“Cân đối ngân sách nhà nước là vấn đề lớn nhất trong bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia”
Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội 4 vấn đề như sau: quyết toán NSNN 2018; kỷ luật kỷ cương tài chính; điều hành NSNN năm 2020; xuất khẩu gạo trong thời gian qua có trách nhiệm của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội về một số nội dung liên quan đến điều hành NSNN/ Ảnh: Quốc hội
NSNN năm 2018: thu vượt dự toán, chi được quản lý chặt chẽ, bội chi và nợ công giảm mạnh
Về quyết toán NSNN năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình thu, chi NSNN đạt những kết quả tích cực, từng bước cơ cấu lại theo hướng bền vững, phù hợp với các Nghị quyết của TW, Bộ Chính trị và Quốc hội, thu NSNN vượt dự toán, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, bội chi và nợ công giảm mạnh, từ đó giúp củng cố an ninh tài chính quốc gia, tạo thêm dư địa giúp chúng ta có khả năng chống đỡ tốt hơn trước các tác động từ bên ngoài như đại dịch Covid-19 vừa qua.
Về ý kiến liên quan đến tính bền vững và xây dựng chỉ tiêu dự toán thu NSNN của các địa phương, Bộ trưởng thừa nhận thời gian qua dù thu NSNN hằng năm đều vượt dự toán, song một số khoản thu từ sản xuất, kinh doanh khó khăn, và năm 2018 không đạt dự toán, trong khi khoản thu từ đất vượt lớn. Thực tế này là do cả nguyên nhân chủ quan là dự toán thu cao hơn khả năng thực tế và do khách quan là hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn.
Về thu tiền sử dụng đất, quan điểm của Bộ Tài chính là dự toán giao sát với số đăng ký của các địa phương, đồng thời, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc cho thuê đất thu tiền hằng năm, thay vì thu một lần. Tuy nhiên, đây là khoản thu phụ thuộc vào thị trường và điều hành của địa phương... Ví dụ như Thanh Hoá, dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2018 là 2.500 tỷ đồng, trong khi thực tế địa phương thu 5.944 tỷ đồng, bằng 237,8% so với dự toán.
Về việc xây dựng dự toán thu ngân sách của một số địa phương thấp hơn thực hiện năm 2017, Bộ trưởng cho biết, về tổng thể dự toán thu NSNN năm 2018, nếu không kể các khoản thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại, thì thu từ sản xuất kinh doanh tăng 12,5% so thực hiện năm 2017, cao hơn GDP và lạm phát cộng là 11%.
“Để giao sát dự toán thu cho từng địa phương thực sự rất khó khăn. Nhiều địa phương có những nguồn thu đặc thù, phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như thủy điện, rượu, bia, thuốc lá, ô tô, lọc dầu…”, Bộ trưởng thông tin.
Hơn nữa, dự toán năm sau được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện năm hiện hành, nhưng số ước này thường được đưa ra từ tháng 7 năm trước. Vì vậy, có thể số ước này cũng không sát với thực tế thực hiện cuối năm.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin về cơ sở thuế để khi tính toán dự toán thu với các địa phương được sát hơn.
Kỷ luật, kỷ cương tài chính ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm
Giải trình trước vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là kỷ luật, kỷ cương tài chính, theo người đứng đầu ngành Tài chính, mặc dù đánh giá thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, song tình trạng chấp hành kỷ luật quản lý đầu tư, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính NSNN “ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương”.
Năm 2018, ngành Tài chính đã thực hiện gần 99 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 64,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế xử lý tăng thu ngân sách gần 18 nghìn tỷ; giảm lỗ 37,4 nghìn tỷ đồng. Đây là một kết quả rất cao của riêng thanh tra kiểm tra của ngành Tài chính, theo Bộ trưởng. Cùng với đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đôn đốc để dần nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Dự báo thu NSNN năm 2020 sẽ không đạt dự toán
Đối với các giải pháp điều hành NSNN năm 2020, do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, tình hình kinh tế xã hội và thu, chi, cân đối NSNN năm 2020 đã bị ảnh hưởng lớn. Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, về ngân sách, đã đề xuất miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng, bao gồm: thực hiện gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô; Trình UBTVQH nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc; Trình Quốc hội xem xét giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm 2020; Trình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020… Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.
Về chi NSNN, bên cạnh việc phải đảm bảo dự toán chi đầu tư năm 2020, NSNN còn phải bố trí nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Đồng thời, chủ động tăng cường dự trữ quốc gia, hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.
Mặc dù đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, song diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Tác động của đại dịch này tới nền kinh tế Việt Nam là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài.
Đến nay, kết quả thu ngân sách 5 tháng mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức rất thấp từ năm 2014 đến nay. Dự báo, thu NSNN năm 2020 sẽ không đạt dự toán. Theo Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi.
Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản đánh giá tác động đến cân đối NSNN. Cụ thể là:
Kịch bản 1: dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 4,5% thì bội chi khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tỷ lệ nợ công khoảng 55,5% GDP.
Kịch bản 2: dự kiến tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi NSNN sẽ khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán và nợ công khoảng 56,4% GDP.
Tuy nhiên, “với cả 2 kịch bản GDP này, dự kiến bội chi NSNN bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% và nợ công vẫn dưới 65% GDP, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Từ nay đến cuối năm, trước tình hình sản xuất, kinh doanh và cân đối ngân sách còn khó khăn, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp cần tập trung. Cụ thể là, triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.
Đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, thu hồi nợ thuế, phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020. Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Mở tờ khai lúc 0 giờ, Hải quan đã thực hiện đúng quy định của pháp luật
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải thích thêm về công tác quản lý hoạt động xuất khẩu gạo thời gian vừa qua mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng cho biết, việc xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, theo đó, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, người khai hải quan phải nộp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Luật Hải quan, Điều 29 quy định: "Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ" và Điều 25 quy định: "Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký". Còn tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Điều 26 quy định: "Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần".
Căn cứ các quy định trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giao dịch với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Từ khi hệ thống VNACCS/VCIS đi vào hoạt động, các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống trước thời điểm 0g00 sẽ được hệ thống tự động áp dụng từ 0g00 ngày tiếp theo, ví dụ biểu thuế suất; tiêu chí quản lý rủi ro; danh sách doanh nghiệp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu... Như vậy, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thì thời điểm áp dụng 0 giờ không còn là điều xa lạ.
Do đó, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định, cơ quan hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật và theo các hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Ngày 11/4, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo tiếp hạn ngạch 400.000 tấn theo quyết định của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết thời gian qua, ngành hải quan đã liên tục nỗ lực thực hiện cải cách. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã tăng cường kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm các sai phạm, thực hiện tốt các kết luận của thanh tra, kiểm tra.../.
Bình luận