Còn nhiều vướng mắc trong tái cơ cấu DNNN
Chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Tiến độ bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC cũng chậm. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chưa chấp hành chế độ báo cáo.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao; chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Hơn nữa, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Ông Trần Nguyên Nam, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch Tổng hợp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết thêm, qua thực tiễn triển khai công tác cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC cho thấy, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế. Cụ thể, qua 10 năm hoạt động, vốn nhà nước do SCIC tiếp nhận quản lý mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn, do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%), thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.
Tính đến nay, SCIC đã tiếp nhận 34 công ty trách nhiệm hữu hạn 1, 2 thành viên. Trước khi tiếp nhận, hầu hết các công ty này có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí là mất hết vốn, Nhà nước không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa.
Ngoài ra, theo ông Trần Nguyên Nam, cơ chế chính sách về triển khai các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều vướng mắc. Quá trình triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh kéo dài do quy định về trình tự, thủ tục đầu tư phức tạp, có nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có diễn biến thuận lợi.
Phân tích thêm những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, PGS, TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Nhà nước còn nắm tỷ lệ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp nhà nước khó thay đổi về chất. Qua theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán trong hơn 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 25 tổng công ty thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, có 20 tổng công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ có 1 tổng công ty đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước còn lại, có đến 8 tổng công ty gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể.
“Đáng chú ý, tất cả những doanh nghiệp này đều có một đặc điểm chung là Nhà nước vẫn đang nắm từ 80% đến 98% tổng số cổ phần. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sau cổ phần hóa không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn”, PGS, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và thoái vốn nhà nước
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước là chủ trương quan trọng giúp tái cơ cấu nền kinh tế và được kỳ vọng sẽ có tác động trực tiếp đến khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đang bị đánh giá là quản trị yếu kém và hiệu quả thấp. Do đó, để đạt được mục tiêu trên, cần có các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thoái vốn nhà nước.
Toàn cảnh diễn đàn.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, Nhà nước cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của bộ, ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn. Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật, thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý, ai có đủ thẩm quyền phê duyệt. Tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu”. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện của một quốc gia, thì việc đánh giá cái được, cái mất cần phải thực hiện một cách toàn diện.
PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước mỗi thương vụ cổ phần hóa/thoái vốn, việc thực hiện điều tra chi tiết về nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là rất cần thiết. Phần đánh giá về lịch sử và những đặc trưng trong mô hình kinh doanh của nhà đầu tư sẽ giúp cho nhà nước phần nào xác định được khả năng gắn bó lâu dài và sự nghiêm túc của cam kết bảo vệ thương hiệu nội địa.
Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt. Có như vậy thì quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại đoanh nghiệp mới thực sự trở thành công cụ hiệu quả giúp nhà nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Nguyên Nam cho rằng, Nhà nước cần tạo môi trường để tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, đồng thời với việc cởi bỏ các cơ chế rào cản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp giám sát hiệu quả để đảm bảo hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước minh bạch theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ nhà nước giao.
Cùng với đó, xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách tổng thể, không xem xét, đánh giá riêng lẻ một hoặc một số hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư cụ thể.
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội bổ sung, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo đó, cần có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ trước đây, nhưng vẫn chưa đưa cổ phần lên UPCoM; có các giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường UPCoM; nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng hoạt động, quản trị của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa./.
Bình luận