TS. Lê Thị Ngọc Diệp

Khoa Quản trị Kinh doanh 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Tóm tắt

Việc xác định các yếu tố yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên thật sự cần thiết với các trường đại học, các cấp quản lý giáo dục, bản thân sinh viên và gia đình của họ. Có nhiều nghiên cứu các yếu tố yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên đã được công bố, với các mô hình nghiên cứu rất đa dạng về số lượng yếu tố ảnh hưởng và nội hàm của mỗi yếu tố. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu và thực hiện các phương pháp thảo luận, phỏng vấn nhóm, tác giả đã phân tích, tổng hợp và đề xuất mô hình nghiên cứu tổng quát các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên và thang đo các khái niệm nghiên cứu của mô hình. Mô hình này là điểm xuất phát cho giai đoạn nghiên cứu định lượng với một phạm vi nghiên cứu cụ thể phụ thuộc vào nhu cầu của các nhóm nhà nghiên cứu hoặc nhà quản lý.

Từ khóa: kết quả học tập của sinh viên, mô hình nghiên cứu, yếu tố ảnh hưởng

Abstract

Identifying the factors that affect student learning outcomes is truly necessary for universities, educational management levels, students themselves and their families. Many studies on factors affecting student learning outcomes have been published, with research models that are very diverse in the number of influencing factors and the connotation of each factor. Based on a literature review and implementation of discussion and group interview methods, the author has analyzed, synthesized and proposed a general research model of factors affecting student learning outcomes and a scale of research concepts of the model. This model is the starting point for the quantitative research phase with a specific research scope depending on the needs of groups of researchers or managers.

Keywords: student learning outcomes, research model, factors affecting

GIỚI THIỆU

Trong kỷ nguyên hội nhập kinh tế quốc tế, có được nguồn nhân lực chất lượng cao là sự quan tâm hàng đầu không chỉ của các tổ chức, doanh nghiệp mà còn của cả Chính phủ ta. Các trường đại học đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng bởi vì đây là nơi đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng phù hợp với ngành học để cung cấp cho nền kinh tế và cho xã hội. Kết quả học tập của sinh viên là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá khả năng tiếp thu kiến thức và tư duy của sinh viên, cùng với đó là chất lượng đào tạo của các trường đại học (Vuong, 2023). Không chỉ bản thân sinh viên và gia đình họ quan tâm đến kết quả học tập của sinh viên mà chính các trường đại học cũng rất quan tâm kết quả này.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, kết quả học tập của người học nói chung và sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nói riêng chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Việc xác định được các yếu tố này thật sự cần thiết không chỉ với các trường đại học, mà còn với các cấp quản lý giáo dục, bản thân sinh viên và gia đình của họ.

Các nghiên cứu đã được công bố về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên cho thấy với những phạm vi nghiên cứu cụ thể khác nhau thì các yếu tố thật sự có ảnh hưởng cũng khác nhau, cũng như mức độ ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên cũng khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng đã được lựa chọn đưa vào mô hình nghiên cứu của các nhóm tác giả rất đa dạng về số lượng yếu tố và nội hàm của mỗi yếu tố.

Do đó, việc xây dựng một mô hình tổng quát, bao gồm các yếu tố đã được nhiều nghiên cứu đề cập đến sẽ giúp các nhà nghiên cứu trong tương lai dùng làm cơ sở, điểm xuất phát cho giai đoạn nghiên cứu định lượng. Giai đoạn này sẽ được thực hiện với một phạm vi nghiên cứu cụ thể phụ thuộc nhu cầu của các nhóm nhà nghiên cứu hoặc nhà quản lý để hoạch định các chính sách giáo dục phù hợp.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Khái niệm về kết quả học tập của sinh viên

Điều 80 của Luật Giáo dục 2019 quy định người học là người đang học tập tại cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong số đó, “sinh viên là người học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp mà ở đó họ được truyền đạt kiến thức bài bản về một hoặc nhiều lĩnh vực nghề nghiệp”. Nghiên cứu này sẽ tiếp cận đối tượng sinh viên theo Luật Giáo dục quy định.

Kết quả học tập của sinh viên được Nguyen và Nguyen (2010) định nghĩa là khả năng tự đánh giá của họ về những kiến thức, kỹ năng được tiếp thu, rèn luyện, phát triển và nỗ lực để mở rộng trong lớp học. Lê Đình Hải (2016) cũng sử dụng khái niệm “kết quả học tập là những đánh giá tổng quát của sinh viên về kiến thức và kỹ năng họ thu nhận được trong quá trình học tập các môn học cụ thể tại trường”. Nhóm tác giả Đinh Thị Hóa, Hoàng Thị Ngọc Điệp, Lê Thị Kim Tuyên (2018) có giới thiệu quan điểm của Trần Kiều (2005) là “dù hiểu theo nghĩa nào thì kết quả học tập cũng đều thể hiện ở mức độ đạt được các mục tiêu của dạy học, trong đó bao gồm 3 mục tiêu lớn là: Nhận thức; Hành động, Xúc cảm”, và sử dụng khái niệm kết quả học tập của sinh viên tương tự như ở nghiên cứu của Lê Đình Hải (2016).

Trong nghiên cứu này, kết quả học tập thể hiện mức độ sinh viên tự đánh giá về kiến thức và kỹ năng họ thu nhận được trong quá trình học tập tại trường.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, kết quả học tập của người học nói chung và sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nói riêng chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau.

Theo Farooq (2011), các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên có thể được phân thành hai nhóm: nhóm yếu tố bên trong và nhóm yếu tố bên ngoài sinh viên. Những yếu tố bên trong chủ yếu liên quan đến bản thân sinh viên, còn yếu tố bên ngoài không thuộc khả năng kiểm soát của sinh viên.

Nguyen, Shultz & Westbrook (2012) thực hiện nghiên cứu tính kiên định trong học tập và chất lượng cuộc sống đại học của sinh viên ngành kinh doanh. Nhóm tác giả thu thập dữ liệu khảo sát từ mẫu thuận tiện gồm 1.024 sinh viên kinh doanh tại Việt Nam, sau đó kiểm chứng mối quan hệ của các yếu tố: Chất lượng cuộc sống đại học, Tính kiên định trong học tập, Động lực học tập và Giá trị chức năng của nghề nghiệp kinh doanh. Một trong những kết quả được nhóm nghiên cứu đưa ra là tính kiên định học tập và động cơ học tập có tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của sinh viên và kết quả học tập của sinh viên.

Nghiên cứu của Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020) được thực hiện nhằm mục đích phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thành tích sinh viên Khoa Giáo dục Kinh tế của trường UIN Suska Riau. Nhóm nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên bao gồm: Động cơ học tập, Sự hứng thú học tập, Môi trường gia đình và Mô hình học tập (gồm phương pháp giảng dạy, năng lực giảng viên, phương pháp học tập và năng lực sinh viên). Kết quả phân tích hồi quy bội cho thấy cả bốn yếu tố đều tác động đến kết quả học tập; cụ thể là “Động cơ học tập” có tác động tích cực và đáng kể nhất, tiếp đến lần lượt là: Sự hứng thú học tập, Mô hình học tập, Môi trường gia đình.

Kyriakides, Christoforou & Charalambous (2013) tiến hành phân tích, tổng hợp 167 nghiên cứu khám phá các yếu tố của việc giảng dạy hiệu quả ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Các yếu tố được tổng hợp là: Định hướng học tập cho sinh viên, Tổ chức lớp học, Phương pháp đặt câu hỏi, Kỹ năng giảng dạy, Môi trường lớp học, Kỹ năng quản lý thời gian, Mô hình giảng dạy (cách giải quyết các vấn đề, cách phác thảo các ý chính và tổng kết nội dung môn học). Các yếu tố này liên quan trực tiếp đến phương pháp giảng dạy và năng lực của giảng viên.

Mejia-Rodriguez và Kyriakides (2022) đã tổng hợp kết quả của 195 nghiên cứu mối liên hệ giữa các đặc điểm cấp hệ thống và kết quả học tập của sinh viên để trả lời câu hỏi “Điều gì quan trọng đối với kết quả học tập của sinh viên?”. Kết quả cho thấy một loạt các yếu tố cấp hệ thống có ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên, nổi bật là: (1) Phân cấp chức năng (tổng thể, nguồn tài chính, quản lý nhân sự, chương trình đào tạo và đánh giá kết quả…); (2) Đánh giá và sắp xếp trách nhiệm giải trình (thi tập trung, đánh giá giảng viên, tự đánh giá của trường đại học); (3) Môi trường học tập ở trường (tỷ lệ nhập học, kỷ luật, vắng mặt…); (4) Nguồn nhân lực (tỷ lệ học sinh/giảng viên, quy mô lớp học…); (5) Nguồn lực thời gian (số giờ dạy mỗi năm, thời gian học trung bình mỗi môn…); (6) Cơ hội học hỏi (thời gian làm bài tập, ngoại khóa…); (7) Năng lực giảng viên (kinh nghiệm, trình độ, chứng chỉ, kỹ năng của giảng viên), và (8) Cơ sở vật chất của nhà trường. Các yếu tố này chủ yếu liên quan đến năng lực giảng viên, chương trình đào tạo, công tác quản lý đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập và cơ sở vật chất của nhà trường.

Lê Đình Hải (2016) thực hiện nghiên cứu “Ứng dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá trong việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp”. Với số liệu khảo sát 512 sinh viên thuộc Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp, nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả học tập của sinh viên, đó là: (1) Phương pháp học tập, (2) Kiên định trong học tập, (3) Cạnh tranh trong học tập, (4) Ấn tượng trường học, (5) Tài nguyên nhà trường và (6) Động cơ học tập.

Đinh Thị Hóa, Hoàng Thị Ngọc Điệp, Lê Thị Kim Tuyên (2018) thực hiện phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên khoa Kinh tế, Trường Đại học Đồng Nai. Thông qua phân tích định tính và định lượng, kết quả chỉ ra có tám nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên, bao gồm: (1) Tương tác lớp học; (2) Phương pháp học tập; (3) Kiên định học tập; (4) Động cơ học tập; (5) Bạn bè; (6) Cơ sở vật chất; (7) Ấn tượng trường học; (8) Kiến thức và cách tổ chức môn học của giảng viên.

Đinh Thùy Trâm (2018) tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa năng lực giảng viên và kết quả học tập của sinh viên trong bối cảnh giáo dục đại học ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng lực giảng viên tác động tích cực với kết quả học tập của sinh viên. Sinh viên có kết quả học tập tốt nếu như giảng viên có kiến thức sâu và có sự đầu tư đối với môn học; giới thiệu rõ ràng và đầy đủ cho sinh viên về chương trình môn học; luôn tạo những cơ hội tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy học như đặt câu hỏi, đưa ra các ý tưởng để dẫn dắt thảo luận trong lớp học.

Phan Thị Hồng Thảo, Nguyễn Huyền Trang, Nguyễn Thu Hà (2020) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên Phân viện Bắc Ninh của Học viện Ngân hàng. Nhóm tác giả dựa vào mẫu nghiên cứu là 400 sinh viên để thực hiện đánh giá độ tin cậy của các thang đo, phân tích nhân tố khám phá, thu được 8 nhân tố: (1) Gia đình xã hội; (2) Phương pháp học tập ngoài giờ; (3) Cơ sở vật chất; (4) Phương pháp giảng dạy tích cực; (5) Phương pháp ghi chép; (6) Phương pháp học tập trên lớp; (7) Động cơ học tập; và (8) Phương pháp giảng dạy truyền thống. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy có 3 nhân tố thật sự có ảnh hưởng đến kết quả học tập, đó là: (1) Phương pháp học tập ngoài giờ; (2) Phương pháp giảng dạy tích cực; và (3) Cơ sở vật chất.

Phan Quốc Tấn (2020) thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của tính kiên định đến kết quả học tập của sinh viên: Vai trò trung gian của động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập”. Kết quả nghiên cứu bằng phương pháp định tính kết hợp định lượng cho thấy: “Tính kiên định trong học tập” có tác động mạnh đến “Động cơ học tập”, kế đến “Động cơ học tập” và “Chất lượng sống trong học tập” đều tác động thuận chiều đến “Kết quả học tập”.

Nguyễn Thị Như Quỳnh (2020) thực hiện “Xác định yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phương pháp học tập tích cực của sinh viên khóa 16DDS Khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành”. Mô hình xuất phát từ 3 yếu tố: Người học (kiến thức, kĩ năng, thái độ); Người dạy (kiến thức người dạy, phương pháp giảng dạy, kỹ năng truyền đạt, truyền cảm hứng, kĩ năng quản lí lớp học); Cơ sở vật chất (nguồn tài liệu; thiết bị hỗ trợ, bố trí phòng học). Đề tài sử dụng 385 phiếu khảo sát để đánh giá độ tin cậy của các thang đo, thực hiện phân tích nhân tố khám phá và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả học tập tích cực của sinh viên. Kết quả là yếu tố “Người dạy” có ảnh hưởng lớn nhất, tiếp đến theo thứ tự giảm dần là “Người học” và “Cơ sở vật chất”. Trong yếu tố “Người dạy”, kĩ năng truyền đạt nội dung bài học rõ ràng, dễ hiểu của giảng viên có sự ảnh hưởng nhiều nhất.

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021) nghiên cứu tác động của môi trường học tập đến kết quả học tập tiếng Anh của sinh viên bậc đại học (chương trình chất lượng cao) tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp định lượng sau khi phỏng vấn ý kiến của sinh viên chất lượng cao tại Đại học Kinh tế Quốc dân về tác động của các yếu tố môi trường học tập tới chất lượng học tập tiếng Anh. Kết quả cho thấy các yếu tố của môi trường học tập có ảnh hưởng tới kết quả học tập tiếng Anh của sinh viên, cụ thể là yếu tố: Đội ngũ giảng viên có tác động mạnh nhất, tiếp đến lần lượt là: Ảnh hưởng của bạn bè, Tổ chức đào tạo, Cơ sở vật chất, Chương trình đào tạo và Công tác hành chính.

Bảng 1: Tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên

Yếu tố ảnh hưởng

Nguồn

Nhóm yếu tố liên quan đến sinh viên

Động cơ học tập

Nguyen, Shultz & Westbrook (2012)

Lê Đình Hải (2016)

Đinh Thị Hóa và cộng sự (2018)

Phan Thị Hồng Thảo và cs (2020)

Phan Quốc Tấn (2020)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Kiên định học tập

Nguyen, Shultz & Westbrook (2012)

Lê Đình Hải (2016)

Đinh Thị Hóa và cs (2018)

Phan Quốc Tấn (2020)

Phương pháp học tập

Lê Đình Hải (2016)

Đinh Thị Hóa và cs (2018)

Phan Thị Hồng Thảo và cộng sự (2020)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Cạnh tranh trong học tập

Lê Đình Hải (2016)

Ấn tượng trường học

Lê Đình Hải (2016)

Đinh Thị Hóa và cs (2018)

Người học (kiến thức, kĩ năng, thái độ)

Nguyễn Thị Như Quỳnh (2020)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Nhóm yếu tố liên quan đến giảng viên

Năng lực giảng viên

Đinh Thùy Trâm (2018)

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Mejia-Rodriguez và Kyriakides (2022)

Phương pháp giảng dạy

Phan Thị Hồng Thảo và cộng sự (2020)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Tương tác lớp học

Kiến thức và cách tổ chức môn học của giảng viên.

Đinh Thị Hóa và cs (2018)

Người dạy (kiến thức, phương pháp giảng dạy, kĩ năng truyền đạt và truyền cảm hứng, kĩ năng quản lí lớp học)

Nguyễn Thị Như Quỳnh (2020)

Kyriakides, Christoforou & Charalambous (2013)

Nhóm yếu tố liên quan đến nhà trường

Tổ chức đào tạo

Đặng Thị Lan Hương (2013)

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021)

Mejia-Rodriguez và Kyriakides (2022)

Chương trình đào tạo

Đặng Thị Lan Hương (2013)

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021)

Mejia-Rodriguez và Kyriakides (2022)

Công tác hành chính

Đặng Thị Lan Hương (2013)

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021)

Cơ sở vật chất của nhà trường

Lê Đình Hải (2016)

Đinh Thị Hóa và cs (2018)

Phan Thị Hồng Thảo và ộng sự (2020)

Nguyễn Thị Như Quỳnh (2020)

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021)

Mejia-Rodriguez và Kyriakides (2022)

Nhóm yếu tố liên quan đến Gia đình- Xã hội- Bạn bè

Điều kiện gia đình

Lê Đình Hải (2016)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Gia đình - Xã hội

Phan Thị Hồng Thảo và cs (2020)

Lastri, Kartikowati & Sumarno (2020)

Bạn bè

Đặng Thị Lan Hương (2013)

Đinh Thị Hóa và cộng sự (2018)

Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021)

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Phương pháp nghiên cứu

Sau tổng quan nghiên cứu để phân tích và tổng hợp các yếu tố được nhiều nghiên cứu xác định có ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên, tác giả tổng hợp từ các nghiên cứu liên quan để phác thảo các tiêu chí thể hiện nội hàm của các yếu tố đó. Tất cả các yếu tố và tiêu chí thể hiện nội hàm của chúng được trình bày cụ thể ở bản thảo đầu tiên.

Tiếp đến, tác giả thực hiện nghiên cứu định tính qua 2 bước:

- Bước 1: thực hiện thảo luận nhóm trực tiếp với một nhóm giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện CNBCVT. Mỗi giảng viên tham gia thảo luận sẽ nhận một bản thảo để theo dõi, nêu ý kiến trao đổi và ghi chép các ý kiến của mình trực tiếp lên bản thảo. Tác giả tiến hành phân tích và tổng hợp các ý kiến góp ý tại các bản thảo, thu được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên (Bảng 2) và thang đo nháp của các yếu tố. Kết thúc bước 1, tác giả xây dựng bản thảo (thứ hai) cho bước tiếp theo.

- Bước 2: thực hiện phỏng vấn sâu bốn nhóm sinh viên của Khoa Quản trị Kinh doanh, Học viện CNBCVT (nhóm sinh viên năm nhất, năm hai, năm ba và năm tư) bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Các sinh viên tham gia phỏng vấn đều được gửi bản thảo (thứ hai) các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên và thang đo nháp của chúng. Với hình thức trực tiếp, tác giả nhận lại các bản thảo đã được mỗi sinh viên ghi lại ý kiến của mình; còn với hình thức trực tuyến, tác giả tự ghi chép lại ý kiến của các sinh viên và tổng hợp, thông báo lại với nhóm trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn.

Kết quả của việc phân tích, tổng hợp các ý kiến thu được ở bước 2 là mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên (Hình 1) và thang đo của các yếu tố (Bảng 3).

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2: Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên

Nhóm yếu tố liên quan đến

sinh viên, gia đình - xã hội và bạn bè

Nhóm yếu tố liên quan đến

giảng viên và nhà trường

Động cơ học tập

Kiên định học tập

Phương pháp học tập

Năng lực sinh viên

Gia đình- Xã hội

Bạn bè

Phương pháp giảng dạy

Năng lực giảng viên

Phương pháp đánh giá kết quả học tập

Chương trình đào tạo

Quản lý đào tạo

Cơ sở vật chất của nhà trường

Nguồn: Tác giả tổng hợp sau thảo luận nhóm với giảng viên

Kết quả nghiên cứu định tính ở bước 2:

- Nội hàm của các khái niệm “Động cơ học tập” và “Kiên định học tập” phù hợp với khái niệm “Thái độ học tập” - cách ứng xử của sinh viên đối với các vấn đề, tình huống trong học tập, hay nhận thức, niềm tin, tình cảm và hành vi học tập (Đỗ Thị Mỹ Trang, Đỗ Mạnh Cường và Đoàn Thị Huệ Dung, 2019). Do đó, hai khái niệm nghiên cứu “Động cơ học tập” và “Kiên định học tập” được hợp thành khái niệm “Thái độ học tập”.

- Một số khái niệm được hoàn thiện thang đo, một số khái niệm có thang đo được giữ nguyên như thang đo nháp.

Hình: Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên

Đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên
Nguồn: Tác giả đề xuất

Bảng 3: Thang đo các khái niệm nghiên cứu của mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên

Khái niệm nghiên cứu

Thang đo khái niệm nghiên cứu

Kết quả học tập

1. Tôi đã gặt hái nhiều kiến thức từ các môn học.

2. Tôi đã phát triển nhiều kỹ năng từ các môn học.

3. Tôi tin rằng có thể ứng dụng các kiến thức và kỹ năng đã học được từ các môn học vào công việc sau này.

4. Kiến thức và kỹ năng thu nhận được từ các môn học giúp tôi tự tin về khả năng tìm việc sau khi ra trường.

Thái độ học tập

1. Tôi tập trung học tập để có nhiều cơ hội việc làm và cơ hội phát triển bản thân trong tương lai.

2. Tôi cố gắng học tập để có khả năng giúp đỡ gia đình tôi sau này.

3. Tôi tập trung hết mình cho việc học tập.

4. Tôi luôn cam kết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành việc học tập tại trường.

5. Tôi sẵn sàng đối phó với những thách thức trong học tập.

Phương pháp học tập

1. Tôi tự lập thời gian biểu cho việc học tập.

2. Tôi tìm hiểu mục tiêu môn học trước khi môn học bắt đầu.

3. Tôi chủ động đọc các tài liệu môn học do giảng viên hướng dẫn.

4. Tôi chuẩn bị bài đầy đủ trước khi đến lớp.

5. Tôi ghi chép bài đầy đủ theo cách hiểu của mình.

6. Tôi tích cực tham gia phát biểu và thảo luận trong giờ học.

7. Tôi thường xuyên thảo luận và học nhóm với bạn bè ngoài giờ lên lớp.

8. Tôi thường xuyên trao đổi hoặc tranh luận với giảng viên về nội dung môn học.

9. Tôi thường xuyên tự đánh giá kết quả học tập của mình để điều chỉnh việc học tập cho phù hợp.

Năng lực

sinh viên

1. Tôi dễ dàng tiếp thu kiến thức môn học.

2. Tôi dễ dàng hoàn thành các yêu cầu và nhiệm vụ của môn học.

3. Tôi luôn tìm được phương pháp học tập phù hợp với từng môn học.

4. Tôi có khả năng tự học (tự tìm tài liệu môn học, tự nghiên cứu nội dung môn học).

5. Tôi có kỹ năng quản lý thời gian để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

6. Tôi có khả năng chịu đựng những áp lực trong học tập.

Gia đình - Xã hội

1. Gia đình tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cho việc học tập của tôi.

2. Gia đình thường xuyên động viên tôi hoàn thành chương trình học tập.

3. Gia đình thường xuyên quan tâm đến kết quả học tập của tôi.

4. Gia đình là tấm gương giúp tôi phấn đấu trong việc học tập.

5. Việc tham gia các hoạt động đoàn thể - xã hội ảnh hưởng đến thời gian học tập của tôi.

6. Việc đi làm thêm để trang trải các chi phí cho cuộc sống ở thành phố ảnh hưởng đến thời gian học tập của tôi.

Bạn bè

1. Bạn bè sẵn sàng trao đổi kiến thức môn học khi tôi cần.

2. Bạn bè động viên, giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn trong học tập.

3. Bạn bè tạo áp lực để tôi phấn đấu trong học tập.

4. Sự gắn kết với bạn bè tạo ra môi trường học tập thân thiện.

Phương pháp giảng dạy

1. Giảng viên cung cấp đầy đủ tài liệu môn học.

2. Giảng viên kết hợp linh hoạt các phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại.

3. Giảng viên sử dụng kết hợp linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau để tăng độ chính xác trong đánh giá kết quả học tập.

4. Giảng viên khuyến khích sinh viên nêu câu hỏi và bày tỏ quan điểm về các vấn đề của môn học.

5. Giảng viên sẵn sàng giải đáp các thắc mắc liên quan đến nội dung của môn học.

6. Giảng viên chú trọng bồi dưỡng sinh viên năng lực tự học, tự nghiên cứu.

7. Giảng viên đối xử với sinh viên công bằng và tôn trọng sinh viên.

8. Giảng viên sẵn sàng giúp đỡ khi sinh viên gặp khó khăn trong học tập.

Năng lực giảng viên

1. Giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp với môn học giảng dạy.

2. Giảng viên có phương pháp truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu.

3. Giảng viên sử dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ hỗ trợ giảng dạy.

4. Giảng viên nhiệt tình, có thái độ tích cực trong giảng dạy.

5. Giảng viên có khả năng kết nối với sinh viên và giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh với sinh viên.

Chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo có nội dung phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

2. Chương trình đào tạo có thời lượng phù hợp.

3. Phân bổ kiến thức giáo dục đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành phù hợp giữa các học kỳ và năm học.

4. Kiến thức và kỹ năng thu được trong các môn học đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp.

5. Chương trình đào tạo phân bổ thời lượng và hình thức cung cấp kiến thức thực tế cho sinh viên một cách phù hợp.

Phương pháp đánh giá kết quả học tập

1. Hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên là phù hợp.

2. Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên đảm bảo tính công bằng.

3. Nội dung đánh giá kết quả học tập của sinh viên phù hợp với nội dung và mục tiêu của mỗi học phần.

4. Điểm số mỗi bài kiểm tra, bài thi phản ánh chính xác với kiến thức và kỹ năng sinh viên thu nhận được ở mỗi học phần.

5. Phân bổ tỷ trọng các đầu điểm thành phần và điểm thi cuối kỳ là phù hợp.

Quản lý đào tạo

1. Công tác quản lý đào tạo có quy trình rõ ràng và hỗ trợ tốt cho sinh viên trong quá trình học tập.

2. Các thủ tục hành chính liên quan đến sinh viên được giải quyết nhanh và chính xác.

3. Các thông báo liên quan đến quá trình dạy học được gửi đến sinh viên đầy đủ và kịp thời qua các kênh phù hợp.

4. Sinh viên dễ dàng tìm được các thông tin liên quan đến quá trình học tập qua các kênh thông tin phù hợp.

5. Mức độ cảnh báo về tình hình học tập của sinh viên được thực hiện thường xuyên.

6. Cuối mỗi học kỳ, nhà trường có thu thập ý kiến phản hồi của sinh viên về chương trình đào tạo và chất lượng giảng dạy của giảng viên.

Cơ sở vật chất của nhà trường

1. Cơ sở vật chất của nhà trường (tòa nhà, các phòng học, nhà xe…) đáp ứng yêu cầu của quá trình học tập.

2. Các phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ quá trình dạy học.

3. Hệ thống mạng internet của trường được kết nối đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin phục vụ cho việc học tập của sinh viên.

4. Tài liệu, giáo trình các môn học đáp ứng yêu cầu học tập.

5. Thư viện nhà trường có nguồn tài liệu phong phú và dễ tiếp cận.

Nguồn: Tác giả đề xuất

Thảo luận kết quả nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên và thang đo của chúng cũng như thang đo “Kết quả học tập” thu được ở nghiên cứu này là kết quả của việc phân tích, tổng hợp từ nhiều nghiên cứu và trải qua nhiều bước nghiên cứu tại bàn, thảo luận, phỏng vấn nhóm… Có thể coi đây là mô hình nghiên cứu tổng quát làm cơ sở cho giai đoạn nghiên cứu định lượng với một phạm vi nghiên cứu cụ thể phụ thuộc vào nhu cầu của các nhóm nhà nghiên cứu hoặc nhà quản lý.

KẾT LUẬN

Có nhiều nghiên cứu các yếu tố yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên đã được công bố. Các mô hình nghiên cứu được giới thiệu rất đa dạng về số lượng yếu tố ảnh hưởng và thang đo của mỗi yếu tố. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu và thực hiện các phương pháp nghiên cứu định tính, tác giả đã phân tích, tổng hợp và đề xuất mô hình nghiên cứu tổng quát với 11 các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên (kèm theo thang đo của chúng):

- Các yếu tố liên quan đến sinh viên, gia đình - xã hội và bạn bè gồm 5 yếu tố: (1) Thái độ học tập, (2) Phương pháp học tập, (3) Năng lực sinh viên, (4) Gia đình - Xã hội, (5) Bạn bè.

- Các yếu tố liên quan đến giảng viên và nhà trường gồm 6 yếu tố: (1) Phương pháp giảng dạy, (2) Năng lực giảng viên, (3) Phương pháp đánh giá kết quả học tập, (4) Chương trình đào tạo, (5) Quản lý đào tạo, (6) Cơ sở vật chất của nhà trường.

Tùy theo nhu cầu của các nhóm nhà nghiên cứu hoặc nhà quản lý, mô hình này là điểm xuất phát cho giai đoạn nghiên cứu định lượng với một phạm vi nghiên cứu cụ thể nào đó. Kết quả nghiên cứu định lượng (bằng phân tích hồi quy bội sau khi đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích nhân tố khám phá) sẽ chỉ ra các yếu tố thực sự có ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả học tập của sinh viên. Kết quả này là cơ sở để các nhà nghiên cứu và nhà quản lý giáo dục đưa ra các chính sách nhằm nâng cao kết quả học tập cho sinh viên./.

Tài liệu tham khảo

1. Ali S., Zubair H., Fahad M., et al. (2013). Factors Contributing to the Students Academic Performance: A Case Study of Islamia University Sub-Campus, American Journal of Educational Research, 1(8), 283–289.

2. Đinh Thị Hóa, Hoàng Thị Ngọc Điệp, Lê Thị Kim Tuyên (2018). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên khoa kinh tế trường đại học Đồng Nai, Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, Số 11-2018, 18-29.

3. Đinh Thùy Trâm (2018). Nghiên cứu mối quan hệ giữa năng lực giảng viên và kết quả học tập của sinh viên trong bối cảnh giáo dục đại học ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Tập 15, Số 10 (2018), 47-53.

4. Đỗ Thị Mỹ Trang, Đỗ Mạnh Cường và Đoàn Thị Huệ Dung (2019). Đánh giá sự thay đổi thái độ học tập của sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, HNUE Journal of Science, Volume 64, Issue 4, 51-66.

5. Farooq M. S., Chaudhry A. H., Shafiq M., and Berhanu G. (2011), Factors affecting students’ quality of academic performance: A case of secondary school level, Journal of Quality and Technology Management, 7 (2011), 1–14.

6. Kyriakides L., Christoforou C., & Charalambous C. Y. (2013). What matters for student learning outcomes: A meta-analysis of studies exploring factors of effective teaching, Teaching and Teacher Education, 36 (2013), 143–152.

7. Lastri, Sri Kartikowati, Sumarno (2020). Analysis of Factors that Influence Student Learning Achievement, Journal of Educational Sciences, Vol.4, No.3 (July 2020), 679-693.

8. Lê Đình Hải (2016). Ứng dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá trong việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Lâm nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, số 2 - 2016, 142-152.

9. Mejia-Rodriguez A.M. & Kyriakides L. (2022). What matters for student learning outcomes? A systematic review of studies exploring system-level factors of educational effectiveness, Review of Education, truy cập từ <https://bera-journals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/rev3.3374>

10. Nguyen T. D., Shultz C. J., & Westbrook M. D. (2012). Psychological Hardiness in Learning and Quality of College Life of Business Students: Evidence from Vietnam, Journal of Happiness Studies, 13(6), 1091-1103.

11. Nguyen T. T. M., & Nguyen T. D. (2010). Determinants of learning performance of business students in a transitional market, Quality Assurance in Education, 18(4), 304-316.

12. Nguyễn Thị Như Quỳnh (2020). Xác định yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phương pháp học tập tích cực của sinh viên khóa 16DDS Khoa Dược, Đại học Nguyễn Tất Thành, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Nguyễn Tất Thành, Số 12, 84-94.

13. Phan Thị Hồng Thảo, Nguyễn Huyền Trang, Nguyễn Thu Hà (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên: Nghiên cứu trường hợp tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, Số 219- Tháng 8.2020, 69-80.

14. Phan Quốc Tấn (2020). Ảnh hưởng của tính kiên định đến kết quả học tập của sinh viên: Vai trò trung gian của động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập, Tạp chí Công thương, truy cập từ <https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/anh-huong-cua-tinh-kien-dinh-den-ket-qua-hoc-tap-cua-sinh-vien-vai-tro-trung-gian-cua-dong-co-hoc-tap-va-chat-luong-song-trong-hoc-tap-74330.htm>

15. Quốc hội (2019). Luật Giáo dục, ban hành theo Quyết định số 43/2019/QH14 ngày 14-6-2019.

16. Trịnh Thị Hạnh và Phạm Thị Thanh Nhàn (2021). Tác động của môi trường học tập đến kết quả học tập tiếng Anh của sinh viên bậc đại học – chương trình chất lượng cao tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Tạp chí khoa học- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Khoa học Giáo dục, Số 66, Tập 3, 134-143.

17. Vuong, Q. H. (2023). Mindsponge [NMH2] Theory. Walter de Gruyter GmbH.

Ngày nhận bài: 10/5/2024; Ngày phản biện: 25/5/2024; Ngày duyệt đăng: 02/6/2024