Nghiên cứu triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính

"Quá trình chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích hết sức to lớn với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, kết nối vạn vật…, từng bước hình thành hệ sinh thái số", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, khi chủ trì Hội nghị giao ban với các bộ, ngành về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), theo chinhphu.vn.

Chuyển đổi số: Không thể một bộ đi nhưng 4, 5 bộ khác đứng yên
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, chuyển đổi số phải chuyển động trước hết từ các bộ, ngành một cách đồng bộ (ảnh: VGP)

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số là nhận thức chưa thực sự nghiêm túc, thông suốt của lãnh đạo một số bộ, ngành, gây khó khăn khi triển khai xuống địa phương các nhiệm vụ quản lý nhà nước, hướng dẫn thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hoàn thành trong tháng 6/2023; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

“Chuyển đổi số phải chuyển động trước hết từ các bộ, ngành một cách đồng bộ, không thể một bộ đi nhưng 4, 5 bộ khác đứng yên. Các bộ, ngành cần đặt ra những mục tiêu, tiến độ cụ thể khi thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở những nhiệm vụ được giao, nhất là trong cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu…”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, đa dạng hóa các tiện ích và truyền thông để người dân tham gia sử dụng.

Rà soát, đánh giá việc triển khai phần mềm dịch vụ công liên thông, khắc phục các tồn tại, bảo đảm kết nối thông suốt, cập nhật, đồng bộ trạng thái hồ sơ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành cơ chế, chính sách đầu tư cho chuyển đổi số vào hạ tầng, đường truyền, thiết bị, phần mềm và con người; nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi các quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin có tính chất đặc thù (tài nguyên tri thức, sáng tạo, mới, khó xác định giá thầu, ít nhà cung cấp…).

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, cơ quan rà soát, xác định những văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh ngay sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) ban hành.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đánh giá, công bố chất lượng các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương và định mức, đơn giá, chi phí xây dựng các hệ thống nêu trên để các bộ, ngành, địa phương tham khảo, lựa chọn.

Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp với Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh kết nối hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vào hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí…

Bộ Công Thương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động thương mại điện tử phù hợp với dự án luật được ban hành theo hướng tích hợp, ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng tài khoản định danh điện tử, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thúc đẩy thương mại điện tử, quản lý thuế.

“Bộ Y tế tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 như cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ triển khai sổ sức khoẻ điện tử… Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành triển khai thí điểm thu thập, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở…”, Phó Thủ tướng chỉ đạo./.