Doanh nhân hiến kế tìm đầu ra cho ngành chăn nuôi lợn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty TNHH VIETGO - công ty chuyên tư vấn xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu đổi với thịt lợn Việt Nam đang còn nhiều dư địa. Chứng minh điều này, ông Việt đã thông báo trên website chính thức của Công ty về cơ hội xuất khẩu thịt lợn với số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đơn hàng này sẽ kéo dài cho đến cuối năm.
Nâng cao chất lượng thịt lợn để đẩy mạnh xuất khẩu |
Cụ thể là, phía doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập đều đặn 500 tấn thịt ba chỉ/tháng, 1.350 tấn chân trước và 1.350 tấn chân sau/tháng trong thời gian một năm. Trong đó, thịt bụng cần đạt trọng lượng từ 4.7-5.2 kg/miếng với độ dày tối thiểu 4cm, kích cỡ 25x46cm. Sản phẩm được đóng gói theo quy chuẩn: 04 miếng thịt ba chỉ/thùng carton (có lớp ngăn cách). Sản phẩm yêu cầu có chứng chỉ SGS (hoặc chứng chỉ khác tương đương).
“Thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn là thị trường lớn đối với sản phẩm thịt lợn của Việt Nam, với hơn 1,3 tỷ dân, mức tiêu thụ khoảng 51-57 triệu tấn/năm. Ngoài ra, nước này cũng đang phải nhập khẩu hàng triệu tấn thịt lợn mỗi năm từ các nước trên thế giới. Tiêu chuẩn xuất khẩu thịt vào thị trường Trung Quốc cũng thấp hơn các thị trường khác nên dễ vào và có thể đàm phán được. Dù vậy, hiện nay chúng ta vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng từ thị trường này”, ông Việt nói.
Bên cạnh đó, doanh nhân này cũng cho rằng, ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều thị trường khác, như: Hàn Quốc, ASEAN cũng có nhu cầu tiêu thụ thịt lợn khá cao và đây là những địa chỉ doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi kết nối với người dân để có được nguồn hàng ổn định, đạt chuẩn.
“Chúng ta buộc phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Với thị trường Trung Quốc, cần xúc tiến xuất khẩu theo đường chính ngạch. Ngoài ra, cần xúc tiến xuất khẩu thịt lợn sang cả các thị trường khác lân cận xung quanh. Song song với đó, cần có một hệ thống thông tin chuẩn xác để kết nối giữa nhà cung cấp với các nhà thu mua đến từ nhiều nước trên thế giới. Dần dần, tạo thành một hệ thống giao thương với nhiều nhà cung cấp đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước lân cận”, ông Việt chia sẻ./.
Bình luận