Tại nhiều TTCK quốc tế, quy định pháp lý không phân biệt điều kiện niêm yết giữa DN có vốn nước ngoài (FDI) với các DN khác, mà chỉ phân biệt điều kiện niêm yết của DN trong nước với các DN nước ngoài trên cùng 1 Sở. TTCK Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… có chung cách ứng xử như vậy và vì không hạn chế DN có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết cũng như không phân biệt điều kiện niêm yết, nên TTCK có tính mở và tính quốc tế cao hơn nhiều TTCK Việt Nam.

Quá ít DN FDI trên sàn chứng khoán Việt

Cần quyết sách mới đưa doanh nghiệp FDI lên sàn
Giai đoạn 2003 - 2008 có 10 doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu vào niêm yết trên HOSE

Liên quan đến diễn tiến chính sách đưa DN FDI lên sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngày 29/12/1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, đây được xem là một quyết định lịch sử mở đường cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, là nguồn vốn có đóng góp quan trọng tới sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp sở hữu 100% vốn. Tiếp theo đó, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 thay thế Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 quy định doanh nghiệp FDI chỉ được thành lập dưới hình thức là công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh. Trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu chuyển đổi hình thức hoạt động sang công ty cổ phần và niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Ngày 15/04/2003, sau 15 năm kể từ ngày mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2003/NĐ-CP cho phép một số doanh nghiệp FDI chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần đồng thời cho phép các công ty cổ phần này được niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Giai đoạn 2003 - 2008 đã có 10 doanh nghiệp FDI (CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (2005), CTCP Gạch men Chang Yih (2006), CTCP Thực phẩm Quốc tế (2006), CTCP Full Power (2006), CTCP Công nghiệp Tung Kuang (2006), CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (2006), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (2007), CTCP Mirae (2008), CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (2008), CTCP Everpia (2010)) được chấp thuận chuyển đổi từ hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và được niêm yết TTCK.

Sau giai đoạn này chỉ có thêm 01 doanh nghiệp FDI niêm yết là CTCP Siam Brothers Việt Nam (2017) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014. Như vậy đã có 11 doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và niêm yết tại SGDCK. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, 03 doanh nghiệp FDI hủy niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ (trong đó có 02 công ty đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM).

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp FDI trên TTCK giai đoạn 2016-2020

Đơn vị: đồng

Cần quyết sách mới đưa doanh nghiệp FDI lên sàn
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Phần lớn doanh nghiệp FDI sau khi niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK hoạt động có lãi, nhưng có những doanh nghiệp hoạt động chưa được hiệu quả và kinh doanh thua lỗ.

Năm 2020, đa số các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp FDI có lợi nhuận sau thuế giảm hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ riêng chỉ có SBV và TKU có lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng 18% và 56%.

Trong giai đoạn 2016-2019, 7/10 doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch thường xuyên có lãi qua các năm, 3/10 doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh thua lỗ (CYC, RIC, TCR). Trong các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, IFS là công ty có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bền vững qua các năm, tăng hơn 5 lần từ năm 2016 đến 2019. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp FDI có kết quả kinh doanh có lãi vẫn lớn hơn so với số lượng FDI kết quả kinh doanh thua lỗ.

Hiện nay, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường (khoảng 0,3%). Như vậy, quy mô của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch là nhỏ so với quy mô của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, cho đến nay, chưa xuất hiện tình trạng thoái vốn của cổ đông sáng lập và nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại 8/10 doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch có xu hướng tăng sau khi lên sàn và chỉ có 2/10 doanh nghiệp FDI có tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm.

Nhiều doanh nghiệp muốn lên sàn, nhưng không có hướng dẫn

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo vào tháng 8/2021 của ThS. Đặng Thị Bích Liên, Khoa Kế toán Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng cho biết, nhiều doanh nghiệp FDI đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn việc niêm yết, đăng ký giao dịch theo hướng niêm yết toàn bộ cổ phiếu, chứ không phải chỉ một phần cổ phiếu đã chào bán ra công chúng và niêm yết bổ sung tiếp phần cổ phiếu của cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin phản hồi nào từ phía các cơ quan chức năng về giải quyết nguyện vọng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán như mong đợi của các doanh nghiệp FDI.

Khi nhà đầu tư nước ngoài không được đáp ứng nhu cầu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ở Việt Nam, họ có thể sẽ tìm đến các thị trường khác. Điều này đồng nghĩa với xuất hiện rủi ro dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm cách “chảy” ra khỏi Việt Nam.

Cụ thể, thông qua việc Tập đoàn CT&D Đài Loan đề nghị được đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán (Hoàng Hà, 2020), Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2066/VPCP-QHQT, ngày 09/3/2017 đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh chính sách để nhà đầu tư/liên doanh nước ngoài có tỷ lệ cổ phần phù hợp có thể tham gia thị trường chứng khoán. Công ty cổ phần Seoul Metal (SMV) đề nghị được niêm yết cổ phiếu lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp này được thành lập dưới dạng công ty 100% vốn nước ngoài vào năm 2008, nhưng sau đó được chuyển đổi mô hình hoạt động và đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 06/9/2017. Hiện cổ đông nước ngoài nắm giữ 67,64% vốn điều lệ tại SMV, trong đó cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ 50,15% vốn điều lệ.

Hay trường hợp Công ty cổ phần Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam cũng đề nghị được niêm yết cổ phiếu lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Tiền thân là công ty trách nhiệm hữu hạn với 100% vốn nước ngoài từ năm 2006, sau đó Công ty này được chuyển sang hình thức doanh nghiệp cổ phần và hiện tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của bên nước ngoài tại Công ty là 89,98%.

Bên cạnh nhu cầu niêm yết cổ phiếu lần đầu như trên, có trường hợp doanh nghiệp muốn niêm yết bổ sung cổ phiếu của cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ, nhưng cũng chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Cụ thể như: Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) đề nghị niêm yết bổ sung 84,52% vốn điều lệ còn lại cho 6 cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ chưa được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhưng chưa được đáp ứng (Hoàng Hà, 2020).

Theo ThS. Đặng Thị Bích Liên, Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, nêu quan điểm: xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao... Từ định hướng lớn này, cũng như trong thực tiễn Việt Nam đang thực hiện rất nhiều giải pháp để kêu gọi, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dòng vốn đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Vì thế, việc chậm trễ trong tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính là đi ngược lại nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Hệ quả của tình trạng này là khi nhà đầu tư nước ngoài không được đáp ứng nhu cầu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ở Việt Nam, thì họ sẽ tìm đến các thị trường khác. Điều này đồng nghĩa với xuất hiện rủi ro dòng vốn đầu tư nước ngoài tìm cách “chảy” ra khỏi Việt Nam.

Cũng theo ThS. Đặng Thị Bích Liên, trong bối cảnh nền kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng với thế giới, tình trạng cơ quan quản lý không trả lời kịp thời, rõ ràng, minh bạch về doanh nghiệp FDI có được hay không được niêm yết bổ sung cổ phiếu hoặc niêm yết mới cổ phiếu lên sàn chứng khoán, đang ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam nói chung, hoạt động của thị trường chứng khoán nói riêng.

Trong bối cảnh cơ quan quản lý, tổ chức vận hành thị trường chứng khoán ở Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển thêm nguồn hàng hóa mới cho thị trường, từ đó gia tăng cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thì việc chậm trễ kéo dài trong tháo gỡ các vướng mắc để mở đường cho doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam, đang cản trở nỗ lực phát triển nguồn hàng hóa mới cho thị trường để đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của nhà đầu tư.

Không thể kéo dài tình trạng thiếu văn bản hướng dẫn DN FDI lên sàn

Việc mở đường cho các các doanh nghiệp FDI lên sàn còn giúp tăng cường giám sát cả từ phía nhà đầu tư, cổ đông, tổ chức vận hành thị trường chứng khoán... đối với hoạt động của khối FDI thay vì chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước, như: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… giám sát.

Bài nghiên cứu của ThS. Đặng Thị Bích Liên chỉ ra rằng, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên là cơ sở pháp lý trước đây hướng dẫn việc niêm yết, đăng ký giao dịch của doanh nghiệp FDI đã hết hiệu lực. Tuy các văn bản pháp luật hiện hành không còn đề cập đến vấn đề này, nhưng cũng không có quy định pháp luật nào hạn chế các doanh nghiệp FDI đăng ký niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, Luật Chứng khoán (năm 2019), có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định: công ty cổ phần nếu đáp ứng đủ điều kiện, thì phải đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đăng ký giao dịch trên thị trường đăng ký giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Do vậy, không thể kéo dài tình trạng thiếu văn bản pháp lý dưới luật hướng dẫn cho các doanh nghiệp FDI sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần được niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, do e ngại xuất hiện rủi ro các doanh nghiệp FDI chuyển đổi sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sẽ tìm cách rút vốn khỏi Việt Nam, trong khi giải pháp để kiểm soát mối lo này chưa đủ chặt chẽ, nên cơ quan quản lý chưa mặn mà đề xuất cơ chế cho phép các doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam. Thêm vào đó, hiện tượng doanh nghiệp FDI chuyển giá, các doanh nghiệp phụ trợ thường phụ thuộc vào một khách hàng lớn cũng khiến cho tình trạng tài chính của một số doanh nghiệp FDI trở nên kém ổn định so với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn, nên cũng khiến cơ quan quản lý nhà nước vẫn chần chừ trong việc mở ra cơ chế cho phép các doanh nghiệp này niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam.

ThS. Đặng Thị Bích Liên đề xuất, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán từ “Cận biên” lên “Mới nổi”, cũng như thực thi các giải pháp để gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán, việc cho phép doanh nghiệp FDI sau khi chuyển đổi thành công ty đại chúng lên sàn chứng khoán là thêm một con đường thu hút dòng vốn FDI đã được “Việt Nam hóa”. Hơn thế, việc mở đường cho các các doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán còn giúp tăng cường giám sát cả từ phía nhà đầu tư, cổ đông, tổ chức vận hành thị trường chứng khoán là sở giao dịch chứng khoán... đối với hoạt động của khối doanh nghiệp này, thay vì chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước, như: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… giám sát. Do đó, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc ban hành cơ chế cho phép các doanh nghiệp FDI sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty đại chúng tại Việt Nam được phép đưa cổ phiếu lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.

ThS. Đặng Thị Bích Liên đề xuất, khi xây dựng cơ chế cho phép các doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán, cần đánh giá kỹ lưỡng các cam kết mà doanh nghiệp FDI thực hiện khi được cấp phép đầu tư tại Việt Nam, cũng như những yếu tố đặc thù trong hoạt động của các tổ chức này để có giải pháp ứng xử chính sách cho phù hợp, đồng thời đưa ra các điều kiện ràng buộc đặc thù.

Chẳng hạn, cần có cơ chế kiểm soát một số doanh nghiệp FDI đặc thù để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, như: (i) Doanh nghiệp thành lập theo hình thức hợp đồng PPP; (ii) Doanh nghiệp thực hiện dự án mà trong hợp đồng có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản thuộc dự án cho Nhà nước Việt Nam hoặc cho bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước; (iii) Doanh nghiệp đã được chấp thuận hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh căn cứ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có quy định về quốc tịch của nhà đầu tư được phép đầu tư kinh doanh; (iv) Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án trên cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (v) Doanh nghiệp thực hiện dự án với các cam kết về năng lực nhà đầu tư, ưu đãi đầu tư, các thỏa thuận ràng buộc được quy định cụ thể tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/giấy phép đầu tư...

Bên cạnh các điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội như quy định hiện hành, để kiểm soát rủi ro phát sinh sau khi doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cơ quan quản lý nhà nước có thể bổ sung các tiêu chí mà các doanh nghiệp này phải đáp ứng nếu muốn đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cụ thể: thời gian hoạt động tại Việt Nam; mức tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận hàng năm; tỷ lệ chuyển giao công nghệ… Ðiều này sẽ giúp lọc được các doanh nghiệp FDI có chất lượng để đưa lên sàn chứng khoán./.