Với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, đây là lần đầu tiên Quốc hội bầu một Thủ tướng đương nhiệm làm Chủ tịch nước. Theo dự kiến Chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 5/4 tới, sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Chủ tịch nước sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Buổi chiều cùng ngày, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Kết quả bầu Chủ tịch nước sẽ được công bố vào ngày 5/4. Ảnh: VGP

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

Chủ tịch nước có nhiệm vụ, quyền hạn như: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá…

Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV. Ông từng trải qua nhiều vị trí công tác như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ tháng 4/2016-7/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc là Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016./.