Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi xanh để đón dòng tài chính xanh và hướng đến mục tiêu phát thải ròng Net-zero
Trong bối cảnh tiếp nối những cam kết đổi mới của cộng đồng toàn cầu đối với Thỏa thuận Paris tại COP28 tổ chức tại Dubai năm 2023, cùng với những nỗ lực tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua việc ban hành và triển khai những khuôn khổ pháp lý quan trọng, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp về “Chuyển đổi xanh, Tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050” ngày 11/4.
Hội thảo Doanh nghiệp về “Chuyển đổi xanh, Tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050” |
Đây là sự kiện trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dự án SPI-NDC)”. Diễn đàn doanh nghiệp lần này nhằm chia sẻ đến các doanh nghiệp những thông tin cập nhật nhất về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net-zero, cũng như thảo luận về các cơ hội cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Phát triển bền vững là điều kiện tiên quyết nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện VCCI, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, nhấn mạnh “chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã không còn là một “chiếc áo thời trang” để làm đẹp cho doanh nghiệp nữa, mà nó đã trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.” Cũng theo ông Huy, một trong những ưu tiên hành động của VBCSD-VCCI trong thời gian tới là xây dựng và vận hành các nhóm công tác về Chuyển đổi xanh, ESG và Tài chính xanh, từ đó nhân rộng mạnh mẽ hơn các mô hình kinh doanh bền vững và đóng góp thêm các kiến nghị chính sách, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho phát triển bền vững doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VBCSD-VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo ông Huy, những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và thời tiết trong thời gian gần đây kéo theo hiện tượng khô hạn, thiếu nước, hỏa hoạn, xâm nhập mặn... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, chúng ta không còn thời gian để “chậm trễ”, cần phải hành động mạnh mẽ và “sớm nhất có thể” để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu này bằng việc cắt giảm nhanh chóng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế. Chuyển đổi xanh, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn không còn chỉ là xu thế, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc vì sự phát triển bền vững của nhân loại.
Nhìn từ góc độ kinh tế, theo Báo cáo Phát triển bền vững từ kết quả khảo sát dành cho hơn 2.000 nhà lãnh đạo toàn cầu ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi xanh” của Công ty kiểm toán Deloitte, biến đổi khí hậu đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động xảy ra liên tiếp trên toàn cầu. Đồng thời, có tới 61% các nhà lãnh đạo được khảo sát nhận định biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn/rất lớn đến chiến lược và các hoạt động của công ty trong vòng 3 năm tới.
“Khi phát triển bền vững nói chung và Net Zero nói riêng đã trở thành mục tiêu chung của nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia, mục tiêu này cũng đồng thời định hình lại các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính phủ các nước gắn với tăng trưởng xanh chặt chẽ hơn; các nước nhập khẩu hàng hóa đưa ra thêm nhiều quy định mới, yêu cầu mới có tính “xanh” hơn cho các nước xuất khẩu. Để có thể hội nhập nền kinh tế toàn cầu, gia nhập các chuỗi cung ứng bền vững, thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Đây chính là điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và quản trị”, ông Huy nhấn mạnh.
Từ cam kết Net Zero đến những hành động mạnh mẽ có thể là một hành trình dài và đầy thách thức, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Các doanh nghiệp đều nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi xanh, phát triển và thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp đòi hỏi rất nhiều cam kết, nỗ lực và đầu tư nguồn lực. Ngay cả việc thực hiện kiểm đếm phát thải các-bon theo quy định hiện hành cũng là một bài toán mới, thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng, tạo “bệ đỡ”, tạo “sân chơi” các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh xanh-bền vững, thì doanh nghiệp cũng rất cần sự chung tay, đồng hành của các bên liên quan, như các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư... thông qua việc khai thông và dẫn dòng tài chính xanh hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn... Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trên hành trình nỗ lực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Từ năm 2010, với sự ra đời của VBCSD-VCCI, các hoạt động này càng được triển khai một cách đồng bộ, mạnh mẽ và sáng tạo hơn.
Cần sự chung tay của toàn hệ thống
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng không tại COP 26, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển cac-bon thấp…
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ tại Hội thảo |
Để thực hiện các cam kết này, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bằng các hành động thiết thực. Việt Nam đã xây dựng NDC với quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030. Hiện Việt Nam đang triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, thực hiện kế hoạch JETP. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang triển khai quyết liệt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải khí nhà kính với nhiều chính sách đang sửa đổi… Thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Ngân hàng thế giới ước tính Việt Nam phải huy động nguồn lực lên đến 386 tỷ USD từ nay đến năm 2040, tương đương với GDP của gần 1 năm của VIệt Nam. Với một thách thức và nguồn lực như vậy, cần thiết sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp", ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Không đứng ngoài xu thế toàn cầu đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; thu hút các dòng tài chính xanh để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, phát triển các-bon thấp, thúc đầy kinh tế tuần hoàn; gần đây là tham gia “Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đồi năng lượng công bang” (JETP) với Nhóm các đối tác quốc tế. Với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng, kể từ sau COP26 ở Glasgow, Việt Nam đã triển khai Xây dựng và tố chức thực hiện: (1) Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) (lượng phát thải khí nhà kính giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường - với sự hỗ trợ của quốc tế); (2) Chiến lược biến đổi khí hậu; (3) Chiến lược tăng trưởng xanh; (4) Quy hoạch điện VIII tiến đến năng lượng tái tạo là chủ đạo.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện lộ trình phát triển ứng phó với biến đồi khí hậu, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Do đó, để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0’ vào năm 2050, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nộ, ngành, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò vừa là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là chủ thể quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Cơ hội của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh
Theo ông Quang, doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường các- bon. Tiếp đó, là phát triển thị trường và điểm then chốt nhất là sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh phát thải thấp để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu.
Đáng chú ý, xu hướng chuyển dịch các dòng tài chỉnh và đầu tư theo hướng xanh trở nên rõ ràng và mạnh mẽ trên thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt sau Hội nghị COP26. Tại sự kiện này, có hơn 450 các tổ chức tài chính từ 45 quốc gia đã cam kết chuyển dịch các dòng đầu tư sang hướng tài chính xanh, với tổng giá trị tài sản quản lý lên đến hàng nghìn tỷ USD. Đây sẽ là cơ hội rất lớn mà các doanh nghiệp có thể đón nhận từ việc chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Số liệu khảo sát của VCCI thực hiện với trên 10 nghìn doanh nghiệp trong cả nước cho thấy, 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn đã tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” như: Vinamilk, Vinfast, Nestle, HSBC, Unilever, Intel, Nike, Adidas, Epson, Coca-Cola..., nhờ đó các doanh nghiệp này đã bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải, cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. “Việc phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính mình, trụ vững hơn và tìm được cơ hội bứt phá. Thậm chí, việc sản xuất xanh còn tạo cơ hội để doanh nghiệp tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương”, ông Quang nhấn mạnh.
Nhiều thách thức song hành
Cùng với các cơ hội nêu trên, thì theo ông Quang, cộng đồng doanh nghiệp cũng gặp một số thách thức, đó là các thách thức có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, như tình trạng gián đoạn sản xuất, kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất để tuân thủ các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, nhân lực..., dẫn đến thay đổi lợi thế cạnh tranh nếu không có sự hướng dẫn đầy đủ và hỗ trợ tiếp cận dễ dàng về tài chính và công nghệ. Ngoài việc tuân thủ các quy định trong nước, bối cảnh thị trường quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Hiện nay, một số thị trường lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam như: Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... đang áp dụng hoặc chuẩn bị áp dụng các cơ chế điều chỉnh các-bon xuyên biên giới trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu đối với một số hàng hóa cụ thể như: thép, xi măng, hóa chất, phân bón... Vì vậy, nếu không triển khai việc giảm hàm lượng các-bon trên một đơn vị sản phẩm sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới sụt giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ozone (Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã chỉ ra một số thách thức đối với doanh nghiệp. Trong đó, tư duy hệ thống về chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Ngoài ra, tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn yếu và yếu tố “môi trường” vẫn là những điểm yếu của các quyết định phát triển. Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận, mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững. “Đặc biệt, nguồn lực dành cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn, nhưng thực tiễn doanh nghiệp lại chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên do là nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải còn hạn chế,” ông Huy cho biết.
Doanh nghiệp nâng cao năng lực sẵn sàng đón nhận vốn đầu tư Xanh
Tại Hội thảo, chuỗi bài trình bày của các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu đã cho thấy nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn, với các quy định hướng dẫn giảm phát thải khí nhà kính đang tiếp tục được cập nhật, cũng như tình hình quốc tế đang diễn ra hết sức năng động, các triển vọng trong tương lai, đồng thời cho thấy nỗ lực của khối doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các ví dụ điển hình cụ thể.
Các diễn giả cũng trao đổi tại phiên thảo luận |
Các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã cho thấy rõ vai trò và minh chứng cụ thể về những nỗ lực liên tục của cả cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm việc quản lý khử các-bon, các thực hành và công nghệ mới được áp dụng, cũng như những kết quả tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Tại phiên thảo luận, ông Fukuda Koji, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC đã nhấn mạnh vai trò và nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm mở rộng danh mục đầu tư xanh và giảm phát thải khí nhà kính đối với các khoản đầu tư/tài trợ vốn, ở cả quy mô toàn cầu và trong nước, cách tiếp cận chiến lược của các tổ chức này, nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam. Chia sẻ về cách tiếp cận chiến lược của các tổ chức này nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam, ông Fukuda Koji cho biết thêm, các tổ chức này đang cung cấp các Khoản vay xanh. Hiện, tỷ lệ dư nợ Tín dụng xanh so với tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại (tính đến tháng 9/2023) đạt khoảng 3%-10%. Trong bối cảnh hiện nay, ông Fukuda Koji khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức ESG và bền vững, để nâng cao năng lực sẵn sàng đón nhận cơ hội vốn Đầu tư xanh.
Cũng tại các phiên thảo luận, các diễn giả cũng đã tập trung trao đổi và đưa ra những thách thức thực tế và lộ trình hướng tới một môi trường chính sách tốt hơn, nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động và đầu tư tiếp theo của doanh nghiệp. Bày tỏ sự ấn tượng với những nỗ lực thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính đã được chia sẻ tại Diễn đàn, ông Naoki Ikenoya, Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định, JICA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, cũng như khu vực tư nhân, để tăng cường hiệu quả hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Các diễn giả thống nhất tái khẳng định giá trị chiến lược của các hành động về khí hậu như một nguồn năng lực cạnh tranh quốc gia trong ngành công nghiệp xanh mới nổi, cũng như giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh chuyển dịch tới phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam./.
Bình luận