Đề xuất mô hình ảnh hưởng chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam[1]
Tóm tắt
Bài viết này nghiên cứu về ảnh hưởng chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán đã được nghiên cứu rất rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới cũng như Việt Nam, tuy nhiên chất lượng kiểm toán ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản ở Việt Nam chưa được nghiên cứu rộng rãi. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước đó, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm các nhân tố chất lượng kiểm toán: nhiệm kỳ kiểm toán viên, mức độ chuyên sâu về từng lĩnh vực ngành nghề kiểm toán, quy mô và danh tiếng công ty kiểm toán, giá phí kiểm toán, độ trễ báo cáo tài chính. Từ đó, đưa ra các giả thuyết về ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán lên giá cổ phiếu của các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Từ khóa: chất lượng kiểm toán, giá cổ phiếu, bất động sản, Việt Nam.
The influence of audit quality on stock prices at real estate companies listed on the Vietnam stock market.
Summary
This article examines the impact of audit quality on stock prices in real estate companies listed on the Vietnam stock market. While the relationship between audit quality and stock prices in listed companies has been extensively studied globally as well as in Vietnam, the influence of audit quality on stock prices in Vietnamese real estate companies has not been widely researched. Based on a review of previous studies, the authors propose a research model consisting of audit quality factors: auditor tenure, industry specialization, audit firm size and reputation, audit fees, and financial reporting delay. From there, hypotheses are formulated regarding the impact of audit quality on stock prices of real estate companies listed on the Vietnam stock market.
Keywords: Audit quality; Stock Price; Real Estate.
GIỚI THIỆU
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản là một trong những ngành được các nhà đầu tư rất săn đón. Ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ, một trong những việc đánh giá triển vọng của cổ phiếu bất động sản là hoạt động kiểm toán nhằm kiểm chứng độ tin cậy trong báo cáo tài chính. Vì vậy ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán lên giá cổ phiếu là vô cùng quan trọng, trong đó quy mô và danh tiếng của công ty kiểm toán, việc thay đổi kiểm toán và luân chuyển các công ty kiểm toán chính là những yếu tố đánh giá về chất lượng kiểm toán có tác động đáng kể tới giá cổ phiếu. một trong những việc đánh giá triển vọng của cổ phiếu bất động sản là hoạt động kiểm toán nhằm kiểm chứng độ tin cậy trong báo cáo tài chính. Do đó, việc kiểm toán hoạt động nhằm truyền tải các thông tin, kiến thức, đưa ra các phân tích rộng hơn, sâu hơn trong bất động sản giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin sẵn có dễ dàng hơn.
Mặc dù, trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán như nghiên cứu của Callen và Fang (2011), ‘Institutional Investors and Crash Risk: Monitoring or Expropriation?’ hay nghiên cứu của Hồng và cộng sự (2020) với đề tài ‘Ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán lên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam’, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể vào thị trường bất động sản. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm cung cấp thêm những đánh giá cần thiết mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư hay với nghề nghiệp kiểm toán và người sử dụng với mục đích khác về giá trị thông tin của báo cáo kiểm toán.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Chất lượng kiểm toán
Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế số 220 (ISA 220 - 12 - b) - Đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán: “Đánh giá khách quan về các đánh giá quan trọng do nhóm kiểm toán đưa ra và các kết luận đạt được do người soát xét chất lượng cuộc kiểm toán thực hiện và hoàn thành vào hoặc trước ngày lập báo cáo kiểm toán.”
Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 (VSA 220 – 7 - b) - Soát xét việc kiểm soát chất lượng của cuộc kiểm toán: “Là quy trình được thiết kế và thực hiện tại ngày hoặc trước ngày lập báo cáo kiểm toán, nhằm đưa ra sự đánh giá khách quan về các xét đoán quan trọng của nhóm kiểm toán và các kết luận nhóm kiểm toán đưa ra để hình thành ý kiến của kiểm toán viên trong báo cáo kiểm toán. Việc soát xét kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán chỉ áp dụng cho các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức niêm yết hoặc các cuộc kiểm toán khác (nếu có) mà doanh nghiệp kiểm toán cho rằng việc soát xét kiểm soát chất lượng kiểm toán là cần thiết”
DeAngelo (1981) đánh giá chất lượng kiểm toán theo nhận thức của thị trường là khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.
Như vậy, chất lượng kiểm toán được hiểu là mức độ thỏa mãn về tính khách quan và độ tin cậy vào ý kiến kiểm toán của những đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán, đồng thời có những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán của công ty khách hàng với thời gian được định trước và giá phí thích hợp. Có thể thấy rằng, mục đích chính của chức năng kiểm toán là nhằm kiểm chứng độ tin cậy trong các báo cáo tài chính, qua đó giúp các nhà đầu tư đánh giá được triển vọng của doanh nghiệp thông qua giá cổ phiếu.
Mohamad-Nor và cộng sự (2010) chỉ ra chất lượng kiểm toán được đo lường bằng các yếu tố như giá phí kiểm toán, độ trễ báo cáo tài chính được kiểm toán. Nghiên cứu này cung cấp thông tin quý giá về tác động của quản trị doanh nghiệp đối với thời gian trễ báo cáo kiểm toán, giúp hiểu rõ hơn về quan hệ giữa hai yếu tố này trong bối cảnh của nền kinh tế Malaysia.
Nghiên cứu của Hồng và cộng sự (2020) cho rằng chất lượng kế toán được đo lường bằng rất nhiều nhân tố như nhiệm kỳ kiểm toán viên, sự luân chuyển kiểm toán viên và các công ty kiểm toán, mức độ chuyên sâu của kiểm toán viên cũng như quy mô và danh tiếng của các công ty kiểm toán. Rất nhiều nghiên cứu đã tìm ra được bằng chứng cho mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán với giá cổ phiếu, cụ thể là giá thị trường của cổ phiếu hay chính là lợi ích kinh tế mà các cổ đông luôn quan tâm khi họ sử dụng tới công cụ kiểm toán độc lập.
Giá cổ phiếu
Gilbert và cộng sự (1964) cho rằng cổ phiếu là một loại chứng khoán đại diện cho một phần sở hữu trong một doanh nghiệp cụ thể. Cổ phiếu thường được công bố thông qua việc phát hành trên thị trường chứng khoán và nhà đầu tư có thể mua và bán chúng để tham gia vào việc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro của doanh nghiệp. Ông và cộng sự cũng đề cập đến giá cổ phiếu như một yếu tố quan trọng trong việc phản ánh giá trị của một công ty hoặc một ngành công nghiệp trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu thường biến động dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh tế, hoạt động của công ty, sự biến động của thị trường chứng khoán, và thông tin có sẵn về công ty đó.
Một nghiên cứu khác của Timothy và cộng sự (2001) định nghĩa cổ phiếu là một loại tài sản tài chính, đại diện cho một phần sở hữu của một công ty cụ thể. Người ta có thể mua hoặc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để đầu tư và kiếm lợi nhuận và nó được xem như một loại tài sản tài chính có thể giao dịch thông qua ứng dụng giao dịch cổ phiếu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giá cổ phiếu là giá trị của một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tại một thời điểm nhất định. Trong nghiên cứu này, giá cổ phiếu có thể được xem xét để đánh giá hiệu suất của ứng dụng giao dịch cổ phiếu, khả năng cung cầu trên thị trường, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc giao dịch cổ phiếu thông qua ứng dụng này.
Bạch Đức Hiển (2008) chỉ ra cổ phiếu thường có các hình thức giá trị bao gồm: Mệnh giá cổ phiếu, giá trị sổ sách, giá trị lý thuyết và giá trị thị trường.
- Mệnh giá cổ phiếu (p-value): hay còn gọi là giá trị danh nghĩa là giá trị mà công ty cổ phần phát hành ấn định cho tờ cổ phiếu và được ghi rõ mệnh giá trên tờ cổ phiếu đó, giá trị mệnh giá cổ phiếu không liên quan đến giá trị của tờ cổ phiếu. Trên thực tế, giá trị mệnh giá cổ phiếu chính là giá trị được ghi rõ trong Điều lệ công ty.
- Giá trị sổ sách (book value): Là giá trị phần Vốn chủ sở hữu trên một cổ phiếu theo sổ sách của báo cáo tài chính phản ánh tình trạng vốn cổ phần tại một thời điểm nhất định.
- Giá trị lý thuyết của cổ phiếu hay giá trị nội tại (intrinsic value): là giá trị thực của một cổ phiếu tại thời điểm hiện tại được tính dựa vào cổ tức, triển vọng phát triển của doanh nghiệp và lãi suất thị trường (“nội tại” ở đây nghĩa là giá trị được định giá bên trong của cổ phiếu và nó hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thị trường bên ngoài).
- Giá trị thị trường (market value): hay giá thị trường là giá trị của cổ phiếu đó khi nó được giao dịch mua bán trên thị trường tại một thời điểm nhất định. Giá thị trường không do doanh nghiệp ấn định mà được xác định bởi cung – cầu (giá thống nhất giữ người bán sẵn sàng bán và giá cao nhất mà người mua sẵn sàng trả). Như vậy, tùy theo cung – cầu, giá thị trường sẽ cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực tại một thời điểm nhất định. Đây cũng là giá mà các nhà đầu tư, cổ đông quan tâm nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của họ.
Bất động sản
Điều 105 Bộ luật Dân sự có đề cập đến bất động sản là một trong những tài sản bên cạnh động sản và có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định bất động sản gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai và tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng và theo quy định của pháp luật.
Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh gồm: Nhà, công trình xây dựng có sẵn; Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; Nhà, công trình xây dựng là tài sản công được phép đưa vào kinh doanh; Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê lại, cho thuê.
Theo Galina và Tokmakova (2022), bất động sản là tài sản bao gồm đất đai, các công trình xây dựng và các cấu trúc khác, cũng như các quyền liên quan đến tài sản này. Bất động sản thường được quản lý và điều chỉnh bởi các quy định pháp luật để đảm bảo quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp của các bên liên quan. Đối với các nước khác nhau, cách thức quản lý và điều chỉnh bất động sản có thể khác nhau tùy thuộc vào hệ thống pháp luật và quy định địa phương.
Như vậy, có thể hiểu bất động sản là những tài sản không di chuyển được và thường gắn với đất đai, công trình xây dựng… gắn liền với đất đai.
Công ty bất động sản niêm yết trên thị trường Việt Nam
Theo khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì niêm yết trên sàn chứng khoán là một hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, là việc công ty phát hành cổ phiếu và các loại chứng khoán khác được giao dịch công khai trên sàn giao dịch chứng khoán. Công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tài chính, quản trị công ty và công bố thông tin theo quy định của pháp luật.
Công ty niêm yết là công ty đã phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể mua bán giao dịch công khai. Công ty phải tuân thủ những quy định pháp lý liên quan một cách nghiêm ngặt về công khai thông tin và quy định về huy động vốn.
Công ty bất động sản niêm yết trên thị trường Việt Nam là công ty kinh doanh về lĩnh vực bất động sản đã phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
ĐỀ XUẤT GIẢ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Giả thuyết về nhiệm kỳ của kiểm toán viên có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nghiên cứu “Ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán lên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của Hồng và cộng sự (2020) nhận định nhiệm kỳ của kiểm toán viên là mối quan hệ hợp tác giữa công ty kiểm toán với khách hàng kiểm toán; theo đó, Callen và Fang (2011) đã sử dụng một mẫu lớn các công ty niêm yết ở Mỹ từ năm 1980 đến năm 2008 đã thu về kết quả, nhận thấy là nhiệm kỳ của kiểm toán viên có mối liên hệ tiêu cực với sự sụp đổ giá cổ phiếu trong tương lai.
Một bằng chứng khác trong nghiên cứu của Al-Thuneibat và cộng sự (2011) cũng cho rằng mối quan hệ của công ty kiểm toán với khách hàng có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng kiểm toán trong khi kiểm toán viên tăng thời gian kiểm toán lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng kiểm toán. Như vậy, nhiệm kỳ của kiểm toán viên tăng lên sẽ làm giảm chất lượng kiểm toán do mối quan hệ giữa khách hàng và kiểm toán viên. Bên cạnh đó, Flint (1988) lập luận rằng tính độc lập sẽ bị mất nếu kiểm toán viên có quan hệ cá nhân với khách hàng vì điều này có thể ảnh hưởng đến thái độ và quan điểm tinh thần của họ. Một trong những mối đe dọa như vậy là nhiệm kỳ dài. Ông cho rằng nhiệm kỳ dài tại chức có thể khiến kiểm toán viên phát triển “các mối quan hệ quá thân mật” cũng như lòng trung thành mạnh mẽ hoặc mối quan hệ tình cảm với khách hàng của họ, điều này có thể đạt đến giai đoạn mà tính độc lập của kiểm toán viên bị đe dọa.
Ngoài ra, Thahir Abdul Nasser và cộng sự (2006) kết luận nhiệm kỳ dài cũng dẫn đến tình trạng “quá quen thuộc” và do đó, chất lượng và năng lực làm việc của kiểm toán viên có thể suy giảm khi họ bắt đầu đưa ra những giả định không chính đáng thay vì đánh giá khách quan các bằng chứng hiện tại. Theo Khoản 2 Điều 10 trong Hướng dẫn dành cho công ty kiểm toán được ủy thác của Tổ chức Chứng khoán và Giao dịch Chứng khoán (SEO) được Hội đồng Chứng khoán và Giao dịch tối cao thông qua ngày 29/7/1989, công ty kiểm toán không được phép chấp nhận yêu cầu kiểm toán độc lập của công ty hoặc kiểm toán viên pháp lý trong hơn bốn năm liên tiếp. Dựa trên những phân tích trên, giả thuyết thứ nhất được đưa ra như sau:
H1: Nhiệm kỳ của kiểm toán viên có mối tương quan ngược chiều với giá cổ phiếu tại các công ty Bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giả thuyết mức độ chuyên sâu về từng lĩnh vực ngành nghề của kiểm toán viên có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nghiên cứu của Hồng và cộng sự (2020) đã nhận định mức độ chuyên sâu về từng lĩnh vực và trình độ chuyên môn của kiểm toán viên được các nhà đầu tư đánh giá cao vì các ý kiến kiểm toán mà họ đưa ra sẽ mang tính khách quan và tin cậy hơn. Do đó, kiểm toán viên cần có sự am hiểu chuyên sâu về ngành nghề mà họ đang thực hiện kiểm toán. Cùng chung quan điểm, Dunn và cộng sự (2000) cho rằng kiến thức chuyên môn của kiểm toán viên trong một ngành được thể hiện qua việc kiểm toán viên thực hiện công việc kiểm toán trong một ngành có tác động lớn đến chất lượng công bố thông tin cho khách hàng. Để kiểm toán viên được coi là chuyên gia trong ngành, họ cần nhận biết và hiểu rõ các vấn đề của ngành tương ứng, xác định các tổ chức chủ chốt đang hoạt động trong ngành và biết các vấn đề cụ thể của ngành có thể ảnh hưởng như thế nào đến các lĩnh vực khác nhau trong toàn ngành. Chuyên môn của kiểm toán viên trong lĩnh vực kinh doanh của khách hàng có thể góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của kiểm toán viên trong ngành chuyên môn của họ, từ đó cải thiện hiệu suất của kiểm toán viên về tính kịp thời của báo cáo kiểm toán (Abidin và Ahmad-Zaluki, 2012). Ngoài ra, ý kiến kiểm toán đến từ các kiểm toán viên có chuyên môn về lĩnh vực kinh doanh của khách hàng có ảnh hưởng đáng kể đến biến động giá cổ phiếu, bởi vì các nhà đầu tư đánh giá dựa trên ý kiến và chất lượng báo cáo kiểm toán là một nguồn thông tin đáng tin cậy về hiệu quả tài chính của công ty, nhất là khi kiểm toán viên có kiến thức về lĩnh vực của công ty được kiểm toán (Hoti và cộng sự, 2012). Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết thứ 2.
H2: Mức độ chuyên sâu về từng lĩnh vực ngành nghề của kiểm toán viên có mối tương quan thuận chiều với giá cổ phiếu tại các công ty Bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giả thuyết quy mô và danh tiếng của công ty kiểm toán có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Chất lượng kiểm toán gắn liền với danh tiếng của công ty kiểm toán (Chaney và Philipich, 2002). Dựa trên lý thuyết về vốn, do có sự tín nhiệm hơn đối với các công ty kiểm toán lớn hơn, các công ty kiểm toán có danh tiếng lớn thường được coi là có báo cáo chính xác hơn (Teoh và Wong, 1993; Lennox, 1999). Hơn nữa, Salehi và Abedini (2008) khẳng định rằng, chất lượng kiểm toán gắn liền với chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính và vì các báo cáo tài chính này được kiểm toán bởi các kiểm toán viên chất lượng cao (các công ty kiểm toán có uy tín), nên chúng ít có khả năng chứa sai sót trọng yếu.
Tuy nhiên, trong những năm qua, đã có những cuộc tranh luận về sự suy giảm chất lượng kiểm toán bắt đầu từ câu chuyện Andersen/Enron (Oliverio và Newman, 2008). Mgbame, Eragbhe và Osazuwa (2012) chỉ ra rằng, lo ngại về chất lượng kiểm toán đã tăng lên rất nhiều do các vụ bê bối về báo cáo tài chính làm rung chuyển các tập đoàn lớn nổi tiếng, như: Enron, WorldCom và các tập đoàn khác. Thêm vào đó, Weiner (2012) khẳng định, hầu hết các công ty khi gặp bê bối đều chuyển sang các công ty có danh tiếng cao (Big Four) vì nhận thức của họ rằng các công ty có danh tiếng cao tạo ra các báo cáo chất lượng vì họ phải đối mặt với việc mất hình ảnh trước công chúng nhiều hơn so với các công ty có ít danh tiếng hơn. Lennox (1999) đồng ý với lý thuyết về danh tiếng và túi tiền sâu. Theo ông, các kiểm toán viên lớn (kiểm toán viên có uy tín) có quyền lợi lớn hơn để tránh đưa ra những báo cáo không chính xác. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng, hình phạt kiện tụng do báo cáo không chính xác cũng là yếu tố quyết định khiến kiểm toán viên phải đưa ra báo cáo có chất lượng (Dye, 1993).
Một loạt nghiên cứu cho thấy các công ty kiểm toán lớn có năng lực hơn và được khuyến khích hơn để đạt được hoạt động kiểm toán chất lượng cao (DeAngelo, 1981). Do đó, theo Watts và Zimmerman (1983), các kiểm toán viên lớn hơn có nhiều khả năng phát hiện ra các khoản dồn tích tùy ý hơn và điều này làm giảm khả năng xảy ra của họ giữa các công ty mà họ kiểm toán. Ngoài ra, Wang và cộng sự (2008) cho rằng các công ty kiểm toán chuyên ngành cần phải có khả năng cạnh tranh cao hơn và được kỳ vọng sẽ có năng lực và động lực cao hơn để cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng cao (Alzoubi, 2016; Van Tendeloo & Vanstraelen, 2008; Gul, 2006). Hơn nữa, các công ty kiểm toán lớn có năng lực kỹ thuật cao hơn và nguồn lực lớn hơn (Lawrence và cộng sự, 2011). Họ cũng có nhiều kiểm toán viên có kinh nghiệm, năng lực và chuyên môn cao hơn các công ty kiểm toán nhỏ (Francis và Yu, 2009). Tuy nhiên, Francis, Maydew và Sparks (1999) lập luận rằng chất lượng kiểm toán cao ở các công ty kiểm toán lớn hơn có thể không phải do hoạt động kiểm toán xuất sắc của họ, mà chủ yếu là do hiệu ứng khách hàng lớn (Francis và cộng sự, 1999). Với những quan điểm khác nhau trong việc giải thích tác động của quy mô công ty kiểm toán đến chất lượng kiểm toán, một số nghiên cứu thực nghiệm đã cung cấp bằng chứng chứng minh rằng quy mô công ty kiểm toán lớn hơn có mối tương quan tích cực với chất lượng kiểm toán cao hơn.
Từ những phân tích trên, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết như sau:
H3: Quy mô và danh tiếng của công ty kiểm toán có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mối tương quan thuận chiều.
Giả thuyết giá phí kiểm toán có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Lệ phí trả cho kiểm toán viên có thể ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán (Simonic, 1980). Mối liên hệ tích cực giữa phí kiểm toán và các đại diện cho chất lượng kiểm toán đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây (ví dụ: Ettredge và cộng sự, 2014; Hoitash và cộng sự, 2007; Simonic, 1980). Nghiên cứu của Hoitash và cộng sự (2007) nhận thấy rằng, tổng phí kiểm toán và phí phi kiểm toán có mối tương quan nghịch với cả hai biến đại diện để đo lường chất lượng kiểm toán (độ lệch chuẩn của số dư so với hồi quy liên quan đến các khoản dồn tích hiện tại với dòng tiền và giá trị tuyệt đối của các khoản dồn tích tùy ý được điều chỉnh theo hiệu quả hoạt động). Ettredge và cộng sự. (2014) ủng hộ rằng, áp lực phí kiểm toán trong thời kỳ suy thoái kinh tế có liên quan tích cực đến sai sót kế toán.
Có một số giải thích về mối quan hệ tích cực giữa phí kiểm toán và chất lượng kiểm toán. Choi và cộng sự (2010) chỉ ra rằng, các công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng cao tính phí kiểm toán cao hơn những công ty cung cấp dịch vụ chất lượng thấp vì chi phí để mang lại chất lượng kiểm toán cao cao hơn so với kiểm toán chất lượng thấp. Mức phí cao có thể khuyến khích kiểm toán viên tăng cường nỗ lực, từ đó ảnh hưởng tích cực đến chất lượng kiểm toán (Hoitash và cộng sự, 2007; Wooten, 2003). Do đó, giả thuyết sau được đề xuất:
H4: Giá phí kiểm toán có mối tương quan thuận chiều với giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giả thuyết độ trễ báo cáo tài chính được kiểm toán có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Kết quả nghiên cứu của Rusmin và cộng sự (2017) cho thấy, các công ty có nhiều công ty con và các công ty có hoạt động tài chính kém hơn thường có độ trễ báo cáo lâu hơn. Để phù hợp và có giá trị kinh tế, thông tin tài chính trong báo cáo cuối năm phải được công bố kịp thời và cung cấp cho người dùng càng sớm càng tốt sau khi kết thúc năm tài chính (Al-Ajmi, 2008; Alkhatib và Marji , 2012).
Việc chậm trễ trong việc báo cáo thông tin tài chính sẽ ảnh hưởng rõ ràng đến hiệu quả của các báo cáo. Tính kịp thời của báo cáo kiểm toán đang trở thành một vấn đề quan trọng vì thời gian và việc gửi báo cáo sẽ ảnh hưởng đến tính phù hợp của báo cáo tài chính (Dopuch và cộng sự, 1986; Field và Walkins, 1991; Jaggi và Tsui, 1999).
Trong nghiên cứu liên quan, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằn,g việc trì hoãn công bố và công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả của thị trường chứng khoán (Leventis và cộng sự, 2005; Alkhatib và Marji, 2012) và phản ứng của thị trường đối với các thông báo thu nhập (Chambers và Penman, 1994) có thể dẫn chuyển đổi kiểm toán viên (Mande và Son, 2011).
Thêm vào đó, Hutton và cộng sự (2009), trong một nghiên cứu, đã đánh giá mối quan hệ giữa sự thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính và nguy cơ giá cổ phiếu giảm. Ngoài ra, những doanh nghiệp có báo cáo tài chính không minh bạch có nhiều nguy cơ giảm giá cổ phiếu hơn. Từ những phân tích, nhóm tác giả đưa ra giả thuyết sau:
H5: Độ trễ báo cáo tài chính được kiểm toán có mối tương quan nghịch đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giả thuyết về mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng thực nghiệm về việc chất lượng kiểm toán có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu. Nghiên cứu của Khajavi và Zare (2016) đã nhận định rằng, các hoạt động quản lý và hệ thống kế toán là hai nguyên nhân chính dẫn đến những biến động giá cổ phiếu. Các nhà quản lý thường cố gắng báo cáo sai lệch về thu nhập của doanh nghiệp, qua đó làm tăng giá cổ phiếu hơn giá trị thực của nó cũng như cố che giấu các thông tin xấu cho tới khi không thể ngăn chặn được nữa. Vào thời điểm đó, giá cổ phiếu sẽ phản ứng rất tiêu cực với những thông tin này (Kim và Zhang, 2015). Do đó, trong nhiều trường hợp người ủy quyền không tin tưởng người đại diện sẽ cung cấp cho họ thông tin đáng tin cậy và phù hợp, sau đó họ sẽ thuê các chuyên gia bên ngoài, những người độc lập với những người đại diện này (Jensen và Meckling, 1976; Watts và Zimmerman, 1983). Kiểm toán viên bên ngoài giảm thông tin bất cân xứng điều kiện giữa ban quản lý và cổ đông bằng cách làm cho báo cáo tài chính trở nên đáng tin cậy hơn (Becker và cộng sự, 1998; Dopuch và Simunic 1982; Teoh và Wong, 1993).
Điều này có nghĩa là chất lượng kiểm toán tác động tích cực đến độ tin cậy của thông tin tài chính. Các kết quả cho thấy rằng chất lượng kiểm toán ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu, với các doanh nghiệp có chất lượng kiểm toán cao có khả năng chiếm được lòng tin của nhà đầu tư và cùng với đó là giá cổ phiếu cũng cải thiện đáng kể. Dựa trên những phân tích trên, giả thuyết thứ nhất được đưa ra như sau:
H6: Chất lượng kiểm toán ảnh hưởng đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ tổng quan nghiên cứu, cũng như trên cơ sở các giả thuyết được đặt ra, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu ảnh hưởng chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất về ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả |
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đã trình bày những nội dung liên quan tới cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, phân tích ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty Bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông qua việc thu thập, hệ thống các nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, nhóm tác giả lựa chọn và đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố tác động đến chất lượng kiểm toán tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, là: Nhiệm kỳ của kiểm toán viên; Mức độ chuyên sâu về từng lĩnh vực ngành nghề của kiểm toán viên; Quy mô và danh tiếng của công ty kiểm toán; Giá phí kiểm toán; Độ trễ báo cáo tài chính, từ đó tìm ra mối tác động của chất lượng kiểm toán đến giá cổ phiếu tại các công ty Bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tác dụng của nghiên cứu cung cấp cho các nhà quản lý và đầu tư cái nhìn tổng quát về tầm quan trọng của chất lượng kiểm toán, thấy được tầm quan trọng của nó đến giá cổ phiếu. Đồng thời, kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo trong việc ra quyết định cho các nhà quản lý và nhà đầu tư, cùng với đó là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu định lượng cùng đề tài sau này./.
Tài liệu tham khảo:
1. Abidin, S., and Ahmad-Zaluki, N. A. (2012), Auditor industry specialism and reporting timeliness. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 65, 873-878.
2. Al-Ajmi, J. (2008). Audit and reporting delays: Evidence from an emerging market, Advances in Accounting, incorporating Advances in International Accounting, 24, 217-226.
3. Al-Thuneibat, A. A., Al Issa, R. T. I., Baker, R. A. A. (2011), Do audit tenure and firm size contribute to audit quality? Empirical evidence from Jordan, Managerial Auditing Journal, 23(1), 84-101
4. Alkhatib, K., Marji, Q. (2012), Audit reports timeliness: Empirical evidence from Jordan, Procedia-Social and Behavioral Sciences, 62, 1342-1349.
5. Alzoubi, E. S. S. (2016), Audit quality and earnings management: Evidence from Jordan, Journal of Applied Accounting Research, 17(2), 170–189. https://doi.org/10.1108/JAAR-09-2014-0089
6. Bạch Đức Hiển (2008), Giáo trình Thị trường chứng khoán, Nxb Tài chính, Hà Nội.
7. Becker, C. L., DeFond, M. L., Jiambalvo, J., & Subramanyam, K. R. (1998), The effect of audit quality on earnings management, Contemporary accounting research, 15(1), 1-24.
8. Choi, J. H., Kim, J. B., & Zang, Y. (2010), Do abnormally high audit fees impair audit quality?, Auditing: a journal of practice & theory, 29(2), 115-140.
9. Chambers, A., and Penman, S. (1994), Timeliness of reporting and the stock price reaction to earnings announcements, Journal of Accounting Research, 22, 21-47.
10. Callen, J. L. & Fang, X. (2011), Institutional Investors and Crash Risk: Monitoring or Expropriation?, Working paper, retrieved from https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1804697.
11. Chaney, P. K. & Philipich, K. L. (2002), Shredded Reputation: The Cost of Audit Failure, Journal of Accounting Research, 40(4), 1221-1245.
12. DeAngelo, L. E. (1981), Auditor size and audit quality, Journal of Accounting and Economics, 3(3), 183-199.
13. Dopuch, N., & Simunic, D. (1982, June), Competition in auditing: An assessment, In Fourth Symposium on auditing research, 401, Urbana, IL: University of Illinois.
14. Dopuch, N., Holthausen, R. W., & Leftwich, R. W. (1986), Abnormal stock returns associated with media disclosures of ‘subject to’ qualified audit opinions, Journal of accounting and economics, 8(2), 93-117.
15. Dunn, K.A., Mayhew, B.W., Morsfield, S.G. (2000), Auditor Industry Specialization and Client Disclosure Quality, Working Paper, Baruch College and University of Wisconsin-Madison.
16. Dye, R. (1993), Auditing standards, legal liability and auditor wealth, Journal of Political Economics, 101, 887–914.
17. Ettredge, M., Fuerherm, E. E., & Li, C. (2014), Fee pressure and audit quality, Accounting, Organizations and Society, 39(4), 247-263.
18. Flint, D. (1988), Philosophy and Principles of Auditing – An Introduction, Macmillan Education Ltd, London.
19. Francis, J. R., & Yu, M. D. (2009), Big 4 office size and audit quality, The accounting review, 84(5), 1521-1552.
20. Francis, J. R., Maydew, E. L., & Sparks, H. C. (1999), The role of Big 6 auditors in the credible reporting of accruals, Auditing: A Journal of Practice & Theory, 18(2), 17–34. https://doi. org/10.2308/aud.1999.18.2.17
21. Francis, J. and Wilson, E.R. (1988), Auditor changes: a joint test of theories relating to agency costs and auditor differentiation, The Accounting Review, 63, 663-82.
22. Field, L., & Walkins, M. (1991), The information content of withdrawn audit qualifications: New evidence on the value of" subject to" opinion, Auditing: A Journal of Practice Theory, 10(2), 49-61.
23. Galina, Tokmakova (2022), Real estate as an object of legal regulation, Государственная служба, 24(5):14-18. https://www.doi.org/10.22394/2070-8378-2022-24-5-14-18
24. Gilbert, William, Cooke (1964), The stock markets.
25. Gul, F. A. (2006), Auditors’ response to political connections and cronyism in Malaysia, Journal of Accounting Research, 44(5), 931–963, https://doi.org/10.1111/j.1475-679X.2006.00220
26. Hoitash, R., Markelevich, A., & Barragato, C. A. (2007), Auditor fees and audit quality. Managerial auditing journal, 22(8), 761-786.
27. Hutton, A., Marcus, A., & Tehranian, H. (2009), Opaque financial reports and the distribution of stock returns, Journal of Financial Economics, 94(1), 67–86. https://doi.org/10.1016/j. jfineco.2008.10.003
28. Hồng, N. T. H., Đạt, N. T., & Đạt, N. Đ. (2020), Ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán lên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
29. Hoti, A. H., Ismajli, H., Ahmeti, S. & Dermaku, A. (2012), Effects of Audit Opinion on Stock Prices: The Case of Croatia and Slovenia, Euro Economica, 2(31), 75-87.
30. Hussainey, K. (2009), The impact of Audit Quality on Earnings Predictability, Managerial Auditing Journal, 24(4), 340-351.
31. Hogan, C. E. (1997), Costs and benefits of audit quality in the IPO market: A self-selection analysis, Accounting review, 72(1), 67-86.
32. ISA 220 (Revised, 2022), Quality Management for an Audit of Financial Statements.
33. Jr. Gary, A. Giroux, Donald, R. Deis (1992), Determinants of Audit Quality in the Public Sector, The Accounting Review (American Accounting Association), 3, 462-479.
34. Jaggi, B., and Tsui, J. S. L. (1999), Determinants of audit report lag: Further evidence from Hong Kong, Accounting and Business Research, 30(1), 17-28.
35. Jensen, M. C & Meckling, W. H. (1976), Theory of the Firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure, Journal of Financial Economics, 3(4), 355-375.
36. Khajavi, S. & Zare, A. (2016), The effect of audit quality on stock crash risk in Tehran Stock Exchange, International Journal of Economics and Financial Issues, 6(1), 20-25.
37. Kim, J. B. & Zhang, L. (2015), Accounting conservatism and stock price crash risk: Firm-level evidence, Contemporary Accounting Research, 32(2), 1-31.
38. Lawrence, A., Minutti-Meza, M., & Zhang, P. (2011), Can Big 4 versus non-Big 4 differences in audit-quality proxies be attributed to client characteristics?, The accounting review, 86(1), 259-286.
39. Leventis, S., Weetman, P., & Caramanis, C. (2005), Determinants of audit report lag: Some evidence from the Athens Stock Exchange, International journal of auditing, 9(1), 45-58.
40. Lennox, C. (1999), Are Large Auditors More Accurate Than Small Auditors?, Accounting and Business Research, 29, 217-227. https://doi.org/10.1080/00014788.1999.9729582
41. Mohamad-Nor, M. N., Shafie, R. & Wan-Hussin, W. N. (2010), Corporate Governance and Audit Report Lag in Malaysia, Asian Academy of Management Journal of Accounting and Finance, 6(2), 57-84.
42. Mande, V., & Son, M. (2011), Do audit delays affect client retention?, Managerial Auditing Journal, 26(1), 32-50.
43. Mutchler, JF, Hopwood, W & McKeown, JM (1997), The influence of contrary information and mitigating factors on audit opinion decisions on bankrupt companies, Journal of Accounting Research, Wiley Blackwell, 35(2), 295-310.
44. Mgbame, C. O., Eragbhe, E., &Osazuwa, N. P. (2012). Audit partner tenure and audit quality: An empirical analysis, European Journal of Business and Management, 4(7), 154-162.
45. Oliverio, M. E., & Newman, B. H. (2008), Quantifying Audit Quality: A Proposal Inspired by Recent Initiatives, Paper 63, faculty working papers.
46. Rusmin, R., & Evans, J. (2017), Audit quality and audit report lag: Case of Indonesian listed companies, Asian Review of Accounting, 25(2), 191-210.
47. Salehi, M., &Abedini, B. (2008), Iranian angle: Worth of audit report, SCMS Journal of Indian Management, April- May, 82-90.
48. Simunic, D. (1980), The pricing of audit services: Theory and evidence", Journal of Accounting Research, 18, 161-190.
49. Teoh, S. H., & Wong, T. J. (1993), Perceived auditor quality and the earnings response coefficient, Accounting review, 68, 346-366.
50. Thahir Abdul Nasser, A., Abdul Wahid, E., Nazatul Faiza Syed Mustapha Nazri, S., & Hudaib, M. (2006), Auditor‐client relationship: the case of audit tenure and auditor switching in Malaysia, Managerial Auditing Journal, 21(7), 724-737.
51. Timothy, Orr, Knight. (2001), Stock trading application program.
52. VSA 220 (2012), Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính
53. Van Tendeloo, B., & Vanstraelen, A. (2008), Earnings management and audit quality in Europe: Evidence from the private client segment market, European Accounting Review, 17(3), 447–469. https://doi.org/10.1080/09638180802016684
54. Wooten, T. C. (2003), Research about audit quality, The CPA journal, 73(1), 48.
55. Watts, R., & Zimmerman, J. (1981), The markets for independence and independent auditors, Unpublished manuscript (University of Rochester, Rochester, NY).
56. Wang, Q., Wong, T. J., & Xia, L. (2008), State ownership, the institutional environment, and auditor choice: Evidence from China, Journal of Accounting and Economics, 46(1), 112–134. https://doi.org/10.1016/j.jacceco.2008.04.001.
57. Weiner, J. (2012), Auditor Size vs. Audit Quality: An Analysis of Auditor Switches, Thesis from Honors College, Netherlands, Netherlands.
[1]“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đề tài sinh viên NCKH Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa năm học 2023 2024”
Trương Thị Thuý Thanh, K14-KT, 20010391@st.phenikaa-uni.edu.vn
Phạm Thu Trà, K16-KT2, 2201172@st.phenikaa-uni.edu.vn
Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, K15-KT2, 21012191@st.phenikaa-uni.edu.vn
Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa,
TS. Nguyễn Thị Thuận, Email: thuan.nguyenthi1@phenikaa-uni.edu.vn
Ngày nhận bài: 10/3/2024 Ngày phản biện: 20/3/2024 Ngày duyệt đăng: 25/3/2024 |
Bình luận