Còn 16 ngành, nghề chưa quy định điều kiện kinh doanh
Đó là kết quả rà soát của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau 6 tháng phối hợp với 16 bộ, cơ quan ngang bộ vừa được công bố tại Báo cáo số 02/BC-GS, ngày 23/07/2015 về việc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 251 ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 17 bộ, cơ quan ngang bộ, được chia thành 16 lĩnh vực, phân thành 3 cấp với số lượng như sau: 1.706 điều kiện cấp I, 2.592 điều kiện cấp II và 1.945 điều kiện cấp III.
Theo kết quả rà soát, vẫn còn 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa ban hành quy định điều kiện đầu tư kinh doanh (Bảng). Giải thích nguyên nhân khi còn 16 ngành, nghề chưa có điều kiện đầu tư kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh đưa ra 3 lý do:
Thứ nhất, một số ngành trước đây cấm kinh doanh hoặc là hoạt động dịch vụ công do cơ quan sự nghiệp nhà nước thực hiện được chuyển đổi thành ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Thứ hai, một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới xuất hiện, được quy định bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
Thứ ba, có một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại các Dự thảo Luật, Nghị định, được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên đến nay, các dự thảo luật, nghị định này chưa được ban hành.
Bảng: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh chưa quy định điều kiện
Thứ tự | Ngành, nghề đầu tư kinh doanh chưa quy định điều kiện |
1 | Kinh doanh súng bắn sơn |
2 | Kinh doanh dịch vụ đặt cược |
3 | Kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện |
4 | Kinh doanh dịch vụ đảm bảo hàng hải |
5 | Kinh doanh sản phẩm amiang trắng thuộc nhóm Serpentine |
6 | Dịch vụ gia công, tái chế, sửa chữa, làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài |
7 | Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động |
8 | Kinh doanh sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin |
9 | Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô |
10 | Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ |
11 | Kinh doanh dịch vụ đánh giá sinh khả dụng và tương đương sinh học (BA/BE) của thuốc |
12 | Kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng |
13 | Kinh doanh trang thiết bị y tế |
14 | Hoạt động của cơ sở phân loại trang thiết bị y tế |
15 | Kinh doanh dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế |
16 | Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ |
Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh
Cũng theo kết quả rà soát, các lĩnh vực có nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh là: lĩnh vực nông nghiệp (với 35 ngành, nghề, 191 điều kiện cấp I, 265 điều kiện cấp II, 276 điều kiện cấp III) và lĩnh vực công thương (với 28 ngành, nghề, 349 điều kiện cấp I, 490 điều kiện cấp II, 81 điều kiện cấp III). Đây cũng là những lĩnh vực lớn, báo quát và có ảnh hưởng rộng đến đời sống xã hội.
Về các hình thức điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định, điều kiện đầu tư kinh doanh không yêu cầu phải có sự chấp thuận, xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước chiếm đa số. Chỉ có 636 điều kiện yêu cầu phải có sự chấp thuận, xác nhận của cơ quan nhà nước. Cụ thể:
Giấy phép: Có 178 loại giấy phép áp dụng cho 94 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khác nhau. Các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định nhiều loại giấy phép là: công thương (15 loại giấy phép); giao thông vận tải (12 loại giấy phép); nông nghiệp (11 loại giấy phép); thông tin và truyền thông (11 loại giấy phép). Thủ tục cấp phép được doanh nghiệp đánh giá là còn thiếu tính rõ ràng, dễ phát sinh tiêu cực. Về hình thức điều kiện này, tại Thông báo số 370/TB-VPCP, ngày 18/09/2014 Thủ tướng đã chỉ đạo: “giảm bớt thủ tục bắt buộc phải cấp phép, chuyển sang công bố công khai điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động đáp ứng, tuân thủ điều kiện theo quy định”.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh: Có 85 loại Giấy chứng nhận đủ điều kiện khác nhau, với 80 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện yêu cầu hình thức điều kiện này. Các lĩnh vực yêu cầu nhiều loại giấy chứng nhận đủ điều kiện là công thương, an ninh quốc phòng (10 loại), y tế (9 loại), giao thông vận tải, thông tin truyền thông (8 loại).
Chứng chỉ hành nghề: có 93 loại chứng chỉ hành nghề, với 66 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, trong đó, lĩnh vực tài chính có 20 loại, lĩnh vực giao thông vận tải có 16 loại, lĩnh vực xây dựng có 10 loại chứng chỉ hành nghề.
Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp: Có 4 loại giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, tương đương với 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó, lĩnh vực tài chính có 03 loại và lĩnh vực giao thông vận tải có 1 loại giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Văn bản xác nhận: Có 83 loại văn bản xác nhận được quy định đối với 81 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chủ yếu là văn bản xác nhận vốn mà doanh nghiệp phải có khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu về vốn. Các lĩnh vực sử dụng nhiều hình thức điều kiện này là: lĩnh vực thông tin truyền thông (17 loại văn bản xác nhận), lĩnh vực giao thông vận tải (13 loại văn bản xác nhận) và lĩnh vực tư pháp (10 loại văn bản xác nhận).
Các hình thức văn bản khác của cơ quan nhà nước: Có 139 loại văn bản khác quy định đối với 158 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các hình thức văn bản khác bao gồm các loại văn bản, giấy tờ khác như: quyết định, văn bản chấp thuận, thẻ… Trong đó, nhiều loại văn bản, giấy tờ không quy định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục khiến cho việc thực hiện thiếu tính minh bạch, dễ dẫn đến tiêu cực.
Ngoài ra, kết quả rà soát còn cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định các điều kiện đầu tư kinh doanh gồm 437 văn bản. Cụ thể: 6 hiệp định, 72 luật, 8 pháp lệnh, 149 nghị định, 176 thông tư, 26 quyết định.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, thì điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, thì có 202/437 văn bản trái thẩm quyền và theo quy định, các văn bản này sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp để thay thế các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại các văn bản trái thẩm quyền./.
Bình luận