Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 06/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 1.188 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21,4 tỷ USD. Thị trường chủ yếu là Lào (270 dự án; 5,12 tỷ USD); Campuchia (191 dự án; 2,89 tỷ USD).

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các nước Lào, Campuchia mới chỉ dừng lại nhiều ở nông nghiệp, lâm nghiệp. Các ngành khai thác khác có giá trị gia tăng chưa nhiều, mới chỉ có viễn thông, bất động sản. Tại Lào và Campuchia, vướng mắc của nhiều doanh nghiệp liên quan đến chính sách đất đai, trong đó có sự thiếu nhất quán trong áp dụng chính sách, đặc biệt là các quy định do địa phương đặt ra và áp dụng ngoài các chính sách của nhà nước. Những khác biệt này có thể dẫn đến những tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư sang 2 nước này thuận lợi hơn, các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải có thông tin tốt, am hiểu luật pháp địa phương, chủ động phòng ngừa những tranh chấp và liên kết với nhau.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào hay Campuchia có vẻ như tâm lý khá chủ quan và rất dễ rơi vào thế bị động khi gặp khó khăn.


Ông Phạm Quang Tú, Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Theo ông Phạm Quang Tú, Đại diện tổ chức Oxfam tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra các thị trường Lào hay Campuchia cần đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt về luật pháp của nước sở tại so với Việt Nam. Chẳng hạn như ở Campuchia là sở hữu đất cá nhân chứ không phải toàn dân như nước ta.

Vì vậy, khi muốn đầu tư nông nghiệp tại đây, doanh nghiệp sẽ phải tự thỏa thuận với người dân để có đất làm nông nghiệp chứ nhà nước không có trách nhiệm giải phóng mặt bằng mà giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Lào hay Campuchia có vẻ như tâm lý khá chủ quan và rất dễ rơi vào thế bị động khi gặp khó khăn. Trong thời gian trước, khi giá cao su tăng cao khiến các doanh nghiệp với lợi nhuận tính toán trên giấy và chỉ xin được diện tích đất rộng lớn là có thể đồng ý với các điều kiện mà đối tác đưa ra nên đến lúc tính hiệu quả kinh tế lại không sát", ông Tú lý giải.

Khi đầu tư sang các nước bạn, am hiểu phong tục, tập quán, thông lệ của các nước là điều kiện tiên quyết, bởi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị thiệt hại vì vấn đề này.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cũng cho biết, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa lường trước được những xung đột về văn hóa với cộng đồng dân cư của nước sở tại, nên khi đầu tư sang các nước bạn, am hiểu phong tục, tập quán, thông lệ của các nước là điều kiện tiên quyết, bởi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị thiệt hại vì vấn đề này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đừng ngây thơ quá về hệ thống pháp luật của các nước. Bởi, có thể dự án đã được cấp có thẩm quyền của Lào và Campuchia đồng ý cấp phép rồi, nhưng chưa hẳn đã thực hiện được, do quy định pháp luật và tính tuân thủ pháp luật của các nước này cũng khác so với nước ta.

Ngoài ra, ông Tuấn nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội tại các nước sở tại.

“Doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đến những vấn đề bền vững, như: môi trường, an sinh xã hội, giải quyết các tranh chấp, thì hình ảnh của các doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Khi triển khai các dự án, DN sẽ gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, quy hoạch đất đai, sự thiếu nhất quán trong áp dụng chính sách, nhất là các quy định do địa phương đặt ra và áp dụng ngoài các chính sách của các nước sở tại.

Ông Đoàn Thanh Nghị, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Đoàn Thanh Nghị, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khuyến cáo với các doanh nghiệp rằng, việc trao đổi về việc đầu tư ban đầu giữa doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền của Lào, Campuchia rất thuận lợi, nhưng khi triển khai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, quy hoạch đất đai, sự thiếu nhất quán trong áp dụng chính sách, đặc biệt là các quy định do địa phương đặt ra và áp dụng ngoài các chính sách của các nước sở tại. Do đó, khi đầu tư sang 2 thị trường này doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý và đặc biệt cẩn trọng./.