sát đánh giá về Yếu tố thu nhập tăng thêm 1 điểm, thì Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội tăng thêm 0,1116 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,116). Kết quả nghiên cứu này đồng nhất với các nghiên cứu của (Cheng, Long và cộng sự, 2019; Han và Lee, 2022) khi thu nhập của sinh viên tăng thêm thì việc tiêu dùng cho các sản phẩm và dịch vụ xanh sẽ tăng lên.

(2) Đối tượng khảo sát đánh giá về nhân tố Sở thích cá nhân tăng thêm 1 điểm, thì Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội tăng thêm 0,321 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,321). Kết luận này tương tự một số nghiên cứu trước đây của Cheng, Long và cộng sự (2019), Han và Lee (2022), khi cá nhân yêu thích lối sống xanh, lối sống bền vững, họ sẽ tích cực thực hiện các hành vi sống xanh, như: tái chế, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

(3) Đối tượng khảo sát đánh giá về nhân tố Công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng thêm 1 điểm, thì Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội tăng thêm 0,184 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,184). Li, Li và cộng sự (2024) cũng đưa ra các ý kiến tương tự khi khẳng định công nghệ và đổi mới sáng tạo hỗ trợ đáng kể hành vi lối sống xanh, Các ứng dụng công nghệ, như: dịch vụ chia sẻ xe, mua sắm trực tuyến với sản phẩm thân thiện môi trường giúp cá nhân thực hiện hành vi sống xanh dễ dàng hơn.

(4) Đối tượng khảo sát đánh giá về nhân tố Tương tác xã hội tăng thêm 1 điểm, thì Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội tăng lên 0,367 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,367). Nghiên cứu của Cheng, Long và cộng sự (2019), Han và Lee (2022) cũng kết luận tương đồng khi cho rằng, Sự tương tác, hỗ trợ và áp lực từ cộng đồng có thể thúc đẩy hành vi sống xanh, vì con người thường chịu ảnh hưởng từ môi trường xã hội và muốn hòa nhập với các giá trị tích cực chung.

(5) Đối tượng khảo sát đánh giá về nhân tố Môi trường xã hội và pháp luật tăng thêm 1 điểm, thì Hành vi lối sống xanh của sinh viên tăng lên 0,218 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,218). Kết quả nghiên cứu này đồng nhất với kết quả nghiên cứu của Cheng, Wu và cộng sự (2021) khi cho rằng, các quy định và chính sách từ chính phủ cũng có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi lối sống xanh. Khi luật pháp nghiêm ngặt và chính sách khuyến khích rõ ràng, hành vi lối sống xanh sẽ tăng lên nhờ tác động từ các chuẩn mực xã hội.

(6) Đối tượng khảo sát đánh giá về nhân tố Giá trị sống và nhận thức cá nhân tăng thêm 1 điểm, thì Hành vi lối sống xanh của sinh viên Hà Nội tăng lên 0,126 điểm (tương ứng với hệ số tương quan chưa chuẩn hóa là 0,126). Kết quả nghiên cứu này cho thấy, Nhận thức và thói quen cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến Hành vi lối sống xanh, Cá nhân hiểu biết về lợi ích của hành vi sống xanh sẽ có khả năng áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày (Zheng, Wan và cộng sự, 2023).

Như vậy, phương trình hồi quy trên cho thấy, hành vi lối sống xanh không phải là kết quả của một yếu tố đơn lẻ mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ cá nhân đến xã hội. Tương tác xã hội và Sở thích cá nhân là 2 yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất, phản ánh sự quan trọng của môi trường cộng đồng và nhận thức cá nhân. Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Môi trường xã hội và pháp luật đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp công cụ và định hướng hành vi lối sống xanh. Thu nhập và Nhận thức cá nhân tuy có tác động thấp hơn, nhưng vẫn là các yếu tố không thể bỏ qua.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Đối diện với những thách thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững, lối sống xanh đang ngày càng có sức ảnh hưởng và là lựa chọn của giới trẻ thông thái trong xã hội hiện đại. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hành vi lối sống xanh của sinh viên tại Hà Nội chịu tác động từ nhiều yếu tố, như: Nhận thức cá nhân, Môi trường xã hội và pháp luật, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Sở thích cá nhân. Để thúc đẩy lối sống xanh bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cá nhân đến cộng đồng và các tổ chức trong xã hội.

Trước hết, chính sách công cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình khuyến khích tương tác xã hội như các chiến dịch “sống xanh”; đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển các sản phẩm xanh phù hợp với sở thích người tiêu dùng, đảm bảo dễ tiếp cận và thân thiện với môi trường, qua đó khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, giáo dục và truyền thông cần được tăng cường để hình thành nhận thức sống xanh ngay từ sớm thông qua các chương trình giảng dạy và chiến dịch truyền thông sáng tạo.

Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy hành vi sống xanh không thể tách rời khỏi sự kết hợp đồng bộ giữa cá nhân, công nghệ, cộng đồng và các yếu tố pháp lý. Chỉ khi có sự tham gia tích cực từ các bên liên quan, lối sống xanh mới thực sự trở thành chuẩn mực trong cộng đồng sinh viên, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Capstick, S., et al. (2019), Compensatory and Catalyzing Beliefs: Their Relationship to Pro-environmental Behavior and Behavioral Spillover in Seven Countries, Sec. Environmental Psychology, 10.

2. Cheng, X., et al. (2019), Does social interaction have an impact on residents' sustainable lifestyle decisions? A multi-agent stimulation based on regret and game theory, Appl. Energy, 251.

3. Cheng, X., et al. (2021), Uncovering the effects of learning capacity and social interaction on the experienced utility of low-các-bon lifestyle guiding policies, Energy Policy, 154.

4. Chuah, S. C., et al. (2021), Impact of Green Human Resource Management Practices Towards Green Lifestyle and Job Performance, Global Business Management, 13, 13-23.

5. Cohen, L. E. and M. Felson (1979), Social Change and Crime Rate Trends: A Routine Activity Approach, American Sociological Review, 44, 588-608.

6. Ha, J. W., et al. (2023), Status of environmental awareness and participation in Seoul, Korea and factors that motivate a green lifestyle to mitigate climate change, Current Research in Environmental Sustainability, 5.

7. Hair, J. F., et al. (2014), A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling, Thousand Oaks, CA: Sage.

8. Han, S. and Y. Lee (2022), Analysis of the impacts of social class and lifestyle on consumption of organic foods in South Korea, Heliyon, 8(10).

9. Hidalgo-Crespo, J. and J. L. Amaya-Rivas (2024), Citizens’ pro-environmental behaviors for waste reduction using an extended theory of planned behavior in Guayas province, Cleaner Engineering and Technology, 21.

10. Li, J., et al. (2024), Can digitalization facilitate low các-bon lifestyle? - Evidence from households’ embeddd emissions in China, Technology in Society, 76.

11. Myeong, S. J. (2012), The effects of awareness and education of green lives on implementation of green lives, Korean J. Environ. Educ, 25(4), 70-479.

12. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

13. Zheng, Q., et al. (2023), Will informal environmental regulation induce residents to form a green lifestyle? Evidence from China, Energy Economics, 125.

Ngày nhận bài: 09/12/2024; Ngày phản biện: 20/12/2024; Ngày duyệt đăng: 14/01/2025