Cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, hôm nay (ngày 9/11), Quốc hội thảo luận về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua thảo luận tại Tổ và Hội trường cho thấy, về cơ bản các đại biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ với các chính sách như dự thảo Nghị quyết, đồng thời nêu nhiều vấn đề cần rà soát hoàn thiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư |
Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo. Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đưa ra tỷ lệ 50%, dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng, nhưng đến nay nhận thấy quy định này không còn phù hợp…
“Do đó sự cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân và bảo đảm tính khả thi. Bởi nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa.”, Bộ trưởng phân tích.
Cũng theo Bộ trưởng, nâng lệ vốn Nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 – 75% là hợp lý. Tuy nhiên, một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo Bộ trưởng, sẽ phải rà soát lại để bảo đảm toát lên được tính đặc thù, đặc biệt riêng cần phải có một cơ chế này. Đó là tính hiệu quả hay tính hợp lý, tính cấp bách.
Bộ trưởng cho biết, sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế để rà soát, đồng thời có báo cáo lại Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội với tinh thần là phải rà soát kỹ nguyên tắc và tiêu chí.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Quốc hội thông qua danh mục các dự án đã được rà soát và trình Quốc hội lần này. Đây đều là những dự án đã chuẩn bị xong, đủ điều kiện và đang triển khai |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ các dự án trình lần này đều là những dự án đã được xác định trong đầu tư công trung hạn, đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, bố trí nguồn vốn nhưng có vướng mắc. Do đó, nếu khi được Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, do nhiều địa phương có đề nghị nên Chính phủ đã thiết kế “quy định mở”.
Theo đó, một số dự án mà chưa kịp hoàn thiện thủ tục với yêu cầu từ nay đến khi Quốc hội thông qua thì phải hoàn thiện; cũng như trong quá trình thực hiện tiếp theo có phát sinh một số dự án nữa, thì căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí để nếu đáp ứng đủ thì sẽ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua…/.
Bình luận