Còn vướng mắc trong sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý tại Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc Bộ, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), có nhiều cửa khẩu, cửa khẩu phụ, lối mở đi lại rải rác trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế của tỉnh, nhưng đồng thời cũng là một thách thức rất lớn với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh và chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Để phát huy lợi thế, tiềm năng của các cửa khẩu trong khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tỉnh Cao Bằng, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng đề án thành lập KKTCK tỉnh Cao Bằng báo cáo cấp Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/03/2014, với diện tích là 30.130,34 ha, gồm 37 xã và 03 thị trấn của 7 huyện biên giới, có chiều dài biên giới tiếp giáp với Trung Quốc trên 265km (có 01 cửa khẩu quốc tế, 03 cửa khẩu chính và nhiều cửa khẩu phụ, điểm thông quan trải dài theo tuyến biên giới) là cơ sở cho việc hình thành tuyến vành đai kinh tế biên mậu, thống nhất các hoạt động quản lý góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, ổn định dân cư, củng cố thêm việc đảm bảo an ninh quốc phòng và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, hiện nay tỉnh Cao Bằng cũng đang triển khai xây dựng 01 KCN Chu Trinh với diện tích 80ha, nằm cách thành phố khoảng 12km về phía Đông Nam.
Trên cơ sở đó, Ban đã hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý KKT cửa khẩu phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị trên cơ sở các quy định của tỉnh và Bộ, ngành như: Quyết định 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 về việc Ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03 tháng 09 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KKTCK… với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý hành chính nhà nước, qua đó giúp cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.
Về cơ cấu tổ chức, Ban thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với KKTCK, KCN. Việc sử dụng biên chế được thực hiện theo đúng quy định, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao. Với cơ cấu tổ chức, về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tại các cửa khẩu, nếu thực hiện theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 về việc Ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền thì các đơn vị này là đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ cũng như yêu cầu của công tác phối hợp quản lý nhà nước tại các cửa khẩu, nên Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt Đề án chức năng, nhiệm vụ, trong đó quy định các Ban Quản lý các cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn là đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp tại các cửa khẩu trực thuộc Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trên cơ sở Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng đã đã xây dựng Đề án: Giảm từ 6 phòng xuống còn 3 phòng, đối với các Ban quản lý cửa khẩu đề nghị giữ nguyên; chỉ thực hiện sáp nhập, không để các phòng thuộc Ban quản lý cửa khẩu. Hiện nay đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng xem xét, phê duyệt Đề án để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Kiên Cường- Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay việc triển khai thực hiện Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực, song qua nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy được quy định tại Điều 65 của Nghị định 82 thì còn có một số khó khăn trong công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, cụ thể như sau: Hiện tại, Ban quản lý KKT tỉnh Cao Bằng được giao 37 biên chế công chức, số có mặt là 35 công chức chưa thể đáp ứng so với nhu cầu, khối lượng công việc của Ban. Nếu thực hiện việc sáp nhập thì chỉ thực hiện sáp nhập được các phòng chuyên môn thuộc Khối Văn phòng (dự thảo Đề án sáp nhập 6 phòng thành 3 phòng). Tuy nhiên cũng không thể đảm bảo tiêu chí 7 biên chế trở lên/phòng. Các Ban quản lý cửa khẩu trực thuộc (khi thực hiện theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP sẽ chuyển thành Văn phòng đại diện Ban quản lý tại KKT) mặc dù không đảm bảo tiêu chí 7 biên chế trở lên/ phòng nhưng không thể sáp nhập do các cửa khẩu nằm cách xa nhau về mặt địa lý (gần 200 km). Vì vậy muốn quản lý, điều hành tốt, mỗi cửa khẩu đều phải có Ban quản lý cửa khẩu hoặc Văn phòng đại diện đặt tại đó. Mặt khác, đối với KKT có các cửa khẩu biên giới đất liền còn phải thực hiện các nội dung về tổ chức, bộ máy theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Như vậy, tồn tại sự không thống nhất giữa mô hình Ban quản lý cửa khẩu và Văn phòng đại diện tại cửa khẩu. Điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban.
Ông Nguyễn Kiên Cường- Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng
Một số quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP và một số nội dung về tổ chức bộ máy tại Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền còn có sự mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy của các KKT có cửa khẩu biên giới đất liền.
Để việc triển khai Nghị định 82/2018/NĐ-CP đạt hiệu quả, Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nội vụ cần nhanh chóng ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể đối với nội dung về tổ chức, bộ máy của các Ban quản lý KKT có các cửa khẩu biên giới đất liền, thống nhất mô hình "Ban quản lý cửa khẩu" hay "Văn phòng đại diện tại cửa khẩu". Đồng thời để các Ban Quản lý triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 82, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên mở lớp tập huấn triển khai Nghị định 82/2018/NĐ-CP để giải đáp những thắc mắc và thống nhất cách hiểu chung. Tiếp theo, do Nghị định 82 không quy định biên chế tối thiểu đối với Văn phòng, các đơn vị trực thuộc, vì vậy cần có quy định cụ thể. Đối với Văn phòng nếu quy định số lượng biên chế tối thiểu cần tính cả số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, vì những vị trí này cũng thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định./.
Bình luận