Chuẩn bị thẩm tra 2 dự án luật

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức cuộc họp về dự kiến kế hoạch thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, theo Văn phòng Quốc hội.

Chuẩn bị giám sát việc triển khai pháp luật về quy hoạch
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến chuẩn bị các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sắp tới, đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban về các dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức buổi làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu nhiều nội dung trong kết luận của Chủ tịch Quốc hội. Dự kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ các dự án Luật này và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay tại phiên họp tháng 9 sắp tới.

Để phục vụ cho xây dựng báo cáo thẩm tra các nội dung khác, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có công văn đề nghị các bộ, ngành sớm gửi báo cáo, tài liệu. Cùng với đó, căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh Covid-19, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức làm việc với một số bộ, ngành và doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về kinh tế-xã hội, tổ chức Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế để thẩm tra các tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, xây dựng Kế hoạch năm 2022.

Giám sát để kịp thời phát hiện vướng mắc

Liên quan đến dự kiến kế hoạch thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, mục đích giám sát là đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai, thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan; việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; qua đó phát hiện và kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc và đề xuất những giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng, quyết định/phê duyệt hệ thống các quy hoạch, đồng thời kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và pháp luật liên quan.

Dự kiến Đoàn giám sát sẽ giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức và phối hợp triển khai lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính kết nối đồng bộ giữa các quy hoạch. Đoàn giám sát cũng sẽ rà soát các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ sẽ hết hiệu lực theo quy định tại Luật Quy hoạch; việc tổ chức thực hiện, điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 để quản lý đầu tư phát triển...

Dự kiến vào tháng 4/2022, Đoàn giám sát sẽ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo kết quả giám sát. Trước ngày 10/5/2022, Đoàn giám sát giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát, để trình Quốc hội giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Chuẩn bị giám sát việc triển khai pháp luật về quy hoạch
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Kinh tế cần nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong tình hình mới. Ảnh: Quốc hội

Gợi mở về hướng triển khai các nội dung trên của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Ủy ban cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, khẩn trương ban hành Quy chế làm việc mới của Ủy ban; nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong tình hình mới, trong đó, yêu cầu phải có ý kiến làm việc bằng văn bản của Ủy ban để nâng cao chất lượng làm việc, nhất là đối với các báo cáo thẩm tra.

“Trong các cáo tổng hợp cần đánh giá được nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác đầu tư, phòng chống dịch, chuyển đổi số; việc thích ứng của của doanh nghiệp đối với khoa học, công nghệ; đánh giá khách quan, toàn diện các nội dung dự án luật sửa đổi, cũng như các báo cáo về kinh tế - xã hội và sử dụng đất, quy hoạch, giám sát...”, ông Hải chỉ đạo./.