Đã có công cụ hiệu quả nhằm ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu
Cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 329 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân. Giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), qua đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của cả nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung cũng như điều hành giá xăng dầu phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cả nước có khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu |
Hiện cả nước có 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 329 thương nhân phân phối xăng dầu và khoảng gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc điều tiết cung cầu mặt hàng xăng dầu, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước (về nguồn hàng hóa, hệ thống phân phối, địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp...).
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật trên ứng dụng phần mềm quản lý mặt hàng xăng dầu cũng cần bảo đảm tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo của doanh nghiệp theo các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xăng dầu và việc bảo mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu
Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương đã có 01 chuyên mục về công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng điện, xăng dầu. Tại đây, Bộ Công Thương đăng tải các thông tin về giá thế giới (dùng để tính giá cơ sở), giá bán lẻ, tên các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.
Việc vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia được chia làm các giai đoạn khác nhau với các yêu cầu chi tiết phù hợp, trong đó:
(1) Giai đoạn đầu: Từ ngày 20 tháng 5 năm 2022, thực hiện áp dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu với các yêu cầu hệ thống ở mức cơ bản, phù hợp để phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành xăng dầu của Bộ Công Thương.
(2) Giai đoạn tiếp theo: Sau 3 tháng, hệ thống sẽ được hoàn thiện có khả năng thực hiện quản lý trên toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu với các yêu cầu chi tiết và tiêu chí cao hơn giai đoạn đầu.
Đến ngày 20 tháng 5 năm 2022, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ, có thể thực hiện áp dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia giai đoạn 1 đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối xăng dầu đúng như tiến độ đã đề ra, cụ thể:
- Đường dẫn: http://quanlyxangdau.moit.gov.vn
- Khởi tạo tài khoản cho toàn bộ các đối tượng thương nhân trong giai đoạn 1 gồm: 2 thương nhân sản xuất, 38 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và khởi tạo thông tin 329 thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.
- Cập nhật một số báo cáo cho một số thương nhân sản xuất, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên hệ thống.
- Tiến hành công tác kiểm thử hệ thống, thường xuyên có sự phối hợp giữa hai Bộ để rà soát sửa lỗi, bổ sung tính năng theo yêu cầu quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia, đồng thời duy trì vận hành và triển khai rộng rãi, góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu một cách hiệu quả thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này./.
Bình luận