ThS. Bùi Thị Trà Ly

Giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên

Email: ly_tccb@tueba.edu.vn

Tóm tắt

Trong tương lai, sự đổi mới giáo dục bậc đại học tại Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của các nhà trường, mà còn là của cả xã hội. Chỉ thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng mới có thể xây dựng một hệ thống giáo dục đại học mạnh mẽ và linh hoạt, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Bài viết phân tích thực trạng giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy đổi mới trong quá trình đào tạo.

Từ khóa: đổi mới, giáo dục, giáo dục bậc đại học, phát triển bền vững, Việt Nam

Summary

In the future, innovation in higher education in Vietnam is not only the responsibility of schools, but also of the whole society. Only through close cooperation between the government, businesses and the community can build a strong and flexible higher education system, contributing to the country's sustainable development goals. The article analyzes the current situation of higher education in Vietnam. From there, it proposes specific solutions to improve the quality of higher education in Vietnam, encouraging creativity and innovative thinking in the training process.

Keywords: innovation, education, higher education, sustainable development, Vietnam

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh sâu sắc, giáo dục bậc đại học là một yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Để làm được điều này, giáo dục bậc đại học tại Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp, tổ chức và quản lý, nhằm đào tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực sáng tạo, thích ứng và hợp tác với môi trường quốc tế. Tuy nhiên, giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Vì vậy, cần đẩy mạnh đổi mới giáo dục theo hướng phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm và chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học. Giáo dục đại học của Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng kể. Trước hết, Việt Nam đã tiến hành quá trình thể chế hóa các quan điểm và nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong giai đoạn hai năm 2018 và 2019, Quốc hội đã thông qua sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) và Luật Giáo dục (năm 2019). Những thay đổi này từng bước được áp dụng vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý để hỗ trợ các hoạt động đổi mới trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học đã được mở rộng trên khắp cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tính công bằng trong việc tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người dân (Trần Thị Minh Tuyết, 2022). Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời các vấn đề về giáo dục đại học. Trong đó, một số văn bản mới nhất như Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT, ngày 29/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học. Theo Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT, đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo đã được ban hành; quy trình, nội dung và chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện; luôn cập nhật công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất để triển khai đào tạo trực tuyến. Đồng thời bảo đảm công bằng trong tiếp cận, tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến, lấy lợi ích của người học làm trung tâm (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023). Ngày 05/02/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn và 20 tiêu chí là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024, áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT, ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Theo Thông tư mới ban hành, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2024).

Triển khai Đề án 89 về đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, năm 2022, có 187 cán bộ, giảng viên được đào tạo trong nước (đạt 24%), 80 đi đào tạo ở nước ngoài (đạt 32%); năm 2023 con số này lần lượt là 118 trong nước (đạt 37%), 130 nước ngoài (đạt 64%). Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiểu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 2 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay; 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, tăng 1 cơ sở so với năm 2022 (Trung tâm Truyền thông và sự kiện, 2023).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học hiện nay là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong Nhà trường. Chính vì vậy, trong thời gian qua các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam luôn chú trọng quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học của các giảng viên và sinh viên. Nhiều trường đại học có thành tích nghiên cứu khoa học sinh viên xuất sắc, được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chất lượng các đề tài nghiên cứu ngày được nâng cao cả về học thuật và tính thực tiễn, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi nghiên cứu khoa học, như giải thưởng “Sinh viên Nghiên cứu khoa học" cấp Bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhìn chung, giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, 2021). Vấn đề đặt ra hiện nay là, những hạn chế, yếu kém phải được nhận thức sâu sắc để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới (Trần Thị Minh Tuyết, 2023).

Giáo dục đại học Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức trong quá trình phát triển, không chỉ đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thiếu hụt đầu tư mà còn đến từ những vấn đề nội tại của hệ thống giáo dục đại học như trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo còn hạn chế, mức độ bao phủ thấp và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học (World Bank, 2020).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”. Nhiều sinh viên có khả năng làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài với đòi hỏi về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng và khả năng chịu áp lực lớn. 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo năm 2020 là minh chứng rõ rệt cho thấy sự yếu kém về chất lượng giáo dục đại học hiện nay. Sự yếu kém này đồng thời cũng chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực vật chất lẫn tinh thần của người dân. Đa số các doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Cuối năm 2019, các doanh nghiệp được khảo sát thuộc các ngành điện, điện tử, ô tô, xe máy và các ngành cơ khí (trong đó 48,7% là các doanh nghiệp Việt Nam, 31,6% là các doanh nghiệp Nhật Bản, 19,7% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác) (Nhật Hồng, 2023). Kết quả, các doanh nghiệp khá hài lòng về việc tuân thủ nghiêm túc các quy định, các tiêu chuẩn vận hành trong sản xuất, sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng thích nghi nhanh với các thiết bị mới. Tuy nhiên, đa số sinh viên ra trường thiếu tác phong làm việc công nghiệp, không chịu được phong cách làm việc chuẩn xác, trung thực và nghiêm khắc tuyệt đối của doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác như sử dụng máy tính, thuyết trình, giải quyết vấn đề của sinh viên mới tốt nghiệp đều không tốt, không tích cực trong việc sử dụng các kỹ thuật cơ bản, không có ý thức về việc giữ gìn nhà xưởng sạch sẽ, thiếu kiến thức cơ bản như đọc bản vẽ thiết kế chi tiết; cài đặt các điều kiện gia công sản phẩm, thiếu kỹ năng mềm trầm trọng như giao tiếp, soạn thảo văn bản…

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đổi mới giáo dục đại học là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Để đổi mới giáo dục đại học Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sau:

Một là, thúc đẩy sự đổi mới trong quản lý giáo dục bậc đại học, bằng cách tăng cường sự tự chủ và trách nhiệm của các trường đại học, xây dựng các tiêu chuẩn và chỉ tiêu đánh giá chất lượng đào tạo, thực hiện công khai minh bạch thông tin và kết quả hoạt động của các trường đại học, tăng cường sự giám sát và thanh tra của cơ quan nhà nước và xã hội.

Hai là, thúc đẩy sự đổi mới trong nội dung và phương pháp giảng dạy, bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng năng lực, tích hợp các kiến thức và kỹ năng thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của xã hội và thị trường lao động. Cũng như áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tương tác, linh hoạt và sáng tạo, khuyến khích sự chủ động và tự học của sinh viên, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy.

Ba là, chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Ngoài kỹ năng chuyên môn, giáo dục bậc đại học cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực có sức mạnh tư duy và linh hoạt.

Bốn là, thúc đẩy sự đổi mới trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, bằng cách tăng cường nguồn lực nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích các trường đại học tham gia vào các mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc xác định các vấn đề nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Năm là, thúc đẩy sự đổi mới trong hợp tác quốc tế và liên kết với các bên liên quan, bằng cách mở rộng các chương trình hợp tác về giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các trường đại học hàng đầu thế giới, thu hút các giảng viên, sinh viên quốc tế và các nhà khoa học uy tín về Việt Nam, tham gia vào các mạng lưới giáo dục khu vực và quốc tế, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc đào tạo, tuyển dụng và hỗ trợ sinh viên.

Sáu là, tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy ở mọi cấp độ và trình độ, từ mầm non đến đại học. Nội dung về giáo dục môi trường, phòng chống bạo lực học đường, bình đẳng giới, năng lực tự học và các phong trào học tập suốt đời được kết hợp trong các môn học khác nhau. Đồng thời, tạo ra các môn học chuyên sâu về phát triển bền vững để tăng cường hiểu biết về các vấn đề toàn cầu và giải pháp áp dụng.

Bảy là, chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về phát triển bền vững để nâng cao kỹ năng giảng dạy và quản lý. Tạo cơ hội học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên, giảng viên và quản lý giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy.

Tám là, xây dựng nguồn tài nguyên học tập chất lượng cao về phát triển bền vững, linh hoạt và phù hợp với đa dạng của người học. Sử dụng giáo trình, sách tham khảo, bài giảng, giáo án điện tử, video bài giảng, trò chơi, ứng dụng di động để tăng cường sự tham gia và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Chín là, thiết lập cơ chế và chính sách hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững trong môi trường học tập, bao gồm trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Tổ chức các hoạt động như hội thảo, tập huấn, thảo luận, trải nghiệm sáng tạo và dự án để khuyến khích sự tham gia tích cực và áp dụng kiến thức vào thực tế.

Mười là, đẩy mạnh "phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số." Đổi mới giáo dục đại học theo hướng xác định phát triển bền vững sẽ trở thành xu hướng toàn cầu, hỗ trợ cho kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và hiệu quả môi trường./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023), Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT, ngày 29/12/2023 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024), Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, ngày 5/2/2024 về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

3. Lê Thị Mai Hoa, Trần Đình Minh (2023), Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận mục tiêu giáo dục vì sự phát triển bền vững, Tạp chí Giáo dục, số tháng 3.

4. Nhật Hồng (2023), Điểm huyệt” yếu kém và hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam, truy cập từ https://daibieunhandan.vn/bai-2-diem-huyet-yeu-kem-va-han-che-cua-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-post348446.html.

5. Hà Nguyên (2023), ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và công bố quốc tế, truy cập từ https://giaoducthoidai.vn/dh-da-nang-day-manh-nghien-cuu-ung-dung-va-cong-bo-quoc-te-post643885.html.

6. Trung tâm Truyền thông và sự kiện (2023), Giáo dục đại học năm học 2022-2023: Khởi sắc từ sự kiên trì, bền bỉ, truy cập từ https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8732.

7. Trần Thị Minh Tuyết (2022), Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825408/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx.

8. World Bank (2020), Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options.

Ngày nhận bài: 20/01/2025; Ngày phản biện: 27/01/2025; Ngày duyệt đăng: 27/02/2025