Cơ giới hóa nông nghiệp để nâng sức cạnh tranh
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, máy gặt đập liên hợp đạt 76% diện tích toàn vùng
Có hiệu quả bước đầu song chưa tương xứng
Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển, nhất là trong lĩnh vực canh tác và thu hoạch lúa, hiệu quả đạt được cao hơn hẳn so với lao động thủ công.
Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, máy gặt đập liên hợp đạt 76% diện tích toàn vùng, nhiều tỉnh có mức độ cơ giới hóa khâu gặt cao, như: Long An, An Giang đạt 98%... tổn thất khâu gặt giảm từ 5%-6% xuống còn 2%.
Nhờ có chính sách hỗ trợ và một số cơ chế chính sách của địa phương ban hành đã thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị. Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị. Điển hình, như: cơ sở Phan Tấn (Đồng Tháp), Tư Sang 2 (Tiền Giang), Hoàng Thắng (Cần Thơ) đã đầu tư cơ sở chế tạo máy gặt đập liên hợp với nhiều cải tiến, giá rẻ hơn so với máy móc nhập ngoại, cho nên được nông dân tin dùng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên đồng ruộng Đồng bằng sông Cửu Long (Anh Thơ, 2015)
Với số lượng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, theo tính toán của các chuyên gia, sẽ giúp giảm mức tổn thất sau thu hoạch đối với các loại nông sản từ nay đến năm 2020 khá cao, như: lúa gạo sẽ giảm từ 11%-13% xuống 5%-6%; ngô từ 13%-15% xuống 8%-9%... Với sản lượng 43 triệu tấn lúa/năm, nhờ các biện pháp giảm hao hụt về chất lượng và số lượng trước, trong và sau thu hoạch, mỗi năm ngành nông nghiệp thu thêm khoảng 1,2 triệu tấn lúa, là con số không nhỏ.
Mặc dù, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp đã được cải thiện, song tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 28/07/2015, tại Hà Nội, ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho rằng, đến nay mức tăng trưởng về cơ giới hóa chưa tương xứng với yêu cầu của sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc cơ giới hóa mới tập trung vào cây lúa song chưa đồng bộ; các cây trồng khác và chăn nuôi, thủy sản chưa được quan tâm đúng mức; công nghệ chế tạo máy trong nước kém cỏi.
Hơn nữa, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, nhưng kết quả thực hiện thấp. Điều này thể hiện qua số lượng khách hàng và doanh số cho vay từ các ngân hàng thương mại, tính đến thời điểm 31/03/2015, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình là 2.903 tỷ đồng, dư nợ 2.097,5 tỷ đồng, số lượt khách hàng vay vốn theo chính sách này là 11.795 lượt người, số lượng khách hàng còn dư nợ 9.124 khách hàng. Theo nhiều chuyên gia, số lượng khách hàng và doanh số cho vay của các ngân hàng thương mại còn thấp, một phần xuất phát từ việc quy định danh sách chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp hiện nay do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố còn hạn chế (Bích Hồng, 2015).
Đẩy nhanh cơ giới hóa vào sản xuất
Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu: đến năm 2020, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất bình quân cả nước đạt trên 90%, riêng ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đạt 100%; khâu gieo cấy 70%; chăm sóc 70%-80%; thu hoạch lúa bằng máy đạt 70%, riêng Đồng bằng sông Cửu Long 90%...
Để thực hiện chủ trương này, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cấp, các ngành, địa phương cần có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để nông dân đầu tư mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất. Cần tăng cường hỗ trợ xây dựng các dự án về áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức hội nghị đầu bờ, thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình. Đồng thời, có chính sách giúp nông dân được vay vốn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất. Hỗ trợ các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất máy nghiên cứu chế tạo các loại máy móc có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất và canh tác của các địa phương. Các cơ quan nghiên cứu cần có những chương trình ứng dụng thiết thực hơn, tạo ra được những máy móc thiết bị đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất nông nghiệp của các địa phương (Bùi Thủy, 2015).
Cũng tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, phải sửa đổi ngay Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT, bổ sung các loại máy móc cả trong lâm nghiệp, thủy sản, rau quả… để được hưởng chính sách.
Theo đó, mới đây ngày 22/01/2016, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung Danh mục chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT, ngày 20/3/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/04/2016./.
Có tham khảo từ các nguồn:
1. Bích Hồng (2015). Giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp: Tiến độ vẫn chậm, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/giam-ton-that-trong-san-xuat-nong-nghiep-tien-do-van-cham/335137.vnp
2. Bùi Thủy (2015). Tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, truy cập từ http://dangcongsan.vn/khuyen-nong-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung/tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat/tang-cuong-dua-co-gioi-hoa-vao-san-xuat-nong-nghiep-319461.html
3. Anh Thơ (2015). Giảm tổn thất sau thu hoạch: Nông dân và ngân hàng chưa gặp nhau, truy cập từ http://tnnn.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1096/36296/giam-ton-that-sau-thu-hoach-nong-dan-va-ngan-hang-chua-gap-nhau
Bình luận