Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cần có định hướng phát triển bền vững
Đây là một trong nhiều nội dung quan trọng được thảo luận tại buổi Tọa đàm “Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới” do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào sáng 17/10, tại Hà Nội
FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển
Theo thông tin từ buổi Tọa đàm, sau 30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào tháng 12/1987, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Tính luỹ kế đến ngày 20/9/2017, trên phạm vi cả nước có 24.200 dự án FDI đang hoạt động và tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt trên 167 tỷ USD bằng 54% tổng vốn đăng ký. Nguồn vốn FDI đã góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chiếm khoảng 20-25% vốn đầu tư xã hội, tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp khoảng 18% tổng thu ngân sách.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, thành tựu của FDI đã được thể hiện trong việc thay đổi cơ bản bộ mặt đất nước, cải thiện đời sống các tầng lớp dân cư. Những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI đã thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống kinh tế, xã hội người dân trong vùng. Cụ thể, từ năm 1991 đến nay khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ông Mại dẫn chứng, nguồn vốn FDI “đổ” vào nước ta thời gian qua liên tục tăng. Giai đoạn 1991- 2000 đạt 19,462 tỷ USD, tăng liên tục đến giai đoạn 2001- 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó. Và đến giai đoạn 2011- 2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991- 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó.
Trong 26 năm từ 1991 đến 2017 nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991- 2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991- 2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001- 2010.
Giai đoạn 1991- 2000 phần lớn dự án FDI có quy mô nhỏ, vốn đầu tư trung bình mỗi dự án khoảng 4 triệu USD, đến giai đoạn 2011- 2016 có thêm nhiều dự án quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên.
Riêng năm 2016 khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobilphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu mà mặt hàng chủ lực là hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.
Đặc biệt, những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI, như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh hóa ở miền Bắc, Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam thì vốn FDI góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cầu kinh tế của từng tỉnh, thành phố. Điển hình là Bắc Ninh nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82%.
Điều này cho thấy, quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài ngày càng cao hơn, ông Mại nhấn mạnh.
Không phủ nhận những thành quả từ việc thu hút FDI đem lại, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ví von, FDI thực sự làm to “cái bánh” của Việt Nam. Nếu không có FDI, “cái bánh” của Việt Nam không to được như hiện nay.
Cùng quan điểm, ông Trương Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh nhận định, vốn FDI còn làm thay đổi bộ mặt tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, trong 5 năm gần đây, Quảng Ninh đã huy động được trên 190.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội (trong đó có đầu tư FDI). Chính từ cách làm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Quảng Ninh bỏ ra 1 đồng ngân sách (tức là vốn “mồi”), thu hút được 8,3 đồng ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội, giao thông, du lịch...". Với cách làm đó, 5 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của Tỉnh đã giảm dần (từ 60% năm 2010 xuống 37% năm 2015); đầu tư nước ngoài tăng mạnh (từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015); đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục tăng, chiếm tới 33% tổng vốn đầu tư. Nhờ đó, Quảng Nình có nhiều dự án lớn mang tính động lực đã và đang được triển khai. Diện mạo của Quảng Ninh có sự thay đổi đáng kể với sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, cùng với nhiều dự án động lực đã và đang được triển khai, hoàn thiện.
Nguồn vốn FDI tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp
Bên cạnh những thành quả tích cực mà vốn FDI mang lại, cũng nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thu hút FDI cũng đã bộc lộ ra nhiều hạn chế, tồn tại như: vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, riêng những địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI không phải lo xóa đói giảm nghèo, mà là giải quyết các vấn đề xã hội, lao động nhập cư, ô nhiễm môi trường, trốn thuế, lậu thuế, tranh chấp lao động đã đưa ra các nhận định tiêu cực, như: 85% công nghệ của doanh nghiệp FDI là công nghệ trung bình; Phần lớn doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường; Doanh nghiệp FDI chèn lấn doanh nghiệp trong nước…
Đánh giá đa chiều về FDI, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, không ai nghi ngờ về đóng góp của FDI trong tạo việc làm, thu ngân sách, đóng góp GDP…
Tuy nhiên, “người ta” cũng có quyền nghi ngờ về đóng góp trong từng lĩnh vực. Cùng với đó, những vụ việc về môi trường đã gây ra, hay các cuộc đình công cũng cần nhìn từ 2 phía là tích cực và tiêu cực của FDI. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua đã đáp ứng mục tiêu thu hút vốn, giải quyết lao động thì giai đoạn vừa qua đã thực hiện tốt, nhưng khi nhìn lại, còn cần phải nhìn tới 2 mục tiêu ngay từ đầu là thu hút về công nghệ, lan toả. Nên cũng cần đánh giá trên cả những mục tiêu này. Chúng ta cần nghiên cứu về nguyên nhân, cách làm FDI, có những cái chưa đáp ứng được luật, còn bản thân luật đã có về nâng cao công nghệ, lan toả khu vực trong nước.
Người ta chỉ nhìn thấy FDI thuê đất, lao động, trả công lao động, thuế nộp ngân sách, còn nền kinh tế FDI và nội địa chưa thực sự gắn kết như mong đợi. Do vậy, cần xem xét thấu đáo ở cả hai khía cạnh, ở những điểm làm tốt mới xác định được giải pháp.
Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến lớn, Việt Nam cần xem xét lại và xây dựng định hướng thu hút FDI trong thời gian tới với một số điểm nhấn, như:
Thứ nhất, yêu cầu phát triển bền vững, đây là những vấn đề mới mà trước đây chúng ta chưa đặt ra. Thu hút đầu tư phải đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
Thứ hai là cần tính tới sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực tư nhân. Sự lớn mạnh kinh tế tư nhân sẽ tác động lớn tới chính sách thu hút vốn ngoại trong thời gian tới.
Thứ ba, trình độ kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng rất mạnh, tạo ra yêu cầu hoàn toàn khác đối với FDI, thay vì số lượng như trước, nay cần chuyển hướng quan tâm về chất lượng và phát triển bền vững.
Thứ tư, cần tính tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế, không phải các quốc gia phát triển chưa cao thì không tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0 được. Chúng ta vẫn có thể tham gia nếu đi đúng “ngách”. Khu vực FDI đã là một trong những đầu tàu phát triển của nền kinh tế trong 3 thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục là động lực giúp chúng ta tham gia sâu hơn vào cách mạng công nghiệp thế hệ thứ 4 trong thời gian tới.
Một yếu tố nữa cần đề cập là lĩnh vực FDI đang ghi nhận xu hướng đặc biệt với sự gia tăng rất nhanh của góp vốn và mua cổ phần (M&A), ước đạt 4,16 tỷ USD từ đầu năm và đạt 5 tỷ USD trong năm nay. Xu hướng này sẽ ngày càng mạnh hơn. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang mất dần ranh giới, sẽ tác động tới chính sách thu hút FDI trong giai đoạn tới.
Đồng quan điểm, ông Bùi Tất Thắng bổ sung thêm, thời gian tới cần xem xét bối cảnh trong nước và bối cảnh quốc tế, có 2 tác động khá mạnh: Đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ tăng lên. Có hàm ý là điều kiện về xuất nhập khẩu, di chuyển vốn, nguồn lực giảm đi, cũng là dấu hiệu không tốt FDI.
Còn theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Thời gian tới, Việt Nam cần thu hút đầu tư có điều kiện. Điều kiện ở đây là tập trung vào cách mạng 4.0. Cần đặt vấn đề trách nhiệm nhà đầu tư với Việt Nam, khi FDI đạt lợi nhuận tại đây, cũng cần phải chịu trách nhiệm đóng góp lợi nhuận để đào tạo, làm sao công nghệ "cắm" được vào người Việt, doanh nghiệp Việt./.
Bình luận