Công bố số điện thoại đường dây nóng tố giác thực phẩm bẩn lễ hội Xuân 2018
Thực tế, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất là thời điểm diễn ra các lễ hội Xuân. Theo thống kê, chỉ tính trong tháng Giêng, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ, dự kiến thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch tham dự. Theo đó, nỗi lo an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội luôn là vấn đề nóng.
Cục An toàn thực phẩm vừa công bố số điện thoại đường dây nóng tố giác thực phẩm bẩn lễ hội Xuân 2018
Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm kêu gọi người dân tham gia giám sát ngăn chặn thực phẩm bẩn mùa lễ hội Xuân 2018. Theo đó, người dân cần chủ động hợp tác với cơ quan chức năng, khi phát hiện những loại thực phẩm nghi ngờ là hàng giả, hàng nhái. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn. Cụ thể, người dân có thể thông báo các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm theo các số điện thoại đường dây nóng: 0243 232 1556 hoặc 0911811556.
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh, kẹo, rượu, cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ lễ hội.
Trước đó, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ra Chỉ thị số 09/CT-BCĐTƯVSATTP yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.
Số điện thoại đường dây nóng tố giác thực phẩm bẩn lễ hội Xuân 2018 là: 0243.232.1556 hoặc 0911.811.556 |
Cụ thể, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành cấp tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn…
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, như: Các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tập trung trên địa bàn. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng, đồng thời biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, Chỉ thị còn yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn để chủ động cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày diễn ra lễ hội./.
Theo quy định hiện hành, việc xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được quy định rõ tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP, ngày ngày 14/11/2013. Cụ thể, tùy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. |
Bình luận