Hội nghị nhằm chia sẻ các định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Chính phủ, cập nhật các xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và trao đổi, thảo luận những định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới.

Nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, chuyển đổi số cho doanh nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua, đó là “lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số”. Theo đó, chuyển đổi số cho doanh nghiệp chính là cách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển của doanh nghiệp phù hợp với xu thế vận động mới, bối cảnh và tình hình mới. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội nghị

Thực hiện các định hướng, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp là cơ quan đầu mối phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và các đối tác cùng triển khai thực hiện.

Theo ông Trung, giai đoạn đầu năm 2021-2023, Cục Phát triển doanh nghiệp đã huy động nguồn lực tài trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án USAID LinkSME; từ Chính phủ Đức thông qua dự án Trung tâm chuyển đổi số Việt Nam (DTC-VN) - GIZ và đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tập trung vào nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để chuyển đổi nhận thức cho doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

“Trong 2 năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đối tác và sự hợp tác của các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề triển khai nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số, qua đó đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể, đã xây dựng được Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, logistics…; triển khai đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số tại 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cho hơn 10.000 doanh nghiệp; xây dựng và đào tạo mạng lưới hơn 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số và kết nối, cử đi hỗ trợ doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số một cách bài bản. Toàn bộ các công cụ, các tài liệu, video đào tạo và công bố các gói hỗ trợ chuyển đổi số đã được số hóa và đăng tải 24/7 trên Cổng thông tin https://digital.business.gov.vn và phổ biến một cách rộng rãi. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng truy cập, tiếp cận các tài liệu, kiến thức, kết nối mạng lưới chuyên gia, giải pháp công nghệ số và thông tin hỗ trợ của Chính phủ về chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, ông Trung chia sẻ.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, kết quả khảo sát tại Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận từ nỗ lực, khát vọng thay đổi và vươn lên của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của các tổ chức hiệp hội, ngành hàng trong công tác hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số”, ông Trung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Trung cũng lưu ý rằng, những kết quả đạt được này còn khá khiêm tốn, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. “Chính vì vậy, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn lắng nghe chia sẻ từ phía các cơ quan đối tác cũng là các đơn vị cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp để có nhưng chiến lược cụ thể, phương án hỗ trợ chuyên sâu hơn cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2024-2025 sắp tới. Với những thảo luận cởi mở, đóng góp ý kiến tích cực, đây sẽ là những hoat động thiết thực góp phần cùng đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số chất lượng, hiệu quả”, ông Trung khẳng định.

Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh

Chia sẻ về định hướng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2024-2025, Chương trình chuyển đối số của Bộ do Cục Phát triển doanh nghiệp trực tiếp triển khai sẽ tập trung đào tạo chuyên sâu nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp thông qua đào tạo lãnh đạo, trưởng các bộ phận quản lý doanh nghiệp, đào tạo người lao động và kỹ sư công nghệ số, đội ngũ chuyên gia tư vấn.

Cùng với đó, thực hiện tư vấn lộ trình triển khai cho doanh nghiệp, theo đó triển khai hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mở rộng tư vấn xây dựng, triển khai lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số. Tăng cường hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số, trong đó, tập trung triển khai hỗ trợ giải pháp chuyển đối số theo Luật Hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ phổ biến, ứng dụng giải pháp mã nguồn mở mini ERP cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với các giải pháp chuyển đổi số. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số tiếp cận thị trường, hoàn thiện các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn an ninh mạng, bảo mật dữ liệu.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số sẽ hướng tới lồng ghép với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Căn cứ vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã yêu cầu có các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng xanh dựa trên chuyển đổi số, theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép, triển khai trong Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ về định hướng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, cùng với việc trao đổi về định hướng và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng chuyển đổi kép (Twin transition), các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của EU và tận dụng chuyển đổi số cho chuyển đổi xanh.

Nói về xu hướng chuyển đổi kép, Giám đốc các dự án Phát triển Kinh tế Bền vững, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam Dennis Quennet cho biết, đây là một xu hướng quốc tế tất yếu nhằm kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững.

“Thông qua nỗ lực hợp tác có sự tham gia của các bên liên quan từ cả khu vực công và tư nhân, tôi chắc chắn rằng mục tiêu quan trọng này sẽ từng bước được hiện thực hóa ở Việt Nam. Thay mặt Chính phủ Đức, GIZ đã và đang hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. GIZ mong muốn được tiếp tục đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khu vực tư nhân trong hành trình đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, đại diện GIZ bày tỏ.

Bàn luận về vai trò của các tập đoàn công nghệ trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đại diện VNPT đã chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của VNPT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xuất phát từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống đã và đang trong quá trình chuyển đổi trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, VNPT nhận thấy rằng, chuyển đổi số là hành trình không hề dễ dàng mà sẽ đi kèm nhiều khó khăn phải vượt qua đòi hỏi sự thống nhất và hiệp lực của toàn bộ doanh nghiệp. Ở giai đoạn đầu tiên, doanh nghiệp cần chuyển đổi dữ liệu sang dạng số (số hóa), sau đó, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp, từ đây, doanh nghiệp có thể ứng dụng dữ liệu số tạo ra mô hình kinh doanh và các giá trị mới. Thời gian vừa qua, VNPT đã đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp thông qua nền tảng oneSME.

Cũng tại hội nghị, với vai trò là một nền tảng công nghệ số tiêu biểu, đại diện của Grab Việt Nam, bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại đã chia sẻ một số đề xuất, giải pháp tích cực, đặc biệt thích hợp trong việc hỗ trợ các hộ kinh doanh siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên môi trường số thông qua nền tảng Grab.

Cụ thể, theo đề xuất của bà Thủy, bằng việc sử dụng các công cụ trực tuyến đơn giản, các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ có thể mở cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên nền tảng, tiếp cận với nhóm người dùng mới nhanh chóng, rộng rãi, với chi phí tối ưu, từ đó có thêm nguồn doanh thu. Trên thực tế, với vai trò là nền tảng thúc đẩy - hỗ trợ công tác chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, Grab cũng thường xuyên triển khai các buổi tập huấn về sử dụng nền tảng số góp phần quảng bá, tiêu thụ nông sản chất lượng tới người dùng trên nền tảng Grab. Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn & Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khoảng 800 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia các buổi tập huấn này trong năm 2022.

Chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số, và để tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV cần không ngừng thay đổi và sáng tạo. Doanh nghiệp cần sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Trong bối cảnh đó, sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan hỗ trợ, tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia chuyển đổi số là vô cùng quan trọng để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số./.