Doanh nghiệp an ninh cần chủ động trong việc huy động vốn xã hội
Nỗ lực vươn lên
Trước tác động của kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp tiếp tục phải giải thể, phá sản, hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài, nhưng các doanh nghiệp an ninh của Bộ Công an đã có những nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, phát triển kinh doanh, bảo toàn vốn tại doanh nghiệp, thực hiện tốt chính sách người lao động, các chi tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách đảm bảo, không có doanh nghiệp thua lỗ, không để công nhân phải nghỉ việc, thất nghiệp.
Theo báo cáo của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an hiện nay có 9 doanh nghiệp với 3.585 lao động, trong đó có 344 đồng chí là biên chế công an (không tính lao động của Gtelmobile).
Các doanh nghiệp an ninh của Bộ Công an sau khi sắp xếp, tổ chức lại, các doanh nghiệp Bộ Công an hiện nay chỉ tập trung vào các ngành nghề đã được
Kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2014 có sự chuyển biến đáng kể cả về doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho người lao động. Tổng doanh thu đạt 2.019.997 triệu đồng, tăng 223.747 triệu đồng, tỷ lệ tăng 12,46% so với năm 2013.
Thu ngân sách đạt 71.805 triệu đồng, tăng 4.348 triệu đồng, tỷ lệ tăng 2,82% so với năm 2013. thu nhập bình quân của người lao động đạt 7.000.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp ngày càng công khai, minh bạch, doanh nghiệp làm tốt hơn vai trò nòng cốt, dẫn dắt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công ích, phục vụ an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp an ninh của Bộ Công an sau khi sắp xếp, tổ chức lại theo Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã có sự đổi mới cơ bản, đúng hướng; tổ chức bộ máy gọn nhẹ, chức năng, nhiệm vụ và ngành nghề hoạt động đã tập trung vào ngành nghề chính là chủ yếu sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân, công tác cán bộ được kiện toàn.
Việc đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích trực tiếp phục vụ ngành Công an cho các doanh nghiệp an ninh đã được thực hiện, mặc dù còn hạn chế những đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bùi Văn Thành trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong khối Doanh nghiệp công an nhân dân
Song, khó khăn, thách thức còn nhiều
Tuy nhiên, việc sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp kéo dài do ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập so với quy định của Chính phủ. Do đó đến nay chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các doanh nghiệp đã được sửa đổi, kiện toàn nhưng vẫn còn nhiều đầu mối, nhiều ngành nghề, bộ máy chưa tinh gọn.
Một số doanh nghiệp không được đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, phải cạnh tranh, tìm kiếm việc làm nên phần nào cũng tác động tâm lý, tư tưởng đối với các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp an ninh là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít do vậy không có khả năng để đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, không có năng lực tài chính để thực hiện các hợp đồng lớn, năng lực sản xuất thấp, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của thị trường.
Tổng số vốn điều lệ hiện có của 8 doanh nghiệp an ninh hiện nay là 700 tỷ đồng, dự tính thiếu khoảng 750 tỷ đồng. do vậy các doanh nghiệp không có khả năng để tự đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nên máy móc thiết bị, công nghệ hiện nay là chưa được đầu tư cơ bản, do vậy, không có khả năng sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao.
Đội ngũ cán bộ quản lý và trình độ công nhân ở các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, năng lực hạn chế, lực lượng lao động tay nghề thấp, số lượng công nhân lành nghề chỉ chiếm 20%-30%.
Trung tướng Lê Văn Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật cũng nêu rõ, một số doanh nghiệp chưa tập trung cho sản xuất sản phẩm có uy tín, sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm có thương hiệu của doanh nghiệp; chưa hoạch định rõ ràng mục tiêu, chiến lược sản xuất, kinh doanh qua từng thời kỳ, việc nghiên cứu đề xuất phát triển đầu tư sản xuất còn manh mún, phân tán, nhỏ lẻ, thụ động, chỉ trông chờ vào cơ quan quản lý cấp trên, chưa hoàn toàn chủ động tìm kiếm thị trường, đối tác…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá cao trước những kết quả các doanh nghiệp an ninh đạt được khi quy mô doanh nghiệp còn khá nhỏ, số lượng còn ít. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, tổng doanh thu đạt được năm 2014 còn khá nhỏ, phần nộp ngân sách cũng còn khiêm tốn (gần 72 tỷ đồng). Trong khi đó, nếu so sánh với sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp quốc phòng thì kết quả này còn khá khiêm tốn.
Đồng tình với những quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Bùi Văn Thành cũng chỉ ra tình trạng trùng lắp các ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp. Ví dụ như, Công ty Nam Triệu trùng lắp với ngành nghề kinh doanh cơ khí của Công ty Cơ khí ô tô Thanh Xuân.
Cần chủ động, linh hoạt, nâng cao chất lượng
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà các doanh nghiệp công an nhân dân đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh: Năm 2015, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục còn có những khó khăn, thách thức, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Công an nói riêng.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao các doanh nghiệp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Đảng ủy Công an Trung ương về phát triển công nghiệp an ninh, về đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công an theo hướng “Tập trung, thống nhất, chuyên sâu, chuyên môn hóa”. Thực hiện tốt khẩu hiệu hành động của Bộ “ Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.
Chủ động nghiên cứu, đề xuất huy động các nguồn vốn liên doanh, liên kết; triển khai Đề án đầu tư, nghiên cứu sản xuất thiết bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng công an nhân dân giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực, kinh nghiệm quản trị; chủ động tìm kiếm việc làm, đối tác kinh doanh; đối mới công nghệ, thiết bị, đổi mới cách nghĩ, cách làm…phấn đấu để sản xuất được các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, giá thành hợp lý.
Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp trong công an nhân dân để tham mưu giúp lãnh đạo Bộ xây dựng phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý có trách nhiệm cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ổn định và phát triển phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đóng góp ý kiến để xây dựng các doanh nghiệp an ninh đứng vững trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, “các doanh nghiệp cần xem lại, ngành gì mà chúng ta không làm thì xã hội không thể có được, không làm thì có ảnh hưởng đến an ninh không, từ đó, mới có thể xác định, tập trung vào những ngành nghề kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm…”.
Bên cạnh đó, vì vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các doanh nghiệp an ninh cần chủ động trong việc huy động vốn xã hội, “cái gì thực sự phải giữ để đảm bảo an ninh thì giữ, còn lại có thể xã hội hóa”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Nhấn mạnh rằng, trong thời buổi hội nhập, muốn tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi môi trường kinh doanh của Việt Nam phải minh bạch, đặc biệt, chính phủ nào cũng cần công khai về các doanh nghiệp quốc phòng an ninh, đòi hỏi phải có sự công bằng giữa doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp tư nhân./.
Bình luận