Tóm tắt

Nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2023, bất chấp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường, phức tạp. Đạt được kết quả này có nhiều nguyên nhân, trong đó có đóng góp quan trọng của việc ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2023. Dẫu vậy, thực tiễn cho thấy, các chính sách này còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức cần có giải pháp khắc phục và vượt qua, để có đóng góp tích cực, hiệu quả hơn cho nỗ lực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong năm 2024, cũng như giai đoạn tới.

Từ khóa: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế năm 2023, phục hồi tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô

GIỚI THIỆU

Năm 2023, bất chấp bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phức tạp, khó lường, chính sách tài khóa, tiền tệ đã có đóng góp quan trọng cho nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Nhờ đó, bức tranh kinh tế nước ta vẫn có nhiều gam màu sáng trong tổng thể bản đồ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành công của các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được ban hành, triển khai kịp thời, hiệu quả, thực tiễn cho thấy, các chính sách này vẫn còn bộc lộ những tồn tại, thách thức và những vấn đề đặt ra trong quá trình điều hành năm 2024. Thực tiễn này đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, khả thi để khắc phục, từ đó tiếp tục phát huy tác dụng của các chính sách tài khóa, tiền tệ trong nỗ lực đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức phía trước, để phấn đấu đạt các mục tiêu đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

BỐI CẢNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC PHỨC TẠP, KHÓ LƯỜNG

Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro, nguy cơ bất ổn gia tăng. Các điểm nóng địa chính trị tiếp tục tác động gây hệ lụy đa chiều đối với nền kinh tế toàn cầu, như: xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas phức tạp hơn, khả năng còn kéo dài. Xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Lạm phát có xu hướng giảm, nhưng còn ở mức cao. Áp lực gia tăng nợ công; bất ổn trên các thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa chiến lược (năng lượng, lương thực, chất bán dẫn...); thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho điều hành và nỗ lực kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế của các nước.

Ở trong nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn, tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát cùng với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam tiếp tục là địa điểm hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Năm 2023 là một năm khó khăn không chỉ đối với kinh tế thế giới, mà còn tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023 vẫn đạt được những kết quả tích cực, kinh tế phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng 5,05%, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2023 ước tăng 3,25%; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, bảo đảm các khoản chi; giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và lạm phát cao.

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã góp phần quan trọng giúp thúc đẩy phục hồi nhanh phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ ĐÃ HỖ TRỢ TÍCH CỰC CHO BỨC TRANH KINH TẾ NĂM 2023 CÓ NHIỀU GAM MÀU SÁNG

Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ và tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt dự toán

Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1.752,4 nghìn tỷ đồng, vượt 8,12% so với dự toán được giao. Năm 2023, tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, với tổng số tiền thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 là khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.

Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm

Chi ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn lực cho hỗ trợ phục hồi kinh tế, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên không cấp bách, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Chi ngân sách nhà nước cả năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán và tăng 10,9% so với năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ước năm 2023, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,7%-3,8% GDP, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội cho phép (4,42% GDP); dư nợ công ước khoảng 37% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước khoảng 19%.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tín dụng ưu đãi đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo

Ngân quỹ nhà nước được sử dụng hiệu quả thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, định kỳ trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần ổn định, lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ, kiểm soát lạm phát.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực

Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Nhờ đó, giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022; góp phần khởi công và hoàn thành nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước, giải quyết đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, tạo việc làm… hỗ trợ tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Giá cả, thị trường được điều hành phù hợp với tình hình thực tế

Nhờ giá cả, thị trường được điều hành phù hợp với tình hình thực tế, nên góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Giá cả, lạm phát trong nước chịu biến động tăng giá mạnh của các mặt hàng chiến lược (dầu, than...) trên thị trường thế giới, tuy nhiên vẫn được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Ước cả năm 2023, CPI bình quân tăng 3,25% so với năm 2022 (lạm phát cơ bản tăng 4,16%) góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thị trường tài chính được củng cố

Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để thị trường chứng khoán hồi phục và dần ổn định, niềm tin và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng trở lại thị trường. Tính đến ngày 28/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.127,58 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 61,6% GDP, tăng 12,1% so với cuối năm 2022.

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Lãi suất điều hành liên tục giảm

Trong bối cảnh áp lực mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao trong năm vừa qua, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5%-2%/năm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5%-2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ giảm tích cực, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

Điều hành tỷ giá linh hoạt

Tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết và phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được duy trì, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Kiểm soát tốt lạm phát

Lạm phát được kiểm soát tốt, khi uớc cả năm 2023, CPI bình quân tăng 3,25% so với năm 2022, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng, không phải do yếu tố tiền tệ.

Tín dụng được điều hành hợp lý, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế

Hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%. Đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Ngành ngân hàng đã thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai các gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Tồn tại, thách thức

Bên cạnh những kết quả, thành công của các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được ban hành, triển khai kịp thời, vẫn còn những tồn tại, thách thức và những vấn đề đặt ra trong quá trình điều hành năm 2024 như sau:

Áp lực lạm phát tiếp tục gây thách thức đối với công tác điều hành kinh tế vĩ mô bởi một số nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Tốc độ tăng lạm phát cơ bản mặc dù đã chậm lại qua từng tháng, tháng 12/2023 tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bình quân cả năm tăng 4,16%, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,25%); (ii) Lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn cao; căng thẳng nguồn cung xăng dầu, giá hàng hóa thiết yếu, lương thực vẫn ở mức cao… gây sức ép đối với mặt bằng giá cả trong nước; (iii) Giải ngân đầu tư công dự kiến tăng cao, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các dự án, công trình thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là yếu tố làm tăng nhu cầu, giá cả các mặt hàng nguyên vật liệu... Kinh nghiệm các quốc gia hiện nay cho thấy, nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời, thì lạm phát sẽ trở thành rào cản đối với tăng trưởng kinh tế.

Áp lực điều hành tỷ giá: do các yếu tố rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, nợ công, nợ của doanh nghiệp tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế lớn; biến động về nguồn cung và giá cả các mặt hàng chiến lược, như: xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn... trên thế giới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm.

Nền kinh tế có độ mở lớn: với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 190% GDP, nên thường chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của bối cảnh quốc tế (giá cả; lạm phát; biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ...). Điều này sẽ gây thách thức, khó khăn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế vẫn lớn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn), nhất là trong bối cảnh thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế.

Thu ngân sách nhà nước chưa ổn định, bền vững: tuy thu ngân sách năm 2023 tăng và vượt dự toán Quốc hội giao, nhưng tăng thu chủ yếu là từ tiền sử dụng đất, thu từ dầu thô, trong khi nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không đạt so với dự toán.

Quy mô thị trường vốn (thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp) chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế: những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong năm 2023, cũng khiến áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần nguồn vốn để tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Để chính sách tài khóa, tiền tệ có đóng góp quan trọng cho thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự ngân sách nhà nước năm 2024, cần triển khai một số giải pháp điều hành sau:

Thứ nhất, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, chặt chẽ các chính sách; trong đó tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách nhà nước chặt chẽ, hoàn thuế theo đúng quy định. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; chống thất thu thuế, quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững.

Thứ tư, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Thực hiện hiệu quả việc mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ; chi trả kịp thời các nghĩa vụ nợ của ngân sách nhà nước. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất.

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ sáu, nắm chắc và theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát thế giới, khu vực, tăng cường năng lực phân tích dự báo, nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các vấn đề mới phát sinh, bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về lương thực, năng lượng.../.

ThS. Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

ThS. Lê Thanh Nga, Chuyên viên Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3, tháng 2/2024)


[1] Nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không phản ánh quan điểm chính thức của Vụ Tài chính, tiền tệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư