Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, việc tái cơ cấu kinh tế diễn ra quyết liệt nhưng bước tiến rất chậm, đến giờ vẫn chưa thấy rõ các thay đổi về mặt cấu trúc, mang tính chiến lược, phần nhiều là các giải pháp tình thế. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn tới cần phải thay đổi mạnh mẽ chương trình tái cơ cấu, đồng thời phải có cách tiếp cận mới, phương thức hành động và hệ giải pháp mới.

Lý giải về việc tái cấu trúc còn chậm, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, do tình hình khó khăn kéo dài, chúng ta chỉ lo giải quyết các vấn đề cấp bách, ngắn hạn. Ngoài ra, do xu hướng đánh giá thấp nguy cơ (không có gì đáng lo, dễ giải quyết nhanh). Vì vậy, không “đánh đúng” nguyên nhân cần phải tái cơ cấu, dẫn tới không có đề án khả thi, giải pháp hữu hiệu.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược thuộc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam còn gặp các rủi ro, cản trở bởi các yếu tố như: tư duy kiểu cũ (xem trọng doanh nghiệp nhà nước), chậm đổi mới thể chế, nhiều văn bản sai chậm sửa, nhóm lợi ích còn chi phối chính sách, chi phối sự phân bổ các nguồn lực, điều kiện thế giới diễn biến phức tạp…cũng là nguyên nhân khiến việc tái cơ cấu không thành công.

Cũng theo ông Lược, trong tất cả các nền kinh tế thị trường hiện đại, khu vực kinh tế tư nhân luôn là nền tảng, quyết định nội lực phát triển. Do vậy, để gia tăng nội lực của kinh tế Việt Nam cần thực thi chính sách phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tại hội thảo một số chuyên gia cũng cho rằng, cần phải thay đổi cách nghĩ như thế nào về vấn đề cơ cấu trước áp lực và thách thức phát triển hiện nay. Dự báo kinh tế cho 15-20 năm tới cho thấy, nếu Việt Nam không thay đổi được tư duy phát triển thì sẽ có khoảng cách phát triển ngày càng lớn và trở nên “cực lớn” so với các nước trong khu vực. Lúc đó, khả năng “đuổi kịp thế giới để tiến cùng thời đại” trở nên thực sự xa vời./.