TS. Đỗ Xuân Luận

Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên

ThS. Lưu Thị Bích Hiền

Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích vai trò của phương thức cho vay qua Hội Nông dân trong khắc phục bất cân xứng thông tin và tăng cường tín dụng nông nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn. Trong số 3 kênh dẫn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) chiếm tỷ trọng dư nợ lớn nhất, tiếp theo là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thời gian qua, việc khai thác tốt kiến thức địa phương để tổ chức cho vay theo nhóm là yếu tố đem lại thành công cho Hội Nông dân. Các tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đánh giá nhu cầu, lựa chọn khách hàng, giải ngân, giám sát và thu hồi vốn. Nhờ vậy, cho vay qua Hội Nông dân giúp giảm rủi ro và thúc đẩy cho vay ít phụ thuộc vào tài sản thế chấp.

Từ khóa: tín dụng, Hội Nông dân, bất cân xứng thông tin, tỉnh Bắc Kạn, Việt Nam

GIỚI THIỆU

Phương thức cho vay thông qua Hội Nông dân đang được áp dụng hiệu quả và rất phổ biến tại Việt Nam. Hội nông dân là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Cơ quan này cũng đã ký kết hợp đồng ủy thác với VBSP cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra, Hội Nông dân còn tiếp quản nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để trực tiếp cho nông dân vay phát triển sản xuất. Phương thức cho vay qua Hội Nông dân dựa trên khai thác kiến thức địa phương để cho vay theo nhóm và phát triển vốn xã hội cho hội viên nông dân.

Nghiên cứu này nhằm phân tích vai trò của phương thức cho vay ủy thác qua Hội Nông dân trong khắc phục bất cân xứng thông tin và tăng cường vốn cho nông nghiệp. Nghiên cứu lựa chọn tỉnh Bắc Kạn, nơi nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của phần lớn dân số, đặc biệt là các hộ nghèo và dân tộc thiểu số (Trædal và Vedeld, 2018). Các cấp hội nông dân trên địa bàn đang tích cực ủy thác cho vay từ các ngân hàng và cho vay trực tiếp từ quỹ hỗ trợ nông dân nhằm giúp các hộ phát huy tiềm năng và lợi thế trong sản xuất, kinh doanh các đặc sản của địa phương. Những phát hiện từ nghiên cứu có ý nghĩa trong phát triển các chương trình cho vay qua các tổ chức của người nông dân ở nước ta và ở các quốc gia có điều kiện tương đồng.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Số liệu thứ cấp và các luận điểm khoa học được thu thập và tổng hợp chủ yếu từ Hội Nông dân tỉnh và các công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát các hội viên nông dân. Công thức Slovin được vận dụng để xác định số hội viên nông dân được khảo sát:

Trong đó, n là cỡ mẫu và N là tổng số hội viên nông dân có vay vốn qua Hội nông dân trong năm 2018 tại 3 huyện: Na Rì, Bạch Thông và Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn. Với N = 5.728 hộ, khoảng tin cậy là 93%, ta có n = 5.728/(1 + 5.728 * 0,072) ≈197 (hộ). Để tăng độ tin cậy, nghiên cứu này lựa chọn 200 hộ để khảo sát.

Trong mỗi huyện, 03 xã đại diện cho các vùng sinh thái khác nhau được lựa chọn trên cơ sở tư vấn bởi các cán bộ địa phương. Dựa trên danh sách các hội viên nông dân có vay vốn qua Hội Nông dân trong từng xã, nghiên cứu sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên các hộ trong danh sách. Cuộc khảo sát được thực hiện năm 2019.

Số liệu sau khi được thu thập sẽ được tổng hợp theo các chỉ tiêu để phân tích. Phương pháp phân tích số liệu dựa vào thực trạng cho vay và kỳ vọng của nông dân, của Hội Nông dân trong thúc đẩy cho vay và sử dụng vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng cho vay qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn

Hội Nông dân nhận ủy thác từ VBSP, Agribank và trực tiếp cho vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Lượng vốn vay bình quân một khoản vay qua 3 kênh dẫn vốn dao động trong khoảng từ 27,95 đến 75,63 triệu đồng, lãi suất 0,68%- 0,83%/tháng và kỳ hạn 18-36 tháng. Tỷ lệ số hộ là hội viên có dư nợ trên tổng số hội viên là 4,12%-39,69% (Bảng 1).

Bảng 1: Thực trạng cho vay qua Hội Nông dân theo các kênh dẫn vốn chính tính đến 30/11/2019

Nguồn: Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn (2019a, 2019b)

Trong số 3 kênh dẫn vốn, VBSP chiếm tỷ trọng lớn nhất xét về cả số hội viên vay vốn và tổng dư nợ cho vay. Hội Nông dân hợp tác với VBSP để triển khai theo các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống của các hộ thu nhập thấp. Các chương trình cho vay chủ yếu được triển khai, như: cho vay theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn; và cho vay phát triển lâm nghiệp. Mức lãi suất cho vay từ VBSP tùy thuộc vào từng chương trình tín dụng, dao động từ 0,1%/tháng (như Chương trình cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn) đến 0,75%/năm (đối với cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn).

Hội Nông dân cũng đã ký thỏa thuận số 1649/TTLN-HND-NHNo&PTNT giai đoạn 2017-2020 với Agribank về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn hiện đang quản lý dư nợ gần 100 tỷ đồng từ nguồn Agribank. Các hộ vay vốn từ Agribank phải có tài sản thế chấp, hoặc được bảo lãnh tín chấp bởi UBND xã. Ngân hàng cũng yêu cầu các hộ xây dựng phương án sử dụng vốn rõ ràng và khả thi để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Lãi suất trung bình là khoảng 10%/năm và dao động theo khu vực, khách hàng và chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn.

Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, Hội Nông dân còn thực hiện cho vay trực tiếp từ nguồn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, được tài trợ bởi ngân sách nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế. Trong năm 2019, Trung ương ủy thác hơn 11 tỷ đồng, tỉnh cấp hơn 4 tỷ đồng và nguồn từ huyện là 3,6 tỷ đồng. Với nguồn vốn hơn 19 tỷ đồng, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ khoảng 608 lượt hộ vay với tổng dư nợ khoảng 17 tỷ đồng. Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp xây dựng được các mô hình sản xuất, phát triển thương hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng, như: tinh dầu hồi, gỗ bóc, rau bồ khai và bí xanh thơm.

Một đặc điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ quá hạn cho vay qua Hội Nông dân khá thấp. Những khoản nợ quá hạn chủ yếu từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay qua Hội Nông dân thấp hơn mức bình quân 0,99% dư nợ của toàn ngành ngân hàng trên địa bàn Tỉnh.

Vai trò của Hội Nông dân trong khắc phục bất cân xứng thông tin và nợ quá hạn

Cung cấp thông tin về tín dụng cho hội viên nông dân và tổ chức cho vay theo nhóm

Hội viên nông dân có thể tiếp cận thông tin tín dụng từ nhiều nguồn, như từ: Hội Nông dân, chính quyền địa phương, bạn bè người thân và có thể tự tìm hiểu thông tin. Đối với Hội Nông dân, hình thức cung cấp thông tin thông qua tuyên truyền trực tiếp và qua các văn bản của tổ chức Hội chiếm tỷ lệ cao nhất (Bảng 2). Hội Nông dân cùng với các cán bộ tín dụng thành lập các tổ, nhóm vay vốn, tập hợp và thẩm định các hồ sơ vay vốn. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức họp để bình xét công khai các hộ có đủ điều kiện vay vốn để lập danh sách đề xuất ngân hàng xét duyệt. Trong tổng số hội viên được bình xét công khai, khoảng 75,19%- 81,80% được duyệt cho vay. Việc bình xét hộ vay, mức vay, thời hạn vay được thực hiện tại tổ vay vốn, có sự kiểm tra của tổ chức hội và phê duyệt của UBND cấp xã. Hộ nhận tiền vay, trả nợ (gốc, lãi) tại các điểm giao dịch tại xã.

Bảng 2: Tỷ trọng số hộ được phỏng vấn tiếp nhận thông tin tín dụng qua các kênh khác nhau (% số hộ trả lời trên tổng số hộ được khảo sát)

Nguồn: Kết quả khảo sát năm 2019

Ngoài phổ biến thông tin, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn cho chủ tịch và phó chủ tịch hội nông dân cấp huyện, thị xã, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (Bảng 3). Trong quá trình tập huấn, Hội nông dân thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc liên quan đến nghiệp vụ cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Các chuyên mục chính sách tín dụng được cập nhật trên Website của Hội, qua đó chuyển tải những thông tin hữu ích cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp trên địa bàn.

Bảng 3: Sự tham gia của các cán bộ hội cơ sở trong các lớp tập huấn năm 2019

Nguồn: Hội nông dân tỉnh Bắc Kạn (2019a, 2019b)

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho nông dân

Tín dụng chỉ phát huy hiệu quả khi được kết hợp với các yếu tố đầu vào khác (Luan & Bauer, 2016). Vì vậy, ngoài các hoạt động cho vay, Hội Nông dân đã liên kết với doanh nghiệp tổ chức cung ứng phân bón, cây giống, con giống cho hội viên phát triển sản xuất (Bảng 4). Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Kinh tế tổ chức được các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, nuôi gà thả vườn và kỹ thuật trồng nấm, cam, quýt, hồng không hạt, chè và rau nhà lưới đạt hiệu quả cao.

Bảng 4: Hỗ trợ hội viên tiếp cận các yếu tố sản xuất để bổ sung cho tín dụng

Nguồn: Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn (2019a, 2019b)

Nhiều hộ nông dân đã tham gia các cuộc thi, nhân rộng các mô hình phát triên kinh tế, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Hội Nông dân tham gia khuyến khích các hợp tác xã đăng ký chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bên cạnh đó, hội viên tham gia tích cực vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới với các hình thức, như: đóng góp tiền mặt, tham gia công lao động trực tiếp để cùng với Nhà nước nâng cấp, tu sửa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và hệ thống kênh mương nội đồng.

Kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay để đảm bảo khả năng hoàn trả vốn

Các nội dung được tập trung kiểm tra, giám sát là việc tổ chức thực hiện 6 công đoạn uỷ thác và tình hình sử dụng vốn vay của nông dân. Bảng 5 cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát luôn được các cấp Hội quan tâm chú trọng. Mỗi năm, Hội nông dân Tỉnh đều kiểm tra ít nhất 2 lần đối với 100% hội nông dân cấp huyện và trên 25% số hội nông dân cấp xã về thực hiện Chương trình uỷ thác.

Bảng 5: Số đợt thực hiện kiểm tra, giám sát của hội về sử dụng và hoàn trả vốn

Nguồn: Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn

Các hoạt động kiểm tra, giám sát giúp đôn đốc hội viên vay vốn trả lãi và gốc theo định kỳ đã thỏa thuận, đồng thời giúp kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp không thể hoàn trả do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Công tác kiểm tra còn giúp xử lý những trường hợp bình xét cho vay chưa đúng đối tượng, cho vay ké, thu lệ phí, sử dụng phí ủy thác và hoa hồng chưa đúng quy định. Nhờ vậy, công tác thống kê, theo dõi, báo cáo kết quả hoạt động ủy thác của Hội Nông dân huyện, cấp xã, của các tổ tiết kiệm vay vốn được luôn được củng cố.

Chất lượng tín dụng từ góc nhìn của hội viên nông dân

Bảng 6 cho thấy, bình quân có khoảng 60% số hộ được phỏng vấn hiểu rõ về ý nghĩa của hoạt động vay vốn của hội viên. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết của nông dân có sự khác biệt giữa các huyện. Còn một số trường hợp hội viên vay vốn cho rằng, nguồn vốn là hỗ trợ miễn phí từ Nhà nước. Nhiều hội viên vay vốn có khả năng, nhưng lại không muốn hoàn trả vốn vay cho dù Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với UBND xã và ngân hàng để thu hồi vốn. Hầu hết những hộ chưa hiểu rõ về các chương trình tín dụng cho rằng, họ quá ít thông tin về nguồn vay, điều kiện và thủ tục vay vốn. Những hộ chưa vay được vốn, đặc biệt là những hộ ở vùng sâu, vùng xa cho rằng, thủ tục vay vốn còn quá nhiều phức tạp.

Xét về lượng vốn vay, kết quả khảo sát nhu cầu tín dụng là một vấn đề khi có tới 65,53% số hộ nhận được lượng vốn thấp hơn so với lượng đăng ký. Trong 3 huyện khảo sát, tỷ trọng số hộ ở huyện Chợ Mới hài lòng hơn so với các hộ ở hai huyện Na Rì và Bạch Thông. Dường như những hộ thuộc các vùng có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, gần với thị trường và có hệ thống giao thông thuận lợi thường nhận được lượng vốn lớn hơn so với các hộ ở vùng khác.

Bảng 6: Phản hồi của nông dân về về các thành phần cấu thành Chương trình ủy thác cho vay qua Hội Nông dân (% số phiếu trả lời)

Nguồn: Kết quả khảo sát

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Hội Nông dân đang có những hoạt động tích cực trong kết nối cung cầu tín dụng đối với các hộ thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số. Tỷ trọng nợ quá hạn trong tổng dư nợ thấp hơn bình quân chung của toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Vốn tín dụng đã giúp nhiều hộ vay vốn có việc làm, tiếp cận được khoa học, kỹ thuật mới, mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Vốn vay được hội viên nông dân sử dụng để phát triển sản xuất có hiệu quả, bảo toàn được vốn, không bị thất thoát, chiếm dụng.

Phương thức cho vay qua Hội Nông dân giúp khắc phục bất cân xứng thông tin nhờ khai thác hiệu quả các kiến thức địa phương trong cho vay nông nghiệp. Hội Nông dân kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản chính sách tín dụng cho các tổ tiết kiệm vay vốn và hội viên nông dân. Hội Nông dân hiểu rất rõ nhu cầu, khả năng sử dụng và hoàn trả vốn của hội viên. Nhờ vậy, hội đã tích cực xây dựng và tổ chức cho vay theo nhóm.

Hội Nông dân cũng giúp các ngân hàng giải ngân tín dụng nhanh chóng, giảm quá tải cho các cán bộ tín dụng và giảm tỷ trọng nợ quá hạn trong tổng dư nợ. Bên cạnh đó, Hội nông dân đã hợp tác với các bên liên quan để tổ chức đào tạo, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất để nâng cao năng lực sử dụng vốn. Hội cũng hỗ trợ nông dân xây dựng phương án sử dụng vốn khả thi để hoàn thiện các hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh những thuận lợi, các cuộc phỏng vấn sâu cho thấy, định mức cho vay còn thấp so với nhu cầu của nông dân. Các khoản vay còn nhỏ lẻ, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển sản xuất hàng hóa. Năng lực của các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn trong việc lưu trữ, sắp xếp hồ sơ ủy thác còn hạn chế. Khi số lượng hội viên và lượng vốn ủy thác tăng lên, cán bộ hội thường gặp khó khăn trong quản lý vốn và tư vấn sử dụng vốn cho hội viên nông dân. Nhận thức của hội viên nông dân về tầm quan trọng của tiết kiệm chưa được cao, nên việc huy động tiết kiệm không được thường xuyên liên tục. Công tác thành lập tổ vay vốn còn gặp một số khó khăn do trong công tác triển khai, tuyên truyền.

Do vậy, để nâng cao hơn nữa vai trò và năng lực của Hội Nông dân, công tác tuyên truyền về các sản phẩm tín dụng, thành lập các tổ liên kết vay vốn cần được tăng. Hội Nông dân cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương để tập huấn khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường bao tiêu sản phẩm nông sản giúp cho hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả hơn. Các khóa đào tạo nâng cao năng lực của hội trong kết nối cung cầu tín dụng là cần thiết. Nội dung đào tạo nên tập trung vào nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng kế toán và quản lý tài chính, kỹ năng lưu trữ hồ sơ và kỹ năng tư vấn cho hội viên trong sử dụng vốn vay. Các hoạt động của Hội cần hướng tới nâng cao năng lực sử dụng vốn đầu tư các ngành nghề, cây trồng vật nuôi có lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội Nông dân Việt Nam (2017). Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội

2. Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn (2017). Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2003-2017, số 556-BC/HNDT, ngày 24/08/2017

3. Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn (2019a). Kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và Chương trình phối hợp với các ngân hàng năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, Báo cáo số 230-BC/HNDT, ngày 13/12/2019

4. Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn (2019b). Sơ kết việc thực hiện thỏa thuận liên ngành số 1649/TTLN giữa Hội Nông dân với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, Báo cáo số 221-BC/HNDT, ngày 06/12/2019

5. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn (2018). Báo cáo tổng kết Hoạt động ủy thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh năm 2017, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2018

6. Luan, D. X., & Bauer, S. (2016). Does credit access affect household income homogeneously across different groups of credit recipients? Evidence from rural Vietnam, Journal of rural studies, 47, 186-203

7. Trædal, L. T., Vedeld, P. (2018). Cultivating forests: The role of forest land in household livelihood adaptive strategies in the Bac Kan Province of northern Vietnam, Land Use Policy, 73, 249-258

Summary

This paper analyzes the role of the entrusted lending method via Farmer's Union in overcoming information asymmetry and increasing agricultural credit in Bac Kan province. Among three credit sources, the Vietnam Bank for Social Policy represents the largest portion of total loan outstanding, followed by Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development and Farmer’s Union. Exploiting local knowledge to conduct group lending has been a catalyst for the success of Farmers' Union for years. Savings and credit groups help to assess the needs, select creditworthy customers, disburse funds, supervisor and recover loans. As a result, the entrusted lending through Farmers' Union reduces the risks and promotes the loans that are less dependent on collateral.

Keywords: credit, Farmers' Union, information asymmetry, Bac Kan province, Vietnam



(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo 9 tháng 3/2020)