Đến năm 2020, Bộ Công Thương sẽ xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều nay (17/10), ông Dương Duy Hưng cho biết, sau gần 2 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2016/QH14 và hơn 1 năm Thủ tướng ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, đến nay cả 12 dự án đều có những chuyển biến tích cực.
Theo ông Dương Duy Hưng, đối với 6 dự án trước đây sản xuất kinh doanh thua lỗ, đã có 2 nhà máy hoạt động ổn định và có lãi là dự án DAP 1 Hải Phòng (8 tháng đầu năm nay lãi 147,68 tỷ đồng); dự án Nhà máy thép Việt Trung (lãi hơn 527,4 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm).
DAP 1 Hải Phòng lãi 147,68 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm
Các dự án còn lại, nhất là 4 dự án của VINACHEM gồm: DAP Lào Cai, Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc đã vận hành ổn định, tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Đáng chú ý có những dự án đã gặp khó khăn tưởng chừng không vượt qua được như: Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đã có thể kỳ vọng năm 2018 cơ bản xử lý được khó khăn, vướng mắc.
Đối với nhóm 3 nhà máy được đầu tư lớn, nhưng phải dừng sản xuất (PVTEX Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Dương), thì đến tháng 4/2018, một số dây chuyền sản xuất của PVTEX Đình Vũ đã đi vào sản xuất và cho ra sản phẩm chất lượng. Tới đây, PVTEX Đình Vũ sẽ tiếp tục vận hành toàn bộ dây chuyền và nhà máy.
“Đặc biệt, hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Dương cũng như giấy Phương Nam trước đây gặp nhiều khó khăn, không khởi động lại được, nhưng đến nay nhiều vấn đề đã được giải quyết, xử lý để sẵn sàng khởi động khi điều kiện thị trường thuận lợi”, ông Hưng cho hay.
Cũng theo ông Hưng, sau quá trình vận hành trở lại, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này đều giảm và đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm 31/01/2018.
Việc xử lý các dự án không những đảm bảo nguyên tắc không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, mà còn đảm bảo nguyên tắc thị trường và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, thu hồi cho ngân sách 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi.
Đại diện Bộ Công Thương nhận định, vấn đề khó khăn nhất liên quan tới xử lý thua lỗ của 12 dự án này là xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án. Đây là khâu rất phức tạp bởi đến thời điểm này, vẫn còn 8 dự án có vướng mắc./.
Bình luận