Doanh nghiệp khoa học công nghệ “èo uột”: Do đâu?
Khó tiếp cận ưu đãi
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến 31/12/2017, cả nước có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao.
Đánh giá về các doanh nghiệp khoa học, công nghệ, TS. Đào Quang Thủy, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cho biết, bên cạnh những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, có khả năng thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu, thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa các sản phẩm của mình ra thị trường.
“Bởi trong thực tế, quá trình thương mại hóa các kết quả khoa học gặp nhiều rào cản, như: quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, khó thương mại hóa các sản phẩm hướng tới những đối tượng thu nhập thấp, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ…”, ông Thủy giải thích.
Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ khó khăn |
Trong khi đó, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ lại khó tiếp cận. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, ngày 19/05/2007, doanh nghiệp khoa học công nghệ muốn nhận được ưu đãi về thuế thu nhập phải đáp ứng điều kiện: Doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả khoc học công nghệ trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên, năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp khoa học công nghệ đều còn nhỏ lẻ, manh mún, tiềm lực chưa cao, không đáp ứng được điều kiện này.
Không chỉ khó tiếp cận, Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ còn cho rằng, một phần chính sách ưu đãi còn chưa đủ thu hút, một phần do các doanh nghiệp vì ngại thủ tục rườm rà, phức tạp, nên không đăng ký.
“Hiện cả nước có khoảng vài nghìn doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng không đăng kí do các chính sách ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp khoa học công nghệ còn hạn chế. Ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi của ngân hàng. Ưu đãi về đất cũng khó tiếp cận. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao cần quỹ đất lớn để triển khai nhưng hiện nhiều nơi không bố trí được”, ông Quất nói.
Tháo gỡ từ chính sách!
Trước thực trạng việc tiếp cận chính sách của doanh nghiệp khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng, thuế đất, thời gian thuê đất, bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giống vật tư - nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cho biết, các bộ, ngành cần nghiên cứu cải tiến một số thủ tục hành chính trong việc xét duyệt, thẩm định cũng như nghiệm thu các đề tài, dự án, tránh quá nhiều khâu trung gian. Đồng thời, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp khoa học công nghệ thông qua triển lãm, hội chợ; xây dựng kênh thông tin kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, môi giới công nghệ.
Còn theo ông Quất, để khích lệ các doanh nghiệp đăng kí trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong thời gian tới, các thủ tục đăng kí sẽ theo cơ chế hậu kiểm, đơn giản hơn. Theo đó, sẽ không yêu cầu doanh nghiệp chứng minh quy trình ươm tạo nhằm giúp họ giữ bí mật công nghệ.
Trước đó, tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ cuối năm 2017, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng thông tin, Bộ đang hoàn thiện Nghị định về doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
“Sắp tới, các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, các thủ tục chứng nhận loại hình doanh nghiệp này sẽ đơn giản hóa. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, các sản phẩm mà doanh nghiệp đó làm chủ, những phương án khả thi đưa vào sản xuất trong tương lai... để công nhận họ là doanh nghiệp khoa học công nghệ, giúp họ được hưởng ưu đãi”, Thứ trưởng khẳng định.
Hy vọng, với những nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tháo gỡ các vướng mắc và hoàn thiện các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, thì sắp khối doanh nghiệp này sẽ không còn “èo uột” như hiện nay, từ đó góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu là đến năm 2020 cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ./.
Tổng hợp từ:
Khánh Vy (2018). Vì sao doanh nghiệp khoa học công nghệ vẫn què quặt, truy cập từ http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Vi-sao-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-van-que-quat-482621/
Nguyễn Thành (2017). Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ: Cái khó bỏ cái khôn, truy cập từ http://enternews.vn/phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-cai-kho-bo-cai-khon-122386.html
Quỳnh Nga (2017). Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần đòn bẩy chính sách, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-can-don-bay-chinh-sach.html
Bình luận