Cần lượng hoá lãng phí trong lĩnh vực xây dựng
Sửa đổi khoảng 6.500 định mức
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với Bộ Xây dựng về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã được Bộ Xây dựng triển khai chủ động, kịp thời…, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã được Bộ Xây dựng triển khai chủ động (ảnh: Quốc hội) |
Ông Nghị cho biết thêm, thực hiện nhiệm vụ tại Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng”, về cơ bản đã loại bỏ những yếu tố gây phát sinh chi phí đầu tư công trình; loại bỏ các định mức lạc hậu nhằm khắc phục tình trạng nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cố tình hoặc vô ý áp dụng các định mức không còn phù hợp làm tăng chi phí dự án, gây lãng phí, thất thoát. Đề án đã hoàn thành công tác rà soát 16.005/16.005 định mức xây dựng do Bộ Xây dựng công bố, đã loại bỏ khoảng 2.000 định mức lạc hậu, không còn phù hợp, sửa đổi khoảng 6.500 định mức, bổ sung 1.500 định mức sử dụng vật liệu, công nghệ, biện pháp thi công mới…
Hàng nghìn căn nhà tái định cư đang bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án ký túc xá sinh viên. Theo Báo cáo của Bộ, đến nay có 8/95 dự án mới hoàn thành một phần, hoặc dừng thi công. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ chưa nêu danh mục từng dự án này, chủ đầu tư, ngân sách Nhà nước là bao nhiêu. Dự án được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin nhiều lần là Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, do Sở Xây dựng TP. Hà Nội làm chủ đầu tư đang gây lãng phí nguồn lực, nhiều công trình hạng mục chưa hoàn thành, tỷ lệ sinh viên vào ở rất thấp… Đề nghị Bộ Xây dựng đánh giá rõ hơn danh mục các dự án mới hoàn thành một phần hoặc dừng thi công, nguyên nhân và xác định trách nhiệm đối với các dự án này thế nào…
“Có hàng nghìn căn nhà tái định cư đang bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước, tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Xây dựng mới tổng hợp số liệu của 40 tỉnh, đề nghị Bộ bổ sung số liệu của 23 tỉnh, thành còn lại. Bộ cũng cần làm rõ trong số hơn 43.000 căn nhà tái định cư do Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, có bao nhiêu căn nhà bỏ hoang hóa, nguyên nhân của tình trạng này…”, bà Xuân đề xuất.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, lượng hóa lãng phí sẽ thấy được con số thất thoát, lãng phí không hề nhỏ (ảnh: Quốc hội) |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung nhận định, đánh giá chung, chỉ ra con số tiết kiệm cụ thể, nêu số ước thất thoát, lãng phí trong từng lĩnh vực.
Về lãng phí tại khu dự án nhà ở ký túc xá sinh viên ở Đà Nẵng hay Hà Nội, ông Cường khẳng định đó chính là lãng phí nguồn lực. Lượng hóa lãng phí sẽ thấy được con số thất thoát, lãng phí không hề nhỏ, có như vậy, báo cáo mới cho thấy tổng quan về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, từ đó có giải pháp chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Đoàn giám sát và tổ công tác, tiếp tục hoàn thiện, trong đó tập trung: đánh giá rõ hơn ưu điểm nổi bật, phản ánh được cánh làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Xây dựng; đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan ở tầm chiến lược về quản lý Nhà nước, của các bộ, ngành; nguyên nhân chính sách pháp luật còn chồng chéo bất cập… Trên cơ sở đó quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan theo lĩnh vực phụ trách.
“Bên cạnh cần lượng hóa tối đa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, số liệu phụ lục kèm theo cần chính xác, Bộ Xây dựng cũng cần rà soát kỹ thông tin số liệu thực hiện kiến nghị của kiểm toán, thanh tra, công tác thanh tra kiểm toán nội bộ...”, ông Phương lưu ý./.
Bình luận