Doanh nghiệp "tiêu hóa" vốn kém khiến tăng trưởng tín dụng thấp
Trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, theo Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này phần nào thể hiện qua từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất 4 lần vào các ngày 15/3, 3/4, 25/5 và 19/6.
Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát |
Tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,04%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73% (cùng thời điểm năm trước tăng 10,54%). Nhu cầu trong và ngoài nước thấp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, làm cho mức tăng trưởng tín dụng thấp.
Sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5-2%/năm, đến nay lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động trễ của chính sách sau khi giảm lãi suất điều hành, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Cơ cấu tín dụng cơ bản đã tập trung vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn được đảm bảo. Đến ngày 26/9/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 24.084 đồng/USD, tăng 2% so với thời điểm cuối năm 2022.
Về tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 25/9/2023, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 69.500 tỷ đồng, với hơn 1,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 309.069 tỷ đồng, tăng 26.261 tỷ đồng (tăng 9,3%) so với năm 2022. Trong đó, dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 21.019 tỷ đồng, hoàn thành 54,7% kế hoạch chương trình.
Liên quan đến định hướng điều hành lãi suất thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục duy trì với quan điểm điều hành như hiện nay và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền tệ. Lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.../.
Bình luận