Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất tỉnh Đồng Nai
Lò Thị Thúy
Email: ltt1711987@gmail.com
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Nguyễn Văn Hải
Tác giả liên hệ, Email: nvhai@lhu.edu.vn
Giảng viên Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Lạc Hồng
Phạm Hữu Phú
Email: phuph@sacombank.com
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Nguyễn Đình Hiếu Nhân
Email: hieunhan90@gmail.com
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Chung Gia Tôn
Email: toncg@sacombank.com
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Nguyễn Trần Thảo Vy
Email: ntranthaovy@gmail.com
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Nguyễn Bá Thùy Dương
Email: madanguyen47@gmail.com
Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng
Tóm tắt
Bài viết nhằm tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất tỉnh Đồng Nai. Kết quả cho thấy, có 5 nhân tố tác động mạnh đến Kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp này, bao gồm: Mức độ cạnh tranh; Nhu cầu thông tin; Đặc điểm tổ chức sản xuất; Công nghệ thông tin; Trình độ của kế toán viên.
Từ khóa: kế toán quản trị chi phí, doanh nghiệp sản xuất, Đồng Nai
Summary
The article aims to study the factors affecting cost management accounting in manufacturing enterprises in Dong Nai Province. The results show 5 factors that strongly affect cost management accounting in these enterprises, including Level of competition; Information needs; Characteristics of production organization; Information technology; and Accountants' qualifications.
Keywords: cost management accounting, manufacturing enterprise, Dong Nai
GIỚI THIỆU
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp con người quản lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cung cấp thông tin chính xác và kịp thời. Kế toán được coi là bộ phận thiết yếu trong hệ thống quản lý tài chính, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và giám sát các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ thống kế toán quản trị chi phí là một nhân tố đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, việc nâng cao và cải thiện kế toán quản trị chi phí là một việc cần thiết và cấp bách.
Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc hoàn thiện kế toán quản trị chi phí. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu này chỉ tập trung vào các đơn vị cụ thể mà chưa đi sâu vào các nhân tố tác động đến kế toán quản trị chi phí. Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vì lý do đó, nhóm tác giả đã quyết định lựa chọn chủ đề "Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất tỉnh Đồng Nai" để tiến hành nghiên cứu và phân tích.
TỔNG QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Tổng quan nghiên cứu
Kế toán quản trị chi phí đóng vai trò nền tảng trong việc quản lý hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng và yêu cầu tối ưu hóa nguồn lực. Theo Lý thuyết chi phí theo hoạt động (Activity-Based Costing - ABC) của Kaplan và Cooper (1998), kế toán quản trị chi phí không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận và phân tích chi phí mà còn tập trung vào việc xác định các hoạt động tạo giá trị và những hoạt động không tạo giá trị trong chuỗi cung ứng. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình hoạt động, giảm thiểu lãng phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Lý thuyết “Quản lý chi phí chiến lược” (Strategic Cost Management) do Shank và Govindarajan (1993) đề xuất cũng nhấn mạnh vai trò của kế toán quản trị chi phí trong việc liên kết các quyết định chi phí với chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Theo các tác giả này, thông tin chi phí không chỉ hỗ trợ các quyết định tác nghiệp mà còn là cơ sở để xây dựng và triển khai chiến lược cạnh tranh, như: định giá dựa trên giá trị hoặc tối ưu hóa chuỗi giá trị.
Kế toán quản trị chi phí còn được ứng dụng thông qua các công cụ, như: phân tích điểm hòa vốn, lập ngân sách linh hoạt, và quản trị chi phí toàn diện (Total Cost Management - TCM). Những công cụ này giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, nâng cao khả năng sử dụng nguồn lực và đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn, đặc biệt trong môi trường kinh doanh không ngừng thay đổi.
Nghiên cứu của Khaled Abed Hutaibat (2005) đã chỉ ra được 4 nhân tố tác động đến kế toán quản trị chi phí bao gồm: Quy mô doanh nghiệp (tổng doanh thu hàng năm), tỷ lê ̣sở hữu của nhà đầu tư ngoai trong doanh nghiệp, ̣đặc điểm ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh thị trường (nội địa và quốc tế). Còn Abdel-Kader và Luther, R. (2008) chỉ ra 10 nhân tố bao gồm: Nhận thức của doanh nghiệp về sự bất ổn của môi trường; Thiết kế tổ chức của doanh nghiệp; Quy mô của doanh nghiệp; Mức độ phức tạp của hệ thống xử lý; Ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến (AMT); Triển khai quản trị chất lượng toàn diện (TQM); Quản trị sản xuất theo phương pháp Just in Time (JIT); Chiến lược của doanh nghiệp; Sức mạnh về nguồn lực từ khách hàng, Mức độ dễ hư hỏng của hàng hóa.
Lucas, Prowle và Lowth (2013) tiến hành khảo sát thực trạng vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Anh đã đưa ra các nhân tố sau: Quy mô của doanh nghiệp; Giới hạn về tài chính; Yêu cầu từ các bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp; Nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ quản lý và nhân viên; Môi trường kinh doanh; Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Malgorzata Kucharczyk và Iwona Cieslak (2014) cho rằng, hạn chế trong sự phát triển của kế toán quản trị xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: Chi phí mà các nhà quản lý cam kết đầu tư cho việc tổ chức kế toán quản trị và kiến thức hạn chế của họ về lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đào Khánh Trí (2015) cho thấy, có 3 nhân tố có ý nghĩa thống kê và mối quan hệ tích cực đến mức độ vận dụng kế toán quản trị chi phí bao gồm: Trình độ của nhân viên kế toán; sự quan tâm và Chi phí tổ chức.
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên các học thuyết liên quan và các nghiên cứu trước đây, cùng với tình hình thực tế tại doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhóm tác giả đã xác định 5 nhân tố chính tác động đến Kế toán quản trị chi phí gồm: Mức độ cạnh tranh (MDCT); Nhu cầu thông tin của nhà quản trị (NCTT); Đặc điểm tổ chức sản xuất (TCSX); Công nghệ thông tin (CNTT); Trình độ nhân viên kế toán (TDKT).
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 263 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau khi kiểm tra và rà soát các phiếu, tác giả thu về đủ 263 phiếu khảo sát và đều hoàn toàn hợp lệ để đưa vào sử dụng cho nghiên cứu. Quá trình khảo sát diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7/2024. Số lượng mẫu thu thập hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tối thiểu, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc thống kê. Để phân tích dữ liệu, nhóm tác giả đã sử dụng phần mềm SPSS 20.0 với một số kỹ thuật, như: kiểm định Cronbach’s Alpha, kiểm định nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy bội.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Đánh giá độ tin cậy của thang đo
Bảng 1: Kiểm định Cronbach’s Alpha của các biến nghiên cứu
| Trung bình thang đo nếu loại biến | Phương sai thang đo nếu loại biến | Hệ số tương quan biến – tổng | Cronbach’s alpha nếu loại biến |
Mức độ cạnh tranh – MDCT, Cronbach’s Alpha = 0,863 | ||||
MDCT1 | 14,43 | 7,826 | 0,776 | 0,810 |
MDCT2 | 14,43 | 8,201 | 0,675 | 0,837 |
MDCT3 | 14,37 | 8,937 | 0,628 | 0,848 |
MDCT4 | 14,45 | 8,554 | 0,614 | 0,852 |
MDCT5 | 14,40 | 7,874 | 0,729 | 0,823 |
Nhu cầu thông tin – NCTT, Cronbach’s Alpha = 0,880 | ||||
NCTT1 | 12,90 | 8,428 | 0,818 | 0,829 |
NCTT2 | 12,79 | 8,937 | 0,691 | 0,861 |
NCTT3 | 12,77 | 9,513 | 0,694 | 0,860 |
NCTT4 | 12,68 | 10,067 | 0,604 | 0,879 |
NCTT5 | 12,83 | 8,415 | 0,773 | 0,840 |
Đặc điểm tổ chức sản xuất – TCSX, Cronbach’s Alpha = 0,883 | ||||
TCSX1 | 10,77 | 4,553 | 0,759 | 0,845 |
TCSX2 | 10,84 | 4,346 | 0,753 | 0,846 |
TCSX3 | 10,63 | 4,660 | 0,707 | 0,864 |
TCSX4 | 10,73 | 4,234 | 0,764 | 0,842 |
Công nghệ thông tin – CNTT, Cronbach’s Alpha = 0,889 | ||||
CNTT1 | 13,55 | 9,905 | 0,845 | 0,840 |
CNTT2 | 13,64 | 10,681 | 0,630 | 0,887 |
CNTT3 | 13,77 | 9,574 | 0,730 | 0,867 |
CNTT4 | 13,60 | 10,547 | 0,684 | 0,875 |
CNTT5 | 13,47 | 10,029 | 0,782 | 0,854 |
Trình độ nhân viên kế toán – TDKT, Cronbach’s Alpha = 0,832 | ||||
TDKT1 | 13,95 | 8,677 | 0,786 | 0,837 |
TDKT2 | 14,13 | 9,220 | 0,699 | 0,858 |
TDKT3 | 14,55 | 8,989 | 0,633 | 0,875 |
TDKT4 | 13,99 | 9,164 | 0,715 | 0,854 |
TDKT5 | 13,89 | 8,729 | 0,743 | 0,847 |
Kế toán quản trị chi phí – VDKT, Cronbach’s Alpha = 0,812 | ||||
VDKT1 | 10,57 | 4,193 | 0,731 | 0,714 |
VDKT2 | 10,59 | 4,679 | 0,535 | 0,809 |
VDKT3 | 10,69 | 4,513 | 0,585 | 0,786 |
VDKT4 | 10,66 | 4,545 | 0,684 | 0,741 |
Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả
Kết quả từ Bảng 1 chỉ ra rằng, 28 biến thang đo cho các nhân tố đều đủ tiêu chuẩn đại diện cho các nhân tố, với hệ số tương quan biến tổng vượt quá 0,3 và giá trị Cronbach’s Alpha > 0,7. Kết quả nghiên cứu này sẽ được giữ nguyên và sẽ tiếp tục tiến hành các phân tích tiếp theo.
Phân tích EFA
Bảng 2: Kiểm định KMO và Bartlett của các biến
Hệ số kiểm định KMO | 0,870 | |||
Kiểm định Bartlett
| Chi bình phương xấp xỉ | 5205,497 |
| |
Df | 276 |
| ||
Sig. | 0,000 |
|
Kết quả phân tích (Bảng 2) cho thấy, giá trị KMO = 0,870 nằm trong khoảng 0,5 đến 1, điều này chứng tỏ rằng việc phân tích nhân tố phù hợp với dữ liệu nghiên cứu. Thêm vào đó, hệ số sig. nhỏ hơn 0,05 cho thấy rằng, dữ liệu sử dụng cho phân tích EFA là hoàn toàn hợp lý. Kết quả cũng chỉ ra rằng 24 thang đo đã được nhóm lại thành 5 nhóm tương ứng với 5 nhân tố.
Kết quả hồi quy
Kết quả hồi quy được thực hiện và kết quả như Bảng 3 và Bảng 4.
Bảng 3: Model Summaryb
Mô hình | R | R2 | R2 điều chỉnh | Sai số chuẩn | Durbin-Watson |
1 | 0,871a | 0,759 | 0,754 | 0,33958 | 1,906 |
Kết quả từ Bảng 3 cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,754, nghĩa là các biến độc lập có tác động đến 75,4% sự biến đổi của biến phụ thuộc, trong khi 24,6% còn lại chịu ảnh hưởng từ các nhân tố bên ngoài mà tác giả chưa xác định hoặc do sai số ngẫu nhiên. Thêm vào đó, hệ số Durbin-Watson = 1,906 nằm trong khoảng từ 1 đến 3, điều này chứng tỏ rằng mô hình không gặp phải vấn đề tự tương quan.
Bảng 4: Kết quả hồi quy
Mô hình | Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa | Hệ số hồi quy chuẩn hóa | Giá trị t | Mức ý nghĩa | ||
B | Sai số chuẩn | Beta | ||||
1 | (Hằng số) | 0,006 | 0,131 |
| 0,044 | 0,965 |
MDTC | 0,378 | 0,042 | 0,391 | 8,946 | 0,000 | |
NCTT | 0,250 | 0,039 | 0,271 | 6,362 | 0,000 | |
TCSX | 0,189 | 0,040 | 0,191 | 4,783 | 0,000 | |
CNTT | 0,107 | 0,032 | 0,123 | 3,344 | 0,001 | |
TDKT | 0,093 | 0,041 | 0,101 | 2,278 | 0,024 |
Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả
Kết quả hồi quy (Bảng 4) chỉ ra rằng, cả 5 biến đều có hệ số Sig. < 5%, đồng nghĩa với việc các nhân tố MDCT, NCTT, TCSX, CNTT và TDKT đều ảnh hưởng tích cực đến biến DVKT. Phương trình hồi quy phản ánh sự tác động của các nhân tố đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Đồng Nai như sau:
VDKT = 0,391 MDTC + 0,271 NCTT + 0,191 TCSX + 0,123 CNTT + 0,101 TDKT
KẾT LUẬN
Kết quả cho thấy, có 5 nhân tố tác động mạnh đến kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bao gồm: Mức độ cạnh tranh; Nhu cầu thông tin; Đặc điểm tổ chức sản xuất; Công nghệ thông tin; Trình độ của kế toán viên. Trong đó, nhân tố Mức độ cạnh tranh có tác động lớn nhất.
Dựa trên những nhân tố cụ thể đã được xác định, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:
Về mức độ cạnh tranh: Các doanh nghiệp sản xuất cần tập đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất và tối ưu hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông và đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp sẽ giúp người lao động hiểu rõ nhu cầu đổi mới quản trị nhằm ứng phó với những thách thức của môi trường kinh doanh hiện đại; đồng thời, tận dụng cơ hội từ quá trình toàn cầu hóa. Các nhân tố này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng sự đồng bộ và nhất quán trong việc áp dụng kế toán quản trị chi phí.
Về nhu cầu thông tin kế toán quản trị chi phí từ phía nhà quản trị doanh nghiệp: Nhân tố này có ảnh hưởng to lớn đến các hoạt động doanh nghiệp, cùng với đó nhà quản trị phải là người chủ động và ra quyết định một cách khoa học, dựa trên các thông tin mà kế toán quản trị chi phí cung cấp để tăng độ tin cậy. Ngoài ra, doanh nghiệp cần cải thiện bộ máy kế toán và tối ưu hóa quy trình kế toán nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất.
Về đặc điểm tổ chức sản xuất: Các doanh nghiệp cần từng bước cải tiến quy trình sản xuất theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn quản lý như ISO. Quá trình triển khai này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung các định mức sản xuất phù hợp, đặc biệt là những định mức liên quan trực tiếp đến chi phí nguyên vật liệu, nhân công và các chi phí sản xuất trực tiếp. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống thông tin liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận và phòng ban trong toàn tổ chức giúp đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận chức năng, vừa tối ưu hóa quy trình vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn chuỗi giá trị từ nguyên vật liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra (Vuong và Nguyen, 2024).
Về công nghệ thông tin: Để tận dụng hiệu quả của công nghệ thông tin các doanh nghiệp tại Đồng Nai cần chú trọng đến việc ứng dụng các tiến bộ về công nghệ nhằm nâng cao tính hữu hiệu và hiệu quả trong vận hành hệ thống kế toán quản trị chi phí như nâng cấp về phần cứng (bao gồm: khả năng xử lý, lưu trữ và tốc độ xử lý dữ liệu…); củng cố về phần mềm (Các hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS), các giải pháp lưu trữ, trích xuất thông tin…).
Về trình độ nhân viên kế toán: Người làm kế toán cần có chuyên môn sâu, hiểu biết về tổ chức và nắm vững các quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nắm vững các phương pháp phân tích và quản trị chi phí để vận dụng sáng tạo vào thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tổ chức đào tạo đội ngũ nhân viên, tổ chức phân phối hợp lý giữa các bộ phận doanh nghiệp, xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abdel-Kader, M., and Luther, R. (2008). The impact of firm characteristics on management accounting practices: A UK-based empirical analysis. The British Accounting Review, 40(1), 2-27.
2. Cokins (2016), Activity-Based Cost Management: An Executive’s Guide, Published by Wiley.
3. Đào Khánh Trí (2015), Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
4. Kaplan, Cooper (1998), Cost & Effect: Using Integrated Cost Systems to Drive Profitability and Performance, Published by Harvard Business School Press.
5. Khaled Abed Hutaibat (2005), Management Accounting Practices in Jordan – A Contingency Approach, Presented as a PhD thesis at the University of Bristol.
6. Malorzata Kucharczyk and Iwona Cieslak (2014), The issue of Management Accounting in Small and Medium – Sized Enterprises, 12th International Academic Conference, Prague ISBN 978-80-87927-04-5, IISES.
7. Lucas, M., Prowle, M., and Lowth, G. (2013), Improving SME performance through management accounting education, Management Accounting Practices of UK Small-Medium-Sized Enterprises, 9(4), 01-14.
8. Peter Kamala, TS. Michael Twun – Darko (2015), The usage of management accounting tools by Small and medium e Enterprises in cape metropole, south Africa, Perspectives in Management journal, 13(2).
9. Shank, Covindarauajan (1993), Strategic Cost Management: The New Tool for Competitive Advantage, Published by The Free Press.
10. Trần Thế Nữ (2011), Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp thương mại quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh doanh và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
11. Võ Thị Hoài Giang (2012), Kế toán quản trị chi phí tại công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành Viên cao su Quảng Trị, luận văn Thạc sĩ quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Nẵng.
12. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.
Ngày nhận bài: 08/12/2024; Ngày phản biện: 15/12/2024; Ngày duyệt đăng: 24/12/2024 |
Bình luận