Chỉ số tiếp cận tín dụng tăng cao: Đáng mừng, song vẫn còn không ít lo âu!
Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong top 30 thế giới
Phát biểu khai mạc hội thảo Cải cách thủ tục hành chính - Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào chiều 20/04/2018, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ sự phát triển cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Dẫn chứng đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. Riêng chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ 29, nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam hiện cũng chỉ có 2 chỉ số nằm trong top này.
Quang cảnh hội thảo
Ông Vũ Tiến Lộc phân tích thêm, ở các quốc gia trên thế giới, nguồn vốn trung và dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, chứ không chỉ từ ngân hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam 55% vốn trung và dài hạn do ngân hàng cung ứng.
Cũng theo số liệu của VCCI, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, 97% là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số này có đến 85–90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 1 số doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn.
Trong khi ở chiến lược của các nền kinh tế APEC, thì các động lực được xác định là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, hai lĩnh vực được các nền kinh tế APEC đặc biệt quan tâm và xác định định là động lực, cũng phù hợp với kinh tế Việt Nam, đó là nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, cần có những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Ngân hàng Việt Nam khác với các ngân hàng trên thế giới khi đang phải gánh thêm cả nguồn lực mà đáng lẽ nguồn vốn phải giải quyết trên thị trường vốn". |
Đồng quan điểm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đánh giá khách quan của WB cho thấy, Việt Nam đã có chỉ số Tiếp cận tín dụng 29/190 quốc gia, đạt 75 điểm trong thang điểm 100, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines.
Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp; giải ngân cho hơn 60.000 khách hàng với tổng số tiền lên tới 80.000 tỷ đồng; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho gần 4.000 danh nghiệp và hơn 9.000 khách hàng khác...
Song, vẫn còn những rào cản cố hữu cần phải vượt qua
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là tích cực, đáng mừng, song nhìn rộng và sâu hơn vẫn còn không ít trăn trở, lo âu.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành chỉ ra, điểm số tiếp cận tín dụng 75 là khá tốt, nhưng vẫn còn xa so với chuẩn 100 điểm. Con số này thấp hơn mức trung bình cả khu vực OECD, Đông Á - Thái Bình Dương và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ số tiếp cận tín dụng có vẻ khả thi, nhưng song song với đó là những rào cản cố hữu trong tiếp cận tín dụng ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp, như: năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn do còn gặp khó khăn về thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu tài sản thế chấp được yêu cầu trong hồ sơ vay vẫn là nhà, đất, máy móc thiết bị. Chi phí lót tay, quà tặng, chi phí trả lãi cao. Ngoài ra, quá trình xử lý các hồ sơ vay vẫn có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài những giải pháp từ ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng.
Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, như tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường năng lực cho các đơn vị thực hiện trợ giúp phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư xây dựng...; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.../.
Bình luận