Có chính sách ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra sáng nay (ngày 6/6), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế; khơi thông các nguồn lực; lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả, sản phẩm cụ thể, gắn với đánh giá thực chất, với đào tạo, quy hoạch bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm đối với các luật liên quan nhiều đến những tắc nghẽn trong huy động nguồn lực.

Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chính phủ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,03%, nằm trong ngưỡng Quốc hội giao cho Chính phủ, kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, thu ngân sách nhà nước tăng 14,8%, tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,5% so với cùng kỳ.

Chính phủ cũng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn, hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống qua thúc đẩy đầu tư công, các dự án hạ tầng, dự án động lực thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng liên quan đến hàng hóa thiết yếu.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỷ giá đi đôi với chính sách tài khóa. Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như: du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển. Với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, là nguồn lực quan trọng, động lực mới cho tăng trưởng. Chính phủ cũng đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo sự ủng hộ, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ hình thành các lĩnh vực kinh tế mới, các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Chính phủ ưu tiên cắt giảm các cơ quan trung gian, từ đó sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, Chính phủ ưu tiện việc kiện toàn các cơ quan quản lý, cắt giảm các cơ quan trung gian, từ đó sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính. Chính phủ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết hợp với cung cấp các dịch vụ công trực tiếp và cải cách tổ chức bộ máy và con người. Đây là hai vấn đề lớn nhất hiện nay.

Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đề ra mục tiêu là bảo đảm giải quyết các thủ tục trực tuyến trên mọi cấp độ

“Với thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, các vướng mắc hiện nay của người dân và doanh nghiệp sẽ được giải quyết, đặc biệt nhiều trình tự, thủ tục mà Chính phủ đang xem xét cắt giảm, đồng thời phải tăng cường phân cấp cho các chính quyền địa phương, để trực tiếp tổ chức thực hiện và làm rõ vai trò giám sát của Trung ương và địa phương.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, đối với phát triển công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta sẽ đầu tư một số trung tâm nghiên cứu khoa học để phục vụ cho các trường dùng chung; một số trung tâm đổi mới sáng tạo để chúng ta có thể phát triển khâu nghiên cứu cơ bản làm chủ được các bước sau. Những đầu tư này cũng khá lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử có thể lên tới 7 tỷ USD. Do đó, cần có nhà nước và khối doanh nghiệp cùng tham gia.

Liên quan đến giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp, trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Phó Thủ tướng nhận thấy, đại biểu quan tâm đến trách nhiệm của hoạt động Chính phủ là rất sát. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện nay đã có nhiều giải pháp được đề ra. Thứ nhất đối với vấn đề liên quan đến thể chế, Chính phủ sẽ sớm đưa các văn bản pháp lý liên quan vào. Giải pháp thứ hai liên quan đến tổ chức thực hiện về thể chế, liên quan đến trách nhiệm cụ thể khi gắn với các chủ thể trong quản lý. Giải pháp thứ ba liên quan đến chống đùn đẩy, tức là các văn bản pháp luật phải rõ ràng trách nhiệm, cụ thể trách nhiệm.

“Chúng ta đã cấp các giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, nhưng cũng phải đặt ra vấn đề rằng các doanh nghiệp đó có cam kết công nghệ những ngành mới nổi, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, có lộ trình nội địa hóa, hướng tới việc Việt Nam có thể làm chủ một số lĩnh vực. Chúng ta có thể tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái này như: công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, chip bán dẫn… Đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được tài chính và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nắm bắt nhu cầu thị trường.”, Phó Thủ tướng chia sẻ./.