Chứng khoán Việt Nam: Gọi tên “sát thủ” phía sau Covid-19
Gọi tên sát thủ “call margin”
TTCK khựng lại trong phiên giao dịch ngày 28/01/2021 với VN-Index giảm 6,63%, tương đương 74 điểm, vốn hóa sàn HOSE mất liền 271.802 tỷ đồng. Toàn thị trường, vốn hóa giảm 366.114 tỷ đồng, tương đương 15,8 tỷ USD. Hàng loạt nhà đầu tư đang từ trạng thái hân hoan có lãi, chuyển sang lỗ vốn, hoảng loạn khi không chỉ cổ phiếu nhỏ giảm sàn, mất thanh khoản mà các mã lớn trong VN30 cũng đồng loạt giảm sàn. Vì sao vậy? Vì đại dịch bùng phát, vì hệ thống dễ sập, vì có những yếu tố ngầm chưa phát lộ, hay lý do gì? Đó là những câu hỏi trong quay cuồng tìm kiếm của nhiều nhà đầu tư.
Nỗi sợ đẩy lên cực điểm trong ngày 28/01/2021, người thì hối hận, người thì tiếc nuối. Nhiều cá nhân đang phải ngấm nỗi đau từ chính mình và cộng hưởng lại, đây cũng chính là nguyên nhân trực diện khiến TTCK mất mát, hoảng loạn trong phiên giao dịch vừa qua.
Kể từ khi TTCK Việt Nam chạm đến ngưỡng kháng cự 1.200 điểm đến phiên ngày 28/01/2021, VN-Index giảm gần 20%, trong đó những ngành giảm mạnh là chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, bất động sản, thép… Mức sụt giảm trong phiên vừa qua khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụt giảm từng xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nhà đầu tư lâu năm từng đi qua giai đoạn VN-Index từ đỉnh cao 1.170 điểm rơi về 235 điểm trong khoảng thời gian này.
So với hơn 10 năm trước, nền kinh tế Việt Nam, cấu trúc nhà đầu tư đã khác, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp nay đã khác, định giá cổ phiếu hiện cũng hấp dẫn hơn nhiều so với thời điểm đó. Nhưng ông Hoàng Quang Dũng, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán FPTS cho rằng, câu chuyện của dòng tiền vay (margin), bán tháo, tâm lý đầu tư… là điểm không khác, khi người Á Đông thích đầu tư kiểu bài bạc, khiến cuộc chơi có thể tăng rất mạnh, nhưng cũng dễ dàng giảm rất sốc từ chính tâm lý này.
Với mức giảm gần 20% của TTCK Việt Nam kể từ đầu năm đến nay, quan sát cung cầu thị trường cho thấy, hiện tượng bán giải chấp call margin (buộc phải bán) đã xuất hiện. Theo ông Dũng, nếu các công ty chứng khoán (CTCK) đều làm đúng luật, tức là làm đúng quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UCBK) cho phép, chỉ được cấp tiền vay cho nhà đầu tư tỷ lệ 1:1 thì thị trường không có chuyện giật mạnh như vừa qua. Rất nhiều CTCK đã lách luật, chuyển đổi tỷ lệ margin sang nhà đầu tư có 3 đồng, được vay 7 đồng để mua cổ phiếu. Đây chính là yếu tố cốt lõi khiến TTCK bất định quá đà.
Ở tỷ lệ margin 1:1, giá cổ phiếu mất 30% thì tài khoản của nhà đầu tư mới có thể bị ảnh hưởng bởi margin call (nếu không đủ tiền bù vào), nhưng vay với tỷ lệ 3:7, thì cổ phiếu giảm 15-20% là lệnh call margin xuất hiện. Vì chạy đua thị phần, vì lợi nhuận từ phí cho vay cao, nhiều CTCK sẵn sàng lách luật. Nhà đầu tư vì kỳ vọng thị trường dễ thắng, sẵn sàng vay vốn vượt quy định. Cung - cầu vốn vay gặp nhau vượt quá quy định pháp lý khiến TTCK dễ tăng sốc, giảm sâu bên cạnh các yếu tố lân cận là câu chuyện hệ thống nghẽn lệnh hay đại dịch bùng phát.
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, các công ty chứng khoán phải báo cáo hàng ngày về dòng tiền margin, nhưng thực tế chỉ báo cáo khoản cho vay chính thống
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dòng tiền vay trên TTCK Việt Nam tính đến cuối năm 2020 khoảng 81.000 tỷ đồng, vẫn ở ngưỡng an toàn trong bức tranh chung khi vốn chủ sở hữu của khối CTCK khoảng 87.000 tỷ đồng. Ông Sơn cũng cho biết, UBCK yêu cầu các CTCK báo cáo hàng ngày về dòng tiền margin. Tuy nhiên, thông tin báo cáo về hoạt động margin chính thống mà CTCK trực tiếp cung cấp. Các hoạt động lách luật cho vay nhà đầu tư hoặc hợp tác với bên thứ ba, thứ tư cho nhà đầu tư vay mua cổ phiếu… không nằm trong con số 81.000 tỷ đồng nói trên.
Ông Hoàng Quang Dũng chỉ ra tín hiệu nhận diện dòng margin call. Theo đó, đầu tiên, lệnh bán mạnh ATO thường là lệnh các CTCK đẩy ra khi khách hàng không có tiền đối ứng cho khoản đã vay và CTCK cần thu hồi vốn. Diễn biến này trong 15 phút mở cửa.
Khoảng 10h-10h30 thường là khoảng thời gian CTCK cho phép nhà đầu tư tự lựa chọn cổ phiếu để bán, nhưng nếu khách hàng không tự tất toán khoản vay, thì CTCK can thiệp vào tài khoản của khách hàng và bán tự động. Đặc biệt, các lệnh bán không phải đặt bằng tay mà dùng máy để ra lệnh, nên dễ tạo cung mạnh hơn ở vùng giá thấp, gây hoảng loạn tâm lý.
Phiên giao dịch ngày 28/01, khoảng từ 10h-10h30, TTCK giảm mạnh, VN-Index mất hơn 60 điểm, dù thanh khoản rất cao. Đây chính là thời điểm CTCK bán tự động trên tài khoản khách hàng có nợ vay mua cổ phiếu. Đà bán kiểu này tiếp tục diễn ra vào phiên chiều, khiến nhiều mã giảm sàn. Đến ATC thì các cổ phiếu đua nhau đổ sàn. Diễn biến của margin call xuyên suốt trên thị trường đều là như vậy.
Hàng loạt địa phương xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 khiến tâm lý người dân cũng như các nhà đầu tư không thể không dao động, nhưng đây là yếu tố gián tiếp, còn bản chất giao dịch hàng phiên chịu ảnh hưởng rất lớn từ diễn biến dòng tiền vay.
Margin call không trừ cổ phiếu nào, bởi các mã trong cùng một danh mục có gắn kết liên đới với nhau. Ví dụ, nhà đầu tư có 3 mã, A, B, C với mức độ xấu, trung bình và tốt trong danh mục, trong đó mã A, B dùng đến tiền vay. Khi thị trường đi xuống và nhà đầu tư không bù thêm được khoản tiền đối ứng vào danh mục vay, CTCK sẽ call margin trên cổ phiếu A, B trước, nếu chưa đủ thu hồi khoản đã cho vay, CTCK bán tiếp cổ phiếu C để thu hồi lại khoản đã cho vay. Thực tế này dẫn đến tình trạng các cổ phiếu đồng loạt bị bán sàn. Đây lý do sâu xa khiến thị trường giảm.
Thị trường sẽ thay lớp nhà đầu tư
Nhà đầu tư trải qua nhiều giai đoạn thăng giáng của TTCK sẽ nhận ra rằng, khi margin call xảy ra trên diện rộng, giá cổ phiếu giảm rất mạnh trong một thời gian, nhưng sau đó sẽ phục hồi. Trường hợp thanh khoản mạnh, có thể khớp hết các khoản margin call này, lúc đó, thị trường thay lớp nhà đầu tư. “Sau giảm mạnh, thị trường sẽ tăng lên tương ứng, đó là quy luật. Trong quy luật ấy, phần thưởng chỉ dành cho người còn tiền”, ông Dũng nói.
Hàng trăm nghìn nhà đầu tư F0 (mới tham gia TTCK năm 2020) đang là chủ thể sốt ruột nhất trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, thị trường đang mang đến một bài học rằng, khi đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư chịu hai loại áp lực trực tiếp. Áp lực từ khoản vay là phải trả lãi, áp lực tăng, giảm của thị giá cổ phiếu, nên được mất của nhà đầu tư rất mong manh.
Lời khuyên của chuyên gia là nếu bạn không tìm thấy cổ phiếu tốt thì đừng mua
Trong đầu tư có câu: “Chốt lãi luôn đúng. Cắt lỗ luôn cần”. Thị trường giúp nhiều người nhận ra bài học và cần có bản lĩnh để sửa lỗi. Nếu cố thủ không bán khi chạm ngưỡng phải cắt lỗ thì tình trạng cháy tài khoản là rất dễ xảy ra.
Nếu còn tiền, bạn sẽ làm gì lúc này?
Chuyên gia Hoàng Quang Dũng cho rằng, mua tích trữ là việc nên làm ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, đám đông không bao giờ đạt được hiệu quả sinh lời, bởi hiệu quả chỉ dành cho một tầng lớp nhỏ. Khi đám đông tranh nhau rời bỏ thị trường, bạn cần tư duy ngược lại, cần xây dựng chiến lược đầu tư đi ngược tư duy đám đông.
Quan sát bức tranh tổng thể cho thấy, nếu đại dịch là yếu tố bất định thì trong hoạt động đầu tư, nên chọn doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Đời sống dân sinh luôn cần ngành điện, nước, bán lẻ, viễn thông, sản xuất… cho dù dịch bệnh có bùng phát, cách ly xã hội. Theo đó, đây là những ngành vẫn có khả năng sống khỏe trong điều kiện kinh doanh khó khăn. Đây cũng là những ngành nhà đầu tư bình tĩnh đang có cơ hội mua tích trữ cổ phiếu.
Những ngành nghề không thiết yếu thường liên quan đến nhu cầu cao hơn, như chăm sóc sức khỏe, du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư… Sự lựa chọn nên ở thời kỳ nền kinh tế đang phát triển ổn định và tích cực.
Chiến lược mua tích trữ phù hợp trong một thị trường hoảng loạn. Nhà đầu tư thay nhau bán và người bình tâm có thời gian lựa chọn cổ phiếu ở vùng giá tốt. Giữa các công ty trong một ngành nghề, nên chọn công ty không vay nợ, có tính an toàn cao hơn về mô hình kinh doanh và cấu trúc tài chính. “Nếu đã yên tâm với cổ phiếu mình mua, thì nhà đầu tư nên tắt điện thoại và đón Tết cho thoải mái”. Ông Nguyễn Văn Tình, một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm chia sẻ.
Khi lựa chọn được doanh nghiệp có mô hình kinh doanh thiết yếu, cấu trúc tài chính vững vàng và người lãnh đạo có uy tín, bạn có thể nắm giữ cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn lúc thị trường hoảng loạn. “Chớp thời cơ như vậy về lâu dài, tài sản sẽ gia tăng phát triển ổn định, bền vững”, ông Dũng nói.
Thị trường là tổng hòa những điều đã biết, sẽ biết và không thể biết. Tại Việt Nam hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến ra sao và hệ thống giao dịch trên TTCK có còn đứt gãy không, bao giờ được thay mới đang là 2 biến số nhà đầu tư không quản trị được. Trong bối cảnh này, quản trị danh mục và cơ cấu lại về vùng an toàn nên là ưu tiên số 1. Còn việc mua mới, lời khuyên của chuyên gia cho rằng, nếu bạn không tìm thấy cổ phiếu tốt thì đừng mua. Khi bạn còn tiền, thị trường luôn có hội, chứ không phải chỉ ngày hôm nay mới có cơ hội./.
Bình luận