Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dùng công nghệ để giải bài toán kinh tế - xã hội
Theo dư thảo, định hướng phát triển tập trung vào 4 loại hình công nghệ số Việt Nam, gồm: Nhóm 1- Doanh nghiệp phát triển công nghệ cốt lõi; Nhóm 2- Doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số; Nhóm 3- Doanh nghiệp triển khai giải pháp công nghệ số; Nhóm 4- Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.
Phát triển doanh nghiệp công nghệ số dựa trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ nhà nước và xã hội, trong đó, nguồn lực nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, nguồn lực xã hội đóng vai trò chủ chốt. Đồng thời, Nhà nước chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang hỗ trợ sản phẩm đầu ra để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dùng công nghệ để giải bài toán kinh tế - xã hội của Việt Nam, khai thác thị trường trong nước, lấy thị trường trong nước là cái nôi để phát triển ra thị trường quốc tế; phát triển theo định hướng chiến lược Make in Viet Nam, phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác, nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, quản trị nhà nước theo mô hình dựa trên hiệu quả, quản lý rủi ro. Tăng cường thí điểm những sản phẩm mới, công nghệ mới và thử nghiệm chính sách có kiểm soát để triển khai các mô hình kinh doanh mới dựa trên những sản phẩm công nghệ đột phá…
Dự thảo cũng đề ra mục tiêu, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tạo ra sự thay đổi bước ngoặt về thứ hạng của Việt Nam bằng công nghệ số, qua đó, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế; đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong các doanh nghiệp của nền kinh tế, đóng góp chủ lực vào tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế số; phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ số tận dụng hiệu quả các công nghệ chủ chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, sản phẩm, giải pháp công nghệ số của Việt Nam có mặt trên các thị trường lớn của thế giới.
Theo đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: phát triển 70.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,2 triệu nhân lực công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng trưởng bình quân từ 10%-20%/năm; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 10% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN và top 70 trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số; phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp thực hiện, đó là: (1) Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; (2) Đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong; (3) Hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; (4) Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số tiên tiến; (5) Đổi mới mô hình phát triển nhân lực, phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số; (6) Hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số./.
Bình luận