Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu kiểm toán nội bộ
TS. Nguyễn Thị Thuận, Email: thuan.nguyenthi1@phenikaa-uni.edu.vn
Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, K15-KT2, Email: 21012191@st.phenikaa-uni.edu.vn
Phạm Thu Trà, K16-KT2, Email: 22012172@st.phenikaa-uni.edu.vn
Đặng Thị Huệ, K15-KT2, Email: 21012643@st.phenikaa-uni.edu.vn
Nguyễn Thành Trung, K15-KT2, Email: 21013280@st.phenikaa-uni.edu.vn
Nguyễn Thị Hồng Nhung, K15-KT1, Email: 21011275@st.phenikaa-uni.edu.vn
Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa
Tóm tắt
Bài viết này nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của kiểm toán nội bộ (KTNB). Chức năng, tác dụng của KTNB đã được nghiên cứu rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới nhưng còn thiếu các nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của KTNB. Trên cơ sở các nghiên cứu đã có từ trước, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm: Năng lực của đội ngũ KTNB, Quy mô của KTNB, Mối quan hệ giữa kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài, Sự hỗ trợ từ ban quản lý với KTNB, tính độc lập của KTNB. Từ đó đưa ra các giả thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của KTNB.
Từ khóa: kiểm toán nội bộ, tính hữu hiệu kiểm toán nội bộ, kiểm toán nội bộ ở các nước đang phát triển
Summary
This article studies the factors affecting the effectiveness of internal audits. The functions and effects of internal audits have been widely studied worldwide, but there is a lack of research on the factors affecting the effectiveness of internal audits. Based on previous studies, the authors propose a research model that includes the Capacity of the internal audit team, the Size of the internal audit, the Relationship between internal auditors and external auditors, Support from management to internal audit, and independence of internal audit. From there, hypotheses are put forward about the factors affecting the effectiveness of internal audits.
Keywords: internal audit, internal audit effectiveness, internal audit in developing countries
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm minh bạch tài chính. KTNB ngày càng trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro, phát hiện gian lận, giảm thiểu sai sót và cải thiện quy trình quản trị, đồng thời, KTNB cũng đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng niềm tin và gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các bên liên quan, bao gồm: nhà đầu tư, cổ đông và đối tác. Vì vậy, việc nâng cao tính hiệu quả của KTNB trở thành vấn đề cấp thiết cần được quan tâm.
Theo các nghiên cứu trước đó, hiệu quả của KTNB phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm năng lực và tính độc lập của kiểm toán viên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sự hỗ trợ từ nhà quản trị và mối quan hệ với kiểm toán độc lập (Thuy và cộng sự, 2024; Kifflee và Jusoh, 2022). Nghiên cứu này được đưa ra nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của KTNB trong các doanh nghiệp Việt Nam.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Kiểm toán nội bộ
Theo Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (The Institute of Internal Auditors- IIA), KTNB là dịch vụ đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan được thiết kế để tăng thêm giá trị và cải thiện hoạt động của tổ chức. KTNB giúp tổ chức đạt được mục tiêu của mình bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống, có kỷ luật để đánh giá và cải thiện hiệu quả của các quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát.
Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) cho rằng, KTNB (KTNB) là một hoạt động đánh giá được lập ra trong doanh nghiệp như là một loại dịch vụ, có chức năng kiểm tra, đánh giá, giám sát tính thích hợp và hiệu quả của hệ thống.
Còn Hội đồng liên hiệp các nhà kế toán Malaysia và Viện kế toán Malaysia (Malaysian Institute of Accountants) định nghĩa, hệ thống KTNB là cơ cấu tổ chức cộng với những biện pháp, thủ tục do ban quản trị của một số tổ chức thực thể chấp nhận, nhằm hỗ trợ thực thi mục tiêu của ban quản trị tự đảm bảo tăng khả năng thực tiễn tiến hành kinh doanh trong trật tự và có hiệu quả bao gồm: tuyệt đối tuân theo đường lối của ban quản trị, bảo vệ tài sản, ngăn chặn và phát hiện gian lận sai lầm, đảm bảo tính chính xác, toàn diện số liệu hạch toán. Mọi nguyên lý riêng của hệ thống KTNB được xem như hoạt động của hệ thống và được hiểu là kiểm tra nội bộ.
Như vậy, KTNB là là hoạt động đảm bảo sự tư vấn độc lập và khách quan về tình hình quản trị, quản lý rủi ro và các biện pháp kiểm soát nhằm giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Hiện nay, các KTNB đã bắt đầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá rủi ro, quản trị doanh nghiệp, tuân thủ những quy định và quản lý quy trình quản lý, vận hành của tổ chức (Jones và cộng sự, 2017). Với sự phát triển của công nghệ cũng như nhu cầu sử dụng của KTNB trong những năm gần đây, KTNB ngày càng mang tính chiến lược hơn, KTNB dần trở thành đối tác thiết yếu cho người quản trị doanh nghiệp, nó đóng vai trò tư vấn và cung cấp thông tin nhiều hơn (Karimallah và Drissi, 2024). Qua nhiều giai đoạn phát triển của công việc kiểm toán, mục đích của việc tổ chức KTNB không chỉ là để ngăn chặn, phát hiện gian lận kịp thời, tuân thủ các chính sách, thủ tục của nhà nước, mà còn để có định nghĩa rõ ràng về nhiệm vụ và trách nhiệm; giải thích về tính chính xác của thông tin (Nkansa, 2024)
Tính hữu hiệu KTNB
Mizrahi và Ness-Weisman (2007) xác định sự hữu hiệu của KTNB là "số lượng và phạm vi thiếu sót được sửa đổi sau quá trình kiểm trị”. Họ cho rằng sự hữu hiệu của KTNB là mức độ cơ quan KTNB đáp ứng các mục đích của nó. Ngoài ra, IIA (2010) cũng xác định tính hữu hiệu của KTNB "là mức độ (kể cả chất lượng) đạt được các mục tiêu đã đề ra". Theo đó, tính hữu hiệu của KTNB là khả năng của kiểm toán viên nội bộ hoặc bên ngoài để đạt được mục tiêu đã được xác định trong tổ chức. Tính hữu hiệu của KTNB không chỉ đo lường ở mức độ đạt được mục tiêu, mà còn phản ánh chất lượng và tác động thực tế mà KTNB mang lại đối với tổ chức. Điều này bao gồm việc phát hiện và khắc phục các thiếu sót, cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nghiên cứu của Mihret và cộng sự (2010) đã đưa ra quan điểm về tính hữu hiệu của KTNB là kỳ vọng đạt được các mục tiêu đề ra. Viện Kiểm toán viên nội bộ cho rằng KTNB hữu hiệu là giúp tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức (IIA, 2017). Vì vậy việc xác tính hữu hiệu của một cuộc KTNB sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó mục tiêu của tổ chức và sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của KTNB như năng lực của kiểm toán viên nội bộ, tính độc lập của kiểm toán viên, sự hỗ trợ từ các nhà quản trị, và mối quan hệ giữa KTNB và kiểm toán độc lập đã được nghiên cứu và kiểm chứng bởi nhiều tác giả quốc tế như: Drogalas và cộng sự (2015), Abu-Azza (2012).
Mục tiêu của mỗi cuộc KTNB trong tổ chức phụ thuộc vào các mục tiêu mà ban lãnh đạo đề ra Alzeban và Gwilliam (2014). Vì vậy, việc xác tính hữu hiệu của một cuộc KTNB sẽ phụ thuộc vào mỗi tổ chức bởi mỗi tổ chức có đặc điểm riêng về quy mô, lĩnh vực hoạt động và mục tiêu quản trị, các tiêu chí đánh giá tính hữu hiệu của KTNB cũng có thể khác nhau.
ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH HỮU HIỆU KTNB VÀ ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH LÝ THUYẾT
Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu KTNB
Tác động của Năng lực đội ngũ KTNB đến tính hữu hiệu KTNB
Năng lực của đội ngũ nhân viên KTNB là một yếu tố chính trong hoạt động KTNB hiệu quả (IIA, 2006)Các tiêu chuẩn KTNB quốc tế (ISPPIA) tiếp tục nhấn mạnh rằng, kiểm toán viên nội bộ cần sở hữu đầy đủ kiến thức, kỹ năng, và năng lực cần thiết để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Nghiên cứu của Sawan (2013) khẳng định rằng, năng lực chuyên môn của kiểm toán viên nội bộ có mối quan hệ trực tiếp với hiệu quả kiểm toán và mức độ tin tưởng của các bên liên quan. Kifflee và Jusoh (2022) cũng cho thấy, kiểm toán viên với trình độ chuyên môn cao và có chứng chỉ nghề nghiệp có thể cung cấp các báo cáo đáng tin cậy, giúp giảm thiểu rủi ro và cải thiện độ chính xác của các báo cáo tài chính. Trong khu vực công của các quốc gia đang phát triển, nhiều nghiên cứu gần đây đã ghi nhận tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ là một rào cản đáng kể đối với chức năng KTNB. Chẳng hạn, tại Ethiopia, Mihret và Yismaw (2007); Mulugeta (2008) đã nhấn mạnh việc thiếu nhân sự có trình độ được coi là yếu tố then chốt làm suy giảm hiệu quả KTNB. Tại Nigeria, nghiên cứu của Ajape và cộng sự (2022) chỉ ra rằng, thiếu đào tạo chuyên môn và kỹ năng thực hành đã làm giảm hiệu quả của KTNB trong các cơ quan chính phủ. Các nghiên cứu này cho thấy rằng, đội ngũ KTNB thiếu trình độ học vấn đầy đủ và không có đủ chương trình đào tạo chuyên môn liên tục để giúp họ nâng cao kỹ năng.
Tại Việt Nam, các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng việc thiếu hụt đội ngũ kiểm toán viên nội bộ có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp vẫn là một rào cản lớn đối với hiệu quả kiểm toán. Theo báo cáo của PwC Việt Nam (2023), nhiều tổ chức KTNB tại Việt Nam chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế do hạn chế về năng lực của đội ngũ nhân sự, điều này dẫn đến sự gia tăng các sai sót và bất thường trong báo cáo tài chính của khu vực công. Báo cáo của Asian Development Bank (ADB, 2017) cũng khẳng định rằng, sự thiếu hụt nhân sự kiểm toán đủ năng lực trong khu vực ASEAN là một rào cản lớn đối với việc thực thi các chức năng kiểm toán hiệu quả trong khu vực công.
Tác động của quy mô KTNB đến tính hữu hiệu của KTNB
KTNB cần được trang bị đủ nguồn lực để thực hiện trách nhiệm của mình một cách phù hợp. ISPPIA (International Standards for the Professional Practice of Internal Auditing), trong Tiêu chuẩn quản lý nguồn lực, yêu cầu Tổng giám đốc kiểm toán phải đảm bảo rằng các nguồn lực KTNB là phù hợp và đủ và chúng được sử dụng hiệu quả. Đội ngũ kiểm toán có trách nhiệm báo cáo bất kỳ tình trạng thiếu hụt nguồn lực nào lên ban quản lý cấp cao (ISPPIA, Tiêu chuẩn 2030 và 2230). Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chất lượng công việc KTNB sẽ cao hơn khi bộ phận này có đủ nhân lực. N
ghiên cứu của Alzeban và Gwilliam (2014) tại các tổ chức công ở Ả Rập Xê-út chỉ ra rằng, quy mô lớn của đội ngũ KTNB có mối liên hệ tích cực với tính hiệu quả của chức năng này. Endaya và Hanefah (2016) cũng khẳng định rằng, bộ phận KTNB với nguồn lực đầy đủ không chỉ cải thiện chất lượng kiểm toán, mà còn tăng cường giá trị mang lại cho tổ chức. Họ cho rằng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ban quản lý, các cuộc KTNB sẽ có đủ nhân viên và nguồn lực, cho phép nhân viên thực hiện thành công trách nhiệm của mình. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Lien và cộng sự (2023) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp niêm yết có quy mô KTNB lớn hơn thường đạt được hiệu quả cao hơn trong việc kiểm soát rủi ro và hỗ trợ quản trị.
Tác động của Mối quan hệ giữa kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài đến tính hữu hiệu của KTNB
Sự phối hợp và hợp tác giữa các kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài từ lâu đã được coi là quan trọng đối với lợi ích của cuộc kiểm toán đối với tổ chức và các bên liên quan ngoài tổ hiện. ISPPIA, trong Tiêu chuẩn phối hợp, đề xuất rằng sự phối hợp nên bao gồm việc chia sẻ thông tin và phối hợp các hoạt động. Các tiêu chuẩn yêu cầu thiết lập mối quan hệ làm việc chuyên nghiệp giữa các bên kiểm toán tương ứng, do đó hỗ trợ các kiểm toán viên nội bộ đạt được mục tiêu của họ và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho công ty. Theo quan điểm của các kiểm toán viên bên ngoài, thông tin do kiểm toán viên nội bộ cung cấp có khả năng hỗ trợ đưa ra ý kiến kiểm toán chất lượng cao hơn và có thể đưa ra ý kiến với hiệu quả sử dụng nguồn lực lớn hơn trong trường hợp kiểm toán viên bên ngoài có thể dựa vào công việc do kiểm toán viên nội bộ thực hiện.
Các nghiên cứu gần đây khẳng định rằng, sự hợp tác và phối hợp giữa hai bên là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của các cuộc KTNB. Sự hợp tác này bao gồm chia sẻ thông tin, phối hợp các hoạt động kiểm toán và tránh sự trùng lặp không cần thiết; đồng thời, chỉ ra rằng, sự hợp tác phù hợp làm tăng tính kinh tế, hiệu quả và hiệu suất của các cuộc kiểm toán và giúp ban quản lý cung cấp dịch vụ công chất lượng cao.
Tại các tổ chức công ở Jordan, Al-Twaijry và cộng sự (2003) phát hiện rằng, mối quan hệ làm việc tốt giữa kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài dẫn đến việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời giúp KTNB đưa ra ý kiến kiểm toán có giá trị hơn.
Theo Alzeban và Gwilliam (2014), trong nghiên cứu về các tổ chức công tại Ả Rập Xê-út, việc hợp tác giữa kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài không chỉ tăng cường hiệu quả kiểm toán mà còn hỗ trợ các tổ chức đạt được mục tiêu quản trị hiệu quả hơn. Nghiên cứu của Endaya và Hanefah (2016) cũng nhấn mạnh vai trò của việc chia sẻ thông tin và phối hợp trong lập kế hoạch kiểm toán, góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả trong quá trình kiểm toán. Alzeban (2019) cho thấy việc thiếu sự phối hợp giữa hai bên kiểm toán thường là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề trong quản trị tài chính và kiểm soát nội bộ.
Tác động của hỗ trợ từ ban quản lý đối với KTNB đến tính hữu hiệu KTNB
Theo các tiêu chuẩn của IIA, sự hỗ trợ từ ban quản lý cấp cao đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng KTNB hoạt động hiệu quả. Điều này bao gồm việc cung cấp đủ nguồn lực, hỗ trợ lập kế hoạch kiểm toán và đảm bảo thực hiện các khuyến nghị kiểm toán. Các tiêu chuẩn ISPPIA nhấn mạnh rằng Kiểm toán trưởng phải báo cáo định kỳ về hiệu suất và các hạn chế ngân sách hoặc phạm vi cản trở chức năng KTNB (ISPPIA, Tiêu chuẩn 2010.A1 và Tiêu chuẩn 2060).
Các nghiên cứu gần đây cũng khẳng định vai trò của ban quản lý cấp cao trong việc nâng cao hiệu quả của KTNB. Nghiên cứu của Singh và cộng sự (2021) tại các doanh nghiệp Malaysia nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ từ ban quản lý giúp tăng khả năng thực hiện các khuyến nghị kiểm toán và cải thiện giá trị của chức năng KTNB đối với tổ chức. Alyaarubi và cộng sự (2021) tại Oman nhận thấy rằng các tổ chức có ban quản lý cấp cao đánh giá cao KTNB thường đạt hiệu quả cao hơn trong quản trị và kiểm soát rủi ro. Alqudah và cộng sự (2023) nghiên cứu tại Jordan nhấn mạnh rằng, việc trao quyền cho KTNB trong quản lý ngân sách độc lập giúp cải thiện khả năng thực hiện nhiệm vụ. Nếu không có sự hỗ trợ hoặc nếu các khuyến nghị KTNB không được thực hiện, hiệu quả của chức năng này có thể bị suy giảm nghiêm trọng.
Tác động của sự độc lập KTNB đến tính hữu hiệu KTNB
Tính độc lập của kiểm toán viên nội bộ đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo hiệu quả và giá trị mà chức năng này mang lại cho tổ chức. Tính độc lập và khách quan của KTNB đã được xác định là yếu tố chính quyết định hiệu quả của nó (CIPFA, 2003). Các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh rằng để đạt được tính độc lập phù hợp, KTNB cần được thiết kế để tránh xung đột lợi ích, đảm bảo quyền truy cập không hạn chế vào hồ sơ và nhân sự, và duy trì khả năng báo cáo trực tiếp đến cấp cao nhất trong tổ chức.
Al-Yazidi và cộng sự (2022) chỉ ra rằng, KTNB báo cáo trực tiếp với ủy ban kiểm toán hoặc hội đồng quản trị thay vì quản lý điều hành, khả năng đảm bảo các phát hiện kiểm toán được thực hiện tăng lên đáng kể. Tại khu vực công ở các quốc gia đang phát triển, tính độc lập của KTNB vẫn gặp nhiều thách thức. Ta và Doan (2022) đã phân tích các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc thiếu các kênh báo cáo minh bạch và sự phụ thuộc quá mức vào ban điều hành dẫn đến giảm hiệu quả của KTNB.
Eklöv (2023) cũng cho rằng, tính độc lập có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng KTNB đưa ra các khuyến nghị có giá trị và buộc các nhà quản lý phải hành động khắc phục. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Njag (2023) cho rằng việc thiếu tính độc lập làm giảm khả năng giám sát quản trị, đặc biệt trong các tổ chức nơi quản lý có xu hướng can thiệp vào chức năng kiểm toán.
Các tiêu chuẩn quốc tế, như ISPPIA và các hướng dẫn của IIA, tiếp tục khuyến nghị KTNB cần được trao quyền thực hiện các nhiệm vụ mà không bị can thiệp và duy trì tính khách quan trong các hoạt động của mình. Điều này bao gồm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng KTNB bởi hội đồng quản trị thay vì quản lý điều hành, cũng như quyền hạn chế trong việc tham gia các hoạt động không liên quan đến kiểm toán.
Đề xuất mô hình lý thuyết
Từ tổng quan nghiên cứu, cũng như trên cơ sở các giả thuyết được đặt ra, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu KTNB như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất |
KẾT LUẬN
Thông qua nghiên cứu, nhóm tác giả đã trình bày cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu về các yếu tố tác động đến tính hữu hiệu của KTNB trong các doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu phân tích tác động của các yếu tố như năng lực đội ngũ kiểm toán, quy mô bộ phận kiểm toán, mối quan hệ giữa kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên bên ngoài, sự hỗ trợ từ ban quản lý và tính độc lập của KTNB đối với hiệu quả kiểm toán. Bằng cách tổng hợp các nghiên cứu trước và xây dựng mô hình lý thuyết, nhóm tác giả chỉ ra rằng hiệu quả KTNB không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nội bộ mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ bối cảnh văn hóa và thể chế của từng quốc gia. Kết quả nghiên cứu cung cấp cái nhìn toàn diện cho các nhà quản lý và các bên liên quan về tầm quan trọng của KTNB trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và bảo đảm tính minh bạch tài chính, đồng thời là nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực kiểm toán. Mặc dù nghiên cứu tập trung vào bối cảnh các quốc gia đang phát triển, nhưng các kết quả và kết luận có thể áp dụng rộng rãi trong nhiều môi trường doanh nghiệp khác nhau./.
Tài liệu tham khảo
-
Abu-Azza, W. (2012), Perceived effectiveness of the internal audit function in Libya: A qualitative study using institutional and Marxist theories, University of Southern Queensland, Australia
-
Ajape, K. M., Adeleye, A. O., Salawu, M. W., Ogunleye, O. J. (2022), Audit quality and financial reporting quality: evidence from Nigeria, In Proceedings of the 7th Annual International Academic Conference on Accounting and Finance Disruptive Technology: Accounting Practices, Financial and Sustainability Reporting (pp. 1-20).
-
Asian Development Bank (2017), Internal Audit Maturity in the Public Sector in ASEAN - Insights from the Study of Internal Audit Function in Selected Central Banks.
-
Alyaarubi, H. J., Alkindi, D. S., Ahmed, E. R. (2021), Internal Auditing Quality and Earnings Management: Evidence from Sultanate of Oman, Journal of Governance and Integrity, 4(2), 115-124, DOI: https://doi.org/10.15282/jgi.4.2.2021.6054
-
Alqudah, H., Lutfi, A., Al Qudah, M. Z., Alshira'h, A. F., Almaiah, M. A., Alrawad, M. (2023), The impact of empowering internal auditors on the quality of electronic internal audits: A case of Jordanian listed services companies, International Journal of Information Management Data Insights, 3(2), 100183, https://doi.org/10.1016/j.jjimei.2023.100183.
-
Al-Twaijry, A. A., Brierley, J. A., Gwilliam, D. R. (2003), The development of internal audit in Saudi Arabia: an institutional theory perspectivem Critical Perspectives on Accounting, 14(5), 507-531, https://doi.org/10.1016/S1045-2354(02)00158-2.
-
Alzeban, A. (2019), An examination of the impact of compliance with internal audit standards on financial reporting quality: Evidence from Saudi Arabia, Journal of Financial Reporting and Accounting, 17(3), 498-518, DOI:10.1108/JFRA-09-2018-0085.
-
Alzeban, A., Gwilliam, D. (2014), Factors Affecting the Internal Audit Effectiveness: A Survey of the Saudi Public Sector, Journal of International Accounting, Auditing and Taxation, 23, 74-86. https://doi.org/10.1016/j.intaccaudtax.2014.06.001
-
Al-Yazidi, A. M., Abdullah, M. F., Alhebry, A. A. (2022), The role of internal audit function in strengthening corporate governance: A case on Yemeni commercial banks, Journal of Emerging Economies and Islamic Research, 10(2), 90-109.
-
Chartered Institute of Public Finance and Accountancy (CIPFA) (2003), Code of practice for internal audit in local government in the United Kingdom. Consultative Draft, London: CIPFA.
-
Drogalas, G., Karagiorgos T., and Arampatzis K. (2015), Factors as-sociated with Internal Audit Effectiveness: Evidence from Greece, Journal of Accounting and Taxation, 7(7), 113-122
-
Endaya, K. A., Hanefah, M. M. (2016), Internal Auditor Characteristics, Internal Audit Effectiveness, and Moderating Effect of Senior Management, Journal of Economic and Administrative Sciences, 32, 160-176, https://doi.org/10.1108/JEAS-07-2015-0023.
-
Eklöv Alander, G. (2023), Internal auditor independence as a situated practice: four archetypes, Accounting, Auditing & Accountability Journal, 36(9), 108-134.
-
Institute of Internal Auditors (IIA), Definition of Internal Auditing, retrieved from https://www.theiia.org/en/standards/what-are-the-standards/definition-of-internal-audit/.
-
Institute of Internal Auditors (IIA), Standard 2010.A1 - Standards are principle-focused and provide a framework for performing and promoting internal auditing, retrieved from https://www.theiia.org/en/content/guidance/mandatory/standards/international-standards-for-the-professional-practice-of-internal-auditing/.
-
Institute of Internal Auditors (IIA), Standard 2030 - Standards are principle-focused and provide a framework for performing and promoting internal auditing, retrieved from https://www.theiia.org/en/content/guidance/mandatory/standards/international-standards-for-the-professional-practice-of-internal-auditing/.
-
Institute of Internal Auditors (IIA), Standard 2060 – Reporting to Senior Management and the Board, retrieved from https://www.theiia.org/globalassets/documents/standards/implementation-guides-gated/ig-for-standards/ig-2060-reporting-to-senior-management-and-the-board.pdf.
-
Institute of Internal Auditors (IIA), Standard 2230 – Engagement Resource Allocation, retrieved from https://www.aiiaweb.it/sites/default/files/2022-06/ig2230-2016-12.pdf .
-
Institute of Internal Auditors (IIA). The role of auditing in public sector governance. Florida: the IIA, retrieved from: www.theiia.org/download.cfm?file=3512.
-
Institute of Internal Auditors (IIA) (2010), Practice Guide: Measuring Internal Audit Effectiveness and Efficiency, retrieved from https://www.scirp.org/reference/referencespapers?referenceid=3591178.
-
Institute of Internal Auditors (IIA) (2017), Corporate Governance, The Institute of Internal Auditors Homepage, retrieved from https://Na.theiia.org.
-
International Federation of Accountants (IFAC), United, Connected and Aligned: How the Distinct Roles of Internal Audit and the Finance Function Drive Good Governance, retrieved from https://www.ifac.org/knowledge-gateway/professional-accountants-business-paib/publications/united-connected-and-aligned-how-distinct-roles-internal-audit-and-finance-function-drive-good.
-
K. K. Jones, R. L. Baskerville, R. S. Sriram, and R. Balasubramaniam (2017), The impact of legislation on the internal audit function, J. Account. Organ. Change, 13, 450–470, doi: 10.1108/JAOC-02-2015-0019.
-
Karimallah, K., Drissi, H. (2024), Assessing the Impact of Digitalization on Internal Auditing Function, International Journal of Advanced Computer Science & Applications, 15(6).
-
Kifflee, S. N. F. binti., Jusoh, M. A. (2022), Internal Audit Effectiveness: A Pilot Study Analysis at Malaysian Public Sector, International Journal of Academic Research in Accounting Finance and Management Sciences, 12(2), 708-727, DOI:10.6007/IJARAFMS/v12-i2/14175.
-
Lien, V. T. P., Van Hoi, T., Anh, P. T. K. (2020), Strengthening internal audit at public companies to improve the quality of financial statements: a case study of hanoi stock exchange, vietnam, Academy of Strategic Management Journal, 19(6), 1-10.
-
Malaysian Institute of Accountants, Audit and Risk Management, retrieved from https://mia.org.my/about-us/committees-task-forces/audit-and-risk-management/.
-
Mulugeta, S. (2008), Internal audit: reporting relationship in Ethiopian public enterprises, retrieved from http://etd.aau.edu.et/dspace/bitstream/123456789/1966/1/Samuel%20Mulugeta.pdf
-
Mizrahi, S., Ness‐Weisman, I. (2007), Evaluating the effectiveness of auditing in local municipalities using analytic hierarchy process (ahp): A general model and the Israeli example, International Journal of Auditing, 11(3), 187-210.
-
Njagi, M. (2023), Independence of internal auditors: significance, guidelines, and influencing factors, East African Finance Journal, 2(1), 56-63, DOI: https://doi.org/10.59413/eafj/v2.i1.8.
-
Nkansa, P. (2024), Does external auditor coordination influence internal auditor effort?, Advances in accounting, 65, 100684.
-
PwC Việt Nam (2023), Phân tích về KTNB (KTNB) tại Việt Nam được trích từ Báo cáo khảo sát về KTNB toàn cầu 2023.
-
Sawan, N. (2013), The role of internal audit function in the public sector context in Saudi Arabia, African Journal of Business Management, 7(6), 443-454. https://researchonline.ljmu.ac.uk/id/eprint/5681/.
-
Singh, K. S. D., Ravindran, S., Ganesan, Y., Abbasi, G. A., Haron, H. (2021), Antecedents and internal audit quality implications of internal audit effectiveness, International Journal of Business Science & Applied Management (IJBSAM), 16(2), 1-21.
-
Ta, T. T., and Doan, T. N. (2022), Factors affecting internal audit effectiveness: Empirical evidence from Vietnam, International Journal of Financial Studies, 10(2), https://doi.org/10.3390/ijfs10020037.
-
Thuy, T. L. T., Mạnh, D. T., Thị, N. P. (2024), Các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của KTNB tại các doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 321, 63-72, https://js.ktpt.edu.vn/index.php/jed/article/view/1481.
-
Getie Mihret, D., James, K., and Mula, J.M. (2010), Antecedents and organisational performance implications of internal audit effectiveness: Some propositions and research agenda, Pacific Accounting Review, 22(3), 224-252, https://doi.org/10.1108/01140581011091684.
Ngày nhận bài: 10/12/2024; Ngày phản biện: 15/12/2024; Ngày duyệt đăng: 19/12/2024 |
*Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đề tài sinh viên NCKH Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa năm học 2024-2025. |
Bình luận