DN châu Âu tiếp tục lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam
Cụ thể, có đến 71,5% đại diện doanh nghiệp châu Âu mô tả tình hình kinh doanh hiện tại của họ là "xuất sắc" và "tốt". Chỉ có 5,5% phản hồi tình trạng hiện tại của thị trường là "không tốt", rất ít doanh nghiệp phản hồi là "rất xấu".
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, triển vọng kinh doanh cho quý tiếp theo của các doanh nghiệp là rất tích cực: 16,5% phản hồi là "tuyệt vời" và 64,2% là "tốt", chỉ có 2,7% phản hồi là tiêu cực.
Liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong quý tiếp theo, các doanh nghiệp thành viên EuroCham tin tưởng rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng tiếp tục, với gần 60% số lượng phản hồi là "ổn định và cải thiện". Chỉ có 4,6% doanh nghiệp phản hồi dự đoán sẽ suy giảm. Số lượng phản hồi “Không thay đổi” tăng 3,2% so với quý trước, đạt mức 40%.
42% số lượng các doanh nghiệp dự định sẽ duy trì lực lượng lao động. Mặt khác, khoảng 52% doanh nghiệp phản hồi dự định tăng số lượng lao động, trong đó khoảng 16% cho sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần. Số lượng doanh nghiệp thể hiện ý định giảm lao động chiếm 2,8%.
80% doanh nghiệp châu Âu có ý định tiếp tục duy trì hoặc tăng thêm vốn đầu tư
|
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát có ý định duy trì mức độ đầu tư trong nước, chiếm khoảng 41% trong tổng số. Tuy nhiên, số lượng phản hồi dự định tăng mức đầu tư cũng không thua kém, chiếm 39% tổng số và 17% dự định tăng mức đầu tư. Số lượng doanh nghiệp phản hồi thoái vốn rất giới hạn, chưa đến 1%, giảm đáng kể so với 7% của quý trước.
Nhận xét về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu, Chủ tịch EuroCham, ông Michael Behrens cho rằng, các kết quả quý III/2016 cho thấy, các doanh nghiệp hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại và kỳ vọng tích cực trong tương lai gần.
“Cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường Việt Nam và các hoạt động kinh doanh trong nước, kết quả khảo sát không khác biệt đáng kể so với quý trước. Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam vốn được mong đợi sẽ củng cố mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của châu Âu tại Việt Nam”, ông Behrens chia sẻ.
Một trong những lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp châu Âu quan tâm hiện tại là nguồn năng lượng sạch và tái tạo trong hoạt động kinh doanh. Gần 80% số doanh nghiệp được hỏi đều khẳng định tầm quan trọng của nguồn năng lượng sạch và tái tạo.
Chủ tịch Ủy ban Ngành Tăng trưởng Xanh thuộc EuroCham ông Tomaso Andreatta cũng nhận định: “Kết quả cho thấy, các đại diện doanh nghiệp thành viên EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát BCI quý thứ 3 năm 2016 đồng ý rằng sự sẵn có của nguồn năng lượng sạch và tái tạo là quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam”.
Theo ông Andreatta, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định về năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện nay chưa có “Luật cho ngành Năng lượng tái tạo” để điều phối sự phát triển của ngành này.
Mặc dù chúng tôi rất hoan nghênh các mục tiêu đã được điều chỉnh trong Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011–2020 có xét đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII) vẫn cần lưu ý rằng, chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển năng lượng tái tạo. Một số quy định riêng lẻ đã được ban hành cho các ngành năng lượng gió, thủy điện và rác thải thành năng lượng nhưng chưa có quy định nào cho ngành năng lượng mặt trời hiện đang trong quá trình thảo luận”, ông Andreatta cho biết./.
Bình luận