Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn chủ trì Hội nghị
Đã có nhiều thành tựu
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này, cả nước có 492.892/570.448 km đường, chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ. Như vậy, chỉ trong 5 năm qua đường giao thông nông thôn đã tăng thêm 217.000 km, trong đó đường huyện tăng 10.500 km, đường xã và về thôn xóm tăng 101.000 km. Ngay cả đường trục nội đồng nay đã được thống kê có 108.000 km. Đến nay cũng có 220.000/492.892 km đường giao thông nông thôn được cứng hoá…
“Đến thời điểm hiện nay, có thể nói cơ bản các chỉ tiêu chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chúng ta đạt theo tiến độ. Về mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, thì hết năm nay cả nước đã có 25% số xã đạt được tiêu chí về giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh đã hoàn thành các tiêu chí về giao thông nông thôn với tỷ lệ rất cao, như: TP. Cần Thơ đạt chuẩn 92%, Bình Dương đạt 90%, Vĩnh Phúc 86%...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng các đề án phát triển cầu đường nông thôn tại 50 tỉnh có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn bằng nhiều hình thức, như: ODA, từ thiện, huy động từ quỹ xã hội...
“Trong trường hợp khó huy động được các nguồn vốn, Chính phủ có thể xây dựng các chương trình mục tiêu hướng về tỉnh nghèo để phát triển giao thông nông thôn”, Thứ trưởng Thể cho biết.
Xuất hiện nhiều mô hình mới
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu các tỉnh, thành cũng đã chia sẻ nhiều mô hình mới. Như tại Phú Yên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2013-2015, theo hướng xã hội hóa. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển và quản lý, với kinh phí chiếm khoảng 40% dự toán công trình; nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị để thi công xây dựng, với giá trị kinh phí thực hiện chiếm khoảng 60% dự toán công trình.
Kết quả qua gần 3 năm thực hiện Đề án bê tông giao thông nông thôn, tỉnh đã cung cấp trên 150.000 tấn xi măng cho các địa phương thực hiện hoàn thành trên 1.000 km đường giao thông nông thôn, trong đó riêng phần đóng góp của nhân dân trị giá trên 200 tỷ đồng.
Còn tại Đồng Tháp, Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường tỉnh đã phát huy vai trò trong vận động các nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu đường nông thôn, thực hiện đúng đắn phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tổ chức và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các đội thi công cầu từ thiện (dân nuôi ăn, không lấy tiền công xây dựng), đồng thời thành lập mới các đội thi công ở khắp các huyện, thị, thành phố kết hợp với bồi dưỡng kỹ thuật bảo đảm chất lượng công trình theo quy định.
Không được huy động người nghèo đóng góp
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của để xây dựng đường xá, các công trình để đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
“Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp”, Phó Thủ tướng thêm một lần nữa nhấn mạnh.
Trước đó, trong Hội nghị về rà soát chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này.
Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, ông đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp (chính quyền cấp xã) huy động quá sức sức dân hoặc người dân nghèo vào xây dựng nông thôn mới.
Phó Phủ tướng cho rằng, đối với vùng có đông đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì ngân sách nhà nước thực hiện xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phải là chủ yếu, có thể chiếm 90-100% vốn.
Phó Thủ tướng còn cho biết, hiện nay, việc phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển được Chính phủ ưu tiên nguồn lực gấp 2 lần các xã bình thường (theo Nghị quyết của Quốc hội) nhưng “để đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông, sản xuất thì còn phải đầu tư nhiều hơn nữa”.
Song, chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân.
Thậm chí, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng giao thông thì chính quyền phải tạo thêm điều kiện để người nghèo có thêm thu nhập từ sự huy động của chính quyền”.
Để thực hiện được quan điểm nhân văn này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phân bổ ngân sách, vật tư, thiết bị từ cấp Trung ương tới địa phương cũng phải rõ ràng, vùng nghèo khó phải được hưởng nhiều hơn vùng có điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra, để đảm bảo tiết kiệm trong thực hiện xây dựng đường giao thông, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ về phân cấp thực hiện các công trình nông thôn mới để triệt để phân cấp cho nhân dân xây dựng và giám sát.
Nhấn mạnh ý nghĩa của phát triển giao thông nông thôn nói riêng và các chỉ tiêu nông thôn mới nói chung đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn (chiếm 80% diện tích, 70% dân số của cả nước), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Đại hội đảng bộ cấp huyện, tỉnh cần phải đưa các chỉ tiêu này vào Nghị quyết để thực hiện hiệu quả, chất lượng vì cuộc sống của người dân./.
Bình luận