Công khai ngân sách nhà nước: Quy trình lạc hậu, khó điều hành vĩ mô
Quy trình lạc hậu
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường công tác công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý ngân sách nhà nước. Đó là việc xây dựng quy trình ngân sách minh bạch, rõ ràng; xây dựng hệ thống định mức phân bổ ngân sách và các định mức chi tiêu công khai, minh bạch; công khai và lấy ý kiến rộng rãi về các văn bản luật, các chế độ, chính sách lớn có tác động đến đông đảo người dân; công khai các số liệu, tài liệu liên quan đến dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước; công khai các báo cáo kiểm toán, kết luận thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa: KT
Hiện tại, việc thực hiện công khai ngân sách được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/06/2015 (Luật Ngân sách nhà nước năm 2015).
Bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho biết, theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, báo cáo đề xuất dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện với dự toán ngân sách năm 2017 vừa được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Thực tế, công khai dự thảo dự toán ngân sách chiếm số điểm lớn vòng khảo sát minh bạch ngân sách. Hiện Việt Nam chỉ đạt 18 trên thang điểm 100 về mức độ minh bạch ngân sách trong cuộc khảo sát công bố hồi đầu năm nay. Cuộc khảo sát được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện trong 18 tháng (tháng 03/2014 đến tháng 09/2015) tại 102 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bà Việt Anh băn khăn: “năm nay ta vẫn không công khai dự thảo dự toán thì sẽ tác động đến chỉ số công khai minh bạch ngân sách năm tiếp theo”.
Lý giải về sự chậm trễ này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, đó là do hệ thống ngân sách của nước ta hiện vẫn lồng ghép 4 cấp, từ Trung ương tới tỉnh, huyện, xã. Điều này đồng nghĩa với việc, các cấp phải đợi tổng hợp thu, chi từ xã, đến huyện, lên đến tỉnh, rồi mới về đến Trung ương và các cấp cao hơn. Ước tính, quá trình tổng hợp tin này tốn khoảng gần 5 tháng. Quy trình này được đánh giá là đảm bảo tính thống nhất nhưng bên cạnh đó cũng có mặt trái là lạc hậu và rất tốn thời gian.
Ông Cường chỉ ra kinh nghiệm từ các nước khác là, Trung ương chỉ làm dự toán của trung ương và phân bổ cho các địa phương. Còn việc các địa phương phân bổ cho huyện, xã như thế nào thì địa phương tự chủ động. Trung ương không nên chờ địa phương tổng hợp như hiện tại.
Gây khó điều hành kinh tế vĩ mô
Giới chuyên gia cho rằng, do chưa được tiếp cận dự thảo dự toán ngân sách, nên không nắm được trong năm 2017 Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vấn đề gì, và việc phân bổ các ngành ra sao. Do vậy, sẽ còn nhiều thách thức liên quan đến tài chính ngân sách năm 2016, và đưa rủi ro về ngân sách trong năm tới.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), sẽ có 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là khó như năm trước đây, cơ cấu thu không bền vững, sức ép chi lớn nên ngân sách đứng trước mâu thuẫn lớn là thu giảm chi tăng.
Thứ hai, là bội chi ngân sách cao. Năm 2016 cao và 2017 dự là 3,5% GDP. Bội chi này tính tiếp cận dần thông lệ quốc tế. Trước ta tính 5%, nhưng bây giờ chỉ là 3,5%. Đây là kết quả được tính theo khuyến nghị của các cơ qua quốc tế như IMF, WB. Cách tính này không tính chi trả nợ gốc, song vẫn tạo sức ép vẫn lớn.
Thứ ba là nợ công. Quốc hội trước đó đã có Nghị quyết phải đảm bảo trần 65% GDP, nhưng hiện tại, do nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng nhiều, xu hướng tăng, nên Quốc hội bàn tính sẽ không nới trần để đảm bảo giữ an ninh và tài chính của quốc gia.
Công khai ngân sách nhà nước là xu hướng tất yếu (ảnh minh họa: KT)
Bổ sung quan điểm, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, cách tính bội chi phức tạp. Trước đó, Việt Nam tính không giống ai nên những số liệu đó cũng khác các tổ chức khác. Nếu tính theo cách cũ thì bao gồm chi trả nợ gốc, còn năm 2017 áp dụng cách tính mới, 3,5% GDP không có nợ gốc mà chỉ tính lãi. Việc này sẽ dẫn tới hệ lụy là nếu tăng trưởng kinh tế tốt thì không sao, vì điều này giúp có nguồn thu tốt. Tuy nhiên, nếu mức tăng trưởng kinh tế không đạt so với kế hoạch thì sức ép lên thu ngân sách ngược lại sẽ rất lớn. Khi “túi tiền” gặp khó, ông Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ phải tìm tới những nguồn thu không ổn định và đó là thách thức không nhỏ.
Giải thích rõ về quan điểm của mình, ông Cường chỉ ra, Việt Nam là một trong những nước “hiếm”coi chỉ số tăng trưởng kinh tế là chỉ số mang tính pháp định để tính dự toán ngân sách. Điều này theo ông đồng nghĩa là cơ quan chức năng buộc phải lấy chỉ số này là căn cứ để tính số thu chi ngân sách năm sau mặc dù những con số này chưa chắc có thể thực hiện được. Do vậy, theo kinh nghiệm thực tế, vị chuyên gia độc lập này cho rằng, ở các nước, căn cứ tính dự toán ngân sách không coi tăng trưởng kinh tế là chỉ số mang tính pháp lệnh. Con số tính toán trong dự toán theo ông có thể “du di” được chứ không nhất thiết phải “chốt” cứng. Việc chốt con số theo ông có “cái dở” là tới cuối năm nếu không đạt lại phải xin điều chỉnh. Do vậy, có thể cần thay đổi, Quốc hội không nên cố định con số tăng trưởng bao nhiêu, mà chỉ ước trong khoảng chừng nào đó. Sau đó, Bộ Tài chính từ đó có quyền lấy con số nào để tính số thu, chi.
Bên cạnh đó, quy trình làm dự toán của Việt Nam hiện hầu như chỉ khép kín. Điều này tức là chỉ có các cơ quan Nhà nước làm dự toán còn việc tham vấn các tổ chức, chuyên gia là gần như không có. Nếu như quy trình này được cải thiện, giống như các nước khác, nếu quy trình lập dự toán ngân sách được phản biện bởi các chuyên gia thì sẽ góp phần giảm sai số trong dự toán.
Bổ sung quan điểm này, PGS. TS Bùi Thị An, nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, việc lập dự toán có thể có sai số, nhưng kết quả du di không vượt quá “hành lang”, nếu không sẽ rất khó khăn trong điều hành kinh tế./.
Bình luận