Thức dậy từ sáng sớm, thưởng thức ly cà phê cho ấm người, Đà Lạt sáng sớm lạnh đến từng hơi thở, xe leo dốc, đổ đèo mà sương mù ùa vào tay lái. Những vạt dã quỳ lấm tấm hoa vàng, vườn hồng sai quả khiến người lữ hành thấy buổi sáng cao nguyên bớt lạnh lẽo hơn. Ngược về hướng Đông, ta sẽ thấy một Đà Lạt khác - Đà Lạt không chỉ phố!

Cầu Đất, Xuân Thọ, Xuân Trường được xem là vùng ven của Đà Lạt và được biết đến như một miền nông trại trà có từ thời Pháp, thời khai hoang Đà Lạt, vùng này được Yersin gọi là một Langbiang nhỏ. Đứng trên đèo Dran nhìn xuống, du khách nhận ra dấu tích con đường tàu bỏ quên xuyên qua những hang núi từng nối thành phố hoa Đà Lạt với đất nắng Phan Rang.

Có vô vàn cách để bạn có thể đặt chân đến thiên đường chè Cầu Đất. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, bạn chỉ cần chạy thẳng theo đường Trần Hưng Đạo - Hùng Vương và xem chỉ dẫn đường lên Trại Mát. Nhưng tuyệt vời nhất vẫn là một chuyến hành trình khám phá trên một chiếc xe gắn máy để chầm chậm ngắm nhìn cảnh sắc dọc đường đi.

Chùa Linh Phước

Một ngôi chùa khá nổi tiếng trên tuyến này là chùa Linh Phước với hình con rồng lớn được khảm với 12.000 vỏ chai bia và mảnh sành chén, một đại hồng chung 10 tấn treo trên thác 7 tầng khá lạ lùng và nhiều mầu sắc.

Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn những kiến trúc được xây dựng công phu. Trước hết phải kể đến chánh điện và Tiền đàng bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chánh điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền đàn bảo tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng "Thiên thủ thiên nhãn". Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, được làm bằng bê-tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía là bức phù điêu cảnh Bồ Đề Thọ rất sống động.

Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Hai bên vách chánh điện từ ngoài thẳng vào trong phần dưới khảm chai đà trông giống như đóng lam-ri bằng cây trúc. Phía trên điêu khắc những bức tranh về những điển tích kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ-đề-đạt-ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.

Thác Hang Cọp

Trên con đường đến với đất chè, du khách có thể đến thác Hang Cọp thuộc ấp Túy Sơn, xã Xuân Thọ. Thác nằm giữa khu rừng thông với diện tích 308 ha, chiều cao thác chừng 50 m, dài hơn 500 m.

Tục truyền rằng: vào năm 1950, nơi đây là một khu rừng rậm với nhiều loài thú, chim muông quý hiếm, trong đó có loài thú dữ nhất của muôn loài, thường gọi là “chúa tể sơn lâm” hay “Ông 30”, thường hay trú ẩn trong một hang động với hai của ra vào gần đầu thác về phía hữu ngạn dòng suối. Vào thời điểm ấy, những người thợ săn cũng tìm đến vùng đất này. “Ông 30” đã bị một thợ săn người Chil bắn trọng thương một chân. Lồng lộn, đau đớn vì vết thương, “Ông 30”giận dữ, cào cấu, gầm thét lên từng hồi vang động cả cánh rừng, rồi uất hận rời hang, lao mất hút vào rừng sâu. Từ ấy, mọi người không còn hoang mang, hoảng sợ loài thú dữ nơi vùng đất thiêng hoang dã này, và tên gọi thác Hang Cọp được khai sinh từ năm đó.

Trong vườn hoa của khu du lịch này, du khách nhìn thấy tượng một con cọp to lớn đang thư thả dạo chơi. Cạnh đó, một gia đình cọp quây quần gần những cây nấm khổng lồ. Bức tượng chàng dũng sĩ trong tư thế hiên ngang gợi nhớ đến người thợ săn thuở nào.

Chiếc cầu treo bắt đầu từ miệng hang sẽ cho du khách một góc nhìn toàn cảnh được đi trên đỉnh ngọn thác có nhiều tầng đá đứng và trơn trượt này,

Thiên đường chè Cầu Đất

Rời Thác Hang Cọp, dẫn theo hướng Đông về phía Cầu Đất, Trạm Hành là những cánh đồi chè bình yên, xanh mát mắt. Sau gần 30 km, vùng chè Cầu Đất hiện dần ra với một màu xanh ngát trải dài trên những ngọn đồi nối tiếp nhau. Vùng này ở độ cao trên 1.600 m so với mặt nước biển, bởi vậy quanh năm khí hậu lạnh và sương mù bao phủ.

Những luống chè chảy như những đường tóc rẽ ngôi trên đầu núi. Mùi gió, mùi sương ở đây thơm lẫn mùi lá chè non, hương thơm ngọt và mát lạnh.

Một miền sơn địa

Từ nông trường chè đi qua những eo núi quanh co hai bên là hàng quán, nhà cửa, những ngôi nhà thờ cũ kỹ trên đồi cao hay những vườn hoa, những nếp nhà gỗ thông nhẹ nhàng san sát nhau... Tất cả tạo sắc thái riêng của một miền sơn địa mà cái phông được tô điểm bằng những đồi chè xanh thẫm.

Quả như đã chia sẻ ở trên, rất đáng để bạn đến một lần và được chứng kiến tận mắt vẻ mộng mơ của một Đà Lạt rất khác. Và chắc chắn bạn sẽ có một chuyến đi không thể ấn tượng hơn.