Ngày 03/3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị “Nghị quyết số 02/NĐ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".

Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Giám đốc USAID Ann Marie Yastishock đồng chủ trì Hội nghị.

Cải cách môi trường kinh doanh - trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: "Với nỗ lực cải cách của các Bộ, ngành và địa phương, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên". Ảnh: MPI

Từ NQ 19 đến NQ 02: Những nỗ lực bền bỉ trong cải cách môi trường kinh doanh

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về cải cách thể chế. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Như vậy, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia. Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019-2021).

"Thời gian qua, với nỗ lực cải cách của các Bộ, ngành và địa phương, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Dẫn chứng cho nhận định trên, Thứ trưởng cho biết, năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018.

"Mặc dù dịch bệnh tác động nặng nề, song trong năm 2021, có gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy mức độ cải thiện là khác nhau giữa các lĩnh vực", Thứ trưởng vui mừng chia sẻ thông tin.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) bổ sung thêm những điển hình địa phương có sáng kiến tốt trong cải cách. Đó là Quảng Ninh là điển hình về tinh thần, nỗ lực và sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Thừa Thiên Huế với Thẻ điện tử thông tin DN; Gia Lai với mô hình Chủ tịch tỉnh tham gia đối thoại thứ 5 hàng tuần với DN; Sóc Trăng có Chương trình đồng khởi khởi nghiệp; hay Bắc Ninh với mô hình bác sĩ DN.

Cải cách môi trường kinh doanh - trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển
Toàn cảnh Hội nghị

Đã có sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ một thực tế là, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại.

Thứ trưởng dẫn chứng: Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104)"...

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, đã có những dấu hiệu cho thấy tác động của Covid-19 có thể sẽ tiếp tục là lý do để các bộ, ngành, địa phương chưa tập trung thực thi ngay các nhiệm vụ mà Nghị quyết 02/2022/NQ-CP giao.

Cụ thể, Nghị quyết có quy định trước ngày 20/1, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành Chương trình và Kế hoạch hành động, đồng thời báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 6 tháng và 1 năm trước ngày 10/6 và trước ngày 10/12.

Cải cách môi trường kinh doanh - trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), hiện đang có nhiều bất cập về chất lượng quy định pháp luật, như: Chính sách, pháp luật hay thay đổi, thiếu ổn định; Năng lực soạn thảo chính sách, pháp luật; Lồng ghép lợi ích trong soạn thảo văn bản pháp luật; Bất cập trong cách thức xây dựng pháp luật; Rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, tính đến ngày 28/2, cả nước có 24/26 bộ, cơ quan ban hành Chương trình và Kế hoạch hành động, trong đó có 6 bộ, cơ quan ban hành Kế hoạch hành động lồng ghép với thực hiện Nghị quyết 01 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022) và hai bộ, cơ quan chưa có thông tin (gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).

Về địa phương, 50/63 tỉnh, thành phố đã gửi Chương trình, Kế hoạch hành động, trong đó 4 địa phương ban hành Kế hoạch hành động lồng ghép với thực hiện Nghị quyết 01; 2 địa phương có báo cáo nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa nhận được kế hoạch cụ thể (Khánh Hòa, Quảng Nam).

Còn lại 13 địa phương chưa có thông tin, bao gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Lai Châu, Long An, Quảng Bình, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Bà Thảo cũng chỉ rõ, hiện cải cách đăng ký kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất. Cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng chững lại từ 2019, mặc dù nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất - nhập khẩu và khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ., nhưng thực tế thực thi còn hình thức.

"Nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức, chưa thực sự bám sát với thực tiễn DN", bà Thảo nhấn mạnh.

Điều đáng lưu ý nữa là các yếu tố thị trường chưa vận hành hiệu quả. So với các nước ASEAN, Việt Nam có điểm số và thứ hạng chỉ số Tự do kinh tế rất thấp.

Đặc biệt, theo bà Thảo, hiện đang có nhiều bất cập về chất lượng quy định pháp luật, như: Chính sách, pháp luật hay thay đổi, thiếu ổn định; Năng lực soạn thảo chính sách, pháp luật; Lồng ghép lợi ích trong soạn thảo văn bản pháp luật; Bất cập trong cách thức xây dựng pháp luật; Rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng quan điểm với nhận định của Thứ trưởng Đông và bà Thảo về việc cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chùng xuống, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, dịch COVID-19, và những ưu tiên cao độ cho chống dịch, bảo vệ sinh mạng người dân trong gần hai năm qua đã phần nào làm chùng lại tiến độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Là người đã đồng hành với Chương trình cải cách môi trường kinh doanh từ những ngày đầu của Nghị quyết 19, với cái nhìn khái quát, ông Cung chỉ rõ rằng, một số biện pháp chống dịch khá cực đoan trong thời gian qua đã khơi dậy một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp đã bị bãi bỏ từ lâu.

Theo ông Cung, hiện đã có sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, một số biểu hiện kháng cự đã xuất hiện và làm chậm lại quá trình cải cách.

“Điều này khá rõ nét qua những "nỗ lực" phục hồi lại một số quyền và lợi ích đã mất ở một số bộ, cơ quan… trong thời gian qua, như động thái phục hồi lại một số điều kiện kinh doanh đã bãi bỏ hoặc bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới…”, ông Cung khái quát.

Cần dành nguồn lực và quan tâm thích đáng để hóa giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững. Đây sẽ là những trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

“Trên cơ sở đó ngay từ những ngày đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP (ngày 10/1) với thiết kế tổng thể về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Cải cách môi trường kinh doanh - trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhận định, hiện đã có sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. “Điều này khá rõ nét qua những "nỗ lực" phục hồi lại một số quyền và lợi ích đã mất ở một số bộ, cơ quan… trong thời gian qua, như động thái phục hồi lại một số điều kiện kinh doanh đã bãi bỏ hoặc bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới…".

"Vì vậy, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp", Thứ trưởng nói.

Năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP vào ngày 10/01/2022. Đây là năm đầu nhiệm kỳ, do đó Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm.

“Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình", Thứ trưởng Đông nói.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch, đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh”, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định. Theo bà Thảo, Nghị quyết 02 năm nay, với 10 nhóm giải pháp toàn diện trong 10 lĩnh vực then chốt, được coi là sẽ chạm vào lãnh địa xin - cho của nhiều bộ, ngành.

Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, cần có hình thức thúc đẩy thực thi mạnh mẽ, ráo riết hơn nữa để Nghị quyết 02 sớm đi vào thực tế, phát huy hiệu quả cao nhất. Ông Hiếu cũng chỉ rõ, để quá trình cải cách có hiệu quả, cần học tập những điển hình như tỉnh Quảng Ninh hay EVN. "Dù họ đang đứng thứ nhất, nhưng họ cũng luôn nỗ lực không ngừng, luôn đề xuất các ý tưởng cải cách mới", ông Hiếu nói.

TS. Cung đề xuất, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; yêu cầu các bộ ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.

Theo ông Cung, thời gian đầu không dàn đều nỗ lực cải cách trên tất cả các lĩnh vực, mà kế thừa, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực đã có kết quả bước đầu. Cụ thể cần dành nguồn lực và quan tâm thích đáng để hóa giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách cũng như các "nỗ lực" đang nhen nhóm phục hồi lại những công cụ quản lý nhà nước đã lỗi thời hoặc phục hồi lại một số quyền, lợi ích đã mất trong quá trình cải cách trước đó.

Để thúc đẩy cải cách, ông Cung cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp không phân biệt trong nước, ngoài nước cần phối hợp, hợp tác hiệp lực, trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành, lĩnh vực liên quan.

Từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch VINASME, ông Nguyễn Văn Thân đề xuất, Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.

Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, ông Thân kiến nghị, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động và thường xuyên tham vấn VCCI, Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội khác trong quá trình thực hiện cải cách hành chính (tối ưu nhất là các hiệp hội có thể tham gia từ đầu).

"Đồng thời, tôi cũng đề xuất Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công khai kết quả cải cách hành chính theo chuyên đề để các Hiệp hội và người dân có thể cùng theo dõi, góp ý", ông Thân đề xuất.

Ngoài ra, để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, theo ông Thân điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Ông kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. /.

Một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025 tại Nghị quyết 02/NQ-CP:

1) Cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

2) Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.

3) Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

4) Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

5) Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai.

6) Thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính.

7) Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.

8) Chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

9) Tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo./.