Cơ hội để người Việt làm chủ “trái tim” thị trường vốn
Dự án KRX triển khai gần 10 năm nay giúp người Việt được học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhưng rất cần một đánh giá chân thật, rằng, liệu một giải pháp được ký kết chuyển giao công nghệ từ năm 2012 có còn khả thi với yêu cầu thực tế thị trường hiện nay và nhu cầu tăng trưởng trong tương lai của TTCK Việt Nam?
“Tôi chỉ mong chúng ta đừng nhìn vào quá khứ để lo sợ và dùng nó để ảnh hưởng cho tương lai, mà chúng ta cần nhìn vào thực tại để lựa chọn cái gì là tốt nhất cho sự phát triển bền vững của TTCK Việt” - bà Phạm Minh Hương.
Kinh tế và Dự báo xin chia sẻ quan điểm của Chủ tịch VNDirect với mong muốn, tình trạng “nghẽn lệnh” sớm có lời giải tốt nhất, để TTCK Việt Nam không bị tổn thương nhiều nữa và tiếp tục thực hiện sứ mệnh của thị trường.
“Từ 2006, VNDIRECT đã lựa chọn chiến lược tự làm chủ công nghệ và giao một công ty Việt Nam xây dựng và phát triển. Rất nhiều công ty chứng khoán đã từ bỏ giải pháp nước ngoài và chọn giải pháp công nghệ mà chúng tôi đã lựa chọn”.
Năm 2006, chúng tôi bắt tay xây dựng Công ty Chứng khoán VNDirect và “may hơn khôn” - như bà nói - ở chỗ lúc đó, thị trường Việt Nam quá nhỏ, VNDirect chẳng có lựa chọn giải pháp công nghệ nào, nên đành chọn giải pháp tự xây. Bà cùng đội ngũ của mình, trong đó có một số nhân sự cũ của FPT từng xây nền tảng công nghệ Smartbank, đã cùng ngồi lại, quyết tâm “đặt đầu bài” và tự xây dựng một giải pháp công nghệ (core) riêng cho công ty chứng khoán Việt. “Vì làm chủ được công nghệ, nên đội ngũ chuyên gia Việt đã trưởng thành và có điều kiện liên tục cải tiến và hoàn thiện hệ thống đáp ứng kịp thời các yêu cầu thay đổi của thị trường. Và không chỉ với VNDirect, giải pháp công nghệ người Việt xây nên đang được hầu hết các công ty chứng khoán Việt sử dụng”, bà Minh Hương nói. “Chúng tôi tin rằng, các chuyên gia Việt Nam, nếu được giao đầu bài tốt sẽ hoàn toàn có năng lực phát triển một giải pháp công nghệ không kém gì các giải pháp quốc tế khác”.
“Dù chậm, nhưng KRX vẫn là một dự án có giá trị lịch sử khi chúng ta được trải nghiệm và học tập kinh nghiệm quản trị và vận hành của một hệ thống giao dịch chứng khoán của nước ngoài”
Thách thức của công nghệ không phải là bài toán kỹ thuật cần kinh nghiệm quốc tế, mà là trình độ ra đầu bài vận hành, kiểm soát quản trị phù hợp với yêu cầu của thị trường và khả năng làm chủ công nghệ để liên tục điều chỉnh và hoàn thiện kịp thời các thay đổi mới.
Bà Minh Hương cho rằng, tất cả các quyết định chúng ta làm đều có lý do khi xét ở bối cảnh lịch sử và nhu cầu lúc đó. Chẳng hạn, năm 2000, Việt Nam đón nhận sự giúp đỡ của TTCK Thái Lan, họ cho mình từ cái bảng giao dịch đến giải pháp công nghệ để mở cửa TTCK vì lúc đó không người Việt Nam nào có trải nghiệm về thị trường chứng khoán.
Đến năm 2012, ngành chứng khoán chọn giải pháp của Hàn Quốc (KRX), đó là một quyết sách rất phù hợp và cần thiết tại thời điểm đó, bởi người Việt chúng ta chưa thể tự xây nên hệ thống đủ sức kết nối tất cả trên một nền tảng. Khi dự án được Chính phủ quyết và đi vào triển khai, thực tế mới nhận ra có những cái vướng nên bị chậm lại. Dù chậm, nhưng KRX đã giúp chúng ta học được kinh nghiệm xây đầu bài vận hành và quản trị, và nhờ có quá trình làm việc với các chuyên gia quốc tế, các chuyên gia Việt Nam mới có thể tự tin khi thiết kế đầu bài cho hệ thống giao dịch của HNX. Một bằng chứng là, hiện nay hệ thống sàn HNX có thể hoat động rất ổn định và hoàn toàn đáp ứng được tải tăng trưởng gấp nhiều chục lần so với hệ thống của sàn HOSE (HSX) hiện nay.
“Với tôi, KRX là một chi phí cơ hội và nếu như chúng ta có phải dừng KRX để lựa chọn giải pháp HNX hay thiết kế một giải pháp mới cho người Việt làm chủ, thì chi phí cơ hội đó là rất cần thiết. Tôi chỉ mong chúng ta đừng nhìn vào quá khứ để lo sợ và dùng nó để ảnh hưởng cho tương lai, mà chúng ta cần nhìn vào thực tại để lựa chọn cái gì là tốt nhất cho sự phát triển bền vững của thị trường. Tôi tin rằng, chắc chắn có rất nhiều người hiểu biết trong cuộc cũng đồng ý với quan điểm của tôi”, bà Minh Hương chia sẻ.
“Nhà đầu tư phải được bảo vệ càng sớm càng tốt”
Thị trường chờ đợi vào hệ thống KRX để thay đổi năng lực đáp ứng tải của HSX. Tuy nhiên, tôi thấy đây là một lựa chọn rủi ro. Thị trường chứng khoán đã chứng minh vai trò thiết yếu của nó trong nền kinh tế, nhưng chúng ta đang phải chờ đợi một giải pháp chưa rõ lời giải, chưa rõ thời gian có thể kết thúc, trong khi nhà đầu tư hàng ngày phải đối diện nỗi lo không thể giao dịch an toàn. Đây không phải là lúc chúng ta chờ nhau và tìm các lời giải thích cho quá khứ, mà cần sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, UBCK, sự đồng lòng của hai sở và các đội ngũ chuyên gia giỏi nhất của thị trường để sớm có phương án xử lý triệt để việc nghẽn tải. Nhà đầu tư phải được bảo vệ càng sớm càng tốt.
“Tôi ủng hộ phương án Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất: mang hệ thống HNX vào làm mới tại HSX. Tôi mong FPT sẽ đại diện, hợp lực để kết nối sức mạnh của các đội ngũ chuyên gia và đội ngũ phát triển phần mềm của toàn quốc. Đây là vấn đề an ninh quốc gia rồi”.
Thay vì đổ lỗi loanh quanh về tình trạng nghẽn lệnh, trong góc nhìn của Chủ tịch VNDirect, việc tốt nhất cộng đồng nên làm là cùng tư duy về khả năng làm thế nào để người Việt Nam làm chủ được công nghệ. “Quy mô TTCK gần tương đương GDP, nhiều năm gần đây, TTCK Việt Nam gắn với hình ảnh quốc gia trong đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế, nên vấn đề công nghệ không còn là câu chuyện của riêng một ngành nào nữa. Quy mô và tính chất nhạy cảm của ngành chứng khoán khiến bài toán công nghệ đáng bàn ở tầm quốc gia”, bà Minh Hương nói.
Từ trải nghiệm của mình, Chủ tịch VNDIRECT cho rằng, cái khó nhất của dự án KRX là ở chỗ họ có thể có giải pháp rất tốt, nhưng là để giải quyết bài toán ở thị trường nước ngoài và để phù hợp với điều kiện vận hành của thị trường Việt Nam, các chuyên gia quốc tế sẽ phải tốn rất nhiều công để điều chỉnh. Chúng ta cần giải pháp phù hợp với nền tảng pháp lý, điều kiện quản lý, cấu trúc thị trường, cấu trúc sản phẩm theo thực tế của thị trường Việt Nam.
Bà Minh Hương tin rằng, không một doanh nghiệp nào tốt hơn FPT có thể đứng ra hợp lực công nghệ. Kinh nghiệm chuyên môn quản lý của UBCK, HOSE, HNX, VSD và sự hợp sức của những chuyên gia giỏi nhất, trưởng thành từ trải nghiệm 21 năm với TTCK, đủ sức đặt ra đầu bài để cùng xây “căn nhà” công nghệ Việt, nếu được Chính phủ hiệu triệu. “Căn nhà” mới chắc chắn sẽ phù hợp với hiện trạng pháp lý, cấu trúc thị trường và các yếu tố khác của Việt Nam.
Thay vì đổ lỗi loanh quanh về tình trạng nghẽn lệnh, việc tốt nhất cộng đồng nên làm là cùng tư duy về khả năng làm thế nào để người Việt Nam làm chủ được công nghệ
“Trong ngắn hạn, giải pháp tốt nhất là doanh nghiệp chuyển sàn giao dịch sang HNX”
Chờ dự án KRX, làm một bảng tạm hay xây dựng hệ thống công nghệ mới cho TTCK Việt Nam đều cần thời gian nhiều tháng hoặc lâu hơn, nên Chủ tịch VNDirect cho biết, HĐQT Công ty đã đồng thuận và sẽ tiên phong chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX. Bà mong rằng, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ cùng hành động quyền lợi của cổ đông, của nhà đầu tư được bảo vệ tốt nhất.
“Khi hệ thống nghẽn lại, người thiệt hại nhất là các cổ đông, nhà đầu tư đại chúng khi không thể mua, không thể bán được cổ phiếu. Nếu HĐQT của các doanh nghiệp lớn cùng nhìn rõ vấn đề này và ra nỗ lực chuyển giao dịch sang HNX, tôi tin rằng, cổ đông đại chúng sẽ ủng hộ, vì giải pháp tạm thời này vừa bảo vệ cổ đông, vừa góp sức giữ an toàn hệ thống cho TTCK Việt Nam trong lúc chờ các giải pháp trung, dài hạn”, bà Minh Hương khuyến nghị./.
Bình luận