Diễn biến thị trường vàng Việt Nam gần đây

Những tháng cuối cùng của năm 2023 là chuỗi ngày thị trường vàng Việt Nam biến động mạnh. Giá vàng đã tạo nên những mốc kỷ lục liên tiếp nhau và mốc kỷ lục được lập vào ngày 26/12/2023, với mức giá trên 80 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam (tính cả đến cuối tháng 2/2024).

Trong khi đó, trước năm 2006, giá vàng chưa bao giờ vượt qua con số 10 triệu đồng/lượng (tháng 11/2005: 9,55 triệu đồng/lượng). Từ năm 2006, giá vàng đã phá rào 10 triệu đồng/lượng (tháng 4/2006: 11,576 triệu đồng lượng). Từ đó đến năm 2018, giá vàng “đủng đỉnh” tăng và giữ giá nhiều năm ở mức xoay quanh 40 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, đỉnh giá vàng vào khoảng 42,75 triệu đồng/lượng, nhưng năm 2020 vọt lên 60,32 triệu đồng/lượng (ngày 9/8/2020). Vào đầu năm 2021, vàng có giá 57,32 triệu đồng/lượng và cuối năm này chỉ nhích lên 61 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, năm 2022 giá vàng vọt lên 74 triệu đồng/lượng. Đầu năm 2023, giá bán vàng SJC có lúc đạt tới 69 triệu đồng/lượng. Từ tháng 2-7, giá SJC giao dịch ở mức 67 triệu đồng/lượng, nhưng cuối năm ngoái, đã có thời điểm giá bán vàng SJC ở Hà Nội vượt qua mốc 80 triệu đồng/lượng.

Đôi điều rút ra từ sự biến động của thị trường vàng Việt Nam
Chỉ số giá vàng trong 12 tháng năm 2023 ghi nhận tới 9 tháng đều tăng. Ảnh: VGP

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng trong 12 tháng năm 2023 có 3 tháng ghi nhận giá trị âm so với tháng trước (có nghĩa là giá vàng các tháng này thấp hơn giá tháng trước, giá giảm nhiều nhất là tháng 6/2023 tới 0,62%); 9 tháng còn lại đều tăng, nhiều nhất lần lượt là các tháng 11: +2,77%, tháng 12: +3,98%, gấp gần 4 lần giá tăng chung hàng tháng trong năm 2023. Tháng 1-2/2024, chỉ số giá vàng vẫn tăng: 2,55% và 1,25%.

Biến động giá xảy ra (gồm cả tăng lẫn giảm) liên tiếp nhau, có những ngày liên tiếp giá vàng leo dốc theo chiều thẳng đứng, với khoảng cách rộng giữa các lần thay đổi giá. Thậm chí chỉ cách nhau một giờ trong một ngày, giá vàng không chỉ tăng/giảm 1 triệu đồng/lượng, mà có thời điểm tăng/giảm nhiều triệu đồng, như ngày 28/12/2023 với vàng SJC ở Hà Nội cả chiều mua lẫn chiều bán đều tăng với biên độ lớn (Bảng).

Bảng: Giá vàng SJC ở Hà Nội ngày 28/12/2023

Giờ

Giá mua

Giá bán

8h

77,8

79,8

15h

72,0

75,2

16h

74,5

77,5

Ngược lại, chỉ trong nửa giờ ngày 26/12/2023, giá vàng giảm 2 triệu đồng/lượng theo chiều mua và giảm 1,8 triệu đồng/lượng chiều bán.

Khoảng cách giữa giá mua và bán tại cùng một thời điểm, cùng một cửa hàng, cùng một thương hiệu vàng thường dưới 2 triệu đồng/lượng, nhưng có thời điểm khoảng cách này nới rộng tới 3 triệu đồng/lượng (từ ngày 29-31/12/2023). Tháng 2/2024, chênh lệch giữa giá mua và bán trung bình là 2,352 triệu đồng/lượng, nhưng có thời điểm mức chênh lệch lên tới 3,42 triệu đồng/lượng vào ngày 13/2.

Cùng là vàng miếng, cũng là vàng 9999, nhưng giá vàng khác nhau quá lớn giữa các thương hiệu, như: ngày 30/12/2023, giá mua vàng SJC ở Hà Nội là 71 triệu đồng/lượng, thì Doji Hà Nội chỉ có 68 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng trong nước thường cùng chiều với giá vàng thế giới (cùng tăng, cùng giảm chỉ khác nhau về mức độ), nhưng nhiều lúc lại ngược chiều (giá thế giới tăng, giá trong nước lại giảm hoặc ngược lại).

Chênh lệch quá lớn giá vàng trong nước và giá thế giới có lúc gần 20 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch quá lớn, không thể chấp nhận được. Chênh lệch giá vàng SJC với giá thế giới năm 2021 là 12 triệu đồng/lượng, nhưng đầu năm 2023 lên tới 14,8 triệu đồng/lượng và ngày 27/12/2023 là 18,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch trung bình trong 29 ngày của tháng 2/2024 là 16,681 triệu đồng/lượng (trong tháng 2/2024, chênh lệch nhiều nhất là: 18,81 triệu đồng, chênh lệch ít nhất: 16,01 triệu đồng/lượng).

Chênh lệch giá mua và bán, giá trong nước và thế giới, tăng hay sụt giá nhanh, liên tiếp… tất cả những rủi ro do biến động này, thì người đầu tư hoặc người dân mua, bán vàng đều là người chịu thiệt. Các ông chủ doanh nghiệp giàu to, bởi chính họ tự quyết định về giá cả.

Lý giải nguyên nhân giá vàng biến động mạnh

Nhu cầu vàng lớn hơn cung là nguyên nhân chính dẫn đến những diễn biến bất bình thường của thị trường vàng trong thời gian qua.

Về cung vàng, ở nước ta sản xuất vàng rất nhỏ, toàn bộ vàng có ở Việt Nam là từ nhập khẩu. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), Việt Nam là một quốc gia nhập nhiều vàng, năm 2022 nhập 43 tấn vàng, năm 2021 nhập 31 tấn. Lượng vàng nhập vào Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính vì vậy, quan hệ cung cầu vàng của Việt Nam phụ thuộc vào mối quan hệ cung cầu vàng trên thế giới.

Về cầu vàng, năm 2023, tốc độ phát triển kinh tế nước ta chậm lại, trong khi các thị trường bất động sản, chứng khoán... không ổn định và có chiều hướng suy giảm, lại thêm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đồng loạt giảm sâu…, nên đã làm cho các nhà đầu tư và người dân phải tìm giải pháp bảo toàn tài sản thông qua mua vàng. Điều này cộng với tâm lý đám đông và các tháng cuối năm và đầu năm, nhu cầu về vàng tăng do vào mùa cưới hỏi, lễ Tết…

Các chính sách và cơ chế quản lý thị trường vàng Việt Nam

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1426/CĐ-TTg, ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng đã yêu NHNN có giải pháp hiệu quả để quản lý và điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao như thời gian vừa qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. Công điện đã có tác động nhất định với thị trường vàng trong nước, thể hiện rõ nhất là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ ngày 27-28/12/2023. Cụ thể, chênh lệch giá vàng SJC và vàng thế giới ngày 29/12 là 14,283 triệu đồng/lượng, ngày 30/12 giảm xuống: 13,32 triệu đồng/lượng. Nhìn chung, các tháng 1-2/2024 chênh lệch đã giảm nhiều so với các tháng 11-12/2023, bình quân chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trong 29 ngày của tháng 2/2024 là: 16,681 triệu đồng/lượng, tuy còn cách xa so với kỳ vọng.

Năm 2012, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 24/NĐ-CP, nhằm chống tình trạng đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vì ra đời cách đây 11 năm và các điều kiện kinh tế-xã hội đã thay đổi, nên việc sửa đổi Nghị định số 24/NĐ-CP là cần thiết và đáng lẽ phải tiến hành sớm hơn, để đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường vàng trong bối cảnh mới hiện nay…/.