DN và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chính thức được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay
Miễn giảm lãi và phí trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Trao đổi với tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 12/3/2020 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin tới báo chí tại buổi họp chiều ngày 13/2
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ khi có dịch, ngành ngân hàng đã có những biện pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn như giảm lãi vay, khoanh nợ cho khách hàng.
Chính vì thế, Phó Thống đốc khẳng định, tinh thần và quan điểm của Thông tư là tạo các điều kiện, cơ chế thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp.
Thông tư cũng đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Việc Ngân hàng Nhà nước để các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp là bởi, là người quyết định cho vay, các tổ chức tín dụng nắm rõ nhất việc cơ cấu như thế nào, tác động tới các kế hoạch tài chính của ngân hàng và các vấn đề khác liên quan.
Đó cũng là điểm khác biệt so với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian trước đây, cụ thể hướng dẫn mới có quy định linh hoạt và đồng bộ hơn gói hỗ trợ cấp bù lãi suất hồi năm 2009.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, dù phân quyền cho các tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ, các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện, điều này thể hiện ở Điều 8 trong Thông tư.
“Như vậy các quy định trong Thông tư được thiết kế linh hoạt hơn, đề cao tính tự quyết định và chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, tránh việc gò bó nhiều về các điều kiện, nhưng vẫn bảo đảm hỗ trợ đến đúng địa chỉ, tránh lợi dụng trong việc nhận hỗ trợ”, ông Đào Minh Tú đánh giá.
Phải ban hành quy định nội bộ tránh hiện tượng trục lợi chính sách
Ông Tú cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, các tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thực hiện, tránh hiện tượng trục lợi chính sách.
Về phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Thông tư quy định, phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và lãi vay. Điều kiện được cơ cấu lại phải đáp ứng đủ 3 điều kiện.
Cụ thể là: phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh Covid-19; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch bệnh Covid-19.
Về miễn giảm lãi và phí, theo ông Du, các tổ chức tín dụng quyết định miễn, giảm lãi và phí đối với khoản vay, trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Khoản vay được miễn giảm lãi phải có thời hạn trả nợ gốc hoặc lãi trong thời gian từ ngày 23/01 đến ngày liền kề sau 3 tháng Thủ tướng công bố hết dịch này. Cùng với điều kiện khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do bị suy giảm doanh thu, thu nhập do dịch Covid-19.
Về việc giữ nguyên nhóm nợ, tại Thông tư, ông Du cho biết Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay.
Để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi, theo ông Tú, các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Chẳng hạn, tổ chức tín dụng phải tự xây dựng tiêu chí, phân công cán bộ xem xét, giám sát việc thực hiện chính sách này.
Đang nghiên cứu để hạ một số lãi suất điều hành
Đặc biệt, để chia sẻ với khách vay, Phó Thống đốc Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để hạ một số lãi suất điều hành, như: lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn thấp hơn cho vay ra thị trường. Mức giảm đang được tính toán và sẽ trong một thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo Trung tâm thông tin tín dụng tiếp tục giảm 50% phí thanh toán cho các tổ chức tín dụng và các thành viên tham gia. Thời gian vừa qua, mức phí này cũng đã giảm 50%.
Tới đây, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia cũng tiếp tục giảm phí thanh toán. Đây là chính sách giúp các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để lấy khoản đó giảm cho khách hàng./.
Bình luận