Chính phủ đã trả nợ khoảng 236,9 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng
Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã thực hiện ký kết 5 hiệp định vay vốn nước ngoài của Chính phủ (4 hiệp định với ADB, 1 hiệp định với OFID), tổng trị giá khoảng 463 triệu USD.
Trong tháng 9/2019, cả nước đã giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 89 triệu USD.
Lũy kế 9 tháng giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1.416 triệu USD, tương đương khoảng 32.737 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã duyệt.
Bộ Tài chính cũng thông tin, việc giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài chậm chủ yếu do hạn chế và vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm; Chất lượng thiết kế và tính sẵn sàng triển khai dự án; vướng mắc về thủ tục đầu tư, mua sắm đấu thầu, bố trí vốn đối ứng, thủ tục cho vay lại.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, trả nợ của Chính phủ trong tháng 9/2019 khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 11,9 nghìn tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, trả nợ của Chính phủ khoảng 236,9 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 195,7 nghìn tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41,2 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng, Chính phủ đã trả nợ nước ngoài khoảng 41,2 nghìn tỷ đồng
Trong khi đó, ngày 9/10/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).
Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng, những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Trước thông tin nói trên của Moody’s, ngày 11/10, Bộ Tài chính đã phát đi thông báo làm rõ đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ.
“Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác./.
Bình luận