DN FDI ít quan tâm đến việc tăng giá điện
Được sự hỗ trợ của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Ủy ban Tăng trưởng Xanh (EuroCham GGSC) và Viện Quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) vừa hoàn thành một nghiên cứu đánh giá quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài đối với giá cả và nguồn cung năng lượng tại Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn sâu với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và khảo sát 150 công ty thông qua Văn phòng Hợp tác nước ngoài thuộc Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh tại Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Việt Nam.
Về khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các doanh nghiệp FDI không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì giá năng lượng thấp.
Thực tế, các doanh nghiệp xếp hạng giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam. Các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là: chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ.
Khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng của giá năng lượng trong quyết định đầu tư (với thang điểm tăng dần từ 1 đến 10), 72% các công ty tham gia cho điểm từ 5 trở xuống.
Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài không lo ngại lắm về việc giá năng lượng đang có xu hướng tăng dần. Điều này một phần có thể do các công ty nước ngoài tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho điện.
Nghiên cứu cho thấy, 90% công ty nước ngoài trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng chi phí hoạt động cho điện; 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%.
Đa số các công ty tham gia khảo sát cho biết, họ sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện danh nghĩa hàng năm ở mức 15%, hoặc hơn trước khi cân nhắc lại các ý định đầu tư trong tương lai và trên 65% các công ty có thể chấp nhận được mức tăng giá điện 10% mỗi năm.
Với kết quả này, EuroCham GGSC và IISD khuyến nghị, Chính phủ nên mạnh dạn hơn trong việc tăng giá năng lượng đối với các công ty công nghiệp lớn và không phải lo lắng rằng làm như vậy sẽ gây ra phản ứng ngược bất lợi cho thu hút đầu tư quốc gia.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến sự bất cập về nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khía cạnh sẵn có và độ tin cậy hơn là khía cạnh giá.
Có tới 65% các công ty cho biết, họ cũng cảm thấy không thỏa mãn với hạ tầng cung cấp năng lượng. 2/3 các công ty tiết lộ, họ sử dụng hệ thống phát điện dự phòng của riêng mình.
Ngoài ra, phần lớn (73%) các công ty cho rằng, việc không có đủ độ tin cậy về khả năng cung cấp năng lượng là yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam hơn là yếu tố giá năng lượng theo thời gian.
“Đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng do đó là yếu tố ưu tiên trong chính sách năng lượng của Việt Nam, cùng với đó là các kế hoạch dài hạn hướng đến sử dụng năng lượng điện xanh hơn”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, EuroCham GGSC và IISD cũng khuyến nghị rằng, điều này sẽ chỉ xảy ra với nếu mức thuế được ấn định cao hơn (để tạo thêm nguồn vốn đầu tư cho Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam), khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân và một môi trường pháp lý cho sự phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cần thu hút đầu tư tư nhân tham gia thị trường năng lượng, nhất là trong việc đảm bảo nguồn cung điện cho Việt Nam trong tương lai.
Cụ thể, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng được cho nhu cầu năng lượng ngày càng cao và năng lượng gió là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng cho các đường ống rộng (4,4 GW) của các dự án đã đăng ký và chính sách hỗ trợ hiện tại của Chính phủ (mặc dù hiện chưa đầy đủ).
“Tuy nhiên, một lần nữa, điều này yêu cầu mức thuế cao hơn, khuyến khích các hình thức đầu tư tư nhân, và một môi trường pháp lý mới cho đầu tư. Chính phủ nên ưu tiên thực hiện hành động để đạt được 3 kết quả trên”, EuroCham GGSC và IISD cũng chỉ rõ./.
Bình luận