Chính sách tiền tệ 2018: Nới lỏng hay thận trọng?
Ngày 08/05/2018, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững với sự tham gia của nhiều lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế, nhiều đại biểu và đông đảo báo giới.
Toàn cảnh Diễn đàn
Đã có sự thay đổi về nhận thức trong điều hành chính sách tiền tệ.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đã thiết lập nền tảng vững chắc của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.
Đặc biệt, Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.
“Kết quả này phản ánh sự đóng góp quan trọng từ công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, thời gian qua, công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thành tựu, có bước đi phù hợp. Trong năm 2017, cơ quan này đã tập trung xây dựng thể chế, cụ thể đã ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đồng thời đã sửa Luật các tổ chức tín dụng và đã thông qua vào tháng 10/2017. Tính đến thời điểm này các văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước trong tài chính ngân hàng đã được ban hành.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đánh giá, đã có sự thay đổi về nhận thức trong điều hành chính sách tiền tệ.
“Trước đây khi báo cáo hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội bao giờ cũng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng, đến bây giờ nhận thức đó chỉ là tiêu định hướng, đó không phải là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc NHNN phải bơm tiền ra để đạt được chỉ tiêu tín dụng. Theo chúng tôi đây là nhận thức đột biến rất quan trọng”, ông Kiên nhấn mạnh.
Đồng tình với ông Kiên, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, những năm gần đây, điểm mới mà Ngân hàng Nhà nước tập trung vào là các mục tiêu cuối cùng, đó là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
“Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian và nó phù hợp với diễn biến thực tế và không phải là chỉ tiêu pháp lệnh”, ông Hà nói thêm.
4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng hợp lý
Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 17%, có điều chỉnh với tình hình thực tế, ông Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng đó cho các tổ chức tín dụng.
Trong quá trình điều hành của mình, các đơn vị liên quan của Ngaan hàng Nhà nước vừa ra các chỉ thị tín dụng, vừa phối hợp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng để đảm bảo cho tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro.
“Thực tế, trong 4 tháng đầu năm vừa qua thì tín dụng tăng trưởng ở mức độ hợp lý, trên 5% tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo cho thanh khoản của hệ thống luôn luôn được ổn định và giữ vững, mặt bằng lãi suất ổn định”, ông Hà cho hay.
Điểm mới của 2 năm trở lại đây 2017, 2018 tín dụng tăng trưởng khá đều ngay từ đầu năm và điều này phản ánh được tính ổn định của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều so với các năm trước đây, vì tín dụng ngân hàng phản ánh vào diễn biến của nền kinh tế.
“Trước đây thì chúng ta thường thấy những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất thấp do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại đầu năm, nhưng hai năm trở lại đây 2017, 2018 thì 4 tháng đầu năm tín dụng tăng trên 5% và tăng hơn mức khá cao so với các năm trước đây thường chỉ khoảng 3-3,5% thời gian đầu năm”, ông Hà dẫn giải.
Điều này chứng tỏ tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý, hướng các dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Năm 2018: Điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nào?
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong năm nay, điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục kiên trì bám sát thị trường, chống đỡ tốt hơn đối với những cú sốc, diễn biến khó lường để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Năm 2018, điều hành chính sách tiền tệ ổn định, lạm phát phù hợp với mục tiêu 4% trong điều kiện giá hàng hóa thế giới biến động; lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai; tiêu dùng nội địa và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt có thể tạo áp lực cầu kéo lên lạm phát,… là thách thức cho năm 2018, đòi hỏi tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và quản lý giá của Nhà nước.
Ngoài ra, dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thu hút vốn FDI, FII, cộng hưởng việc bán vốn nhà nước diễn ra thuận lợi…, một mặt giúp Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối, nhưng mặt khác gây áp lực trong việc trung hòa có hiệu quả lượng tiền mặt đưa ra lưu thông để đảm bảo không kích hoạt rủi ro lạm phát.
Để xử lý và hóa giải các áp lực và rủi ro, ông Hà cho rằng, cần bám sát diễn biến lạm phát để tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tài khóa - tiền tệ - quản lý giá để kiểm soát lạm phát 4% theo mục tiêu đặt ra, từ đó tạo nền tảng vững chắc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh: “Nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên chính sách trong giai đoạn hiện nay”.
Bởi, theo ông, đó là gánh nặng đặt lên Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng.
Ông Thành đánh giá, kết quả tăng trưởng tốt 2017 với sự hỗ trợ tốt của chính sách tiền tệ mà vẫn đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, cân đối vĩ mô.
Thời điểm hiện nay, tăng trưởng quý I/2018 rất tốt, sức cầu trong nền kinh tế tốt, xuất khẩu tốt, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong nước tăng trưởng tốt, tăng 14% tổng mức bán trong 4 tháng đầu năm; hàng hóa dịch vụ tăng 9,5%, trong khi lạm phát có 2,82%. Trong khi đó, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước là vừa phải thận trọng, ổn định và lại phải hỗ trợ tăng trưởng.
“Chúng ta phải ưu tiên về mặt nào? vì tăng trưởng hiện nay tốt, cần chú ý tới vấn đề từ tăng trưởng tốt sang quá nóng, đặc biệt là thị trường tài sản. Do vậy, về định hướng chính sách tiền tệ không phải là nới lỏng, không phải là hỗ trợ tăng trưởng. Cần có lộ trình trong trung hạn là tái lập lại chính sách theo xu hướng thị trường, nâng cao trọng số các hoạt động cho vay…”, ông Thành đề xuất./.
Bình luận