Đại biểu Quốc hội đề xuất “mạnh tay” hơn trong phòng, chống tham nhũng
“Tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi
Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra hôm nay (ngày 8/11), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén..., thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí “bôi trơn”. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), “tham nhũng vặt” khiến người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc phải đi lại nhiều lần, bị đòi hỏi phải quà cáp biếu xén |
“Tình trạng ‘tham nhũng vặt’ như ‘vòi bạch tuộc’ đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống ‘tham nhũng vặt’, chống tiêu cực trong xã hội”, ông Trí đề xuất.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của nhân dân và của quần chúng. Do đo, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội…
Cần quan tâm phòng chống, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai
Ở một khía cạnh có liên quan, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai |
Ông Hoàn phân tích, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật, đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội. Tất nhiên, họ cũng phải trả chi phí nhất định, bao gồm thời gian, sự chuẩn bị, những lợi ích có thể có khi từ bỏ việc chấp hành pháp luật và các chế tài pháp lý họ có thể phải chịu sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...
Cũng theo ông Hoàn, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí, cũng như hậu quả của nó.
“Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên, thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai, cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp, thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai trong thời gian tới sẽ giảm…”, ông Hoàn lập luận./.
Bình luận